backup og meta

Giảm đau hiệu quả với 11 loại thực phẩm sau đây

Giảm đau hiệu quả với 11 loại thực phẩm sau đây

Những cơn đau thường đem lại cảm giác không dễ chịu chút nào. Bạn cảm thấy chán nản khi phải uống thuốc giảm đau nhanh mỗi khi lên cơn đau đầu, đau dạ dày, hay kể cả khi bị chuột rút? Nếu vậy, 11 thảo dược thiên nhiên sau đây có lẽ sẽ phù hợp với bạn hơn đấy!

Trong một vài trường hợp, cơn đau kinh niên không thể chấm dứt hoàn toàn, dù bác sĩ đã kê cho bạn các phương thuốc tốt nhất đi chăng nữa. Các cơn đau này là một vấn đề nghiêm trọng mà đến nay cộng đồng y tế vẫn chưa tìm được cách chữa trị tốt nhất. Tuy nhiên, vẫn còn một cách khác để giảm đau. Cách này không hề khó cũng không quá xa vời mà đơn giản ở ngay trong căn chính căn bếp nhà bạn. Đó chính là các thực phẩm thiên nhiên có khả năng làm dịu và ngăn ngừa các cơn đau nhức, chống sưng viêm và thậm chí giúp chữa trị những căn bệnh tiềm ẩn trong cơ thể.

Có thể bạn chưa biết, bên cạnh việc sử dụng các thuốc giảm đau như Paracetamol hay Aspirin, nhiều loại thực phẩm và thảo dược thiên nhiên có chứa thành phần kháng viêm, giảm đau và chữa lành các bệnh tiềm ẩn trong cơ thể. Nếu là người ăn uống thông minh, bạn hãy trang bị cho mình những kiến thức về các loại thực phẩm giúp giảm đau dưới đây bạn nhé.

Danh sách 11 loại thực phẩm giúp giảm đau hiệu quả

1. Quả anh đào (quả cherry)

Nghiên cứu của tờ Journal of Nutrition chỉ ra rằng những người ăn một bát anh đào mỗi sáng có thể giảm đến 25% các cơn sưng viêm. Các nghiên cứu khác cho thấy các vận động viên trước khi tham gia cuộc chạy bộ nên uống 12 ounce (mỗi ounce tương đương với 28,35g) nước ép từ quả anh đào hai lần mỗi ngày. Nếu họ uống liên tục trong 7 ngày, cơn đau cơ bắp sẽ giảm đáng kể. Quả anh đào tốt cho sức khỏe như vậy là nhờ hợp chất chống oxy hóa và chống sưng có trong quả.

2. Gừng

Nếu là người thích sử dụng các phương thuốc từ thiên nhiên thì hẳn bạn đã biết công dụng của gừng. Một ấm trà gừng cực kỳ hữu hiệu trong việc đẩy lùi cơn đau khó chịu ở dạ dày. Không chỉ có vậy, gừng còn giúp làm ấm cơ thể cũng như làm dịu cơn đau cơ bắp và giảm chứng viêm khớp xương. Gừng đem lại nhiều lợi ích như trên là vì trong rễ của chúng có chứa gingerol – một hợp chất chống sưng viêm. Có một nghiên cứu cho thấy sau khi thực hiện các bài tập tiêu hao nhiều năng lượng, uống thuốc có nguồn gốc từ gừng dạng viên nang đều đặn trong vòng 11 ngày sẽ giúp bạn giảm được 25% chứng đau nhức cơ.

Có rất nhiều cách để chế biến gừng. Bạn có thể chế biến các món ăn kết hợp với gừng nghiền nhuyễn hoặc làm nước ép gừng. Bạn cũng có thể dùng gừng nấu trà bằng cách ngâm lát gừng đã gọt trong nước sôi 15 phút. Thức uống này rất ngon và bổ dưỡng đấy nhé!

3. Nghệ

Bột cà ri nghệ là gia vị cần thiết được sử dụng từ lâu trong các phương thuốc cổ truyền của Ấn Độ. Nó có tác dụng giảm đau và tăng cường chức năng của hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chứng minh củ nghệ còn có nhiều công dụng khác nữa. Nhờ chứa thành phần curcumin mà nghệ có khả năng chống sưng viêm. Ăn nghệ với mật ong là cách xoa dịu những cơn đau dạ dày hiệu quả. Ngoài ra, nghệ có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi sự phá hủy mô và chứng sưng khớp xương, đồng thời giữ tế bào não hoạt động tốt.

4. Nho đỏ

Nho đỏ chứa resveratrol (chất tạo nên màu sắc cho nho), là chất chống oxy hóa có lợi. Quan trọng hơn là hợp chất resveratrol có thể ngăn ngừa các enzyme phá hủy mô. Ngoài quả nho, quả việt quất và quả nam việt quất cũng có chứa resveratrol tốt cho sức khỏe.

5. Cà phê

Cà phê không chỉ giúp cơ thể tỉnh táo mỗi sáng, mà còn là liều thuốc tốt có khả năng giảm đau nhờ cơ chế thu hẹp các mạch máu bị giãn – nguyên nhân gây ra các cơn đau đầu. Cà phê có thể làm dịu các cơn đau nhức cùng lúc nhờ chứa chất có tác dụng giảm bớt các hợp chất gây đau nhức, đồng thời làm dịu những ảnh hưởng do các cơn đau khác gây ra. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý nếu bạn là người nghiện cà phê, uống quá nhiều thức uống này sẽ gây phản tác dụng, dẫn đến nhiều hệ quả khác như đau dạ dày, tim đập nhanh, khó ngủ… Cà phê sẽ chỉ giúp bạn giảm đau đầu khi bạn không lạm dụng nó.

6. Bạc hà

Bạn biết không, cây bạc hà cay còn có khả năng giữ hơi thở thơm mát tốt hơn cây bạc hà thông thường, nhất là khi bạn ăn kèm với sô-cô-la. Giống như gừng, bạc hà cay giúp làm dịu dạ dày và điều trị các cơn đau, chứng khó tiêu hay hội chứng ruột kích thích IBS (Irritable Bowel Syndrome). Ngoài ra, bạc hà cay còn dùng để trị đau đầu và đau nửa đầu rất hiệu quả vì nó chứa chất gây tê liệt nhẹ. Ngoài ra, để tăng tính hiệu quả của bạc hà, bạn có thể sử dụng kết hợp với hoa oải hương, nó có chứa thành phần dịu nhẹ thích hợp để thư giãn.

7. Ớt đỏ

Ớt đỏ thường có vị cay nóng, làm rát lưỡi và chảy nước mắt. Tuy nhiên, ớt đỏ giúp xua tan các cơn đau. Chất capsaicin có trong loại ớt này có khả năng kích thích thần kinh và làm suy yếu các chất hóa học gây đau nhức. Mặc dù thuốc giảm đau là liều thuốc hữu hiệu nhất đối với bệnh viêm khớp, nhưng ớt đỏ cũng có thể đem lại cho bạn công dụng không kém.

8. Cá hồi

Cũng như các loại cá khác, cá hồi giàu axit béo omega-3 có lợi cho sức khỏe. Omega-3 không chỉ cực kỳ tốt cho sức khỏe mà còn giúp giảm các chứng viêm khớp xương và thấp khớp. Ngoài ra, omega-3 giúp làm dịu cơn khó chịu ở dạ dày, đặc biệt là đau do căng thẳng gây ra. Tuy nhiên, nếu không thích ăn cá, bạn có thể thử uống dầu cá (hay dầu cá hồi) thay thế.

Tham khảo thêm những lợi ích tuyệt vời của omega-3 tại bài viết 12 tác dụng không ngờ của omega-3 đem lại cho sức khỏe!

9. Đậu nành

Nghiên cứu cho thấy các thực phẩm chế biến từ đậu nành như đậu phụ, bánh đậu tương hay đậu nành Nhật Bản có tác dụng làm dịu cơn đau ở những người bị viêm khớp xương. Nghiên cứu của đại học bang Oklahoma chứng minh những người ăn 40g đậu nành mỗi ngày trong vòng ba tháng thì tình trạng các cơn đau sẽ giảm thiểu đáng kể so với những người chỉ uống sữa thông thường.

10. Sữa chua

Càng ngày càng có nhiều người mắc chứng đau dạ dày, đặc biệt là giới nhân viên văn phòng. Tuy nhiên, sữa chua có thể giúp giảm các triệu chứng khó chịu trong dạ dày. Theo một nghiên cứu tổng quan năm 2010, một số chủng vi khuẩn thường được tìm thấy ở sữa chua (đặc biệt là B. infantis và L. acidophilus) có tác dụng làm giảm đau, viêm và đầy hơi. Nghiên cứu khác cho thấy kết quả tương tự với B. lactis. Tuy nhiên, bạn nên là một người tiêu dùng thông minh vì không phải tất cả sữa chua đều chứa probiotic. Do vậy, hãy tham khảo thông tin và đọc thành phần sản phẩm sữa chua trước khi chọn mua bạn nhé.

11. Cây xô thơm (Sage)

Cây xô thơm là loại thảo mộc đã được sử dụng từ lâu trong y học. Trong cây có chứa nhiều chất kháng sinh tự nhiên, thích hợp cho việc điều trị bệnh tiểu đường, giảm đường huyết, kích thích hoạt động của insulin hoặc sử dụng chữa bệnh tiểu đường tuýp 2. Chiết xuất lá xô thơm có tác dụng cải thiện trí nhớ và cảm giác, do đó nó có tác dụng giảm đau. Ngoài ra, lá xô thơm đã được chứng minh hiệu quả trong việc điều trị đau họng. Để giảm triệu chứng đau họng, bạn hãy thử pha một loại trà đơn giản với loại thảo mộc này.

Đây là loại thực phẩm chưa phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên bạn vẫn có thể đặt mua cây xô thơm ở các cửa hàng cây cảnh hoặc cửa hàng thảo mộc.

Không cần phải uống thuốc, bạn vẫn có thể giảm tình trạng đau nhức của mình. Do đó, ngay từ bây giờ, bạn nên thay đổi thực đơn để có một chế độ ăn uống lành mạnh, t. Tốt nhất hãy hạn chế những thực phẩm được chế biến sẵn, thay vào đó bạn nên ăn thức ăn nguyên chất. Nếu bạn kiên trì áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh và ăn đúng thực phẩm, bạn sẽ sớm nói tạm biệt với các cơn đau nhức thôi. Hãy xây dựng một chế độ ăn uống tốt vì sức khỏe bản thân bạn nhé!

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

10 Foods That Fight Pain. http://www.webmd.com/pain-management/ss/slideshow-foods-fight-pain Ngày truy cập 20/03/2017

10 Foods That Fight Pain http://www.lifehack.org/articles/lifestyle/10-foods-that-fight-pain.html Ngày truy cập 20/03/2017

10 Healing Foods That Fight Pain Naturally http://www.prevention.com/health/10-healing-foods-that-fight-pain Ngày truy cập 20/03/2017

Phiên bản hiện tại

16/03/2020

Tác giả: Xuyến Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Hoàng Hải


Bài viết liên quan

Cách làm xíu mại lành mạnh cho người bệnh mạn tính

Hướng dẫn cách làm tôm sốt Thái cho người bệnh mạn tính


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Xuyến Phạm · Ngày cập nhật: 16/03/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo