backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Glycine là gì mà bạn nên bổ sung cho cơ thể?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 18/03/2020

    Glycine là gì mà bạn nên bổ sung cho cơ thể?

    Glycine đóng vai trò không thể thiếu giúp bảo vệ tim mạch, gan, thậm chí có thể cải thiện bệnh tiểu đường. Vậy glycine là gì mà khiến nhiều người tìm kiếm vậy?

    Trong các loại acid amin, glycine có khối lượng nhỏ nhất nhưng lại mang nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Dưới đây, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu glycine là gì, công dụng và những lưu ý khi sử dụng nhé!

    Glycine là gì?

    Glycine là một axit amin giúp xây dựng protein, cần cho sự phát triển, duy trì mô để tạo ra các chất quan trọng chẳng hạn như hormone và enzyme. Glycine không được coi là axit amin thiết yếu vì cơ thể có thể tự tạo ra từ các hóa chất khác. Một chế độ ăn điển hình chứa khoảng 2g glycine mỗi ngày với các thực phẩm giàu protein bao gồm thịt, cá, sữa và các loại đậu.

    Glycine có thể được sử dụng cho các mục đích sau đây:

    – Giảm nguy cơ rối loạn tâm thần, phòng chống ung thư và tăng cường trí nhớ.

    – Bôi glycine trực tiếp lên da để điều trị loét chân và chữa lành vết thương khác.

    – Bảo vệ thận khỏi tác dụng phụ có hại của một số loại thuốc được sử dụng sau khi cấy ghép nội tạng, cũng như gan khỏi tác hại của rượu.

    – Điều trị tâm thần phân liệt, đột quỵ, khó ngủ, tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (BPH), hội chứng chuyển hóa và một số rối loạn chuyển hóa di truyền hiếm gặp.

    Glycine có liên quan đến việc truyền tín hiệu hóa học trong não giúp hỗ trợ bệnh tâm thần phân liệt, cải thiện trí nhớ và đóng vai trò trong phòng chống ung thư nhờ can thiệp vào việc cung cấp máu cho khối u.

    Vai trò của glycine là gì?

    Bạn hãy lưu ý 9 vai trò đối với sức khỏe của glycine dưới đây:

    1. Glycine giúp sản xuất chất chống oxy hóa

    Glycine là 1 trong 3 axit amin mà cơ thể bạn sử dụng để tạo ra glutathione, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp bảo vệ các tế bào của bạn chống lại thiệt hại oxy hóa gây ra bởi các gốc tự do. Tình trạng cơ thể không có đủ glycine sẽ dẫn đến sản xuất ít glutathione, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể, khiến cơ thể phải chống lại quá trình oxy hóa gây tổn thương tế bào theo thời gian.

    Vì mức độ glutathione giảm tự nhiên theo tuổi tác, bạn cần đảm bảo cơ thể hấp thu đủ glycine khi lớn tuổi để tận dụng các lợi ích cho sức khỏe.

    2. Glycine là thành phần của creatine

    glycine là gì

    Glycine là một loại axit amin mà cơ thể bạn sử dụng để tạo ra một hợp chất gọi là creatine. Creatine cung cấp cho cơ bắp của bạn năng lượng để thực hiện các hoạt động nhanh, ngắn như cử tạ và chạy nước rút.

    Khi kết hợp với việc tập luyện sức bền, creatine đã được chứng minh là làm tăng kích thước cơ bắp và sức mạnh. Cơ thể bạn có thể tổng hợp tự nhiên và hấp thu creatine qua chế độ ăn uống, việc bổ sung quá ít glycine có thể làm giảm lượng sản xuất creatine trong cơ thể.

    Glycine giúp tổng hợp creatine được nghiên cứu có lợi đối với sức khỏe của xương, chức năng não và các tình trạng thần kinh như bệnh Parkinson và bệnh Alzheimer.

    3. Glycine là axit amin chính trong collagen

    Collagen là một cấu trúc protein có chứa lượng glycine cao giúp bạn cung cấp sức mạnh cho cơ bắp, da, sụn, máu, xương và dây chằng. Việc bổ sung collagen đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe của da, giảm đau khớp và ngăn ngừa mất xương. Do đó, bạn bổ sung đủ glycine để hỗ trợ cơ thể sản xuất collagen.

    4. Glycine cải thiện chất lượng giấc ngủ

    Bên cạnh một số cách cải thiện chất lượng giấc ngủ như không uống đồ uống có chứa caffeine vào cuối ngày hoặc tránh màn hình sáng vài giờ trước khi đi ngủ, glycine cũng có thể giúp bạn nhanh chóng đi vào giấc ngủ. Axit amin này có tác dụng làm dịu não và giúp bạn ngủ bằng cách hạ thấp nhiệt độ cơ thể của bạn.

    Nghiên cứu ở người có vấn đề về giấc ngủ đã chỉ ra rằng uống 3g glycine trước khi ngủ sẽ giảm thời gian đi vào giấc ngủ, tăng cường chất lượng, giảm buồn ngủ ban ngày và cải thiện nhận thức.

    5. Glycine giúp bảo vệ gan

    Việc tiêu thụ quá nhiều rượu có thể có tác động gây hại cho cơ thể, đặc biệt là gan của bạn. Có ba loại tổn thương gan do rượu gây ra:

    • Gan nhiễm mỡ: Sự tích tụ chất béo bên trong gan, làm tăng kích thước gan.

    • Viêm gan do rượu: Nguyên nhân do uống rượu lâu dài, quá mức.

    • Xơ gan do rượu: Giai đoạn cuối của bệnh gan do rượu, xảy ra khi các tế bào gan bị tổn thương và hình thành mô sẹo.

    Nghiên cứu cho thấy rằng glycine có thể làm giảm tác hại của rượu đối với gan bằng cách ngăn ngừa viêm. Điều này đã được chứng minh làm giảm nồng độ rượu trong máu ở chuột sử dụng rượu bằng cách kích thích sự chuyển hóa rượu trong dạ dày chứ không phải gan, từ đó ngăn chặn sự phát triển của gan nhiễm mỡ và xơ gan do rượu. Hơn nữa, glycine cũng có thể giúp đảo ngược tổn thương gan do uống quá nhiều rượu ở động vật.

    Các nghiên cứu về tác dụng của glycine đối với tổn thương gan do rượu gây ra hiện đang giới hạn ở động vật, glycine cần được nghiên cứu nhiều hơn tác động ở người.

    6. Glycine giúp bảo vệ tim mạch

    glycine là gì

    Nghiên cứu cho thấy glycine cung cấp bảo vệ chống lại bệnh tim nhờ khả năng ngăn ngừa sự tích tụ của các hợp chất có liên quan đến chứng xơ vữa động mạch, làm cứng và thu hẹp các động mạch. Axit amin này có thể cải thiện khả năng sử dụng oxit nitric của cơ thể, một phân tử quan trọng làm tăng lưu lượng máu và giảm huyết áp.

    Trong nghiên cứu ở hơn 4.100 người đau ngực, nồng độ glycine cao có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đau tim sau khi theo dõi 7,4 năm. Hơn nữa, glycine được nghiên cứu cho thấy có thể làm giảm một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim ở chuột ăn chế độ nhiều đường.

    7. Glycine cải thiện bệnh tiểu đường tuýp 2

    Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể dẫn đến tình trạng mức glycine thấp. Bệnh tiểu đường đặc trưng bởi sự suy yếu bài tiết và hoạt động của insulin, có nghĩa là cơ thể bạn không sản xuất đủ insulin hoặc không đáp ứng đúng với lượng insulin. Insulin làm giảm lượng đường trong máu bằng cách hấp thu đường vào các tế bào để lấy năng lượng hoặc dự trữ.

    Vì glycine đã được chứng minh giúp làm tăng phản ứng insulin ở những người không mắc bệnh tiểu đường, nên họ cho rằng việc bổ sung glycine có thể cải thiện phản ứng suy yếu insulin ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

    Nếu mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, bạn có thể giảm tình trạng kháng insulin bằng chế độ tập thể dục và ăn uống lành mạnh kết hợp bổ sung glycine.

    8. Glycine bảo vệ chống mất cơ bắp

    Glycine có thể làm giúp làm giảm sự mất cơ xảy ra khi lão hóa, suy dinh dưỡng, ung thư hoặc bỏng nặng. Tuy vẫn cần được nghiên cứu hơn, nhưng glycine hứa hẹn cải thiện sức khỏe bằng cách bảo vệ cơ bắp khỏi các tình trạng mất cơ.

    Bạn có thể bổ sung glycine bằng các loại thực phẩm như đậu nành, thịt bò, thịt lợn, cá, trứng sữa…

    Tác dụng phụ của glycine là gì?

    glycine là gì

    Các nghiên cứu đã cho đối tượng tham gia sử dụng 90g glycine/ngày trong vài tuần mà không có tác dụng phụ nghiêm trọng. Glycine thường an toàn cho bất cứ ai khi uống hoặc bôi lên da. Một vài báo cáo về tác dụng phụ của glycine có thể xảy ra trên đường tiêu hóa như phân mềm, buồn nôn, nôn và đau dạ dày.

    Hiện nay chưa có đủ thông tin về việc sử dụng glycine cho phụ nữ mang thai và cho con bú, vì thế bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

    Để có thể sử dụng glycine hiệu quả, bạn cần hiểu rõ bản chất glycine là gì cũng như các khuyến cáo về sức khỏe để tránh tác dụng phụ. Bạn có thể dễ dàng thêm bột glycine vào đồ uống yêu thích và một số thực phẩm, bên cạnh đó việc bổ sung collagen cũng là một cách hiệu quả để tăng lượng glycine cơ thể. Cả hai phương pháp này đều an toàn để giúp bạn hấp thụ các chất dinh dưỡng giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.

    Hoàng Trí HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 18/03/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo