backup og meta

7 tác hại của giấm táo phải biết để tránh làm hại sức khỏe

7 tác hại của giấm táo phải biết để tránh làm hại sức khỏe

Giấm táo giàu axit axetic và các chất dinh dưỡng như vitamin Bvitamin C, là một trong những thực phẩm quen thuộc với nhiều công dụng cho sức khỏe tổng quát. Thế nhưng, nếu lạm dụng giấm táo, bạn có thể gây hại cho sức khỏe . Bài viết sẽ mang đến những thông tin hữu ích về tác hại của giấm táo nếu dùng sai cách.

Hơn thế, cách uống giấm táo đúng cách để tối ưu lợi ích đối với sức khỏe cũng sẽ được đề cập trong bài viết. Một số những thói quen dùng giấm táo bạn nên dừng lại để ngăn ngừa tác hại của giấm táo.

Giấm táo có hại không?

Giấm táo được sử dụng phổ biến trong ẩm thực. Song song đó, giấm táo cũng được dùng như thực phẩm hỗ trợ sức khỏe vì những lợi ích nó mang lại. Giấm táo được dùng đúng cách có thể giúp giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn. Để tìm hiểu sâu hơn, bạn có thể tham khảo: Tác dụng của giấm táo: 10 lợi ích cho cả sức khỏe và sắc đẹp.

Tuy nhiên, nếu sử dụng giấm táo cô đặc, hoặc dùng chúng với tần suất quá dày đặc, giấm táo có thể gây hại cho sức khỏe của bạn. Sau đây là 7 rủi ro về sức khỏe khi dùng giấm táo sai cách.


7 tác hại tiềm ẩn của giấm táo 

Tác hại của giấm táo đa phần xuất phát từ việc lạm dụng giấm táo. Tuy nhiên, trong một số  trường hợp, giấm táo có thể gây ra tác dụng phụ đến những tình trạng sức khỏe đặc biệt. 

7 tác hại tiềm ẩn của giấm táo

1. Tăng nguy cơ hạ đường huyết

Giấm táo có lợi cho sức khỏe của những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 là một quan điểm đã được chứng minh. Thực tế là giấm táo có thể giúp giảm lượng đường trong máu. Điều này đã được công bố trên một nghiên cứu đánh giá năm 2018. Tuy nhiên, sử dụng đồng thời giấm táo và insulin có thể gây hại cho sức khỏe.

Giấm táo có thể làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày. Từ đó, tác hại của giấm táo là gây khó khăn cho việc kiểm soát lượng đường trong máu, và tăng nguy cơ hạ đường huyết. 


Một nghiên cứu cho thấy dùng giấm hàng ngày có thể gây hại cho bệnh nhân đái tháo đường phụ thuộc insulin và mắc bệnh dạ dày. Nguyên nhân là vì giấm táo làm giảm tỷ lệ làm rỗng dạ dày ở những bệnh nhân này. 

Làm sao để hạn chế tác hại của giấm táo? Nếu bạn bị đái tháo đường, hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa nếu bạn muốn thêm giấm táo vào chế độ ăn uống của mình.

2. Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa

tác hại của giấm táo

Gây ra các vấn đề về dạ dày, đặc biệt đối với những người bị chứng dạ dày, là một tác hại phổ biến của giấm táo. Đây được xem là một rủi ro đối nghịch với lợi ích giúp giảm cân của giấm táo. 

Tác dụng này đến từ việc giấm táo giúp làm chậm quá trình làm rỗng của dạ dày. Nhớ đó, giấm táo có thể điều chỉnh sự thèm ăn. Đây sẽ là một lợi ích tuyệt vời nếu như bạn không có vấn đề gì về sức khỏe. Giấm táo có thể gây ra những vấn đề về hệ tiêu hóa đối với bệnh nhân mắc chứng liệt dạ dày.

3. Tác hại của giấm táo: Gây hạ kali máu

Tiêu thụ một lượng lớn giấm táo có thể dẫn đến hạ kali máu. Lượng kali quá thấp có thể dẫn đến suy nhược, mệt mỏi, táo bón, chuột rút cơ hoặc nhịp tim không đều. 

Hạ kali máu đặc biệt đáng lo ngại đối với những người cũng đang dùng thuốc làm giảm kali, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu điều trị huyết áp cao.

4. Ăn mòn men răng

Một tác dụng phụ của giấm táo mà bạn nên cân nhắc chính là làm hỏng men răng. Một nghiên cứu lưu ý rằng chế độ ăn uống có tính axit có thể dẫn đến xói mòn răng. Khi  men răng bị mài mòn, răng của bạn sẽ nhạy cảm và dễ ê buốt hơn theo thời gian. 

5. Bỏng thực quản 

Tác hại của giấm táo đến từ tính axit cao của nó. Nếu bạn uống thường xuyên hoặc với số lượng lớn, giấm táo có thể dẫn đến kích ứng cổ họng. Thậm chí, nó có thể dẫn đến bỏng thực quản nếu bạn không pha loãng khi uống. Một nghiên cứu kết luận rằng giấm táo có thể là nguyên nhân gây bỏng axit. 

6. Tác hại của giấm táo: Gây bỏng da

tác hại của giấm táo

Giấm táo đôi khi được dùng tại chỗ trên da như một lớp toner (nước hoa hồng). Một số người sử dụng giấm táo đậm đặc như phương pháp điều trị mụn trứng cá và các dấu hiệu lão hóa tại nhà. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng, lợi ích này có thể đi kèm với nguy cơ kích ứng da.

Cả lợi ích lẫn tác hại của giấm táo đa phần cùng xuất phát từ hàm lượng axit axetic của nó. Tương tự với rủi ro bỏng thực quản, nồng độ axit cao của giấm táo cũng có thể gây bỏng da. 

7. Giảm tác dụng của thuốc

Tác dụng phụ cuối cùng của giấm táo mà bạn nên cân nhắc đó là nó có thể gây giảm tác dụng của một số loại thuốc, hoặc gây hạ kali máu. Chính vì thế, hãy thận trọng khi bạn đang sử dụng những loại thuốc sau: 

  • Digoxin (Lanoxin). Một lượng lớn giấm táo có thể làm giảm nồng độ kali trong cơ thể. Nồng độ kali thấp có thể làm tăng tác dụng phụ của digoxin.
  • Insulin. Insulin có thể làm giảm nồng độ kali trong cơ thể. Một lượng lớn giấm táo cũng có thể làm giảm nồng độ kali trong cơ thể. Dùng giấm táo cùng với insulin có thể khiến lượng kali trong cơ thể quá thấp.
  • Thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Giấm táo có thể làm giảm lượng đường trong máu. Dùng giấm táo cùng với thuốc điều trị tiểu đường có thể khiến lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp. Nếu bạn đang dùng giấm táo, hãy theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu của bạn.
  • Thuốc lợi tiểu. Giấm táo có thể làm giảm nồng độ kali. Thuốc lợi tiểu cũng có thể làm giảm nồng độ kali. Uống giấm táo cùng với thuốc này có thể khiến lượng kali giảm xuống quá thấp.

Ngoài ra, giấm táo cùng được cho là có phản ứng với: thuốc nhuận tràng, thuốc làm loãng máu và thuốc điều trị vấn đề về tim mạch. Vì thế, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn gặp những tình trạng sức khỏe trên. 


Ai không nên uống giấm táo?

tác hại của giấm táo

Phụ nữ đang mang thai và cho con bú. Hiện không có đủ thông tin đáng tin cậy để biết liệu giấm táo có an toàn để sử dụng làm thuốc khi mang thai hoặc cho con bú hay không. Vì thế, để giữ an toàn cho mẹ và bé, các mẹ bầu không nên tự ý sử dụng giấm táo để điều trị vấn đề về sức khỏe. Thay vào đó, các mẹ có thể thêm giấm táo vào chế độ ăn uống lành mạnh như những loại giấm bình thường khác.

Người có nồng độ kali trong máu thấp (hạ kali máu). Giấm táo có thể làm giảm nồng độ kali trong máu. Nếu lượng kali của bạn đã thấp, giấm táo có thể làm tình trạng này tồi tệ hơn. Vì thế, đừng sử dụng giấm táo nếu bạn gặp tình trạng này.

Người có vấn đề về dạ dày. Nếu bạn đang có những vấn đề như: loét dạ dày, thoát vị gián đoạn, Barrett thực quản,… tốt nhất bạn không nên tự ý sử dụng giấm táo để điều trị một chứng bệnh nào khác. Hãy tham khảo ý kiến từ chuyên gia y tế!


Những thói quen dùng giấm táo nên dừng ngay!

tác hại của giấm táo

Hiểu được những tác hại của giấm táo mang đến góc nhìn đa chiều và sự cân nhắc khi sử dụng. Sau đây là một số thói quen dùng giấm táo sai lầm. Nếu bạn đang duy trì những cách sử dụng này, hãy dừng lại.

  • Sử dụng giấm táo đậm đặc.
  • Uống giấm táo trước khi đi ngủ.
  • Bôi trực tiếp lên da.
  • Sử dụng như một loại thuốc xịt mũi, rửa xoang.

Uống giấm táo đúng cách, phòng tránh tác hại

  • Kiểm soát liều lượng và pha loãng trước khi uống. Liều lượng phổ biến cho giấm táo dao động từ 10-30 ml mỗi ngày. Bạn có thể dụng lượng này trong việc nấu ăn, hoặc pha loãng với một cốc nước.
Tuy nhiên hãy lưu ý, chưa có hướng dẫn y khoa cụ thể về tỷ lệ pha loãng giấm táo để uống. Nồng độ axit axetic trong giấm táo thương mại thường khác nhau (không như giấm trắng, có axit axetic 5%). Điều đó có thể khiến bạn không thể lường trước được mức độ axit trong sản phẩm của mình. 
  • Súc miệng thường xuyên. Điều này sẽ giúp hạn chế việc giấm táo bào mòn răng của bạn. Hãy đảm bảo rằng bạn súc miệng với nước sau khi uống, hoặc ăn những món liên quan đến giấm táo.

Nhìn chung, giấm táo là thực phẩm an toàn cho tất cả mọi người khi được sử dụng trong việc nấu nướng. Bạn chế biến giấm táo như một loại nước sốt giảm cân lành mạnh. Tuy nhiên, nếu bạn muốn uống giấm táo, hoặc bôi lên da, hãy cân nhắc và thực hiện đúng cách để có hiệu quả tốt nhất. Để tránh những tác hại của giấm táo hãy sử dụng chúng một cách thông minh và khoa học. Chúc bạn thành công!

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Diabetes Control: Is Vinegar a Promising Candidate to Help Achieve Targets? – PMC https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5954571/ Ngày truy cập: 21/7/2022

Effect of apple cider vinegar on delayed gastric emptying in patients with type 1 diabetes mellitus: A pilot study https://www.researchgate.net/publication/5756425_Effect_of_apple_cider_vinegar_on_delayed_gastric_emptying_in_patients_with_type_1_diabetes_mellitus_A_pilot_study Ngày truy cập: 21/7/2022

Influence of the tolerability of vinegar as an oral source of short-chain fatty acids on appetite control and food intake | International Journal of Obesity https://www.nature.com/articles/ijo2013157 Ngày truy cập: 21/7/2022

Apple cider vinegar for weight loss – Mayo Clinic https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/weight-loss/expert-answers/apple-cider-vinegar-for-weight-loss/faq-20058394 Ngày truy cập: 21/7/2022

Apple cider vinegar diet: Does it really work? – Harvard Health https://www.health.harvard.edu/blog/apple-cider-vinegar-diet-does-it-really-work-2018042513703 Ngày truy cập: 21/7/2022

In vitro study on dental erosion caused by different vinegar varieties using an electron microprobe https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/24839821 Ngày truy cập: 21/7/2022

Phiên bản hiện tại

22/07/2022

Tác giả: Trần Cẩm Tú

Thông tin kiểm chứng bởi: Ban biên tập Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

10 tác dụng của giấm táo cho sức khỏe mà bạn chưa biết

Bí quyết cách làm giấm táo thành công ngay từ lần đầu tiên


Thông tin kiểm chứng bởi:

Ban biên tập Hello Bacsi


Tác giả: Trần Cẩm Tú · Ngày cập nhật: 22/07/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo