backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

[Hỏi đáp cùng dược sĩ] Thuốc viêm khớp bao gồm những loại nào? Tác dụng phụ và cách sử dụng an toàn tại nhà

Tác giả: Dược sĩ Phạm Thuỳ Thu Hà · Dược · Nhà thuốc Bảo Anh


Ngày cập nhật: 28/09/2021

    [Hỏi đáp cùng dược sĩ] Thuốc viêm khớp bao gồm những loại nào? Tác dụng phụ và cách sử dụng an toàn tại nhà

    Thuốc viêm khớp ngày càng được sử dụng rộng rãi vì tỷ lệ người mắc bệnh xương khớp ngày một gia tăng. Vậy thuốc trị viêm khớp bao gồm những loại nào? Tác dụng phụ là gì và cách nào sử dụng thuốc hiệu quả, an toàn ngay tại nhà? 

    Viêm khớp không còn là căn bệnh của tuổi già, bệnh đã ngày càng phổ biến và trẻ hóa. Mời bạn cùng Hello Bacsi và dược sĩ Thu Hà đi tìm hiểu thêm về các loại thuốc trị viêm khớp trong bài viết ngay sau đây nhé!

    Thưa dược sĩ, viêm khớp là bệnh gì và bao gồm những dạng viêm khớp nào? 

    Dược sĩ Thu Hà: Viêm khớp là một thuật ngữ chung nhằm chỉ tất cả các bệnh lý tại khớp xảy ra do viêm. Đặc trưng là sự tổn thương, nhiễm trùng, bào mòn ở lớp đệm của sụn khớp khiến cho khớp bị sưng đau, khó cử động.

    Căn bệnh này xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất vẫn là ở người lớn tuổi. Các triệu chứng bao gồm: hạn chế khả năng vận động, đau nhức, sưng, nóng, đỏ tại khớp và cứng các cơ liên quan đến khớp. Có khoảng 100 loại viêm khớp khác nhau, trong đó, có 2 loại viêm khớp thường gặp nhất là:

    • Viêm xương khớp (OA): Viêm xương khớp hay còn được gọi là thoái hoá khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất. Bệnh phá hủy sụn khớp khiến đầu xương cọ sát vào nhau khi di chuyển, từ đó dẫn đến sưng viêm khớp, gây khó khăn trong chuyển động, biến dạng khớp, thậm chí các xương lệch khỏi vị trí bình thường. Các khớp thường bị viêm đó là các khớp bàn tay, cột sống, đầu gối, hông. Bệnh này thường xuất hiện ở lứa tuổi trung niên, đặc biệt từ 40 tuổi trở lên. Tuy nhiên, viêm xương khớp cũng có thể gặp ở người trẻ đặc biệt là sau các chấn thương tại khớp.
    • Viêm khớp dạng thấp (RA): Đây là một dạng viêm khớp mạn tính có liên quan đến hệ thống miễn dịch của cơ thể. Vị trí tổn thương đầu tiên trong viêm khớp dạng thấp là các màng bao hoạt dịch rồi lan dần đến sụn khớp, đầu xương dưới sụn và các mô mềm xung quanh. Bệnh không chỉ gây tổn thương tại khớp mà còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác như: da, tim, phổi…. Đối tượng thường mắc bệnh viêm khớp dạng thấp là phụ nữ trên 40 tuổi.

    Thuốc viêm khớp bao gồm những loại nào? Tác dụng và liều dùng của từng loại?

    Dược sĩ Thu Hà: Mục tiêu điều trị chung đối với bệnh viêm khớp là giảm đau, cải thiện sự linh hoạt cho khớp, hạn chế bệnh tái phát và ngăn ngừa biến dạng khớp. Phương pháp điều trị nội khoa bằng thuốc viêm khớp được chỉ định trong hầu hết các trường hợp.

    thuốc trị viêm khớp

    Các thuốc trị viêm khớp được dùng tùy theo từng loại viêm khớp, bao gồm thuốc giảm đau, chống viêm và các thuốc đặc hiệu trong từng trường hợp. Những loại thuốc trị viêm khớp thường được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân viêm khớp bao gồm:

    Thuốc giảm đau xương khớp

    Các loại thuốc giảm đau như: paracetamol, tramadol, hydrocodone…có tác dụng là giúp chặn đứng chuỗi phản ứng truyền cảm giác đau tới trung ương thần kinh. Từ đó, đem đến cảm giác dễ chịu, thoải mái cho người mắc bệnh xương khớp đang bị đau nhức dữ dội.

    Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs)

    Các loại thuốc kháng viêm như: ibuprofen, naproxen… vừa có tác dụng giúp giảm đau, lại vừa có thể kháng viêm hiệu quả giúp cải thiện tình trạng các khớp bị viêm và đau nhức.

    Thuốc chống thấp tác dụng chậm

    Các thuốc chống thấp tác dụng chậm như methotrexatehydroxychloroquine thường được bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Nhóm thuốc này giúp làm chậm tiến trình phát triển của bệnh.

    Tác nhân sinh học

    Các loại thuốc tác nhân sinh học như etanerceptinfliximab thường được kê đơn chung với nhóm thuốc chống thấp tác dụng chậm. Thuốc tập trung tác động vào các phân tử protein liên quan đến phản ứng miễn dịch, gây ức chế hệ thống miễn dịch, ngăn phản ứng viêm xảy ra tại khớp bị tổn thương.

    Thuốc chứa Corticoid

    Thuốc corticoid thường được sử dụng trong viêm khớp như: dexamethasone, methylprednisolone, prednisolonecortisone. Những loại thuốc này thường được dùng dưới dạng viên uống hoặc dạng tiêm. Chúng có tác dụng giảm viêm và ức chế hệ thống miễn dịch. Mặc dù đây là loại thuốc được sử dụng chủ yếu trong điều trị viêm khớp nhưng lại tồn tại nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

    Vì vậy, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Tùy vào từng trường hợp và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh và thời gian điều trị, bác sĩ sẽ kê đơn loại thuốc này với liều dùng và dạng thuốc phù hợp.

    Hoạt chất glucosamine và chondroitin sulfate

    Đây là 2 trong số những thành phần vốn có của sụn. Chúng cũng chính là dưỡng chất cần thiết giúp cho xương khớp chắc khỏe hơn. Hoạt chất này không những có tác dụng làm thuyên giảm triệu chứng đau nhức do viêm khớp, cải thiện các vấn đề về tổn thương sụn do viêm khớp gây ra, mà còn hỗ trợ xương sụn khớp phục hồi và phát triển tốt hơn. 

    Ngoài ra, glucosamine còn được xem là một dạng amino – monosaccharide cần thiết để kích thích mô sụn mới trong khớp được hình thành. Hầu hết những bệnh nhân bị viêm khớp đều được bác sĩ khuyến khích sử dụng dưỡng chất glucosamine loại 1.500mg để bổ sung cho cơ thể mỗi ngày trong thời gian từ 3 – 4 tháng.

    Tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh và loại viêm khớp bệnh nhân mắc phải mà bác sĩ sẽ kê đơn và kết hợp những loại thuốc viêm khớp vừa đề cập ở trên với liều dùng phù hợp.

    Tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc viêm khớp? Cách phòng ngừa tác dụng phụ xảy ra.

    Dược sĩ Thu Hà: Vấn đề mà rất nhiều bệnh nhân lo lắng khi sử dụng thuốc viêm khớp đó chính là tác dụng phụ của thuốc. Mỗi loại thuốc trị viêm khớp sẽ có những tác dụng phụ nhất định mà người dùng cần lưu ý như sau:

    Thuốc giảm đau xương khớp paracetamol

    Thuốc giảm đau xương khớp paracetamol khá an toàn, rất hiếm khi gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, một số ít bệnh nhân mẫn cảm với thuốc có thể gặp phản ứng dị ứng nghiêm trọng như: phát ban, nổi mẩn da, sưng mặt, sưng môi, sưng lưỡi, sưng họng, khó thở.

    Ngoài ra, nếu sử dụng thuốc quá liều có thể gây độc tính trên gan, thận với các biểu hiện như: nước tiểu sậm màu, phân có màu đất sét, vàng da, vàng mắt, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tử vong.

    Bệnh nhân nên sử dụng đúng liều lượng do thầy thuốc chỉ định. Nếu gặp bất kỳ các triệu chứng nào vừa kể trên, hãy ngừng thuốc và thông báo với bác sĩ để được điều chỉnh toa thuốc phù hợp.

    tác dụng phụ của thuốc viêm khớp

    Thuốc corticoid

    Loại thuốc trị viêm khớp phổ biến này cũng mang đến nhiều tác dụng phụ không mong muốn như: mệt mỏi, các vấn đề về tim, tổn thương thận, kích ứng dạ dày, viêm loét dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa. Người bệnh dùng thuốc sẽ dễ bị nhiễm trùng, mỏng da, teo da, tăng huyết áp, kéo dài thời gian chảy máu, tăng nguy cơ xuất huyết, tăng cân, khó ngủ, loãng xương,… 

    Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng sẽ gặp phải những tác dụng phụ vừa đề cập. Khi sử dụng thuốc trong thời gian dài thì khả năng gặp các tác dụng phụ sẽ càng lớn. Do đó, bác sĩ thường kê đơn cho bệnh nhân với liều dùng thấp nhằm hạn chế các tác dụng phụ mà vẫn đảm bảo hiệu quả của thuốc. Đồng thời, kê đơn kèm theo cho bệnh nhân những loại thuốc chống loét đường tiêu hóa như omeprazole hay bổ sung thêm canxi, vitamin D để ngừa loãng xương. 

    Bên cạnh đó, người bệnh tuyệt đối không được ngừng thuốc đột ngột mà cần giảm liều từ từ theo chỉ định của bác sĩ. Bởi khi dùng thuốc corticoid trong một thời gian dài sẽ gây ức chế hoạt động của tuyến vỏ thượng thận. Việc ngừng thuốc đột ngột có thể gây ra suy tuyến thượng thận cấp, dễ dẫn đến tử vong nếu như không được cấp cứu kịp thời.

    Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs)

    Khuyến cáo của bác sĩ là chỉ dùng thuốc kháng viêm không steroid, chẳng hạn như celecoxib, meloxicam, ibuprofen, diclofenac… trong thời gian ngắn nhất có thể.

    Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và cần cân nhắc thật cẩn thận về lợi ích và nguy cơ khi sử dụng steroid ở các đối tượng sau: người bị suy gan, suy thận, có tiền sử bệnh dạ dày, dị ứng, tim mạch, người già, phụ nữ có thai,…

    Hãy thông báo ngay cho bác sĩ khi gặp những tác dụng phụ như: rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn, táo bón, tiêu chảy, ăn không tiêu…), viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, nhức đầu, phát ban, chóng mặt, sưng phù… để có thể kịp thời xử lý.

    Thuốc chống thấp tác dụng chậm

    Sử dụng methotrexate có thể gặp các tác dụng phụ như: suy tủy, buồn nôn, nôn (thường với liều cao), khó nuốt, viêm miệng, viêm hầu họng, rối loạn tiêu hóa, vô niệu, giảm tinh trùng, rối loạn kinh nguyệt, tăng enzyme gan, viêm phổi, nhiễm độc phổi, nhiễm độc gan, nhiễm độc thần kinh (với liều cao hoặc tiêm nội tủy), đỏ da, sạm da, ngứa, rụng tóc, phát ban, mày đay, nhạy cảm với ánh sáng. 

    Một số tác dụng phụ ít gặp hơn có thể bao gồm: sốt, đau đầu, chóng mặt, ù tai, nhìn mờ, rụng tóc, kích ứng mắt. Các tác dụng phụ hiếm gặp: phản ứng sốc phản vệ, phản ứng da nghiêm trọng (SJS, TEN), suy thận, loãng xương, xơ hóa da và xương, thiếu máu đại hồng cầu.

    Nhìn chung, bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể gây tác dụng phụ, nhưng không phải ai cũng gặp những phản ứng không mong muốn. Đây cũng không phải là lý do để bạn từ chối dùng thuốc trị viêm khớp. Hãy tuân thủ đúng chỉ định về liều dùng, thời gian dùng; luôn hỏi thầy thuốc nếu muốn sử dụng thêm bất kỳ thuốc hay chất bổ sung nào khác để giảm nguy cơ tác dụng phụ. Khi hết đợt thuốc cần tái khám để được kiểm tra, điều chỉnh đơn thuốc tiếp theo cho phù hợp.

    Đồng thời, nếu thấy cơ thể có dấu hiệu khác thường cần liên hệ với thầy thuốc ngay để được hướng dẫn xử trí.

    Những loại thuốc viêm khớp dùng để xoa lên vùng bị đau nhức có tốt không? Những lưu ý khi sử dụng?

    Dược sĩ Thu Hà: Thuốc viêm khớp dùng để xoa bóp thường được bào chế dưới dạng đặc biệt để thoa lên vùng bị đau nhức, thấm qua da và phát huy tác dụng ngay tại vị trí đau. Do đó, thuốc xoa bóp hạn chế được nhiều tác dụng phụ không mong muốn so với thuốc uống hay tiêm. Tuy nhiên, một số hoạt chất trong thuốc vẫn có thể thấm vào trong máu và gây tác dụng phụ. Vì vậy, không nên dùng thuốc nếu dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc.

    Ngoài ra, việc thực hiện xoa bóp có thể hữu ích để làm giảm cơn co cứng cơ, giúp thư giãn các cơ xương khớp đang bị viêm. Dù vậy, tuyệt đối không được dùng thuốc xoa bóp trực tiếp lên vùng khớp bị viêm cấp (sưng, nóng, đỏ, đau…) hay vết thương hở bởi có thể gây tình trạng rộp da, phỏng da hoặc sưng đau nghiêm trọng hơn.

    Lưu ý gì khi dùng thuốc viêm khớp đối với những người cao tuổi có bệnh lý nền, trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú?

    Dược sĩ Thu Hà: Người cao tuổi có bệnh lý nền, trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú cần phải được thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc viêm khớp. Tuyệt đối không nên tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

    Sử dụng thuốc viêm khớp dài hạn tại nhà mà không cần đi tái khám có được không?

    Dược sĩ Thu Hà: Không nên tự ý sử dụng thuốc điều trị viêm khớp dài hạn tại nhà mà không có sự chỉ định của bác sĩ. Bởi vì thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn gây nguy hiểm tính mạng. Vì vậy, người bệnh cần tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để được theo dõi tình trạng tiến triển của bệnh, chức năng của xương khớp và có thể điều chỉnh cách sử dụng thuốc sao cho hợp lý.

    bác sĩ thăm khám và kê đơn thuốc viêm khớp

    Dược sĩ có lời khuyên gì để giúp bệnh nhân viêm khớp có thể sống khỏe mạnh và thoải mái hơn?

    Dược sĩ Thu Hà: Phần lớn các bệnh viêm khớp đều được coi là các bệnh mạn tính. Vì vậy, việc điều trị dứt điểm bệnh viêm khớp hầu như là rất khó và người bệnh thường phải sống chung với bệnh suốt đời.

    Vì vậy, ngoài việc dùng thuốc viêm khớp và tuân thủ phác đồ điều trị do bác sĩ chỉ định, bệnh nhân nên lưu ý đến các vấn đề sau để có thể sống khỏe mạnh và thoải mái hơn với căn bệnh này:

    • Chế độ sinh hoạt hợp lý: Nghỉ ngơi và sinh hoạt điều độ, hạn chế các tư thế gây hại đến xương khớp 
    • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Giảm lượng tinh bột, đặc biệt với các trường hợp bị thừa cân, béo phì. Bổ sung các loại rau quả tươi giàu chất chống oxy hóa để giảm viêm. 
    • Tập thể dục: Duy trì vận động thể chất thường xuyên với các bài tập nhẹ nhàng sẽ giúp khớp dẻo dai và linh hoạt hơn. Bơi lội là một sự lựa chọn phù hợp cho các bệnh nhân bị viêm khớp. Do môn thể thao này sẽ giảm áp lực lên các khớp, tuy nhiên, cần đảm bảo chế độ tập luyện vừa sức.
    • Tập vật lý trị liệu: Đối với những người bị viêm xương khớp nặng, vật lý trị liệu là một bộ môn có thể giúp giảm co thắt các cơ, hạn chế tình trạng đau nhức, tăng cường khả năng vận động và sự linh hoạt cho các khớp, gia tăng lực ở các cơ, ngăn ngừa các khớp bị biến dạng một cách hiệu quả.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Dược sĩ Phạm Thuỳ Thu Hà

    Dược · Nhà thuốc Bảo Anh


    Ngày cập nhật: 28/09/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo