Đau họng uống gì? Một vài thức uống với các nguyên liệu dễ tìm, có sẵn trong gian bếp có thể giúp bạn “đánh bay” triệu chứng viêm họng, tăng sức đề kháng mà thậm chí không cần dùng đến thuốc.
Đau, ngứa cổ họng là một phần trong phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với các tác nhân gây hại từ bên ngoài. Đây là một triệu chứng rất thường gặp trên mọi lứa tuổi khi mắc các bệnh như cảm lạnh thông thường, cảm cúm, dị ứng, tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm, khói thuốc, do lạm dụng giọng nói (la hét hoặc nói to). Vậy, đau họng uống gì mau khỏi? Bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ mách bạn 11 thức uống với các nguyên liệu dễ tìm, ít ai ngờ giúp “xua tan” nhanh cơn đau họng!
11 thức uống “đánh bay” cơn đau họng cực kỳ hiệu quả
1. Đau họng uống gì? Nước chanh ấm với mật ong
Nước chanh mật ong ấm gần như là loại thức uống được nghĩ đến đầu đầu tiên khi chúng ta bị ho, đau họng. Việc uống nước ấm có thể giúp làm dịu cơn đau họng, ho và sổ mũi. Nếu pha thêm vài giọt chanh sẽ giúp bổ sung một lượng nhỏ vitamin C cho cơ thể, giúp tăng sức đề kháng và thậm chí, có thể giúp bạn vượt qua cảm lạnh dễ dàng hơn.
Việc thêm mật ong vào nước chanh có thể giảm nhanh các triệu chứng đau họng và ho. Một nghiên cứu được thực hiện năm 2017 cho thấy mật ong có thể giúp làm dịu nhanh tình trạng đau họng do có chứa các hoạt chất mang đặc tính chống viêm và chống vi khuẩn.
2. Trà gừng
Đau họng uống gì? Trà gừng có thể làm dịu cơn đau họng rất hiệu quả. Một nghiên cứu năm 2013 đã chỉ ra rằng chiết xuất gừng tươi có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi virus hô hấp hợp bào, một loại virus có nguy cơ lây nhiễm cao thường ảnh hưởng đến trẻ nhỏ.
Còn theo các tài liệu Đông y, gừng tươi hay còn gọi là sinh khương là gia vị mang vị cay thơm, tính ấm quy kinh phế, vị có tác dụng phát tán phong hàn, ôn kinh thông dương, tiêu đờm chỉ khái. Do đó, có thể giúp giảm nhanh cơn đau họng, đặc biệt là đau viêm họng, ho do lạnh.
Bạn có thể dùng trà gừng với mật ong và chanh tươi hoặc với quế và cam thảo. Hãy uống khi trà gừng còn ấm, mỗi ngày khoảng 1 – 2 cốc để có hiệu quả tốt nhất.
3. Đau họng uống nước gì? Trà hoa cúc
Đối với trường hợp bệnh nhân bị tăng huyết áp có ho, đau họng nếu không phù hợp với trà gừng, bạn có thể chọn trà hoa cúc để làm dịu cơn đau họng. Ngoài ra, trà hoa cúc còn có tác dụng hạ huyết áp, sáng mắt, mát gan. Hoa cúc vị đắng nhẹ, tính mát tác dụng khu phong thanh nhiệt, giải độc thường điều trị các bệnh lý cảm mạo phong nhiệt, tăng huyết áp, đau đầu, đau mắt đỏ… Từ lâu, trà hoa cúc đã nổi tiếng với phương thuốc trị bệnh tự nhiên nhờ đặc tính kháng khuẩn, kháng virus, giảm đau.
Không những vậy, trà hoa cúc còn có thể đóng vai trò như một chất bôi trơn tự nhiên, giúp giảm tình trạng khàn tiếng. Đặc biệt, thói quen uống trà hoa cúc 2 lần một ngày còn giúp thư giãn, ngủ ngon, tăng sức đề kháng, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lặt vặt như cảm lạnh thông thường hoặc các bệnh nhiễm trùng.
4. Uống trà bạc hà là cách giảm đau họng hiệu quả
Theo y học cổ truyền, bạc hà vị cay, tính mát, vào 2 kinh phế và can, có tác dụng tán phong nhiệt, ra mồ hôi, giải uất, làm thuốc thanh lương dùng chữa cảm nắng , đau bụng, bụng đầy, chứng ăn không tiêu.
Theo y học hiện đại, hoạt chất chủ yếu trong bạc hà là tinh dầu bạc hà. Tỷ lệ tinh dầu trong bạc hà thường từ 0,5 đến 1% có khi có thể lên tới 1,3-1,5%. Tại chỗ, tinh dầu bạc hà và mentola bốc hơi rất nhanh, gây cảm giác mát và tê tại chỗ, dùng trong một số trường hợp đau dây thần kinh, còn có tác dụng sát trùng mạnh thường dùng trong một số trường hợp ngứa của một số bệnh ngoài da, bệnh về tai mũi họng. Do đó, trà bạc hà nổi tiếng với tác dụng chống viêm, giảm đau họng, giảm nghệt mũi hiệu quả.
Ngoài ra, bạc hà còn có thể làm tê nhẹ cổ họng, giúp giảm đau tự nhiên. Uống một tách trà bạc hà ấm nóng với hít hơi nước từ cốc trà bạc hà tỏa ra còn có thể giúp giảm nghẹt mũi.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, tinh dầu bạc hà và mentola bôi mũi hay xịt trong cổ họng có thể gây hiện tượng ức chế có thể dẫn tới nguy cơ ngừng thở và tim ngừng đập hoàn toàn. Hiện tượng này hay xảy ra nhất là đối với trẻ nhỏ. Người ta đã thống kê thấy một số trường hợp chết do nhỏ mũi 1 giọt dầu mentola 1% hoặc bôi vào niêm mạc mũi một ít thuốc mỡ có mentola. Do đó, chúng ta cần hết sức thận trọng khi dùng dầu có chứa tinh dầu bạc hà cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
5. Bị đau họng nên uống gì? Sinh tố
Khi cơ thể đang bị bệnh, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, đặc biệt khi đau họng việc ăn thức ăn bình thường khiến bạn đau khi nuốt. Điều này có thể khiến cơ thể không nhận đủ dinh dưỡng và làm cho việc hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh trở nên khó khăn hơn.
Đây là lý do tại sao uống một ly sinh tố chứa nhiều chất dinh dưỡng là một lựa chọn tuyệt vời. Tuy nhiên bạn nên hạn chế việc sử dụng đá lạnh lúc đang bị bệnh, do đá lạnh làm cho tình trạng bệnh lý trở nên khó chịu hơn. Bạn có thể lựa chọn các loại trái cây và rau quả chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa, giúp tăng cường hệ miễn dịch như:
- Quả việt quất
- Dâu tây
- Xoài
- Cải xoăn
- Cải bó xôi (rau bina).
6. Sữa tươi – “Vị cứu tinh” khi bị đau họng
Khi bị viêm họng, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, uể oải. Vì vậy, việc bổ sung dinh dưỡng là điều vô cùng cần thiết, giúp bệnh nhân tăng cường hệ miễn dịch, nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
Cũng vì thế mà sữa tươi là lời đáp cho vấn đề đau họng nên uống gì. Sữa tươi giúp hồi phục vết thương trong cổ họng, đồng thời tăng sức đề kháng cho người bị viêm họng.
7. Đau họng nên uống nước gì? Trà xanh
Trà xanh nổi tiếng với đặc tính chống viêm, kháng khuẩn nhờ chứa chất chống oxy hóa mạnh. Vì vậy mà việc uống trà xanh có thể giúp loại bỏ các chất độc và các gốc tự do gây hại cơ thể. Không những thế, nước trà xanh này còn hỗ trợ thúc đẩy quá trình trao đổi chất, giảm đau rát, khó chịu ở cổ họng.
8. Viêm họng uống gì? Nước ép trái cây
Tương tự như sinh tố, nước ép trái cây không chỉ cung cấp thêm chất lỏng giúp làm dịu cổ họng, mà còn hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cho bệnh nhân bị đau cổ họng.
9. Đau họng nên uống gì? Trà cam thảo
Cam thảo chứa hàm lượng axit glycyrrhizic dồi dào, giúp ức chế hoạt động của vi khuẩn, bảo vệ hệ hô hấp trước sự xâm nhập của vi khuẩn.
Không những thế, trà cam thảo còn chứa nhiều hoạt chất chống oxy hóa, vừa giúp giảm sưng viêm cổ họng, vừa hỗ trợ thanh nhiệt, giảm đau họng hiệu quả. Tác dụng chỉ ho hóa đờm: Tác dụng chỉ ho có liên quan đến thần kinh trung ương, cam thảo kích thích xuất tiết của hầu họng và khí quản, làm cho loãng đờm.
Cam thảo có vị ngọt, không độc nên rất thường xuyên xuất hiện trong các siro hay kẹo ngậm ho. Tuy nhiên, do có tác dụng tương tự như một corticoid có khả năng giữ nước, giữ muối gây tăng huyết áp nên đối với trường hợp bệnh nhân tăng huyết áp cần thận trọng khi sử dụng trà cam thảo. Bạn cũng không nên dùng trà cam thảo quá dài ngày mà quên để ý đến chỉ số huyết áp của mình.
10. Viêm họng nên uống gì? Nước lá tía tô
Tía tô là loại cây thuốc Nam được trồng rất phổ biến ở nước ta. Theo y học cổ truyền, lá tía tô hay còn gọi là tô diệp có tác dụng phát tán phong hàn, lý khí khoan hung; giải uất, hóa đờm, an thai, giải độc của cua cá. Nổi tiếng với vị cay, tính ấm, lá tía tô được sử dụng để hỗ trợ điều trị các bệnh về đường hô hấp như ho, đau họng… Do đó, nếu đang thắc mắc đau họng uống gì, hãy thử rửa sạch vài lá tía tô rồi vắt lấy nước uống trong vài ngày liền để thấy được cơn đau thuyên giảm đáng kể. Ngoài ra, các bộ phận khác của cây tía tô như cành tía tô ( tô ngạnh), hạt tía tô ( tô tử) cũng được sử dụng làm thuốc trong các bài thuốc cổ phương trị ho.
11. Trà quế
Nếu vẫn còn băn khoăn bị đau họng uống nước gì và đang tìm kiếm một thức uống thảo dược có mùi vị thơm ngon, đừng bỏ qua trà quế. Quế cũng là một loài cây phổ biến được trồng rất nhiều nơi của nước ta. Tùy theo bộ phận sử dụng mà các vị thuốc ta thu được là khác nhau như cành non cây quế là quế chi, vỏ thân cây quế nhiều năm tuổi là quế nhục, vỏ cây gọt bỏ hết bì thô dày, lấy phần bên trong màu tía, rất ngọt là quế tâm… và mỗi loại loại dược liệu sẽ có tác dụng điều trị tương đối khác nhau. Theo Đông y, quế có tính ấm nóng, mùi thơm, vị đắng ngọt.
Với tác dụng kháng viêm, sát trùng, diệt khuẩn, làm ấm cổ họng, hỗ trợ chữa lành vết thương, tăng cường hệ miễn dịch, người bị viêm họng nên uống trà quế để chữa cơn đau nhanh chóng, đặc biệt là viêm đau họng do lạnh.
Tương tự như trà gừng, do quế có tính ấm nóng nên những người tăng huyết áp, người có âm hư nội nhiệt hay khát nước, nóng trong người, táo bón, đổ nhiều mồ hôi thì không nên uống nhiều trà quế.
Đau họng uống thuốc gì nhanh khỏi?
Bên cạnh đó, việc đi tìm lời đáp cho thắc mắc đau họng uống thuốc gì nhanh khỏi cũng là băn khoăn rất phổ biến. Câu trả lời là:
- Để giảm đau và giảm viêm: Bạn có thể dùng ibuprofen (ví dụ Motrin, Advil), acetaminophen (ví dụ Tylenol) theo hướng dẫn trên bao bì
- Nếu đau họng là do trào ngược dạ dày: Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng axit, thuốc chẹn H2, thuốc ức chế bơm proton (PPI)
- Không tự ý dùng kháng sinh để điều trị đau họng: Nguyên do là kháng sinh chỉ có tác dụng với đau họng do vi khuẩn. Ngoài ra, việc dùng kháng sinh khi điều trị đau họng do vi khuẩn cũng cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Một số loại thuốc kháng sinh được dùng phổ biến là penicillin, amoxicillin và erythromycin.
Lưu ý khi trị đau họng tại nhà
Như vậy là bạn đã biết được bị đau họng uống nước gì. Ngoài việc bổ sung các thức uống kể trên, bạn nên lưu ý một số điều sau để cơn đau họng mau thuyên giảm:
- Uống nhiều nước (ít nhất 2 lít nước mỗi ngày) đặc biệt là nước ấm để cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể, giúp làm loãng chất nhầy và giữ ẩm cho cổ họng.
- Súc miệng, họng bằng nước muối ấm 3 lần một ngày (hòa tan 1 thìa cà phê muối ăn trong 240ml nước ấm, súc miệng – họng trong vài giây).
- Hạn chế tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi. Nếu phải tiếp xúc hãy sử dụng khẩu trang, đồ dùng bảo hộ cần thiết và đúng quy chuẩn.
- Tránh uống rượu, bia, thức uống có cồn vì có thể gây cảm giác đau nhói cổ họng và mất nước, không tốt khi bị đau họng.
Nếu triệu chứng đau họng kéo dài vài ngày và có đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng như sốt, ho khan, đau nhức người… bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân.
Ngoài ra, hãy đến bệnh viện ngay nếu đau họng đi kèm với các triệu chứng như:
- Khó nuốt khiến bạn không thể ăn uống hoặc đau rát dữ dội đến mức không thể nuốt nước bọt
- Có các đốm trắng hoặc vàng trong cổ họng
- Đau dai dẳng, dữ dội hoặc ngày càng tăng
- Khó thở
- Phát ban hoặc sốt
- Dấu hiệu mất nước như khát, khô miệng, nước tiểu sẫm màu…
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ bị đau họng uống gì, từ đó có những biện pháp giúp giảm nhanh cơn đau họng khó chịu.
[embed-health-tool-heart-rate]