backup og meta

Viêm kết mạc herpes

Viêm kết mạc herpes

Tìm hiểu chung

Bệnh viêm kết mạc herpes là gì?

Viêm kết mạc herpes là tình trạng nhiễm virus herpes simplex type 1 (HSV-1) ở mắt khá phổ biến, thường tái phát nhiều lần. Bệnh có thể gây viêm hoặc sẹo ở giác mạc.

Các dạng viêm kết mạc herpes

Viêm kết mạc herpes có rất nhiều dạng, từ những tình trạng đơn giản đến các vấn đề có thể gây mất thị lực, chẳng hạn như:

  • Viêm giác mạc herpes: đây là dạng bệnh phổ biến, do nhiễm virus ở giác mạc. Loại viêm giác mạc herpes này chỉ ảnh hưởng đến lớp trên cùng hoặc biểu mô của giác mạc và thường lành mà không để lại sẹo.
  • Viêm giác mạc chủ mô (stroma): xảy ra khi nhiễm trùng đi sâu hơn vào lớp giác mạc, dẫn đến sẹo mắt, mất thị lực và đôi khi là mù lòa.
  • Viêm mống mắt thể mi, hay còn gọi viêm màng bồ đào trước: là một tình trạng nhiễm herpes nguy hiểm, xảy ra khi mống mắt và các mô xung quanh viêm, khiến bạn nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ, đau và đỏ mắt.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng viêm kết mạc herpes là gì?

Các triệu chứng viêm kết mạc herpes rất đa dạng, bao gồm:

  • Ngứa hoặc đột ngột đau mắt nghiêm trọng
  • Giác mạc có thể đục, dẫn đến nhìn mờ
  • Sưng xung quanh mắt
  • Chảy nước mắt
  • Nhiễm trùng mắt tái phát
  • Kích ứng
  • Cảm giác có dị vật trong mắt
  • Đỏ mắt
  • Đau mắt
  • Mắt chảy dịch
  • Nhạy cảm với ánh sáng

Viêm kết mạc herpes và viêm kết mạc (đau mắt đỏ)

Nhiều người thường nhầm lẫn viêm kết mạc do herpes là đau mắt đỏ vì thấy đỏ mắt. Đặc điểm chung của hai tình trạng này là đều do virus gây ra. Ngoài ra, đau mắt đỏ cũng có thể do vi khuẩn, dị ứng hoặc hóa chất.

Chỉ có bác sĩ mới phân biệt chính xác viêm kết mạc do herpes và đau mắt đỏ bằng các xét nghiệm. Nếu bạn bị herpes, kết quả xét nghiệm sẽ dương tính với virus HSV-1.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây viêm kết mạc herpes?

Tình trạng này xảy ra khi người bệnh nhiễm virus herpes ở mắt và mí mắt, cụ thể là:

  • Giác mạc
  • Võng mạc
  • Kết mạc

Bệnh herpes ở mắt không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhưng có thể lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với da hoặc dịch của người nhiễm HSV-1. Ngoài ra, mụn rộp sinh dục liên quan đến bệnh lây truyền qua đường tình dục là HSV-2.

Bạn không thể tiêu diệt virus HSV hoàn toàn. Virus có thể “ngủ đông” trong cơ thể và sẽ kích hoạt lại trong tương lai. Tuy nhiên, nguy cơ truyền nhiễm bệnh ở những đối tượng này là thấp. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng virus để giảm mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát tiếp theo.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm kết mạc herpes?

Hãy đến bác sĩ nhãn khoa ngay nếu bạn có các triệu chứng bệnh. Việc điều trị sớm sẽ giúp cải thiện triển vọng của bệnh.

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ hỏi chi tiết các triệu chứng bạn mắc phải, chẳng hạn như thời gian bắt đầu hoặc bạn đã từng có các dấu hiệu này chưa.

Bác sĩ cũng kiểm tra mắt kỹ lưỡng thông qua đánh giá thị lực, độ nhạy cảm với ánh sáng và chuyển động của mắt. Họ cũng sẽ kiểm tra võng mạc của bạn sau khi nhỏ thuốc giãn đồng tử.

Ngoài ra, bạn cũng cần làm sinh thiết hoặc xét nghiệm máu để chắc chắn chẩn đoán bệnh.

Những phương pháp nào giúp điều trị viêm kết mạc herpes?

Hiện tại không có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh nhiễm herpes ở mắt. Thay vào đó, bác sĩ có thể kê đơn thuốc làm giảm tác dụng và triệu chứng của tình trạng này. Phương pháp điều trị thường phụ thuộc vào vị trí của mụn rộp mắt.

Mí mắt

Các bác sĩ sẽ kê toa thuốc mỡ tại chỗ, chẳng hạn như thuốc mỡ kháng virus hoặc kháng sinh.

Mặc dù thuốc mỡ kháng sinh sẽ không giải quyết được tình trạng nhiễm herpes, nhưng chúng sẽ ngăn các vi khuẩn khác xâm nhập vào các khu vực mở, phồng rộp của mí mắt.

Lớp mắt ngoài

Nếu mụn rộp chỉ ảnh hưởng đến các lớp ngoài cùng của mắt, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng virus dạng nhỏ mắt hoặc uống. Những thuốc này giúp giảm tác động của virus và có thể rút ngắn thời gian nhiễm bệnh.

Lớp mắt sâu hơn

Nếu virus herpes đã ảnh hưởng đến các lớp sâu hơn của mắt, bác sĩ có thể kê toa thuốc nhỏ mắt kháng virus kết hợp với các thuốc uống.

Họ cũng có thể kê toa thuốc nhỏ mắt steroid để giúp giảm viêm, nhưng sẽ làm tăng nhãn áp. Vì vậy, bác sĩ sẽ kiểm soát quá trình điều trị cẩn thận.

Viêm kết mạc do herpes có nguy hiểm không?

Sau lần nhiễm bệnh đầu tiên, khoảng 20% trường hợp sẽ tái phát bệnh sau một năm. Sau nhiều lần tái phát, bác sĩ có thể chỉ định bạn các thuốc kháng virus dùng hàng ngày.

Nếu các tổn thương giác mạc xảy ra nhiều lần sẽ gây ra các biến chứng như:

  • Loét
  • Tê bề mặt giác mạc
  • Thủng giác mạc

Nếu giác mạc tổn thương đủ để gây mất thị lực nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu ghép giác mạc.

Phòng ngừa

Làm sao để phòng ngừa viêm kết mạc herpes tái phát?

Vì mụn rộp mắt dễ bị nhiễm trùng hơn, nên bác sĩ có thể khuyên bạn dùng thuốc kháng virus thường xuyên để giảm nguy cơ bệnh tái phát.

Nhiễm trùng mắt do herpes tái phát có thể dẫn đến tổn thương mắt nghiêm trọng, đó là lý do tại sao các bác sĩ muốn ngăn ngừa bệnh tái phát.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Eye Herpes.https://www.healthline.com/health/eye-herpes#recurrence. Ngày truy cập 13/12/2019

Eye Herpes. https://www.allaboutvision.com/conditions/ocular-herpes.htm. Ngày truy cập 13/12/2019

Eye Herpes. https://www.medicalnewstoday.com/articles/321693.php#treatments. Ngày truy cập 13/12/2019

Phiên bản hiện tại

24/05/2021

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Mổ mắt cận ReLEx SMILE có ưu nhược điểm gì, giá bao nhiêu?

Phẫu thuật mí mắt: Quy trình, rủi ro và cách hồi phục nhanh chóng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 24/05/2021

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo