backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

6 cách chữa rối loạn nhịp tim tại nhà bạn nên biết

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương · Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 10/04/2023

    6 cách chữa rối loạn nhịp tim tại nhà bạn nên biết

    Điều trị rối loạn nhịp tim thường chỉ cần thiết nếu người bệnh có triệu chứng đáng kể hoặc tình trạng tim loạn nhịp làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch nghiêm trọng hơn trong tương lai. Trong đó, một số trường hợp bệnh không cần điều trị y tế và bạn có thể áp dụng một số cách chữa rối loạn nhịp tim tại nhà để kiểm soát nhịp tim, giảm nguy cơ hình thành cục máu đông và các biến cố nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

    Cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!

    6 cách chữa rối loạn nhịp tim tại nhà

    1. Giảm căng thẳng

    Trạng thái căng thẳng và tức giận dữ dội có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhịp tim, khiến tim đập nhanh hơn.

    Giảm căng thẳng là một cách chữa rối loạn nhịp tim tại nhà đơn giản nhưng ít người làm được. Nếu cảm thấy quá căng thẳng, hãy nhanh chóng cách ly bản thân ra khỏi hoàn cảnh đó, thư giãn, cố gắng dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc mỗi đêm và làm những việc mình yêu thích để cảm thấy thoải mái hơn.

    Ngoài ra, bạn có thể:

    • Tập yoga
    • Ngồi thiền
    • Hít thở sâu (hít sâu qua mũi và thở ra bằng miệng)

    Nghiên cứu cho thấy các bài tập này giúp cơ thể giảm tiết hormone adrenalin – một chất làm co mạch và tăng nhịp tim. Bạn nên thực hiện chúng hàng ngày để giúp ngăn ngừa các cơn rối loạn nhịp tim tái phát trong tương lai.

    Một số nghiên cứu khác cho thấy rằng châm cứu có thể giúp giảm nhịp tim không đều ở những người bị rối loạn nhịp tim dai dẳng, nhưng vẫn cần các nghiên cứu thêm.

    cách chữa rối loạn nhịp tim tại nhà là giảm căng thẳng

    2. Uống đủ nước và bổ sung chất điện giải là cách chữa rối loạn nhịp tim tại nhà dễ thực hiện

    Khi cơ thể bị mất nước, máu có thể trở nên cô đặc hơn và tim phải buộc đập nhanh hơn để bơm đủ máu cho các cơ quan còn lại trong cơ thể. Vì vậy, hãy bổ sung nước thường xuyên trong suốt cả ngày nhằm giữ nhịp tim ổn định.

    Tương tự như nước, các chất điện giải trong máu, chẳng hạn như kali, natri, canxi và magiê tham gia kích hoạt và gửi các xung điện trong tim. Sự mất cân bằng chất điện giải, dù thấp hay cao, đều có thể cản trở tín hiệu điện của tim và dẫn đến nhịp tim không đều. Bạn hoàn toàn có thể cung cấp các chất điện giải thông qua chế độ ăn với các thực phẩm lành mạnh như: bơ, chuối, các loại rau sẫm màu, các loại hạt và cá.

    3. Hạn chế các chất kích thích làm ảnh hưởng đến nhịp tim

    Một số chất kích thích có thể góp phần gây ra nhịp tim bất thường, chẳng hạn như:

    • Thuốc lá
    • Rượu bia và các loại đồ uống có cồn khác
    • Caffein chứa trong trà, cà phê, cola và một số loại thuốc giảm đau, thuốc cảm cúm…
    • Thuốc điều trị bệnh tâm thần
    • Một số thuốc chống loạn nhịp
    • Thuốc chẹn beta điều trị cao huyết áp
    • Các chất kích thích bất hợp pháp khác như cocaine, cần sa và methamphetamine

    Vì vậy, cách chữa rối loạn nhịp tim tại nhà đơn giản nhất là bạn cần hạn chế sử dụng bất kỳ chất kích thích nào trong số đã kể trên. Tốt nhất, hãy bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt và hạn chế hoặc ngừng uống rượu và các thức uống chứa caffein. Nếu nghi ngờ loại thuốc nào gây nhịp tim không đều, bạn hãy báo với bác sĩ để được hỗ trợ.

    cách chữa rối loạn nhịp tim tại nhà là tránh chất kích thích

    4. Cách chữa rối loạn nhịp tim tại nhà là áp dụng một lối sống lành mạnh

    Một lối sống lành mạnh góp phần ngăn ngừa những tổn thương tim có thể gây rối loạn nhịp tim. Bạn nên:

    • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh tốt cho tim. Ăn một chế độ ăn uống ít muối và chất béo động vật, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn; bổ sung nhiều trái cây tươi, rau xanh, các loại ngũ cốc, thịt nạc, chất béo lành mạnh từ các loại hạt và cá.
    • Tập thể dục điều độ. Luyện tập thể dục đều đặn và ít nhất 30 phút mỗi ngày với các bài tập như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội,…
    • Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Thừa cân làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim. Vì vậy, nếu bạn thừa cân, hãy thực hiện giảm cân lành mạnh bằng chế độ ăn uống khoa học và tăng cường hoạt động thể chất.

    5. Cách chữa rối loạn nhịp tim tại nhà: Tự theo dõi nhịp tim thường xuyên

    Mạch hay nhịp tim là số lần tim đập trong 1 phút. Nhịp tim bình thường khi nghỉ ngơi nằm trong khoảng từ 60 đến 100 nhịp mỗi phút. Bạn nên biết cách bắt mạch để kiểm tra nhịp tim thường xuyên theo các bước sau đây:

    • Nghỉ ngơi 30 phút trước khi đếm nhịp tim
    • Đặt ngón trỏ và ngón giữa của một bàn tay lên cổ tay bên còn lại, ngay bên dưới nếp gấp cổ tay hoặc đặt lên cổ ngay bên dưới góc hàm
    • Ấn nhẹ hai ngón tay để cảm nhận nhịp đập và đến số lần đập trong một phút
    • Ghi lại số nhịp tim đã đếm được cùng với ngày và thời gian kiểm tra, cũng như cảm giác của bạn vào thời điểm đó.

    Nếu thường xuyên kiểm tra thấy được nhịp tim quá nhanh hay quá chậm, hoặc không đều kèm theo các triệu chứng bất thường như chóng mặt, ngất xỉu thì bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám càng sớm càng tốt.

    6. Dùng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ

    cách chữa rối loạn nhịp tim tại nhà là dùng thuốc đúng chỉ định

    Huyết áp cao, bệnh tiểu đường và cholesterol cao là những yếu tố làm nghiêm trọng hơn triệu chứng rối loạn nhịp tim. Vì vậy, nếu gặp những tình trạng này, hãy dùng thuốc theo quy định để giữ huyết áp, lượng đường trong máu và mức cholesterol trong tầm kiểm soát.

    Bác sĩ cũng có thể kê đơn một số loại thuốc để điều trị rối loạn nhịp tim phụ thuộc vào loại rối loạn nhịp tim mà bạn mắc phải (nhịp tim nhanh hay nhịp tim chậm) và các biến chứng tiềm ẩn có thể xuất hiện trong tương lai.

    Vì vậy, cách chữa rối loạn nhịp tim tại nhà quan trọng nhất là bạn cần dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý ngưng dùng đột ngột bất kỳ loại thuốc nào đã được kê đơn mà không có sự cho phép của bác sĩ.

    Đôi khi, việc dùng thuốc có thể thay đổi tùy vào tình hình sức khỏe của bạn tại thời điểm đó. Hãy tái khám đúng hẹn, hoặc khi gặp tác dụng phụ của thuốc, hoặc thấy triệu chứng trở nặng để bác sĩ điều chỉnh giúp bạn.

    Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

    Hãy đến thăm khám với bác sĩ ngay nếu bạn nhận thấy triệu chứng rối loạn nhịp tim ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức nếu cảm thấy:

    • Khó thở
    • Suy nhược
    • Chóng mặt
    • Choáng váng
    • Đau ngực
    • Hồi hộp, đánh trống ngực
    • Mệt mỏi
    • Ngất xỉu.

    Hi vọng bài viết đã cung cấp đến bạn những cách chữa rối loạn nhịp tim tại nhà đơn giản, hiệu quả. Bạn nên kết hợp chúng với các chỉ định của bác sĩ để kiểm soát tốt tình trạng tim loạn nhịp lâu dài.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

    Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 10/04/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo