Viêm màng não do vi khuẩn nghiêm trọng có thể gây tử vong trong vài ngày nếu không điều trị kịp thời bằng kháng sinh, điều trị chậm cũng làm tăng nguy cơ tổn thương não vĩnh viễn. Vì vậy, bạn phải đi khám ngay nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào.
Biến chứng của viêm màng não ở người lớn là gì?
Biến chứng viêm màng não ở người lớn có thể nặng. Khi càng điều trị chậm, nguy cơ co giật và tổn thương thần kinh vĩnh viễn càng cao. Ước tính có 10 – 20% bệnh nhân viêm màng não phải gánh chịu những di chứng lâu dài của bệnh. Chúng bao gồm:
- Mất thính lực hoặc thị lực
- Gặp các vấn đề về trí nhớ
- Khó khăn trong học tập
- Tổn thương não
- Đi lại khó khăn, rối loạn thăng bằng
- Viêm khớp
- Tổn thương đa cơ quan
- Hoại tử ngón tay, ngón chân hoặc tứ chi nếu viêm màng não dẫn tới nhiễm trùng huyết
- Co giật
- Suy thận
- Sốc nhiễm trùng
- Tử vong.
Dù vậy, khi điều trị kịp thời thì ngay cả người bị viêm màng não nặng cũng có thể phục hồi tốt.
Viêm màng não ở người lớn có lây không?
Bản thân bệnh viêm màng não không lây, nhưng nhiều nguyên nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus, nấm, kí sinh trùng) có thể lây từ người này sang người khác.
Chẩn đoán viêm màng não ở người lớn như thế nào?
Bác sĩ sẽ khám sức khỏe, hỏi triệu chứng và khai thác thêm xem bạn có tiếp xúc với nguồn tác nhân gây bệnh nào hoặc đi du lịch gần đây.
Bên cạnh đó, các xét nghiệm có thể dùng trong chẩn đoán viêm màng não ở người lớn là:
- Xét nghiệm dịch mũi họng: Bác sĩ dùng que chuyên dụng để lấy mẫu dịch từ mũi hoặc cổ họng của bạn, sau đó phân tích chúng để tìm các tác nhân gây bệnh.
- Chọc dò tủy sống: Bác sĩ sử dụng kim chọc dò vào khoang giữa các mỏm gai đốt sống ở đoạn thắt lưng, vào trong khoang dịch não tủy để lấy dịch não tủy ra làm xét nghiệm. Bác sĩ thường sẽ chỉ định các xét nghiệm tế bào, sinh hóa và vi sinh dịch não tủy.
- Xét nghiệm máu: Bác sĩ lấy máu tĩnh mạch từ cánh tay, làm các xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm trùng cũng như nuôi cấy bệnh phẩm máu để tìm căn nguyên gây nhiễm trùng lưu hành ở trong máu.
- Chụp CT hoặc MRI não: Đánh giá hình ảnh của não, màng não.
- Xét nghiệm phân: Cũng nhằm tìm kiếm căn nguyên gây nhiễm trùng.
Điều trị viêm màng não ở người lớn

Sau khi đã chẩn đoán xác định được nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ mới có phương án điều trị phù hợp.
Viêm màng não ở người lớn chủ yếu do vi khuẩn, cần được điều trị tại bệnh viện ít nhất 1 tuần với các phương pháp:
- Truyền tĩnh mạch kháng sinh
- Truyền dịch tĩnh mạch
- Thở oxy nếu cần thiết
Viêm màng não do virus có xu hướng tự khỏi trong vòng 7 – 10 ngày, thường có thể điều trị tại nhà. Người bệnh được sử dụng thuốc giảm đau và thuốc kháng virus trong thời gian này.
Viêm màng não do nấm được điều trị bằng thuốc kháng nấm.
Bên cạnh đó, corticoid cũng có thể được chỉ định trong một số trường hợp.
Người lớn có thể làm gì để phòng ngừa viêm màng não?
Cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm màng não là bảo vệ bản thân khỏi các bệnh truyền nhiễm thường dẫn tới viêm màng não. Tiêm phòng, thực hành xử lý thực phẩm an toàn và rửa tay là một số cách để giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Cụ thể:
- Vắc xin: phế cầu, não mô cầu, Hib, thủy đậu, cúm, sởi và quai bị
- Kháng sinh dự phòng: bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh dự phòng nếu bạn có nguy cơ nhiễm khuẩn cao
- Rửa tay thường xuyên: bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi ăn, sau khi tiếp xúc với phân, sau làm vườn hay làm việc với đất cát
- Che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi
- Vệ sinh, khử trùng môi trường sống thường xuyên
- Tránh tiếp xúc với những người đang mắc bệnh truyền nhiễm
- Không bơi hoặc uống nước có thể bị ô nhiễm
- Ăn chín, uống sôi
- Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài
- Dùng kem hoặc thuốc đuổi côn trùng, tránh để bị đốt.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!