Trong trường hợp, nồng độ cồn trong máu tăng cao, các vùng trong não có vai trò kiểm soát các chức năng đảm bảo sự sống cơ bản như thở, nhịp tim, kiểm soát nhiệt độ bắt đầu ngừng hoạt động. Vì vậy, người bị ngộ độc rượu có thể mất ý thức, bất tỉnh và tử vong. Chưa dừng lại ở đó, nồng độ cồn trong máu vẫn sẽ tiếp tục tăng cao ngay cả khi người ngộ độc rượu đã ngừng uống rượu và bất tỉnh. Nguyên nhân là do rượu trong dạ dày và ruột vẫn tiếp tục đi vào máu và lưu thông khắp cơ thể. Vì vậy, thật nguy hiểm khi mọi người nghĩ rằng một người say rượu bất tỉnh, ngủ quên là hoàn toàn bình thường.
Hơn nữa, khi nồng độ rượu trong máu ở mức cao cũng có thể cản trở các tín hiệu trong não giúp kiểm soát phản xạ nôn ọe (gag reflex). Đây là một phản xạ bình thường của cơ thể để chống lại việc bị hóc. Nếu một người uống nhiều rượu đến mức bất tỉnh sẽ mất đi phản xạ nôn ọe này. Do đó, họ sẽ có nguy cơ bị sặc chất nôn và tử vong vì thiếu oxy (ngạt thở). Ngay cả khi không tử vong, việc uống quá nhiều rượu và bị ngộ độc cũng có thể dẫn đến tổn thương não kéo dài.
Các triệu chứng ngộ độc rượu bạn cần sớm nhận biết
Sau khi nhận biết được mức độ nguy hiểm của việc uống quá nhiều bia rượu, việc tìm hiểu các triệu chứng ngộ độc rượu và cách xử trí là rất quan trọng. Sau đây là những triệu chứng ngộ độc do uống nhiều bia rượu bạn cần chú ý:
- Nôn mửa
- Lú lẫn
- Thở chậm (ít hơn 8 nhịp thở mỗi phút)
- Thở không đều (ngắt quãng trên 10 giây giữa mỗi lần hít thở)
- Da có vẻ xanh hoặc nhợt nhạt
- Nhiệt độ cơ thể thấp (hạ thân nhiệt)
- Co giật
- Bất tỉnh, không thể đánh thức.
Ngộ độc rượu và cách xử trí đúng, an toàn bạn cần biết

Điều quan trọng trong xử trí, giúp đỡ người ngộ độc rượu là bạn nên gọi số cấp cứu của địa phương càng sớm càng tốt. Nếu bạn nhận thấy một người uống quá nhiều rượu và có dấu hiệu gặp rủi ro, bạn không nên đợi đến khi họ có đủ các triệu chứng ngộ độc rượu kể trên thì mới gọi cấp cứu. Điều này cực kỳ đáng lưu ý vì một người say rượu đến mức bất tỉnh có thể tử vong nếu không được điều trị ngộ độc kịp thời.
Sau đây là những điều bạn nên làm để hỗ trợ người có dấu hiệu ngộ độc rượu trong thời gian chờ đợi xe cấp cứu đến:
- Bạn nên túc trực bên cạnh họ liên tục, không để người bất tỉnh do rượu ở một mình. Bởi vì họ có thể không có phản xạ nôn ọe. Từ đó dễ bị nghẹn do chất nôn dẫn đến ngạt thở. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn nên gây nôn cho họ. Việc tùy tiện gây nôn có thể rất nguy hiểm cho bệnh nhân.
- Nếu một người có dấu hiệu ngộ độc rượu nhưng không bất tỉnh, bạn hãy cố gắng giữ bệnh nhân ngồi dậy. Nếu họ cần phải nằm xuống, bạn hãy nhớ đặt họ nằm nghiêng để ngăn ngừa nguy cơ ngạt thở. Nếu được, bạn hãy cố gắng giúp họ giữ sự tỉnh táo.
- Đối với người bị ngộ độc rượu và nôn mửa, bạn hãy nhắc họ nghiêng người về phía trước để tránh bị nghẹn. Bên cạnh đó, bạn hãy cho họ uống nước lọc nếu họ có thể nuốt được.
- Người bị ngộ độc rượu có thể hạ thân nhiệt, bạn nên giúp họ được giữ ấm bằng chăn hoặc áo khoác.
- Một điều cần thiết nữa bạn không nên bỏ qua trong thời gian chờ đợi cấp cứu đó là cố gắng chuẩn bị thông tin liên quan đến người bị ngộ độc rượu càng chi tiết càng tốt. Một số thông tin mà bạn nên chuẩn bị để cung cấp cho bác sĩ có thể giúp ích bao gồm lượng bia rượu mà người đó đã uống, các loại thuốc họ đã sử dụng (nếu biết), tiền sử/ các vấn đề sức khỏe của bệnh nhân (nếu biết).
Ngộ độc rượu là tình trạng vô cùng nguy hiểm. Do đó, việc trang bị thông tin về ngộ độc rượu và cách xử trí là điều rất cần thiết. Thế nhưng, thực tế là nhiều người vẫn thường chủ quan hoặc không nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo. Nếu bạn cũng không thể xác định các triệu chứng của ngộ độc rượu, cách tốt nhất là nên thận trọng hơn với bia rượu. Chẳng hạn như không nên dùng bia rượu như một trò chơi thi đua, không trộn rượu với thuốc hoặc các thức uống tăng lực, chú ý bổ sung nước sau mỗi lần uống rượu… Nhìn chung, việc kiểm soát lượng rượu bạn uống vào là điều rất quan trọng để phòng ngừa ngộ độc rượu hiệu quả.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!