backup og meta

8 nguyên nhân gây tê cánh tay đáng ngờ bạn cần biết

8 nguyên nhân gây tê cánh tay đáng ngờ bạn cần biết

Ai cũng đã từng bị tê cánh tay ít nhất một lần trong đời. Tê tay trái hoặc phải thường vô hại nhưng đôi khi là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe nguy hiểm.

Tê mỏi cánh tay có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Ví dụ, thói quen ngồi hoặc ngủ sai tư thế, tỳ đè lên mạch máu có thể gây cản trở máu lưu thông, đồng thời chèn ép dây thần kinh, khiến tay bạn trở nên tê cứng. Mặt khác, tình trạng mất cảm giác ở tay đôi khi là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Để giúp bạn hiểu rõ hơn về mối nguy hiểm tiềm ẩn của tình trạng tê mỏi cánh tay, bài viết sau đây sẽ chỉ ra 8 nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng này nhé.

Nguyên nhân gây tê tay trái là do đâu?

Do máu lưu thông kém

Các mạch máu bị tắc nghẽn hoặc bị chèn ép có thể gây cản trở máu lưu thông từ tim đến các cơ quan và ngược lại. Điều này dẫn đến cánh tay trái phải bị tê cứng và ngứa ran ở tứ chi, bao gồm:

  • Tê cánh tay.
  • Ngứa ran ở bàn tay.
  • Tê, ngứa cẳng chân.
  • Ngứa ran bàn chân.

Ngoài ra, quá trình máu kém lưu thông còn có thể gây ra một số triệu chứng như:

  • Mệt mỏi.
  • Da tái xanh.
  • Tay chân lạnh.
  • Đau khớp hoặc cơ.
  • Sưng phù cẳng chân, mắt cá chân hoặc bàn chân.

Thông thường, máu lưu thông kém không hẳn là do bệnh lý. Tình trạng tê cánh tay này chỉ báo hiệu rằng bạn đang rất lười vận động trong suốt cả ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu tê mỏi cánh tay trái hoặc phải kéo dài, thì có thể đó là dấu hiệu cảnh báo một số tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn, bao gồm:

  • Xơ vữa động mạch: cholesterol tích tụ thành những mảng bám lên thành mạch máu, khiến động mạch bị xơ cứng và lòng mạch thu hẹp lại, ngăn cản dòng máu đi qua
  • Sự hiện diện của huyết khối: các cục máu đông tụ lại với nhau trong lòng mạch gây cản trở dòng chảy của máu
  • Bệnh động mạch ngoại biên: đây là một dạng xơ vữa động mạch ở cánh tay và chân
  • Đái tháo đường: lượng đường trong máu cao góp phần hình thành những mảng bám và gây tổn thương mạch máu

Tùy vào nguyên nhân gây tê cánh tay, bạn có thể lựa chọn các phương pháp điều trị và kiểm soát khác nhau, thông thường là:

  • Sử dụng băng thun để giảm sưng ở các chi
  • Tập thể dục thể thao giúp máu lưu thông tốt
  • Tuân thủ điều trị theo đơn của bác sĩ cho, chẳng hạn như thuốc hạ mỡ máu, thuốc hạ đường huyết…
  • Phẫu thuật để loại bỏ những cục máu đông lớn gây tắc nghẽn động mạch
  • Bấm huyệt
  • Chườm nóng.

Do bệnh thần kinh ngoại biên

Thuật ngữ “bệnh thần kinh ngoại biên” dùng để chỉ tình trạng tổn thương các dây thần kinh ở ngoại vi, bộ phận chịu trách nhiệm truyền tải thông tin giữa hệ thần kinh trung ương (não và tủy sống) đến các phần xa của cơ thể. Vì thế, đây thường xuyên là nguyên nhân của tình trạng tê tay trái. 

Tùy vào dây thần kinh bị ảnh hưởng, người bệnh có thể gặp phải một hoặc nhiều triệu chứng như:

  • Tê bì hay ngứa ran cánh tay, bàn tay, bàn chân hoặc cẳng chân
  • Tăng cảm giác đau khi chạm vào hoặc khi thay đổi nhiệt độ
  • Yếu cơ
  • Co giật cơ (rung giật bắp cơ) không kiểm soát được
  • Teo cơ hay mất cơ 
  • Tăng tiết mồ hôi

Xơ vữa động mạch gây tê cánh tay trái

Mặt khác, một số yếu tố có thể gây tổn thương thần kinh ngoại biên, bao gồm:

  • Đái tháo đường
  • Các bệnh tự miễn
  • Gãy xương hoặc trật khớp do chấn thương
  • Xơ vữa động mạch, viêm mạch và một số vấn đề liên quan đến tim mạch khác
  • Mất cân bằng nội tiết tố
  • Các bệnh về thận hoặc gan
  • Thiếu hụt vitamin B12
  • Một số dạng ung thư cũng như liệu trình điều trị ung thư

Trong trường hợp nghi ngờ tê cánh tay do những nguyên nhân này, bạn sẽ cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được điều trị chuyên sâu hơn.

Hội chứng lối thoát ngực cũng gây tê cánh tay

Theo các nghiên cứu, hội chứng lối thoát ngực (TOS) là hiện tượng dây thần kinh và mạch máu bị chèn ép khi đi qua xương đòn với xương sườn đầu tiên. Do đó, người mắc phải căn bệnh này có thể bị tê hay ngứa ran ở bàn tay, đồng thời cảm thấy bị yếu cơ cổ hoặc cánh tay.

Để đối phó với tình trạng tê cánh tay này, bác sĩ thường đề xuất một số bài tập vật lý trị liệu giúp tăng cường sức mạnh cơ ngực và cơ lưng, với mục đích cải thiện tư thế của người bệnh. Qua đó, giảm bớt áp lực chèn ép lên dây thần kinh và mạch máu.

Mặt khác, bác sĩ cũng có thể kê thêm các loại thuốc giúp giảm đau và ngăn ngừa huyết khối. Và sau cùng, nếu kết hợp những biện pháp trên mà triệu chứng vẫn không cải thiện, bạn có thể cần được thực hiện phẫu thuật.

Tê cánh tay do hẹp cột sống cổ

Ống sống cổ bị hẹp sẽ chèn ép tủy sống và các dây thần kinh. Do đó, người mắc chứng hẹp ống sống cổ thường có xu hướng bị tê hay yếu cánh tay hoặc bàn chân, đau cổ và đau lưng.

Theo thống kê, tình trạng hẹp ống sống cổ dễ phát sinh ở những người bị thoái hóa cột sống cổ. Bên cạnh đó, chấn thương cổ hoặc khối u xuất hiện ở cột sống cũng là nguyên nhân gây hẹp ống sống cổ.

Đối với trường hợp này, bạn sẽ cần tiếp nhận điều trị y tế càng sớm càng tốt, bao gồm:

  • Nẹp lưng.
  • Phẫu thuật
  • Vật lý trị liệu.
  • Sử dụng thuốc.

Do thoát vị đĩa đệm

Đĩa đệm trượt khỏi vị trí bên trong đốt sống có nguy cơ chèn vào các dây thần kinh xung quanh, từ đó dẫn đến tình trạng đau hoặc tê mỏi cánh tay.

điều trị thoát vị địa đệm giúp cải thiện tê cánh tay trái hoặc phải

Tùy vào tình trạng sức khỏe hiện tại mà bạn có nhiều lựa chọn điều trị thoát vị đĩa đệm, bao gồm sử dụng thuốc giảm đau, tập vật lý trị liệu hoặc được phẫu thuật.

Do mắc chứng đau đầu migraine thể liệt nửa người

Tê tay trái hoặc phải cảnh báo chứng đau đầu migraine thể liệt nửa người. Những người mắc chứng đau đầu migraine thể liệt nửa người có nguy cơ yếu hoặc liệt một bên cơ thể thoáng qua. Tình trạng này có thể xuất hiện trước hoặc cùng lúc với cơn đau đầu. Một số dấu hiệu thường gặp bao gồm:

  • Cảm giác bị tê tay trái hoặc phải hay ngứa ran ở một bên tay, chân. Hoặc tương tự ở một bên mặt.
  • Đau đầu từ trung bình đến nặng, có thể dữ dội, đau như mạch máu giật trong đầu.
  • Đau thường chỉ một bên, tuy nhiên có thể lan qua bên còn lại.

Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như:

Bị tê cánh tay trái hoặc phải liên quan đến đau nửa đầu

Đau đầu migraine thể liệt nửa người, là tình trạng hiếm xảy ra, nên đến nay vẫn chưa có phác đồ điều trị tiêu chuẩn.

Thuốc giảm đau và nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) thường được sử dụng để trị chứng đau đầu migraine.  

Nhồi máu cơ tim cũng dẫn đến tê mỏi cánh tay

Đau tim gây tê cánh tay phải

Một cơn nhồi máu cơ tim có thể xảy ra nếu cơ tim không nhận đủ máu giàu oxy cần thiết để hoạt động. Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim có thể bắt nguồn từ:

  • Co thắt động mạch vành.
  • Tắc nghẽn động mạch vành do có mảng xơ vữa hoặc cục máu đông.

Bên cạnh đó, ngoài cảm giác đau buốt ở vùng ngực trước tim, các cơn nhồi máu cơ tim còn kèm theo nhiều triệu chứng khác như:

  • Đau, tê cánh tay trái/phải hoặc cả hai bên
  • Đau có thể lan ra sau lưng, lên vai, cổ hoặc hàm
  • Cảm giác lồng ngực bị bóp nghẹt
  • Đau vùng thượng vị, cảm giác ợ nóng hoặc ăn khó tiêu
  • Khó thở
  • Buồn nôn và nôn
  • Cảm giác đầu nhẹ lâng lâng hay quay cuồng hoặc ngất xỉu
  • Vã mồ hôi, chân tay lạnh 

Nhồi máu cơ tim cấp là một cấp cứu nội khoa. Vì vậy, nếu bản thân bạn hay người thân đột ngột bị đau ngực trái dữ dội kèm với các triệu chứng như trên, bạn nên gọi cấp cứu ngay lập tức để được điều trị kịp thời.

Bị tê tay trái/phải có thể cảnh báo về tình trạng đột quỵ

Thông thường, đột quỵ dễ xảy ra nếu lưu lượng máu đến não bị giảm hay tắc hoàn toàn hoặc vỡ một mạch máu nào đó trong não. Đây là một tình trạng nghiêm trọng, cần được cấp cứu ngay lập tức. Do đó, bạn đừng nên xem nhẹ bất kỳ triệu chứng đột quỵ nào sau đây:

  • Lú lẫn.
  • Khó nói.
  • Chóng mặt.
  • Nhìn mờ, nhìn đôi.
  • Đau đầu đột ngột, dữ dội.
  • Tê hay yếu tay chân một bên hoặc nửa mặt.
  • Mất phối hợp vận động (đi loạng choạng, dễ té ngã).

Đột quỵ được điều trị bằng các cách khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây tai biến:

  • Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: sử dụng thuốc làm tan huyết khối ly giải cục máu đông gây cản trở máu lên não.
  • Đột quỵ  do xuất huyết: phẫu thuật nhằm sửa chữa những mạch máu bị phình vỡ hoặc rò rỉ.

Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?

bị tê cánh tay trái/phải khi nào nên đi khám

Như đã nói ở trên, tê cánh tay là triệu chứng phổ biến của sai tư thế, ít vận động, và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Tuy nhiên, chúng có thể là “thông điệp” của một bệnh cần được điều trị khẩn cấp như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.

Vì vậy, người đã có tiền sử bệnh tim mạch ngoài tái khám định kỳ, nên được chăm sóc y tế ngay lập tức nếu đột nhiên bị tê hay yếu cánh tay một bên hoặc tình trạng tê cánh tay kéo dài không rõ nguyên nhân.

Trên đây là 8 nguyên nhân gây tê cánh tay phổ biến, bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân ít gặp hơn như bệnh xơ cứng rải rác, động kinh cục bộ, rối loạn điện giải, nhiễm chì hay tác dụng phụ trong quá trình điều trị ung thư… Vì vậy, đừng chủ quan trước bất kỳ trường hợp tê tay trái/phải nào nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Numbness and tingling
https://medlineplus.gov/ency/article/003206.htm
Ngày truy cập: 30/08/2023

2. Numbness in hands
https://www.mayoclinic.org/symptoms/numbness-in-hands/basics/causes/sym-20050842
Ngày truy cập: 30/08/2023

3. Limb numbness
https://www.healthdirect.gov.au/limb-numbness
Ngày truy cập: 30/08/2023

4. The numb arm and hand
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/7810463/
Ngày truy cập: 30/08/2023

5. Overview of nervous system disorders
https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/overview-of-nervous-system-disorders
Ngày truy cập: 30/08/2023

Numbness or tingling https://www.health.harvard.edu/decision_guide/numbness-or-tingling Ngày truy cập: 30/08/2023

Phiên bản hiện tại

30/08/2023

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phan Mỹ Hạnh

Cập nhật bởi: Huỳnh Quế Trân


Bài viết liên quan

Tê tay trái là bệnh gì? Hiểu rõ để tránh chủ quan

Thiếu hụt vitamin B12 do biến chứng bệnh tiểu đường


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Phan Mỹ Hạnh

Thần kinh · Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 30/08/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo