backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Người bệnh gút nên ăn gì? Thực đơn cho người bệnh gout

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Luyến Trần · Ngày cập nhật: 13/10/2021

    Người bệnh gút nên ăn gì? Thực đơn cho người bệnh gout

    Gút (gout) là một loại viêm khớp do tình trạng tăng axit uric trong máu gây ra những cơn đau. Có nhiều phương pháp điều trị để giảm những cơn đau, một trong đó là dùng thực phẩm trong các bữa ăn giúp điều trị gút. Bạn có biết bệnh gút nên ăn gì?

    Đâu là các thực phẩm tốt cho người bệnh gout giúp cho việc điều trị những cơn đau kéo dài, sưng đỏ giảm đi đáng kể? Hãy cùng Hello Bacsi bỏ túi 9 thực phẩm, dưỡng chất giúp hỗ trợ điều trị cho bệnh gút nhé!

    Bệnh Gout là gì?

    Bệnh Gout là bệnh rối loạn chuyển hoá liên quan đến ăn uống, nguyên nhân là nồng độ axit uric quá cao trong huyết tương dẫn đến lắng đọng các tinh thể urat (muối của axit uric) hay tinh thể axit uric.

    Lắng đọng ở khớp (ở sụn khớp, bao hoạt dịch) sẽ khiến cho khớp bị viêm, gây đau đớn, từ đó dẫn đến biến dạng, cứng khớp. Bên cạnh đó, lắng đọng ở thận có thể gây ra bệnh thận do urat (viêm thận kẽ, sỏi thận…). Ngoài ra, bệnh gút thường gặp nhiều ở nam giới từ tuổi 40 trở lên, và họ thường mắc những đợt kịch phát, tái phát nhiều lần.

    Người bệnh gút nên ăn gì? 9 loại thực phẩm tốt dành cho người bệnh gout

    1. Vitamin C

    bổ sung vitamin C cho người bị gút

    Vitamin C còn được gọi là axit ascorbic, là một chất chống oxy hóa, giúp cơ thể tự bảo vệ trước các phân tử gốc tự do gây hại. Vitamin C là một loại vitamin thiết yếu giúp cơ thể củng cố, sửa chữa và duy trì các mô khỏe mạnh.

    Vậy vitamin C có tác dụng gì trong việc điều trị gút?

    Một nghiên cứu năm 2009 kiểm tra lợi ích tiềm năng của vitamin C với gần 47.000 người tham gia tình nguyện là nam giới không có tiền sử mắc bệnh gút. Kết luận của cuộc nghiên cứu cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa lượng vitamin C và làm giảm nguy cơ mắc bệnh gút, vì thế nó là loại vitamin mà người bị bệnh gút nên ăn.

    2. Bệnh gút nên ăn gì? Sản phẩm có chiết xuất từ bromelain

    bệnh gút nên ăn thơm

    Bromelain là một enzyme được chiết xuất từ cây dứa có đặc tính kháng viêm. Nó được sử dụng để điều trị viêm khớp, viêm xoang và các loại viêm khác. Ngoài ra, bromelain còn hỗ trợ tiêu hóa, chống đông máu.

    Nhờ khả năng kháng viêm tuyệt vời nên bromelain được dùng như một chất giúp điều trị bệnh gút hiệu quả.

    Bromelain có trong dứa và được sản xuất dưới dạng viên nén hoặc viên nang với hàm lượng cụ thể tùy vào mục đích sử dụng.

    3. Bổ sung omega 3

    bổ sung omega 3

    Các chuyên gia thường khuyên dùng axit béo omega 3 hay gọi nôm na là dầu cá, để tăng cường sức khỏe cho tim. Nhưng chúng cũng có lợi cho những người bị bệnh gút vì có khả năng làm giảm viêm, nguyên nhân gây ra những cơn đau dai dẳng.

    Bạn có thắc mắc tại sao không ăn cá thay vì bổ sung dầu cá? Một số loại cá như cá cơm, cá tuyết chấm đen, cá trích, cá hồi hồ, cá thu, cá hồi đại dương, cá mòi… giàu axit béo omega 3 nhưng cũng chứa hàm lượng purin cao hơn, chúng có xu hướng tăng nồng độ axit uric, và làm nặng thêm tình trạng bệnh gút.

    Theo Arthritis Today, mặc dù thịt cá có chứa nhiều purin nhưng các chất này được loại bỏ sau khi chưng cất dầu cá tinh khiết. Vì vậy bệnh nhân gút có thể yên tâm bổ sung dầu cá mà không lo lượng purin hấp thu vào cơ thể. Bạn cũng có thể mua các loại dầu cá từ những nhà thuốc uy tín, để đảm bảo chất lượng.

    >>> Bạn có thể quan tâm: Chế độ ăn cho người bị gout trong 7 ngày

    4. Bệnh gút nên ăn gì? Gừng

    Gừng hỗ trợ trị gút

    Người bị bệnh gút nên ăn gì? Gừng có hàm lượng gingerol dồi dào có tác dụng kháng viêm, giảm đau nhức các khớp do bệnh gút gây ra. Nó còn giúp cho máu lưu thông tốt hơn, nhờ đó làm các khớp bị gút bớt sưng phù.

    Trong các loại gừng, gừng đỏ được ưu tiên hơn hết vì được kiểm chứng thông qua nghiên cứu năm 2017. Các nhà nghiên cứu đã kết luận công dụng giảm những cơn đau liên quan đến gút của gừng đỏ.

    5. Dịch chiết xuất từ lá ổi

    chiết xuất lá ổi trị gút

    Theo y học cổ truyền: lá ổi có vị đắng chát có khả năng cầm máu, nhuận tràng, trị tiêu chảy, kháng viêm tốt…

    Trong lá ổi có chứa tanin, vitamin, tinh dầu, axit maslinic, axit guajava lic… dùng điều trị các bệnh về đường tiêu hóa, chống viêm, chống sưng, cầm máu rất hiệu quả. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho biết chiết xuất từ lá ổi có thể chống gút.

    6. Cây kế sữa

    cây kế sữa

    Cây kế sữa được gọi là cây cúc gai, kế thánh, có tên khoa học là silybum marianum, trong y học nó được dùng trong những phương pháp điều trị tổn thương cho gan. Đồng thời, giúp ngăn ngừa sự suy giảm chức năng não, bảo vệ xương, hỗ trợ điều trị ung thư, điều trị mụn trứng cá, giảm lượng đường trong máu.

    Năm 2016, loại cây này được nghiên cứu với lợi ích làm giảm mức axit uric trong cơ thể, giúp điều trị làm giảm viêm.

    7. Củ nghệ

    bệnh gút nên ăn nghệ

    Người bệnh gút ăn gì? Nghệ giúp mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong nghệ chứa curcumin có tác dụng giảm viêm do căn bệnh viêm khớp gây ra, cũng như các bệnh viêm khác. Đây là một thực phẩm rất có lợi mà người bị gút nên ăn.

    Khoa học cũng có những nghiên cứu chứng minh nghệ có khả năng trong việc điều trị gút hiệu quả. Các chế phẩm chứa hạt nano nghệ hứa hẹn làm giảm nồng độ axit uric trong cơ thể.

    >>> Bạn có thể quan tâm: Lưu ý chế độ ăn kiêng cho người bị gout

    8. Trái cherry

    bệnh gút nên ăn quả cherry

    Người bệnh gút nên ăn gì? Nghiên cứu năm 2012 cho thấy những người thường xuyên ăn cherry giúp làm giảm 60% lượng axit uric. Nó làm giảm nồng độ axit uric trong máu đồng nghĩa với việc giảm khả năng phát triển bệnh gút và giảm các cơn đau do gút gây ra.

    Cherry (anh đào) chứa nhiều vitamin C, một trong những chất kháng viêm như được đề cập ở trên. Các chuyên gia khuyên người bị bệnh gút nên ăn quả cherry để phòng ngừa những cơn đau ập tới bất ngờ. Ngoài ra, trong trái cherry có thành phần chống oxy hóa có tác động đến hệ thống miễn dịch, làm giảm các tấn công của bệnh gút.

    9. Cà phê

    cà phê hỗ trợ giảm đau cho bệnh gút

    Bị gout nên uống gì? Cà phê có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa bởi hợp chất phenol (axit chlorogenic) nếu uống 1-2 tách/ngày. Năm 2015 có một nghiên cứu kết luận cà phê còn có khả năng làm giảm nồng độ axit uric thông qua việc bài tiết của cơ thể.

    Người bệnh gút uống cà phê giúp cân bằng lượng axit uric trong máu, hạn chế sự lắng đọng tinh thể urat, giúp cải thiện bệnh viêm khớp hiệu quả.

    Phương pháp điều trị khác

    Ngoài việc bổ sung các dưỡng chất và vitamin, bệnh gút còn có những phương pháp điều trị lâm sàng khác.

    Có những loại thuốc điều trị những cơn đau chuyên biệt, được bác sĩ kê đơn chữa trị. Người bệnh gút cũng có thể sử dụng một số thực phẩm chức năng không kê đơn.

    Bệnh gút có thể tái phát cũng như tiến triển nặng hơn. Vì vậy, ngoài việc điều trị bằng thuốc, bạn nên bổ sung các thực phẩm tự nhiên để ngăn chặn khả năng bùng phát của bệnh. Tránh những cơn đau phiền hà, kéo dài. Bạn cũng nên hạn chế sử dụng nhưng thực phẩm chứa nhiều đạm vì làm gia tăng nồng độ axit uric trong máu, nguyên nhân gây ra căn bệnh này.

    >>> Bạn có thể quan tâm: Các loại thuốc chữa bệnh gout thường dùng

    Trên đây Hello Bacsi đã giúp bạn giải đáp người bệnh gout ăn gì để giảm đau hiệu quả. Bên cạnh đó, trước khi sử dụng một số loại thực phẩm, bạn nên xem xét khả năng dị ứng cũng như nhận sự hỗ trợ tư vấn từ các bác sĩ điều trị.

    LUYẾN TRẦN/HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Luyến Trần · Ngày cập nhật: 13/10/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo