backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Kích thích thần kinh phế vị: Thêm hy vọng cho bệnh nhân động kinh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 09/09/2020

    Kích thích thần kinh phế vị: Thêm hy vọng cho bệnh nhân động kinh

    Có nhiều cách chữa bệnh động kinh. Mỗi bệnh nhân lại phù hợp với một cách chữa bệnh khác nhau. Nếu bạn không thành công khi chữa bệnh động kinh bằng thuốc, bạn có thể áp dụng liệu pháp điều trị bằng cách kích thích dây thần kinh phế vị.

    Trong nhiều trường hợp, liệu pháp kích thích thần kinh phế vị đã làm giảm đáng kể tần suất xảy ra co giật cho bệnh nhân.

    Bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về liệu pháp kích thích thần kinh phế vị để biết được liệu pháp này có phù hợp với bản thân hoặc người thân của mình hay không.

    Tác dụng của liệu pháp kích thích thần kinh phế vị

    Bác sĩ tư vấn về tác dụng của liệu pháp kích thích thần kinh phế vị

    Dây thần kinh phế vị là một cặp dây thần kinh sọ được kết nối với các chức năng vận động, cảm giác trong xoang và thực quản của bạn. Liệu pháp kích thích thần kinh phế vị sử dụng một thiết bị nhỏ cấy vào ngực của bạn để gửi các xung năng lượng điện đến não thông qua dây thần kinh phế vị.

    Thủ thuật y tế này làm tăng mức độ dẫn truyền thần kinh và kích thích một số khu vực não liên quan đến bệnh động kinh. Điều này có tác dụng giảm sự tái phát và giảm mức độ nghiêm trọng của cơn co giật. Từ đó, liệu pháp mang lại cho bệnh nhân chất lượng sống cao hơn.

    Tìm hiểu về thiết bị kích thích thần kinh phế vị

    Kích thích thần kinh phế vị

    Thiết bị tạo xung điện thường là một miếng kim loại tròn, phẳng chứa một cục pin nhỏ. Nó có thể tồn tại đến 15 năm khi được cấy vào cơ thể người.

    Thiết bị cho phép người dùng điều chỉnh cài đặt. Khi đó, các chuyên gia thường chọn chế độ cứ sau 5 phút, thiết bị sẽ kích thích thần kinh phế vị của bệnh nhân trong 30 giây.

    Người bệnh cũng sẽ được cung cấp một vòng đeo tay nam châm. Chiếc vòng này có thể quét thiết bị để cung cấp thêm tính năng kích thích nếu nhận thấy cơn động kinh sắp xảy ra.

    Quy trình cấy thiết bị kích thích dây thần kinh phế vị

    Quy trình cấy ghép thiết bị kích thích thần kinh phế vị bao gồm một ca phẫu thuật ngắn từ 45-90 phút. Bác sĩ sẽ thực hiện một vết mổ nhỏ ở phía trên, bên trái ngực. Đây chính là nơi đặt thiết bị cấy ghép.

    Tiếp đó, bác sĩ thực hiện vết mổ nhỏ thứ 2 ở phía bên trái phần cổ dưới của bệnh nhân. Tại đây, bác sĩ sẽ chèn một số dây y tế cực mỏng để kết nối thiết bị với dây thần kinh phế vị.

    Sau ca phẫu thuật cấy ghép vài tuần, bạn phải trở lại bệnh viện để bác sĩ lập trình các cài đặt kích thích dựa trên nhu cầu của bạn bằng máy tính cầm tay và công cụ lập trình thiết bị.

    Thông thường, lượng kích thích ban đầu sẽ ở mức độ thấp. Sau đó, nó được tăng dần dựa trên cách cơ thể bạn phản ứng với cơ chế kích thích này.

    Đối tượng sử dụng thiết bị kích thích thần kinh phế vị 

    Nữ bệnh nhân động kinh mệt mỏi sau cơn co giật

    Liệu pháp này thường được sử dụng cho những bệnh nhân không thể kiểm soát cơn co giật bằng các loại thuốc điều trị khác nhau. Họ cũng không có khả năng phẫu thuật để chữa bệnh động kinh.

    Bệnh nhân đang áp dụng các thủ thuật kích thích não khác, có bất thường về tim, rối loạn phổi, bị loét, ngất xỉu hoặc ngưng thở khi ngủ không thích hợp với liệu pháp này.

    Liệu pháp này không phù hợp với tất cả bệnh nhân động kinh. Bạn cần được bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khỏe và đánh giá mức độ bệnh trước khi áp dụng.

    Rủi ro và tác dụng phụ

    Mặc dù nguy cơ gặp phải các biến chứng do phẫu thuật đặt thiết bị kích thích thần kinh phế vị rất hiếm khi xảy ra nhưng bạn có thể bị đau đớn và có sẹo ngay tại vết mổ.

    Nó cũng có thể làm bạn bị tê liệt dây thanh âm. Ở một số trường hợp, tình trạng này chỉ là tạm thời nhưng cũng có nhiều trường hợp nó trở thành khuyết tật vĩnh viễn.

    Những tác dụng phụ thường gặp sau khi phẫu thuật cấy ghép thiết bị kích thích thần kinh phế vị bao gồm:

    • Khó nuốt
    • Đau họng
    • Đau đầu
    • Ho
    • Khó thở
    • Buồn nôn
    • Mất ngủ
    • Khàn giọng

    Những tác dụng phụ này thường nằm trong vùng kiểm soát và sẽ giảm dần theo thời gian. Nếu bạn cảm thấy cực kỳ khó chịu với chúng, bạn có thể trở lại bệnh viện, tham khảo ý kiến của bác sĩ để điều chỉnh thiết bị.

    Sau khi thực hiện phẫu thuật, bạn phải tuân thủ nghiêm túc lịch tái khám để theo dõi chức năng của thiết bị và cách cơ thể bạn phản ứng với nó. Đây là một trong những yêu cầu quan trọng để đảm bảo tính hiệu quả của liệu pháp điều trị bệnh động kinh này.

    Thủ thuật này hiếm khi xảy ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm túc lịch tái khám sau ca phẫu thuật để theo dõi hiệu quả và cách cơ thể phản ứng với thiết bị.

    Triển vọng điều trị dài hạn

    Liệu pháp cấy ghép thiết bị kích thích thần kinh phế vị để chữa bệnh động kinh có thể giảm đến 50% số cơn co giật của bạn. Nó cũng có khả năng rút ngắn thời gian phục hồi sau khi bệnh nhân trải qua cơn co giật. Trong một số trường hợp, liệu pháp này còn thể hiện hiệu quả điều trị bệnh trầm cảm, cải thiện cảm giác hạnh phúc của bệnh nhân.

    Cũng như những hình thức điều trị khác, liệu pháp này không phù hợp với tất cả người mắc bệnh động kinh. Nó chỉ là một trong những thủ thuật thay thế cho các phương pháp điều trị bằng thuốc và phẫu thuật. Nếu sau một thời gian sử dụng, bạn không thấy rõ sự cải thiện về tần suất và mức độ nghiêm trọng của cơn động kinh, bạn hãy thảo luận với bác sĩ để cân nhắc khả năng tắt thiết bị hoặc tháo thiết bị ra khỏi cơ thể.

    Liệu pháp này có thể làm giảm 50% số lần xảy ra cơn co giật. Đồng thời, nó cũng rút ngắn thời gian hồi phục cho bệnh nhân sau khi trải qua cơn động kinh.

    Nếu bạn muốn tìm kiếm cho mình một hy vọng mới trong việc chữa bệnh động kinh không dùng thuốc, liệu pháp này có thể phù hợp với bạn. Bạn hãy đến bệnh viện, trao đổi với bác sĩ để xem xét tính phù hợp với thủ thuật. Bác sĩ cũng sẽ cho bạn biết liệu pháp này có được bảo hiểm y tế chi trả chi phí theo quy định hay không.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 09/09/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo