backup og meta

Hội chứng lối thoát ngực

Hội chứng lối thoát ngực

Định nghĩa

Hội chứng lối thoát ngực là gì?

Hội chứng lối thoát ngực xảy ra khi dây thần kinh hoặc mạch máu của búi thần kinh cánh tay bị đè ép.

Búi thần kinh cánh tay nẳm giữa khoảng trống giữa xương đòn và xương sườn đầu tiên, bao gồm cả dây thần kinh và mạch máu từ cổ đi vào cánh tay. Khi cấu trúc khung xương này có điều gì bất thường hoặc sai vị trí, các búi thần kinh sẽ bị chèn giữa xương đòn và xương sườn. Bệnh đa phần ảnh hưởng đến dây thần kinh, chiếm 95% số người mắc bệnh.

Những ai thường mắc phải hội chứng lối thoát ngực?

Hội chứng này thường gặp ở phụ nữ 20-50 tuổi và hiếm thấy ở những người trẻ hơn 20. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Triệu chứng và dấu hiệu

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng lối thoát ngực là gì?

Bệnh có thể ảnh hường lên dây thần kinh hoặc mạch máu. Tuy nhiên đa số các trường hợp là bị ảnh hưởng ở dây thần kinh. Các triệu chứng bao gồm đau ở vai, cánh tay, hoặc bàn tay, hoặc cả ba. Đau bàn tay thường xảy ra nhất ở ngón áp út và ngón út. Ngón tay có thể bị tê và có cảm giác châm chích, khả năng cầm nắm yếu đi. Cảm giác đau thường nặng hơn khi cử động tay, và cánh tay thường cảm thấy mỏi.

Các động mạch hoặc tĩnh mạch ít bị ảnh hưởng hơn. Hơn nữa, tùy vào đó là động mạch hay tĩnh mạch, triệu chứng sẽ khác nhau. Động mạch bị chèn ép làm màu da tái nhợt, lạnh và tê ở cánh tay. Chèn ép tĩnh mạch gây sưng và đau cánh tay.

Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Ngoại trừ những nguyên nhân bẩm sinh, bệnh còn có thể gây ra do các hoạt động hằng ngày. Trong trường hợp bệnh gây ảnh hưởng đến đời sống của bạn, bạn nên gọi bác sĩ nếu:

  • Bị đau cánh tay.
  • Lạnh, tái nhạt ở ngón tay.
  • Tê và sưng cánh tay.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra hội chứng lối thoát ngực là gì?

Nguyên nhân gây ra chứng lối thoát ngực bao gồm các bất thường ở vị trí cơ, xương sườn và xương đòn bẩm sinh. Một trọng những nguyên nhân khác là do cục máu đông ở vị trí này.

Các hoạt động khác gây ảnh hưởng đến xương vai và xương đòn như chấn thương hoặc mang vác nặng trong thời gian dài có thể gây hội chứng này.

Hội chứng lối thoát ngực không di truyền từ cha mẹ sang con cái và không lây nhiễm.

Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng lối thoát ngực?

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hội chứng lối thoát ngực, bao gồm:

  • Lặp đi lặp lại một động tác liên tục, chẳng hạn như đánh máy vi tính, làm việc trong dây chuyền lắp ráp, hoặc nâng vật trên đầu của bạn.
  • Các vận động viên cũng có thể mắc hội chứng lối thoát ngực qua nhiều năm vận động liên tục.
  • Áp lực lên các khớp xương của bạn cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh. Béo phì có thể làm tăng áp lực trên các khớp xương của bạn, cũng tương tự như khi mang theo một túi xách hoặc ba lô quá nặng.
  • Mang thai. Bởi vì các khớp được nới lỏng trong thời kỳ mang thai, dấu hiệu của hội chứng lối thoát ngực có thể xuất hiện đầu tiên trong khi bạn đang mang thai.

Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng lối thoát ngực?

Mục tiêu điều trị là điều chỉnh các xương và cơ để không gây chèn ép lên búi thần kinh nữa. Phương pháp đơn giản nhất là lên chương trình luyện tập để tăng cường sự dẻo dai của cơ vai.

Điều trị chèn ép dây thần kinh thường là điều trị lâu dài. Có thể phẫu thuật cho những trường hợp chèn ép mạch máu hay dây thần kinh chính phức tạp, nhưng nó chỉ được áp dụng với một số ít người. Trong một số trường hợp (ví dụ, tĩnh mạch tắc nghẽn do cục máu đông), bác sĩ có thể sử dụng chất chống đông gọi là warfarin để ngăn chặn tạo thêm nhiều cục máu đông.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng lối thoát ngực?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên bệnh sử, khám tổng quát và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh đặc biệt để quan sát vùng xương vai nhằm xác định búi thần kinh có bị ép hay không. Những phương pháp này bao gồm chụp cắt lớp lồng ngực (CT), chụp X-quang. Các biện pháp này còn giúp phát hiện ra các bệnh lý khác nếu có.

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng lối thoát ngực?

Hội chứng lối thoát ngực có thể được hạn chế nếu bạn:

  • Tập các bài tập ở nhà để củng cố và hỗ trợ các cơ.
  • Tránh đè nặng không cần thiết trên vai và cơ xung quanh lối thoát ngực.
  • Duy trì tư thế ngồi, đứng tốt.
  • Nghỉ giải lao thường xuyên tại nơi làm việc.
  • Duy trì cân nặng bình thường.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ferri, Fred. Ferri’s Netter Patient Advisor. Philadelphia, PA: Saunders / Elsevier, 2012. Bản tải về

Porter, R. S., Kaplan, J. L., Homeier, B. P., & Albert, R. K. (2009). The Merck manual home health handbook. Whitehouse Station, NJ, Merck Research Laboratories. Bản in. Trang 823

Phiên bản hiện tại

11/05/2020

Tác giả: Giang Lê

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư


Bài viết liên quan

Đau đầu vận mạch là gì? Cách trị đau đầu vận mạch

Đau đầu khi ho: Cẩn thận các bệnh lý nguy hiểm


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 11/05/2020

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo