Ngộ độc thực phẩm là tình trạng phổ biến, xảy ra do nhiều nguyên nhân và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh. Người bị ngộ độc do thức ăn cần được sơ cứu đúng cách và điều trị kịp thời. Vậy, ngộ độc thực phẩm bao lâu thì khỏi và khi nào bệnh nhân có thể ăn uống bình thường trở lại?
Mời bạn tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để biết được câu trả lời cho vấn đề ngộ độc thực phẩm bao lâu thì khỏi và những mẹo hồi phục nhanh sau khi bị ngộ độc thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm là gì?
Trước khi biết được ngộ độc thực phẩm bao lâu thì khỏi, cùng tìm hiểu tình trạng này là gì. Ngộ độc thực phẩm là tình trạng mà một người xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, sốt sau khi sử dụng sử dụng đồ ăn, thức uống bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn, ôi thiu, chứa hóa chất (chất phụ gia, chất bảo quản…) quá liều lượng cho phép.
Thông thường, ngộ độc thực phẩm xảy ra do vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng hoặc virus. Đôi khi, các sản phẩm phụ độc hại của những sinh vật này cũng có thể gây ra ngộ độc thực phẩm. Nhìn chung, những nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm bao gồm:
- Vi khuẩn Salmonella có trong trứng sống, thịt sống…
- Vi khuẩn E. coli, được tìm thấy trong thịt chưa nấu chín và rau sống. Trong đó, một số vi khuẩn E. coli sản sinh ra độc tố Shiga gây ngộ độc thực phẩm.
- Vi khuẩn Listeria có trong phô mai mềm, thịt nguội, xúc xích và giá sống.
- Vi khuẩn tụ cầu Staphylococcus aureus, thường liên quan đến thịt, sữa và các chế phẩm từ sữa…
- Vi khuẩn Campylobacter gây rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng thường liên quan đến thịt gà chưa được nấu chín, trái cây ra củ nhiễm khuẩn.
- Vi khuẩn Shigella được tìm thấy nhiều nhất trong rau sống, động vật có vỏ và kem hoặc salad làm từ sốt mayonnaise…
- Norovirus liên quan đến bệnh cúm dạ dày.
- Virus viêm gan A lây lan qua động vật có vỏ, sản phẩm tươi sống hoặc nước và nước đá bị ô nhiễm bởi phân có chứa virus.
- Độc tố Clostridium botulinum trong đồ hộp, chả lụa, đồ ôi thiu…
- Độc tố vi nấm Aflatoxin có trong các hạt ngũ cốc, các hạt có dầu bị mốc.
- Asen, chì, thủy ngân, thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, chất phụ gia quá liều.
Ngộ độc thực phẩm bao lâu thì khỏi?
Tình trạng khỏi ngộ độc thực phẩm được hiểu là khi các triệu chứng ngộ độc biến mất. Tuy nhiên, có thể người bệnh vẫn cần một khoảng thời gian sau đó để phục hồi hoàn toàn.
Hầu hết những bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm sẽ hồi phục mà không cần can thiệp y tế trong 1-2 ngày. Đây là khoảng thời gian cần thiết để một cơ thể khỏe mạnh có thể đào thảo độc tố, loại bỏ nhiễm trùng. Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc thực phẩm có thể kéo dài lâu hơn nếu người bệnh có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc bị nhiễm ký sinh trùng cần được điều trị bằng thuốc đặc hiệu…
Nghĩa là, tình trạng ngộ độc thực phẩm bao lâu thì khỏi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
- Nguyên nhân gây ngộ độc
- Tình trạng sức khỏe và hệ thống miễn dịch của bệnh nhân
- Lượng chất độc/tác nhân gây ngộ độc có trong thức ăn mà người bệnh tiêu thụ.
Ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể tự khỏi hoặc nếu điều trị tại nhà đúng cách thì sau khoảng 2-3 ngày sẽ khỏi bệnh.
Một số tình trạng ngộ độc thực phẩm cần dùng kháng sinh. Nếu các triệu chứng ngộ độc kéo dài hơn 2 ngày, hãy đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị.
Các tác nhân gây ngộ độc thực phẩm khác nhau có thể có những tác động khác nhau lên cơ thể bệnh nhân. Do đó, câu trả lời cho vấn đề bị ngộ độc thực phẩm bao lâu thì khỏi còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:
- Ngộ độc thực phẩm do Salmonella thường kéo dài từ 2-7 ngày.
- Ngộ độc do E.Coli có thể khỏi bệnh sau 5-10 ngày.
- Ngộ độc do tụ cầu khuẩn Staph thường kéo dài không quá 1 ngày.
- Ngộ độc do Listeria có thể khỏi bệnh sau 1-3 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài tới 70 ngày.
- Ngộ độc thực phẩm do Campylobacter kéo dài từ 2-10 ngày, hoặc thậm chí nhiều tuần.
- Ngộ độc do Norovirus có thể khỏi bệnh sau 1-2 ngày.
- Ngộ độc do Rotavirus có thể khỏi bệnh sau tối đa 6 ngày.
- Ngộ độc do độc tố Botulinum thì thời gian bị liệt thường kéo dài và cần thở máy trung bình từ 3 – 6 tháng.
Khi nào người bị ngộ độc thực phẩm có thể ăn uống bình thường trở lại?
Như vậy, bạn đã biết được ngộ độc thực phẩm bao lâu thì khỏi. Khi bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh chỉ nên ăn thức ăn loãng, dễ nuốt, dễ tiêu hóa như cháo, súp, canh… cho đến khi nhận thấy các triệu chứng của ngộ độc giảm đi (bớt hoặc không còn nôn mửa, tiêu chảy, sốt…), nghĩa là khả năng dung nạp thức ăn của cơ thể đang dần hồi phục.
Lúc này, bệnh nhân nên quay lại chế độ ăn uống bình thường càng sớm càng tốt để cơ thể nhanh chóng hồi phục. Các chất dinh dưỡng thiết yếu có trong thực phẩm lành mạnh có thể hỗ trợ cơ thể chống lại tình trạng nhiễm trùng, giúp đào thải độc tố nhanh hơn.
Trong giai đoạn phục hồi, người bệnh nên bổ sung các thực phẩm chủ yếu như:
- Thực phẩm chứa carbohydrate phức hợp: gạo, ngũ cốc, bánh mì…
- Thịt nạc
- Trái cây, rau củ
- Sữa chua.
Lưu ý
- Cần đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh tình trạng bội nhiễm.
- Tránh xa đồ ăn thức uống chứa chất béo, dầu mỡ, caffeine, cồn… vì những chất này có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng.
Ngộ độc thực phẩm thì khi nào có thể đi làm, đi học trở lại?
Bên cạnh băn khoăn ngộ độc thực phẩm bao lâu thì khỏi, nhiều người còn muốn biết khi nào nên quay trở lại làm việc, học tập sau khi bị ngộ độc thực phẩm?
- Nếu bị ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy, các chuyên gia y tế có thể khuyến nghị người bệnh nên nghỉ làm hoặc nghỉ học cho đến khi các triệu chứng chấm dứt hoặc ít nhất là trong vòng 2 ngày.
- Nếu bị ngộ độc thực phẩm gây sốt, người bệnh cần ở nhà nghỉ ngơi ít nhất 24 giờ.
Cách điều trị và phục hồi nhanh chóng khi bị ngộ độc thực phẩm
Nếu bạn quan tâm đến chủ đề ngộ độc thực phẩm bao lâu thì khỏi, hãy để Hello Bacsi hướng dẫn bạn cách điều trị và phục hồi nhanh chóng, hiệu quả khi bị ngộ độc thực phẩm:
Các triệu chứng của ngộ độc như tiêu chảy, nôn mửa, vã mồ hôi… có thể gây mất nước. Do đó, cần bổ sung nước và chất điện giải cho người bệnh. Đối với trường hợp mất nước nghiêm trọng, cần đưa người bệnh đến bệnh viện để được bù nước qua đường truyền tĩnh mạch.
1. Phương pháp điều trị và phục hồi có dùng thuốc
Trong hầu hết các trường hợp ngộ độc thực phẩm, việc điều trị bằng thuốc là không cần thiết, nhất là đối với những bệnh nhân khỏe mạnh. Tuy nhiên, trong một số ca bệnh, việc dùng thuốc là không thể thiếu. Một số loại thuốc có thể dùng để điều trị khi bị ngộ độc thực phẩm là:
- Thuốc kháng sinh: Nếu ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn gây ra, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh thường dành cho những người mắc bệnh nặng hoặc có nguy cơ biến chứng cao hơn.
- Thuốc diệt ký sinh trùng: Nếu ngộ độc thực phẩm do ký sinh trùng gây ra, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc diệt ký sinh trùng để tiêu diệt triệt để tác nhân gây bệnh.
- Thuốc trị tiêu chảy hoặc đau bụng: Bác sĩ thường không kê đơn thuốc trị tiêu chảy cho bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, vì các loại thuốc cầm tiêu chảy như loperamid thường khiến tình trạng ngộ độc kéo dài hơn. Tuy nhiên, người bệnh có thể làm giảm một số triệu chứng bằng thuốc không kê đơn bismuth subsalicylate. Đây là thuốc có tác dụng làm dịu và chống viêm, nhưng một số hóa chất có trong thuốc có thể khiến phân của bệnh nhân chuyển sang màu đen. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc. Những loại thuốc không kê đơn này không được khuyến cáo dùng cho trẻ em.
- Men vi sinh: Bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân sử dụng chế phẩm sinh học là men vi sinh. Đây là phương pháp bổ sung vi khuẩn lành mạnh vào hệ tiêu hóa.
2. Phương pháp điều trị và phục hồi tại nhà không dùng thuốc
Bị ngộ độc thực phẩm bao lâu thì khỏi nếu điều trị tại nhà? Thực tế, với những trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh có thể được điều trị tại nhà và thường khỏi trong vòng 2 ngày. Những bệnh nhân có hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể tự phục hồi sau khi bị ngộ độc thực phẩm. Các biện pháp chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà bao gồm:
- Nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh, thoáng mát.
- Bổ sung chất lỏng bằng nước lọc, nước điện giải, nước canh, nước trái cây, nước trà gừng…
- Sau khi người bệnh cảm thấy khá hơn mới cho ăn một chế độ dinh dưỡng phù hợp (ăn ít và nhạt) để ổn định dạ dày. Trong đó, chế độ ăn kiêng BRAT (chuối, cơm, nước sốt táo, bánh mì nướng) thường được khuyến nghị. Các món dễ tiêu khác là cháo, súp, phở gà, bột yến mạch…
- Tránh xa những thực phẩm khó tiêu hóa như đồ ăn dầu mỡ, chiên rán hoặc thức ăn cay, nhiều gia vị…
- Nói không với sữa, nước có gas, thức uống cồn hay caffeine, cũng như tránh xa thuốc lá…
Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được ngộ độc thực phẩm bao lâu thì khỏi và mẹo hồi phục nhanh sau khi bị ngộ độc thực phẩm.
[embed-health-tool-bmr]