backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Nguyên nhân rối loạn nhịp tim bắt nguồn từ đâu?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương · Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 18/07/2023

    Nguyên nhân rối loạn nhịp tim bắt nguồn từ đâu?

    Nguyên nhân rối loạn nhịp tim thường là do tim gặp vấn đề trong các tín hiệu điện điều khiển nhịp tim. Tình trạng này cũng có thể xảy ra đột ngột do gắng sức hoặc căng thẳng, mất cân bằng trong máu, thuốc men hoặc các vấn đề bệnh lý khác.

    Thông thường, rối loạn nhịp tim được gây ra bởi một tác nhân kích hoạt và triệu chứng có thể lặp đi lặp lại, kéo dài nếu có vấn đề bất thường ở tim. Đôi khi, nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim cũng khó xác định rõ ràng. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết này nhé!

    Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim bắt nguồn từ đâu?

    Nhịp tim bình thường được điều khiển bởi một máy tạo nhịp tim tự nhiên (nút xoang) ở buồng trên bên phải (tâm nhĩ phải). Nút xoang bắt đầu gửi tín hiệu điện ở đầu mỗi nhịp tim. Các tín hiệu điện này di chuyển trong các đường dẫn truyền qua tâm nhĩ, làm cho cơ tim co bóp và đẩy máu từ tâm nhĩ vào tâm thất.

    Tiếp theo, các tín hiệu điện đến nút nhĩ thất và dần dần chậm lại. Trong khoảnh khắc này, máu sẽ được đổ đầy tâm thất (tức là thời gian tâm trương). Tín hiệu điện tiếp tục di chuyển tới tâm thất, chỉ huy tâm thất co lại để đưa máu đi.

    Ở một trái tim khỏe mạnh, quá trình truyền tín hiệu tim này thường diễn ra suôn sẻ. Nhịp tim khi nghỉ ngơi bình thường là 60 đến 100 nhịp một phút.

    nguyên nhân rối loạn nhịp tim bắt nguồn từ đâu?

    Nguyên nhân rối loạn nhịp tim có thể do:

    Những thay đổi trong mô tim và hoạt động của tim

    Các tình trạng sau đây ở tim có thể gây ra rối loạn nhịp tim:

    • Những thay đổi bệnh lý trong cấu trúc của tim như thay đổi cơ tim (bệnh cơ tim) hay tổn thương cấu trúc, chức năng van tim.
    • Giảm lưu lượng máu đến tim hoặc hệ thống điện của tim bị tắc nghẽn.
    • Do quá trình lành sẹo trên thành cơ tim sau khi phẫu thuật tim trước đó.
    • Bị tổn thương do cơn đau tim hiện tại hoặc sẹo nhồi máu do cơn đau tim trước đó.
    • Do xơ cứng lại của mô tim, được gọi là xơ hóa hoặc sẹo.

    Căng thẳng hoặc lo lắng

    Căng thẳng về thể chất và tinh thần, lo lắng, tức giận, đau đớn hoặc phải đối phó với các tình huống bất ngờ, đột ngột có thể khiến tim làm việc nhiều hơn bình thường, gây tăng huyết áp và giải phóng các hormone căng thẳng. Đôi khi, sự thay đổi những hormone này có thể là nguyên nhân rối loạn nhịp tim. Chẳng hạn như ở người đã có tình trạng suy tim, hoạt động thể chất nặng có thể gây ra rối loạn nhịp tim do dư thừa hormone mang tính kích thích như adrenaline.

    Trong một số trường hợp hiếm gặp, nôn mửa hoặc ho cũng có thể gây rối loạn nhịp tim.

    Nguyên nhân rối loạn nhịp tim là do mất cân bằng các chất trong máu

    Các chất điện giải trong máu, chẳng hạn như kali, natri, canxi, magiê,… giúp kích hoạt và dẫn truyền các xung điện trong tim. Sự dư thừa hoặc thiếu hụt các chất điện giải này có thể gây cản trở tín hiệu tim và làm thay đổi nhịp tim.

    Cụ thể như sau:

    • Khi bị giảm nồng độ kali, magiê hoặc canxi trong máu có thể gây ra rối loạn nhịp tim. Sự mất cân bằng điện giải này có thể xảy ra sau một cơn nhồi máu cơ tim hoặc phẫu thuật trên tim.
    • Sự dư thừa hormone tuyến giáp có thể khiến tim đập nhanh hơn, dẫn đến các cơn loạn nhịp, và thiếu hụt hormone tuyến giáp có thể làm chậm nhịp tim.
    • Mất nước có thể khiến tim đập nhanh và mạnh.
    • Lượng đường trong máu thấp, do chế độ ăn uống hoặc sử dụng liều insulin quá cao ở người mắc bệnh tiểu đường, có thể dẫn đến nhịp tim chậm hoặc nhanh bất thường.

    Rối loạn tín hiệu điện điều khiển nhịp tim

    Rối loạn nhịp tim có thể do nguyên nhân các tín hiệu điện điều khiển nhịp tim bị trì hoãn hoặc bị chặn lại. Điều này có thể xảy ra khi các tế bào thần kinh tạo ra tín hiệu điện không hoạt động (rối loạn thần kinh thực vật) hoặc khi các tín hiệu điện không đi qua tim một cách bình thường.

    Bên cạnh đó, một phần khác của tim có thể bắt đầu tạo ra các tín hiệu điện bất thường làm gián đoạn nhịp tim.

    Các yếu tố nguy cơ

    nguyên nhân rối loạn nhịp tim và các yếu tố nguy cơ

    Ngoài các nguyên nhân rối loạn nhịp tim đã đề cập ở trên, các yếu tố nguy cơ sau đây cũng có thể làm tăng khả năng mắc bệnh:

    • Tuổi tác. Theo thời gian, những thay đổi trong mô tim dần dần xuất hiện và các hoạt động của tim cũng suy yếu dần. Vì vậy, người lớn tuổi sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh rối loạn nhịp tim hơn.
    • Giới tính. Một số nghiên cứu cho rằng nam giới dễ bị rung nhĩ hơn phụ nữ. Tuy nhiên, phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt, phụ nữ mang thai lại có nguy cơ mắc một số loại rối loạn nhịp tim khác cao hơn.
    • Môi trường. Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là các hạt và khí hóa học, có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh rối loạn nhịp tim trong thời gian ngắn.
    • Di truyền. Bạn có thể tăng nguy cơ mắc rối loạn nhịp tim nếu người thân trong gia đình cũng mắc phải căn bệnh này hoặc mắc một số bệnh lý tim di truyền.
    • Huyết áp cao. Tình trạng này làm tăng nguy cơ tiến triển đến bệnh mạch vành. Đồng thời, áp lực tống máu tăng, đòi hỏi tâm thất trái tái cấu trúc, trở nên cứng và dày hơn, có thể làm thay đổi đường dẫn truyền của các tín hiệu điện đi qua tim.
    • Ngưng thở khi ngủ. Chứng ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến nhịp tim chậm và gây rối loạn nhịp tim, bao gồm cả rung nhĩ.
    • Một số loại thuốc. Một số các loại thuốc điều trị huyết áp cao, trầm cảm và rối loạn tâm thần có thể là nguyên nhân rối loạn nhịp tim. Một số loại thuốc khác như thuốc kháng sinh, thuốc ho, cảm lạnh, dị ứng không kê đơn cũng có thể gây bệnh.
    • Lối sống kém lành mạnh. Nguy cơ rối loạn nhịp tim sẽ tăng cao nếu bạn thường xuyên uống rượu, hút thuốc và lạm dụng ma túy bất hợp pháp, chẳng hạn như cocaine hoặc amphetamine. Những chất này có thể ảnh hưởng lớn đến tim và gây ra nhiều loại rối loạn nhịp tim hoặc đột tử do rung thất.Hiểu nguyên nhân rối loạn nhịp tim để biết cách phòng ngừa

    Hiểu nguyên nhân rối loạn nhịp tim để biết cách phòng ngừa

    nguyên nhân rối loạn nhịp tim và cách phòng ngừa

    Sau khi đã biết nguyên nhân rối loạn nhịp tim là do đâu, bạn cũng hiểu rõ rằng việc thay đổi lối sống có thể một phần giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và ngăn ngừa rối loạn nhịp tim. Vì vậy, bạn nên:

    • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và có lợi cho tim mạch
    • Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên
    • Duy trì cân nặng hợp lý, điều này được thực hiện thông qua ăn uống và tập thể dục
    • Không hút thuốc lá
    • Hạn chế hoặc tránh caffeine và rượu
    • Giảm căng thẳng và học cách cân bằng cảm xúc
    • Tham khảo ý kiến trước khi dùng và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, kể cả những loại thuốc không kê đơn.

    Hi vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về những nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim, các yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa hiệu quả nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

    Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 18/07/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo