backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

12 yếu tố nguy cơ gây bệnh vảy nến có thể bạn chưa biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 29/11/2021

    12 yếu tố nguy cơ gây bệnh vảy nến có thể bạn chưa biết

    Bà Nguyễn Thị Kim Bình, 70 tuổi, trú tại ngõ 1 Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội, từng rất tự ti, ngại giao tiếp với mọi người vì các triệu chứng của vảy nến hành hạ suốt nhiều năm. Mắc bệnh từ năm 1995, bà đã sử dụng rất nhiều thuốc, thậm chí ai mách gì chữa nấy nhưng các triệu chứng vảy nến chỉ thuyên giảm đôi chút. Vậy nguyên nhân bệnh vảy nến là gì? Mời bạn cùng tìm hiểu. 

    Bệnh vảy nến là một tình trạng tự miễn dịch ảnh hưởng đến da – cơ quan rộng nhất bao phủ khắp cơ thể. Bệnh khiến các tế bào da nhân lên và chết đi nhanh gấp 10 lần bình thường (sau 3 – 4 ngày so với 28 – 30 ngày so với bình thường). Những tế bào da chết sẽ được đưa lên bề mặt, tích tụ lại và tạo ra các mảng tổn thương dày, dạng vảy được gọi là mảng bám. Các khu vực da bị ảnh hưởng thường có màu đỏ, bong vảy khô, ngứa, thậm chí là gây cảm giác nóng rát và đau đớn.

    Nguyên nhân bệnh vảy nến

    Hiện nay, trên thế giới có khoảng 125 triệu người bị vảy nến. Ở Việt Nam, con số này là 2,5 triệu người. Nguyên nhân gây bệnh vảy nến chưa được biết đến rõ ràng, nhưng các nhà nghiên cứu đã chỉ ra được các yếu tố nguy cơ kích hoạt bệnh phát triển. Điều này giúp đem lại hiệu quả tích cực trong việc cải thiện triệu chứng vảy nến, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người mắc. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu 12 nguyên nhân bệnh vảy nến khiến bệnh bùng phát hoặc trầm trọng hơn. Nhờ đó, bạn có cách ngăn ngừa tái phát hiệu quả.

    1. Di truyền

    Theo Tổ chức Bệnh vảy nến Quốc gia Mỹ (National Psoriasis Foundation), ước tính có khoảng 10% dân số mang gen làm gia tăng nguy cơ mắc vảy nến. May mắn là chỉ có 2 – 3% số người mang gen gây bệnh thực sự phát triển chứng vảy nến.

    Các nhà khoa học đã xác định được khoảng 25 biến thể gen có thể là nguyên nhân bệnh vảy nến. Những biến thể di truyền này được cho là gây ra những thay đổi đến các tế bào T hoạt động. Tế bào T của hệ miễn dịch có chức năng chống lại những tác nhân gây hại tấn công từ bên ngoài như virus và vi khuẩn. Ở những người mắc vảy nến, tế bào T tấn công các tế bào da khỏe mạnh do nhầm lẫn da là cơ quan ngoại lai cần phải loại bỏ. Phản ứng của hệ miễn dịch này dẫn đến một loạt các phản ứng, bao gồm:

    • Sự giãn nở của các mạch máu trong da
    • Sự gia tăng các tế bào bạch cầu kích thích da sản xuất tế bào mới nhanh hơn bình thường
    • Sự gia tăng các tế bào da, tế bào T và các tế bào hệ miễn dịch bổ sung
    • Sự tích tụ của các tế bào da chết trên bề mặt da
    • Sự phát triển của các mảng da dày, có vảy liên quan đến bệnh vảy nến.

    2. Các kích hoạt liên quan đến thực phẩm

    Các kích hoạt liên quan đến thực phẩm
    Người có nguy cơ mắc vảy nến hay người bị bệnh này nên tránh sử dụng sữa và các chế phẩm từ sữa

    Hiện nay, các nhà khoa học chưa xác định được mối liên quan giữa bệnh vảy nến và thực phẩm. Thế nhưng, theo Tổ chức Bệnh vảy nến Quốc gia Mỹ, người bị bệnh vảy nến nên tránh sử dụng sữa hay các chế phẩm từ sữa, trái cây họ cam quýt, thực phẩm chứa gluten và các loại nhiều chất béo như đồ ăn vặt, đồ chiên rán,…

    3. Căng thẳng

    Căng thẳng kéo dài và vảy nến thường đi đôi với nhau. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, tình trạng căng thẳng quá mức hay căng thẳng bất thường có thể kích hoạt vảy nến bùng phát. Nếu học được cách giảm thiểu và kiểm soát căng thẳng, bạn có thể giảm hoặc ngăn ngừa vảy nến bùng phát. Yoga và thiền rất hữu ích trong việc giảm căng thẳng.

    4. Rượu bia

    Thật không may, rượu bia là một yếu tố kích hoạt khiến nhiều người bị vảy nến. Một nghiên cứu từ Bệnh viện Brigham and Women, bang Massachusetts, Mỹ đã chỉ ra rằng, những người uống bia nồng độ cồn cao có sự gia tăng nguy cơ mắc vảy nến. Nguy cơ này gia tăng khi bạn sử dụng kết hợp với 2 – 3 thức uống có cồn mỗi tuần.

    Do đó, giảm tiêu thụ rượu bia là cách thông minh để bảo vệ sức khỏe bản thân, tránh được nhiều bệnh nguy hiểm nói chung và những bệnh về da nói riêng. Hãy trao đổi với chuyên gia của bạn, họ sẽ giúp bạn lập kế hoạch bỏ rượu bia và thực hiện điều ấy một cách hiệu quả.

    5. Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời

    Trên thực tế, một số người bị vảy nến tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ở mức độ vừa phải có thể làm giảm các triệu chứng bệnh. Nhưng đối với một số người, việc tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời lại là nguyên nhân khiến họ bị vảy nến. Hãy nhớ rằng, da bị cháy nắng có thể gây ra một đợt bùng phát vảy nến. Do đó, bạn chỉ nên để da tiếp xúc với ánh mặt trời ở mức độ tối thiểu. Hãy luôn mang theo mũ rộng vành, áo dài tay hoặc bao tay và thoa kem chống nắng khi tham gia các hoạt động ngoài trời dưới nắng gắt.

    6. Béo phì

    Béo phì
    Nếu bị béo phì, bạn nên tập thể dục thường xuyên để giảm cân và phòng ngừa mắc bệnh vảy nến

    Béo phì, thừa cân làm tăng nguy cơ mắc vảy nến, đồng thời khiến các triệu chứng của bệnh trở nên tồi tệ hơn. Một nghiên cứu của JAMA Dermatology công bố vào 7/2013 đã chỉ ra rằng, việc thực hiện chế độ ăn ít calorie giúp cải thiện triệu chứng bệnh.

    Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh để quản lý cân nặng. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, hãy trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng để được hỗ trợ. Họ sẽ tư vấn giúp bạn loại thực phẩm nào nên ăn và số lượng cần thiết mỗi ngày để giảm cân.

    7. Thời tiết lạnh, hanh khô

    Khí hậu lạnh, hanh khô khiến độ ẩm của da bị giảm đáng kể, da trở nên khô ráp, dễ kích ứng. Đây cũng là yếu tố kích hoạt vảy nến bùng phát. Ngoài ra, những người có thói quen dùng thiết bị sưởi khi thời tiết quá lạnh càng làm da bị khô, khiến vảy nến trở nên tồi tệ hơn. Hãy dưỡng ẩm cho da và nếu có thể, bạn nên mua thiết bị tạo độ ẩm trong phòng.

    8. Hút thuốc lá

    Nếu bạn bị bệnh vảy nến, hãy từ bỏ thói quen hút thuốc lá. Thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc vảy nến và cũng làm cho các triệu chứng của bệnh nặng hơn. Lưu ý là việc hút thuốc lá thụ động cũng gây những tác hại tương tự. Do đó, bạn nên tránh những nơi có người hút thuốc hay tránh tiếp xúc với khói thuốc.

    9. Sử dụng thuốc

    Sử dụng thuốc
    Một số loại thuốc có thể làm gia tăng nguy cơ mắc vảy nến

    Một số loại thuốc có thể tác động vào phản ứng tự miễn dịch của cơ thể, làm gia tăng nguy cơ bị bệnh vảy nến nặng. Các thuốc này bao gồm thuốc chẹn bêta (được sử dụng để điều trị bệnh cao huyết áp), thuốc steroid và thuốc chống sốt rét. Hãy cho chuyên gia biết nếu bạn bị vảy nến hoặc có nguy cơ mắc bệnh này nếu bạn đã và đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào kể trên.

    10. Nhiễm khuẩn

    Một số bệnh nhiễm trùng như viêm họng liên cầu khuẩn (viêm họng do Streptococcus), nhiễm nấm (Candida albicans) và nhiễm trùng đường hô hấp trên có thể gây bùng phát bệnh vảy nến. Nếu nghi ngờ bạn đã bị nhiễm một trong các loại vi khuẩn này, hãy cho chuyên gia biết để điều trị kịp thời.

    Nguyên do là khi mắc một trong các bệnh trên, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động quá mức để chống lại tình trạng nhiễm trùng. Điều này có thể khiến da bị tấn công do nhầm lẫn, gây bùng phát vảy nến hoặc khiến các triệu chứng của bệnh tồi tệ hơn.

    11. Da bị tổn thương

    Nếu bạn từng bị tổn thương da (vết cắn, vết cắt, vết trầy xước,…), bạn có thể nhận thấy những triệu chứng vảy nến xuất hiện gần khu vực da bị ảnh hưởng. Những tổn thương này có thể xảy ra trong các hoạt động hàng ngày như cạo râu, làm bếp, vận động, tập luyện thể thao,… Khi thực hiện bất kỳ hoạt động nào có thể khiến da bị tổn thương, hãy áp dụng biện pháp phòng ngừa như: Dùng dụng cụ bảo hộ, găng tay và sử dụng vòi hoặc bình phun xịt.

    12. Mắc một dạng rối loạn tự miễn khác

    Mắc một dạng rối loạn tự miễn như HIV hay viêm khớp dạng thấp cũng có thể là nguy cơ khiến bạn bị bệnh rối loạn tự miễn về da.

    Vảy nến là căn bệnh không thể chữa khỏi và bạn không phải lúc nào cũng tránh được những nguy cơ kích hoạt bệnh, nhưng bạn có thể kiểm soát các triệu chứng. Do đó, hãy tìm hiểu những yếu tố có nguy cơ kích hoạt và giảm thiểu ảnh hưởng của chúng. Điều này giúp bạn ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ mắc vảy nến hoặc giảm nhẹ triệu chứng của bệnh.

    Nếu bị vảy nến, bạn hãy trao đổi với chuyên gia để tìm phương pháp điều trị phù hợp giúp giảm triệu chứng. Thực hiện các bước để xác định yếu tố kích hoạt và hạn chế tiếp xúc với chúng. Điều này cũng giúp ngăn ngừa các đợt bùng phát vảy nến trong tương lai.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 29/11/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo