Tác nhân vi khuẩn gây bệnh thường gặp nhất là trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu vàng, tạp khuẩn. Đôi khi tác nhân gây viêm lại là vi nấm, bao gồm nấm men và nấm mốc.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tai ngoài?

Có rất nhiều yếu tố có thể tạo điều kiện cho những tác nhân vi sinh xâm nhập và gây viêm. Việc giảm thiểu những yếu tố rủi ro này sẽ giúp chúng ta tránh bị mắc bệnh. Những yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Bơi lội: Để nước lọt vào tai khi bơi, nhất là ở những vùng nước ô nhiễm. Khi da ống tai bị ẩm ướt, sức đề kháng của da sẽ giảm
- Chấn thương ống tai: Do sử dụng thường xuyên tai nghe, máy trợ thính trong tai. Do sử dụng các dụng cụ vệ sinh tai không đúng cách
- Hẹp ống tai ngoài: Một số người bị hẹp ống tai bẩm sinh làm cho tai khó tự làm sạch. Ở trẻ em, ống tai cũng chưa đủ rộng nên dễ bị viêm hơn người lớn
- Ống tai được làm sạch quá mức: Việc làm sạch quá mức ống tai với tăm bông hoặc các vật dụng khác, gây mất lớp ráy sinh lý bảo vệ da ống tai
- Bít tắc ống tai: Do dị vật, do nút ráy
- Tình trạng da liễu: Chàm, vảy nến lan đến da ống tai
- Dị ứng hoặc kích ứng da do trang sức, keo xịt tóc hoặc thuốc nhuộm tóc
- Mắc các bệnh toàn thân như tiểu đường, hóa trị, xạ trị
- Suy nhược cơ thể, stress
- Bị suy giảm miễn dịch trong bệnh HIV/AID
Bác sĩ sẽ tiến hành khám xét như thế nào?

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Sau khi chẩn đoán xác định, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị. Căn cứ vào hỏi bệnh và các dấu hiệu khi khám xét như: Da ống tai bị sung huyết, sưng nề, chảy dịch và có những cặn bẩn. Màng nhĩ cũng có thể bị sung huyết. Đánh giá tình trạng lan rộng của tổn thương ra phía ngoài vành tai, tình trạng viêm của hạch. Trong trường hợp nghiêm trọng hoặc nhiễm trùng tái phát, bác sĩ có thể lấy mẫu thử của mủ trong tai và gửi đến phòng xét nghiệm để tìm loại vi khuẩn hoặc nấm đã gây ra nhiễm trùng, làm kháng sinh đồ khi cần thiết. Khi nghi ngờ có yếu tố tăng nặng, các bác sĩ có thể cho làm xét nghiệm đường huyết, HIV…
Trong quá trình khám xét, bác sĩ cũng sẽ chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác như: Viêm tai giữa cấp mủ có thủng nhĩ, viêm da ống tai do tiếp xúc, bệnh vảy nến, zona tai, nhọt ống tai, dị vật ống tai, ung thư biểu mô ống tai…
Tình trạng viêm được phân thành 3 cấp độ:
- Nhẹ: Ngứa, khó chịu ít, ống tai sung huyết, phù nề nhẹ. Ống tai vẫn còn thông thoáng
- Trung bình: Ống tai bị phù nề gây bít tắc một phần
- Nặng: Ống tai phù nề nhiều, bít tắc hoàn toàn. Đau dữ dội. Sốt cao và nổi hạch.
Điều trị bệnh viêm tai ngoài như thế nào?
Đa số trường hợp viêm ống tai ngoài là thể nhẹ và trung bình, chỉ cần điều trị ngoại trú, không cần nhập viện. Hầu hết các trường hợp viêm cấp tính đều do vi khuẩn, mặc dù khởi đầu có thể do nhiễm nấm. Vì vậy, thuốc “đầu tay” được chỉ định bao giờ cũng là kháng sinh và luôn là kháng sinh tại chỗ là trước hết.
Kháng sinh đường uống chỉ được dùng khi có biến chứng, viêm lan tỏa, diễn tiến ác tính trên nền bệnh nhân bị tiểu đường, bị suy giảm miễn dịch hoặc khi có viêm tai giữa kết hợp. Thuốc giảm đau loại thông thường như acetaminophen hay ibuprofen được sử dụng để giảm bớt cơn đau từ nhẹ tới trung bình. Khi đau nhức trầm trọng, bác sĩ có thể cho dùng thuốc giảm đau mạnh hơn, loại dẫn chất của thuốc phiện, nhưng rất hạn chế và ngắn ngày do thuốc có khả năng gây nghiện. Thông thường, nhỏ kháng sinh tại chỗ có thể khống chế sự phát triển của vi khuẩn, giảm viêm dẫn tới giảm đau. Khi ống tai bị phù nề nhiều, có xu hướng khít hẹp thì bác sĩ có thể đặt vào 1 đoạn bấc hoặc 1 đoạn ruy băng gạc có tẩm thuốc với mục đích để mao dẫn thuốc vào tai và chống chít hẹp ống tai, sau 2-3 ngày sẽ lấy bỏ.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!