backup og meta

Bạn nên tầm soát ung thư cổ tử cung bao lâu 1 lần?

Bạn nên tầm soát ung thư cổ tử cung bao lâu 1 lần?

Ung thư cổ tử cung là một trong những nguyên nhân gây tử vong do ung thư phổ biến nhất đối với phụ nữ. Tầm soát ung thư cổ tử cung là một phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ. Vậy, chị em nên tầm soát ung thư cổ tử cung bao lâu 1 lần? Cùng Hello Bacsi đi tìm câu trả lời cụ thể trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tại sao việc tầm soát ung thư cổ tử cung lại quan trọng?

Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào cổ tử cung trở nên bất thường và phát triển ngoài tầm kiểm soát. Theo thời gian, các tế bào ung thư xâm lấn sâu hơn vào mô cổ tử cung, thậm chí là lan sang các cơ quan khác trên cơ thể.

Tầm soát ung thư cổ tử cung là các xét nghiệm được sử dụng để tìm ra những thay đổi bất thường trong các tế bào cổ tử cung có thể dẫn đến ung thư. Thông thường, phải mất từ ​​3 đến 7 năm để những thay đổi cấp độ cao ở tế bào cổ tử cung trở thành ung thư. Việc tầm soát ung thư cổ tử cung giúp phát hiện những thay đổi này trước khi chúng trở thành ung thư. Đôi khi, ung thư được phát hiện trong quá trình tầm soát. Ung thư cổ tử cung được phát hiện ở giai đoạn đầu thường dễ điều trị hơn và có khả năng khỏi bệnh.

Tầm soát ung thư cổ tử cung giúp cứu sống rất nhiều người. Rất ít người được tầm soát ung thư cổ tử cung theo định kỳ phát triển thành ung thư cổ tử cung. Tầm soát giúp phát hiện sớm những thay đổi ở cổ tử cung, giảm nguy cơ tử vong do ung thư cổ tử cung. Hầu hết phụ nữ nên tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên. Vậy, bạn nên tầm soát ung thư cổ tử cung bao lâu 1 lần?

Tầm soát ung thư cổ tử cung bao lâu 1 lần?

Tầm soát ung thư cổ tử cung bao gồm xét nghiệm tế bào học cổ tử cung (còn gọi là xét nghiệm Pap hoặc xét nghiệm Pap smear), xét nghiệm virus u nhú ở người (HPV) hoặc cả hai. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tần suất bạn nên tầm soát ung thư cổ tử cung và các xét nghiệm cần thực hiện sẽ phụ thuộc vào độ tuổi và tiền sử sức khỏe của bạn.

tầm soát ung thư cổ tử cung bao lâu 1 lần?

Bạn nên bắt đầu tầm soát lần đầu tiên vào năm 21 tuổi, bất kể bạn đã quan hệ tình dục hay chưa. Vậy, tầm soát ung thư cổ tử cung bao lâu 1 lần?

  • Phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi: Xét nghiệm Pap cứ 3 năm một lần. Bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định làm xét nghiệm HPV cho phụ nữ từ 25 đến 29 tuổi, nhưng xét nghiệm Pap vẫn được ưu tiên hơn.
  • Phụ nữ từ 30 đến 65 tuổi có thể có 3 lựa chọn như sau:
    • Xét nghiệm HPV 5 năm một lần
    • Xét nghiệm Pap cứ 3 năm một lần
    • Xét nghiệm Pap và HPV đồng thời cứ 5 năm một lần.
Bao lâu tầm soát ung thư cổ tử cung 1 lần? Theo Hướng dẫn tầm soát ung thư cổ tử cung được cập nhật từ Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị, bạn nên bắt đầu thực hiện tầm soát ở tuổi 25 bằng xét nghiệm HPV với tần suất 5 năm một lần cho đến năm 65 tuổi. Tuy nhiên, xét nghiệm đồng thời HPV/Pap 5 năm một lần hoặc xét nghiệm Pap 3 năm một lần vẫn được chấp nhận.

Tại sao việc tầm soát ung thư cổ tử cung vẫn được khuyến nghị ngay cả khi chưa quan hệ tình dục?

Trong một số trường hợp hiếm hoi, virus HPV (nguyên nhân chủ yếu gây ung thư cổ tử cung) có thể lây lan qua tiếp xúc bộ phận sinh dục mà không cần quan hệ tình dục.

Ngoài ra, mặc dù HPV là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung, nhưng nó không phải là nguyên nhân duy nhất. Các yếu tố khác, chẳng hạn như hút thuốc và nhiễm HIV, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HPV và phát triển thành ung thư cổ tử cung.

Tầm soát ung thư cổ tử cung bao lâu 1 lần với người dưới 21 tuổi?

Theo khuyến nghị, ngay cả khi bạn đã quan hệ tình dục, bạn cũng không cần xét nghiệm Pap trước năm 21 tuổi. Bởi vì ung thư cổ tử cung cực kỳ hiếm gặp ở những người dưới 21 tuổi. Theo thống kê, chỉ 1 trong 1.000 trường hợp ung thư cổ tử cung xảy ra ở phụ nữ trẻ từ 15 đến 19 tuổi.

Hầu hết phụ nữ bị nhiễm HPV ngay sau khi họ bắt đầu quan hệ tình dục qua đường âm đạo. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm trùng này hầu như luôn tự khỏi trong vòng 1 đến 2 năm mà không gây ra bất kỳ thay đổi nào ở các tế bào cổ tử cung. Nếu có thay đổi, các tế bào hầu như luôn trở lại bình thường và ít có khả năng trở thành ung thư ở phụ nữ trẻ tuổi.

Nghiên cứu cho thấy rằng việc tầm soát ung thư cổ tử cung ở nhóm tuổi này không làm giảm tỷ lệ ung thư cổ tử cung mà còn có thể dẫn đến việc điều trị không cần thiết.

Vì sao không nên tầm soát hàng năm?

Tại sao việc tầm soát ung thư cổ tử cung lại quan trọng?

Khi hiểu rõ tầm soát ung thư cổ tử cung bao lâu 1 lần thì bạn cũng sẽ đắn đo rằng có nên tầm soát hàng năm hay không? Nghiên cứu trong những thập kỷ qua cho thấy không có lợi ích khác biệt nào rõ ràng khi làm xét nghiệm Pap hàng năm so với xét nghiệm Pap 3 năm một lần.

Các khoảng thời gian tầm soát và xét nghiệm được khuyến nghị hiện nay làm giảm khả năng phát hiện và điều trị các bất thường của tế bào cổ tử cung vốn có thể tự khỏi và không phải là ung thư.

Những phụ nữ tầm soát hàng năm phải trải qua nhiều xét nghiệm và phương pháp điều trị hơn đối với những trường hợp không phải ung thư so với những phụ nữ xét nghiệm 3 năm một lần.

Một số xét nghiệm, chẳng hạn như soi và sinh thiết cổ tử cung, và các phương pháp điều trị, chẳng hạn như thủ thuật cắt bỏ bằng dao điện vòng (LEEP), khoét chóp là các thủ thuật xâm lấn có thể gây khó chịu. Việc thực hiện xét nghiệm hoặc điều trị không cần thiết là bất tiện và gây lo lắng quá mức. Hạn chế số lượng các thủ thuật không cần thiết này là một trong những mục tiêu mà các hướng dẫn tầm soát ung thư cổ tử cung hiện nay hướng đến.

Những đối tượng nên tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên hơn

Tầm soát ung thư cổ tử cung bao lâu 1 lần? Bác sĩ có thể chỉ định bạn làm tầm soát thường xuyên hơn nếu bạn thuộc các nhóm đối tượng sau:

  • Có tiền sử gia đình mắc ung thư cổ tử cung
  • Có hệ thống miễn dịch suy yếu do nhiễm HIV, ghép tạng hoặc sử dụng steroid lâu dài
  • Đã tiếp xúc với diethylstilbestrol (DES) trước khi sinh, loại thuốc này được kê đơn cho một số phụ nữ mang thai vào giữa những năm 1970
  • Có kết quả xét nghiệm hoặc sinh thiết bất thường gần đây.
Phụ nữ có những thay đổi cấp độ thấp ở tế bào cổ tử cung có thể được xét nghiệm thường xuyên hơn để xem tế bào của họ có trở lại bình thường hay không. Phụ nữ có những thay đổi cấp độ cao có thể được điều trị để loại bỏ các tế bào bất thường.

Tầm soát ung thư cổ tử cung bao lâu 1 lần nếu đã cắt bỏ cổ tử cung?

Những người đã cắt bỏ toàn bộ tử cung (cắt bỏ cả tử cung và cổ tử cung) vì những lý do không liên quan đến ung thư thì nên ngừng tầm soát. Tuy nhiên, những đối tượng sau đây vẫn nên tiếp tục tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ theo khuyến nghị:

  • Người cắt bỏ tử cung để điều trị ung thư cổ tử cung và/hoặc có tiền ung thư nghiêm trọng
  • Người chỉ cắt bỏ tử cung mà không cắt bỏ cổ tử cung (gọi là cắt bỏ một phần hoặc cắt bỏ trên cổ tử cung).

Nếu bạn có tiền sử ung thư cổ tử cung hoặc có những thay đổi tế bào cổ tử cung cấp độ cao, bạn nên tiếp tục thực hiện tầm soát trong 20 năm sau thời điểm phẫu thuật.

Tầm soát ung thư cổ tử cung bao lâu 1 lần đối với người trên 65 tuổi?

Nếu trên 65 tuổi, hãy trao đổi với bác sĩ để biết liệu bạn có cần tầm soát nữa hay không.

Phụ nữ nên ngừng tầm soát ung thư cổ tử cung sau 65 tuổi nếu:

  • Đã thực hiện ít nhất 3 xét nghiệm Pap hoặc 2 xét nghiệm HPV trong vòng 10 năm qua và kết quả xét nghiệm là bình thường hoặc âm tính. Xét nghiệm gần đây nhất phải được thực hiện trong vòng 3 hoặc 5 năm qua, tùy thuộc vào loại xét nghiệm.
  • Chưa từng bị tiền ung thư cổ tử cung trước đó.
  • Đã cắt bỏ cổ tử cung như một phần của phẫu thuật cắt bỏ tử cung toàn phần để điều trị các tình trạng không phải ung thư, như u xơ tử cung.

Tuy nhiên, nếu kết quả xét nghiệm gần đây bất thường hoặc không được tầm soát thường xuyên, bạn có thể cần được tiếp tục thực hiện tầm soát sau năm 65 tuổi. Nếu có tiền sử mắc bệnh tiền ung thư nghiêm trọng, bạn nên tiếp tục xét nghiệm trong ít nhất 25 năm sau khi phát hiện tình trạng đó, ngay cả khi bạn đã trên 65 tuổi.

Những điều cần lưu ý khác khi làm tầm soát

Những lưu ý khi tầm soát ung thư cổ tử cung

Một số người cho rằng họ có thể ngừng tầm soát ung thư cổ tử cung sau khi ngừng sinh con. Điều này là không đúng. Họ nên hỏi bác sĩ “Tầm soát ung thư cổ tử cung bao lâu 1 lần?” và tiếp tục tuân theo hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình.

Xét nghiệm tầm soát cổ tử cung có thể mang lại lợi ích, nhưng giống như bất kỳ xét nghiệm tầm soát nào khác, nó có nguy cơ gây ra một số rủi ro nhất định. Trước khi thực hiện bất kỳ xét nghiệm tầm soát nào, hãy thảo luận với bác sĩ để cân nhắc về lợi ích và rủi ro có thể xảy ra.

Các rủi ro tiềm ẩn gây hại từ việc tầm soát ung thư cổ tử cung bao gồm: chẩn đoán và điều trị quá mức, kết quả dương tính giả, kết quả âm tính giả. Đối với một số phụ nữ, việc điều trị các tế bào bất thường có thể gây ra các vấn đề như chảy máu hoặc nhiễm trùng. Nếu bạn cần cắt bỏ nhiều mô cổ tử cung hơn bình thường và sau đó mang thai trong tương lai, nguy cơ sinh con sớm (sinh non) sẽ tăng lên, thậm chí có nguy cơ sảy thai.

Tiêm vacxin HPV là một cách quan trọng giúp bảo vệ chống lại các bệnh nhiễm trùng HPV thường gây ung thư cổ tử cung nhất. Tuy nhiên, vacxin HPV không bảo vệ chống lại tất cả các loại HPV có thể gây ung thư. Vì vậy, những phụ nữ đã được tiêm vacxin ngừa HPV vẫn cần tuân thủ theo các khuyến nghị tầm soát ung thư cổ tử cung bao lâu 1 lần cho nhóm tuổi của họ.

Ngoài việc thực hiện tầm soát, bạn vẫn cần chú ý đến bất kỳ thay đổi bất thường nào ở cơ thể như chảy máu bất thường (như chảy máu giữa các kỳ kinh), khí hư có mùi khó chịu và đau khi quan hệ tình dục. Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn nhận thấy bất kỳ điều gì bất thường để được chẩn đoán và điều trị nếu cần.

Hi vọng bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích. Cùng làm bài kiểm tra sàng lọc nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung tại đây cùng Hello Bacsi nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Cervical Cancer Screening. https://www.acog.org/womens-health/faqs/cervical-cancer-screening. Ngày truy cập: 10/07/2024

Cervical Cancer Screening. https://www.cancer.gov/types/cervical/screening. Ngày truy cập: 10/07/2024

Screening for Cervical Cancer. https://www.cdc.gov/cervical-cancer/screening/index.html. Ngày truy cập: 10/07/2024

When you’ll be invited for cervical screening. https://www.nhs.uk/conditions/cervical-screening/when-youll-be-invited/. Ngày truy cập: 10/07/2024

The American Cancer Society Guidelines for the Prevention and Early Detection of Cervical Cancer. https://www.cancer.org/cancer/types/cervical-cancer/detection-diagnosis-staging/cervical-cancer-screening-guidelines.html. Ngày truy cập: 10/07/2024

About cervical screening. https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/cervical-cancer/getting-diagnosed/screening/about. Ngày truy cập: 10/07/2024

Phiên bản hiện tại

22/07/2024

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Kiến Bình

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

5 cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung bạn nên biết

Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 có chữa khỏi không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Trần Kiến Bình

Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 22/07/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo