Hàn the là hợp chất hóa học bị Bộ Y tế Việt Nam cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm. Thế nhưng, vì lợi nhuận nên có không ít người vẫn tiếp tục cho hàn the vào các loại bánh, bún, phở, giò, chả… để tạo độ giòn da, hấp dẫn. Điều này làm tăng nguy cơ ngộ độc hàn the ở người tiêu dùng.
Vậy, hàn the là gì? Triệu chứng ngộ độc hàn the như thế nào? Cách sơ cứu và phòng ngừa ra sao? Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi để có được câu trả lời!
Hàn the là gì?
Hàn the (borax) là tên gọi các khoáng chất hay hợp chất hóa học của nguyên tố B (Bo), Na (Natri) và O (Oxy), có quan hệ gần nhau. Đây là một loại muối của axit boric (H3BO3), có dạng bột với những tinh thể màu trắng đục, không mùi, không vị.
Theo tiếng Hán Việt, hàn the còn được gọi là bồng sa, băng sa, nguyên thạch. Ngoài ra, hàn the còn được biết đến với các tên thương mại như natri tetraborat, sodium tetraborate…
Vậy, hàn the có công dụng gì hay hàn the để làm gì? Nhờ khả năng diệt khuẩn, nấm, khử mùi và tẩy rửa tốt, nên hàn the đã được sử dụng trong các sản phẩm tẩy rửa trong nhiều thập kỷ. Thế nhưng, thực tế, ứng dụng của hàn the còn đa dạng hơn thế:
- Trong sinh hoạt: Hàn the thường được dùng trong các chất diệt kiến, gián, bảo quản gỗ, trong chất làm mềm nước cứng hoặc được sử dụng để tiệt trùng, giặt tã lót trẻ em, tẩy rửa nhà vệ sinh…
- Trong công nghiệp: Hàn the được dùng để sản xuất thủy tinh, men sứ, men tráng đồ sắt, sản xuất bột giặt, chất tẩy rửa, thuốc diệt côn trùng…
- Trong y học: Hàn the được dùng với liều lượng vừa đủ để bôi ngoài da, nhỏ mắt, súc miệng khi bị viêm da, chàm, đau mắt, viêm răng nướu…
- Trong mỹ phẩm: Hàn the đôi khi được sử dụng làm chất nhũ hóa, chất đệm hoặc chất bảo quản cho các sản phẩm dưỡng ẩm, dầu gội, gel, kem dưỡng da, tẩy tế bào chết, muối tắm…
- Trong đồ chơi cho trẻ em: Hàn the cũng là một thành phần kết hợp với keo và nước để tạo ra “slime”, một món đồ chơi dẻo mà nhiều trẻ em rất thích.
- Trong thực phẩm: Việc cho hàn the vào thực phẩm đã bị cấm từ lâu nhưng một số người vẫn lén lút dùng hàn the để hạn chế tình trạng lên men, ngừa nấm mốc, diệt khuẩn, giúp thực phẩm tươi lâu, tạo độ dẻo, dai cho giò chả, bún phở, bánh tráng…
Giải đáp thắc mắc: Ngộ độc hàn the là gì?
Hiện nay, tại Việt Nam, hàn the là một chất cấm sử dụng trong thực phẩm. Nguyên nhân là vì đây là một hợp chất có hại và nếu tiêu thụ quá mức hoặc vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể có thể bị ngộ độc nghiêm trọng.
Ngộ độc hàn the thường xảy ra khi con người ăn phải một số thực phẩm có chứa hàn the, chẳng hạn như giò chả, nem chua, dưa chua, bánh tráng, bún phở…
Ngộ độc hàn the có 2 dạng:
- Ngộ độc cấp tính: Xảy ra sau khi một người ăn hoặc nuốt phải hàn the khoảng 6-8 giờ (tính trung bình). Với liều từ 2-5g axit boric hoặc từ 15-30g borax, người bị ngộ độc hàn the có thể tử vong sau 36 giờ.
- Ngộ độc mãn tính: Hàn the có thể tích lũy trong cơ thể, làm ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tiêu hóa thức ăn, hấp thụ chất dinh dưỡng, chuyển hóa các chất, tác động xấu đến chức năng của thận, từ đó gây suy yếu sức khỏe tổng thể.
Có thể bạn chưa biết
Nhận biết các dấu hiệu ngộ độc hàn the
1. Triệu chứng ngộ độc hàn the cấp tính
Người bị ngộ độc hàn the cấp tính thường có những biểu hiện như:
Các triệu chứng ngộ độc hàn the cấp tính ít phổ biến hơn bao gồm:
- Nhức đầu
- Chóng mặt
- Phát ban, tróc da, nhất là vùng mông, gan bàn tay
- Có dấu hiệu kích thích màng não
- Bị kích động
- Suy thận
- Nhịp tim nhanh
- Sốc trụy mạch
- Da xanh tím
- Hoang tưởng
- Hôn mê…
Với liều lượng từ 5g hàn the trở lên đã có thể gây ngộ độc cấp tính có nguy cơ cao dẫn đến tử vong ở người lớn. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ hơn, vì liều gây hại của hàn the tính theo miligam/kilogam cân nặng, nên chỉ cần liều từ 1g hàn the đã có thể gây tổn thương nhiều cơ quan, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
2. Triệu chứng ngộ độc hàn the mãn tính
Khi đi vào cơ thể, hàn the khó bị đào thải mà tích tụ lại. Đến khi lượng hàn the trong cơ thể đủ lớn, tình trạng ngộ độc hàn the mãn tính sẽ xảy ra, với các triệu chứng như:
- Ăn mất cảm giác ngon, biếng ăn
- Sụt cân
- Nôn mửa thường xuyên
- Tiêu chảy nhẹ thường xuyên
- Da nổi mẩn đỏ, tróc da, nhất là ở mông, lòng bàn tay, lòng bàn chân
- Rụng tóc
- Da xanh xao
- Hay bị co giật, động kinh
- Suy thận
- Suy gan
- Suy nhược cơ thể không thể phục hồi
Có thể bạn chưa biết
Ngộ độc hàn the ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Hàn the đi vào cơ thể sẽ được hấp thụ qua đường tiêu hóa. Sự đào thải hàn the chủ yếu diễn ra qua đường nước tiểu. Tuy nhiên, một lượng hàn the vẫn sẽ tích lũy lâu bên trong cơ thể và đi đến khắp các cơ quan như gan, thận, não… Chính vì vậy mà hàn the không được dùng trong thực phẩm. Hàn the có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, bao gồm:
1. Gây kích ứng
Việc tiếp xúc, hít phải hay tiêu thụ hàn the có thể gây kích ứng da, mắt, và cũng có thể gây kích ứng cơ thể. Điều này khiến những người bị ngộ độc hàn the có các biểu hiện như: phát ban trên da, kích ứng mắt, buồn nôn, nôn mửa, nhiễm trùng miệng, các vấn đề về đường hô hấp…
2. Có vấn đề về nội tiết tố
Việc tiêu thụ và tiếp xúc nhiều với hàn the (và axit boric) được cho là có thể phá vỡ nội tiết tố của cơ thể.
Đặc biệt, hàn the có thể làm giảm khả năng sinh sản của nam giới, làm giảm số lượng tinh trùng và ham muốn tình dục. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những con chuột được cho ăn hàn the bị teo tinh hoàn hoặc cơ quan sinh sản. Ở phụ nữ, hàn the có thể làm giảm sự rụng trứng và khả năng sinh sản.
3. Tác động xấu đến thai nhi
Nghiên cứu ở động vật mang thai cho thấy, sự phơi nhiễm hàn the ở mức độ cao có thể truyền hàn the cho thai nhi qua đường nhau thai, gây hại cho sự phát triển của thai nhi và khiến con non sinh ra nhẹ cân.
4. Ngộ độc hàn the gây tổn thương nội tạng
Việc nuốt phải, hít phải và tiếp xúc với hàn the liều lượng cao được cho là có thể gây tổn thương nội tạng, dẫn đến ngộ độc nghiêm trọng.
5. Tử vong
Nếu trẻ nhỏ ăn phải một lượng lớn hàn the, bé có thể bị nôn mửa dữ dội, tiêu chảy, sốc và tử vong. Đối với người lớn, liều gây tử vong khi tiếp xúc với hàn the được ước tính dựa trên cân nặng (10-40mg hàn the/kg cân nặng).
Ở trẻ nhỏ, ngộ độc hàn the qua đường miệng không chỉ xảy ra khi bé ăn thực phẩm có chứa hàn the, mà còn có thể thông qua các món đồ chơi “slime” hoặc khi bé bò quanh sân vườn vừa phun thuốc trừ sâu có chứa hàn the.
Sơ cứu khi bị ngộ độc hàn the
Khi một người bị ngộ độc hàn the cấp tính, điều cần làm là gây nôn càng sớm càng tốt. Trong quá trình gây nôn, hãy nhờ người xung quanh gọi xe cấp cứu.
Nếu người bị ngộ độc mất ý thức hoặc lơ mơ, không tỉnh táo, cần đặt người bệnh nằm nghiêng tư thế an toàn, liên tục theo dõi và duy trì các dấu hiệu sống cho người bệnh, nhanh chóng chuyển đến bệnh viện để được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Trong suốt quá trình sơ cứu, cần lưu ý kỹ từng dấu hiệu ngộ độc hàn the của người bệnh.
Phòng ngừa ngộ độc hàn the
Cách hiệu quả nhất để phòng ngừa ngộ độc hàn the là không ăn uống những thực phẩm có chứa hàn the hoặc nghi ngờ có chứa hàn the. Thế nhưng, trên thực tế, điều này khá khó để thực hiện. Nguyên nhân là vì các sản phẩm có thể chứa hàn the, như giò chả, bún phở, bánh tráng… là những món ăn được ưa chuộng và được bày bán ở rất nhiều nơi và rất khó phát hiện có chứa hàn the hay không.
Chính vì vậy, người tiêu dùng cần cẩn trọng, chọn mua những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, từ thương hiệu uy tín, có ghi rõ thành phần sản phẩm – phụ gia… Nếu có thể, hãy hạn chế mua thực phẩm chế biến sẵn, mà tự tay làm thức ăn cho cả gia đình từ các loại thực phẩm tươi sống.
Tình trạng ngộ độc hàn the không chỉ xảy ra qua đường ăn uống, mà còn thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc hít phải hàn the. Do đó, để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc, cần nghiêm túc thực hiện những điều sau:
- Không sử dụng các loại mỹ phẩm có chứa hàn the hoặc nghi ngờ có chứa hàn the.
- Nếu phải tiếp xúc trực tiếp với bột hàn the hoặc dùng các sản phẩm có chứa hàn the (chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu…) cần đeo kính, khẩu trang, găng tay bảo hộ… để giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc.
- Sau khi vệ sinh nhà cửa bằng sản phẩm có chứa hàn the, hãy lau sạch lại với nước.
- Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với hàn the, nhất là khi bị dính vào da.
- Đảm bảo quần áo giặt bằng sản phẩm chứa hàn the được làm sạch hoàn toàn trước khi phơi khô và mặc.
- Nếu bạn có vết thương hở, hãy che chắn vết thương cẩn thận, không để hàn the không tiếp xúc với vùng da bị tổn thương gây ngộ độc.
- Tuyệt đối không để hàn the và các sản phẩm chứa hàn the trong tầm với của trẻ em.
- Không sử dụng hàn the và các sản phẩm từ hàn the xung quanh vật nuôi, vì động vật có thể chạy nhảy rồi tiếp xúc với hàn the và vô tình truyền hàn the cho người xung quanh.
- Không cho bé chơi slime làm từ hàn the. Nếu trẻ muốn chơi slime, hãy tham khảo các công thức tự làm slime không chứa hàn the để bảo đảm an toàn cho bé.
- Sinh hoạt điều độ, ăn uống lành mạnh để nâng cao sức khỏe tổng thể.
- Tuyên truyền về tác hại của ngộ độc hàn the đối với sức khỏe để mọi người tích cực tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hàn the là gì, các triệu chứng ngộ độc hàn the, từ đó nắm rõ cách sơ cứu và phòng ngừa ngộ độc hàn the, bảo vệ sức khỏe cả nhà.
[embed-health-tool-bmr]