Một người trưởng thành có thể có đầy đủ vitamin B6 từ chế độ ăn với ngũ cốc, thịt bò, thịt gia cầm, các loại rau củ nhiều tinh bột và trái cây noncitrus (như dưa hấu, chuối, táo, lê). Vitamin B12 có ở các sản phẩm động vật, bao gồm cá, thịt đỏ, thịt gia cầm, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa. Vitamin B12 thường không có trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

Lượng vitamin cần thiết cho cơ thể còn phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, đối tượng đặc biệt (phụ nữ mang thai và cho con bú…), bạn có thể tham khảo ý kiến từ các chuyên gia dinh dưỡng khi muốn bổ sung thêm vitamin qua các thực phẩm chức năng.
Khuyến cáo lượng vitamin B6 cần hàng ngày cho người lớn trên 14 tuổi là khoảng 1,3mg và lượng vitamin B12 hàng ngày là 2,4mcg. Một sự thật bạn cần lưu ý là lượng vitamin cơ thể thật sự hấp thu từ các viên thực phẩm chức năng là không cao, ước tính cơ thể chỉ hấp thu được khoảng 10mcg từ viên thực phẩm bổ sung vitamin B12 500mcg.
Các vitamin nhóm B ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư phổi như thế nào?
Hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng giải thích tại sao sử dụng liều cao các vitamin nhóm B này lại ảnh hưởng đến khả năng mắc ung thư phổi ở nam giới. Một giả thuyết được đưa ra là vitamin B6 và B12 có liên quan đến các phản ứng quan trọng đối với quá trình tổng hợp ADN và methyl hóa ADN. Trong quá trình methyl hóa, nhóm methyl, bao gồm một carbon và ba hydro (-CH3), sẽ cùng nhau sửa chữa ADN, bật và tắt gien, chống nhiễm trùng và loại bỏ độc tố môi trường.
Khi lượng vitamin B6 và B12 mà cơ thể hấp thu quá cao sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình methyl hóa ADN. Do đó, quá trình methyl hóa ADN xảy ra bất thường và gây rối loạn biểu hiện gien liên quan đến sự phát triển cũng như tiến triển của bệnh ung thư, nhất là ung thư phổi.