backup og meta

Nhịn tiểu quá lâu có hại vì 7+ lý do này

Nhịn tiểu quá lâu có hại vì 7+ lý do này

Hầu hết mọi người đều từng nhịn tiểu vài lần trong ngày. Đây dần trở thành một thói quen phổ biến ở thời hiện đại khi chúng ta ngày càng ưu tiên giải quyết nhiều công việc khác trước. Tuy nhiên, việc nhịn tiểu quá lâu một cách thường xuyên có thể gây hại thận và các bộ phận liên quan. Vậy nhịn tiểu lâu có hại như thế nào? Tại sao không nên nhịn tiểu quá lâu? 

Nước tiểu từ thận sẽ được bàng quang tích trữ lại. Trung bình bàng quang có thể chứa tối đa khoảng 420ml chất lỏng. Khi bàng quang đầy, khoảng từ 250 – 350ml thì bắt đầu có dấu hiệu căng giãn, các dây thần kinh ở bàng quang sẽ gửi tín hiệu lên não để chúng ta hiểu đã đến lúc đi tiểu.

Tuy nhiên, não có thể “ra hiệu” cho bàng quang giữ lại phần chất lỏng kia cho đến khi có thời điểm thích hợp, dẫn đến việc nhịn tiểu. Song với trẻ nhỏ, trẻ sẽ không nhịn được và thường tè dầm ngay.

Trong bài viết sau đây, Hello Bacsi sẽ giúp bạn tìm hiểu xem nhịn tiểu lâu có hại gì.

Nhịn tiểu tối đa bao lâu là ổn?

Nhịn tiểu quá lâu là bao nhiêu? Mỗi người sẽ có khả năng nhịn tiểu khác nhau tùy theo ý thức cá nhân, có người có thể nhịn tiểu rất lâu nhưng một số khác thì nhịn tiểu ngắn hơn. Thời gian cần đi tiểu phụ thuộc vào lượng chất lỏng trong bàng quang, tình trạng mất nước và chức năng của bàng quang. Nó cũng thay đổi tùy theo độ tuổi và thời gian trong ngày, chẳng hạn như ban đêm thì tín hiệu buồn đi tiểu sẽ giảm đi nhiều so với ban ngày.

Đối với một số phụ nữ, cảm giác thường xuyên buồn tiểu có thể gia tăng khi đang mang thai hoặc sau khi sinh ba tháng.

Nhịn tiểu có sao không thì nếu hệ thống tiết niệu khỏe mạnh, việc nhịn tiểu thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, nhịn tiểu kéo dài và lặp lại nhiều gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nhiều bác sĩ tiết niệu khuyên mỗi người nên đi tiểu ít nhất một lần trong vòng ba giờ dù có buồn tiểu hay không.

Đối với người mắc hội chứng bàng quang kích thích (bàng quang hoạt động quá mức), việc nhịn tiểu có thể là một phần trong các bài tập can thiệp hành vi (như tập Kegel), giúp người bệnh hoặc để các mẹ bầu cân bằng lại thời gian đi vệ sinh trong ngày. 

Nhịn tiểu quá lâu có thể trở thành thói quen vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe.

Nhịn đi tiểu quá lâu có hại vì 7 nguyên nhân dưới đây

Bàng quang căng đầy trong thời gian dài là nguyên nhân khiến nhiều người nhịn tiểu lâu bị đau bụng dưới.

Bên cạnh đó, khi nhịn tiểu, bàng quang sẽ giãn ra, kéo căng theo các cơ vòng bên ngoài. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên sẽ rất dễ dẫn đến việc mất kiểm soát các cơ vòng, khiến nước tiểu rò rỉ. 

Việc liên tục nhịn tiểu cũng khiến cơ bàng quang suy yếu, ức chế cơ thể truyền tín hiệu đến não để giải quyết nhu cầu. Hành động này lặp lại quá nhiều có thể dẫn tới tình trạng bí tiểu khi về già. Nước tiểu trở thành môi trường thích hợp cho vi khuẩn sinh sôi gây các bệnh lý tại thận và ngoài thận. Thậm chí, nước tiểu ứ đọng ở bàng quang có thể chảy ngược vào thận và dẫn đến nhiễm trùng thận hoặc tổn thương thận. Đây cũng là một phần lý do tại sao không nên nhịn tiểu quá lâu. 

Ngoài ra, nhịn đi tiểu lâu có hại vì:

1. Dẫn đến tiểu không kiểm soát

Việc nhịn tiểu quá lâu trong thời gian dài sẽ làm cơ thể mất phản xạ tiểu theo đúng chu kỳ, tổn thương cơ sàn chậu (cơ thắt niệu đạo) – cơ giữ cho niệu đạo đóng để ngăn nước tiểu chảy ra ngoài. Do đó dễ dẫn đến tiểu són, tiểu dắt.

Bệnh gây nhiều phiền toái ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tuy không nguy hiểm và hiện có nhiều phương pháp chữa trị nhưng hiệu quả lại không triệt để. Vì vậy chúng ta cần hạn chế các nguy cơ có thể dẫn đến bệnh, đơn giản nhất chính là cố gắng không nhịn tiểu quá nhiều.

2. Gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu (UTI)

Nhịn tiểu quá lâu có thể dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Đây là bệnh nhiễm trùng, thường do vi khuẩn. Vi khuẩn xâm nhập niệu đạo, bàng quang và có thể lây lan đến thận. Phụ nữ (nhất là phụ nữ mang thai) dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu do niệu đạo ngắn hơn nhưng bệnh thường nghiêm trọng hơn nếu xảy ra ở nam giới. Vì vậy, bầu nhịn tiểu có sao không thì phải lưu ý đến điều này.

Nhịn tiểu quá lâu có hại vì có thể gây nhiễm trùng tiết niệu

Đối với trẻ nhỏ, nhiễm trùng tiểu có thể gây biến chứng sẹo thận hoặc là tiền thân của bệnh tăng huyết áp. Các triệu chứng phổ biến đặc trưng gồm nước tiểu đục hoặc có máu, hay buồn tiểu, sốt nhẹ và cảm giác buốt rát khi đi tiểu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu dưới có thể điều trị bằng kháng sinh đường uống, còn nhiễm trùng đường tiết niệu trên có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch.

3. Bệnh viêm bàng quang kẽ

Viêm bàng quang kẽ hay còn gọi là hội chứng đau bàng quang. Khi bạn nhịn tiêu quá lâu đau bụng dưới thì rất có thể bệnh đã gây viêm và xuất hiện triệu chứng đau bàng quang. Những người bị bệnh này có xu hướng đi tiểu thường xuyên hơn nhưng lượng nước tiểu không nhiều. Các nguyên nhân chính xác của bệnh chưa được xác định nhưng vi khuẩn là “thủ phạm” đáng ngờ nhất.

Người bệnh nhịn tiểu lâu bị đau bụng vùng xương chậu, buồn đi tiểu liên tục trong ngày. Hiện vẫn chưa có phương pháp chữa trị triệt để mà chỉ có thể làm thuyên giảm các triệu chứng khó chịu.

4. Nhịn tiểu quá lâu có gây sỏi thận? 

Sỏi thận là những tinh thể rắn hình thành trong thận. Những viên sỏi này có thể phát triển thành các kích cỡ và hình dạng khác nhau. Đàn ông có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn phụ nữ. Sỏi thận có thể hình thành do sự bất thường cân bằng nước, muối, chất khoáng và các chất khác trong nước tiểu. Khi bạn nhịn tiểu quá lâu sẽ tạo điều kiện để những khoáng chất này được cô đặc và kết tinh lại thành sỏi.

Hầu hết chúng ta đều không biết mình mắc sỏi thận cho đến khi việc đi tiểu trở nên đau đớn, nước tiểu có máu và hay cảm thấy buồn nôn.

Việc điều trị phụ thuộc vào kích thước của các viên sỏi. Sỏi thận nhỏ chỉ cần điều trị bằng thuốc và uống đủ nước, tập thói quen đi tiểu đều đặn.

5. Suy thận

Suy thận là tình trạng thận không thể lọc các độc tố và chất thải ra khỏi máu. Khi chức năng lọc này suy giảm, mức độ chất thải nguy hại trong máu tích tụ có thể ảnh hưởng đến thành phần hóa học của máu. Bệnh có thể bắt nguồn từ nhiễm trùng hay tổn thương thận. Vì vậy có thể nói suy thận là biến chứng gián tiếp của việc nhịn tiểu quá lâu.

Các triệu chứng sỏi thận bao gồm các vết bầm tím, phân có máu, tính khí thất thường, tâm trạng mệt mỏi và hay buồn ngủ.

Để điều trị cần cân bằng lượng dịch trong máu, thải độc tố ra khỏi cơ thể, phục hồi chức năng thận.

Nhịn tiểu lâu có hại như thế nào? Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cần phải chạy thận hoặc phẫu thuật ghép thận. Biến chứng suy thận mạn rất nguy hiểm vì dễ dẫn đến tử vong.

6. Giảm ham muốn tình dục

Nhịn tiểu quá lâu còn gây hại vì làm giảm chất lượng đời sống tình dục ở cả nam và nữ giới. Đối với nam giới, nhịn tiểu sẽ gây ức chế thần kinh và rối loạn cương dương, có thể gây xuất tinh sớm, đau khi xuất tinh, từ đó giảm ham muốn tình dục.

Với nữ giới, việc nhịn tiểu gây áp lực lên xương chậu, cổ tử cung khiến cho chức năng tình dục bị suy giảm, giảm hưng phấn.

7. Nhịn đi tiểu lâu có hại vì nguy cơ vỡ bàng quang

Mặc dù trường hợp này là cực kỳ hiếm nhưng nó hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt là ở những người thường xuyên sử dụng bia rượu và ngồi lâu, không đi vệ sinh khi có “tín hiệu”.

Vỡ bàng quang do nhịn tiểu quá lâu là tình huống cấp cứu vì nước tiểu có thể tràn vào ổ bụng, cần xử trí kịp thời. Nếu không được phát hiện sẽ dẫn đến viêm phúc mạc, viêm tấy vùng tiểu khung, viêm xương chậu, xơ hóa khoang sau phúc mạc, thậm chí có thể gây tử vong do sốc.Giới nhân viên văn phòng thường dễ có xu hướng nhịn tiểu quá lâu

Nhịn tiểu quá lâu do bệnh lý

Một số tình trạng sức khỏe tồn tại từ trước có thể dẫn đến việc nước tiểu bị giữ lại trong bàng quang, chẳng hạn như:

Việc nhịn tiểu do các bệnh lý này thường không tự nguyện và dễ lặp đi lặp lại một cách âm thầm, khó được chú ý. Tuy vậy, các biến chứng tương tự với nhịn tiểu chủ động là hoàn toàn có thể xảy ra.


Nếu thỉnh thoảng nhịn tiểu thì có thể không gây hại. Tuy nhiên, việc thường xuyên nhịn tiểu hay nhịn tiểu quá lâu có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc các biến chứng như trên. Trường hợp không phải do bệnh lý, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng việc cố gắng đi tiểu đúng lúc, tập luyện các bài tập nâng cao độ dẻo dai của cơ sàn chậu. Khi cảm thấy có vấn đề trong việc đi vệ sinh, hãy sắp xếp đến các phòng khám chuyên khoa tiết niệu để được kiểm tra sớm.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Stop holding it in! 4 bodily functions you should let out https://www.geisinger.org/health-and-wellness/wellness-articles/2018/03/29/21/13/stop-holding-it-in-4-bodily-functions-you-should-let-out Ngày truy cập 07/12/2021.

How long is it safe to hold your urine? https://www.piedmont.org/living-better/how-long-is-it-safe-to-hold-your-urine Ngày truy cập 07/12/2021.

Recurrent urinary tract infections management in women ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3749018/. Ngày truy cập 11/05/2021.

Estimating normal bladder capacity in children ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/9366371. Ngày truy cập 11/05/2021.

Urinary retention in adults: Diagnosis and initial management aafp.org/afp/2008/0301/p643.html. Ngày truy cập 11/05/2021.

Urodynamic testing kidneyurology.org/Library/Urologic_Health.php/Urodynamic_Testing.php. Ngày truy cập 11/05/2021.

Bothersome lower urinary tract symptoms 1 year after first delivery: Prevalence and the effect of childbirth
ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/16831150. Ngày truy cập 11/05/2021.

Phiên bản hiện tại

29/12/2023

Tác giả: Ngà Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

5 nguyên nhân khiến bạn đi tiểu đêm nhiều lần

Màu sắc nước tiểu báo hiệu gì về vấn đề sức khỏe của bạn?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 29/12/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo