backup og meta

Chuẩn bị phẫu thuật cho người bệnh tiểu đường

Chuẩn bị phẫu thuật cho người bệnh tiểu đường

Phẫu thuật cho người bệnh tiểu đường không phải là điều dễ dàng. Nồng độ đường (glucose) trong máu cao có thể gây ra nhiều biến chứng trong hoặc sau phẫu thuật. Vậy bị tiểu đường có phẫu thuật được không, nếu có thì nên chuẩn bị gì cho cuộc phẫu thuật này? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

Đôi khi người bệnh tiểu đường cần phải trải qua phẫu thuật để điều trị một số bệnh lý khác. Bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng trong khi hoặc sau khi phẫu thuật.

Những khó khăn khi phẫu thuật cho người bệnh tiểu đường

Có thể nói việc phẫu thuật cho người bệnh tiểu đường khó khăn gấp nhiều lần so với người bình thường bởi những biến chứng mà họ có thể gặp phải đôi khi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng.

Rủi ro mà bệnh nhân phải đối diện bao gồm:

  • Hạ đường huyết: Vì phải nhịn đói trong vòng 8 – 12 tiếng trước mổ nên nguy cơ hạ đường huyết là rất lớn. Nếu không theo dõi và điều chỉnh bằng insulin phù hợp có thể đe dọa trực tiếp mạng sống.
  • Sức chịu đựng với thuốc mê: Thuốc tiểu đường có thể tương tác với thuốc mê và gây rủi ro, nên thường phải dừng thuốc điều trị tiểu đường ít nhất 1 tuần trước mổ.
  • Khó cầm máu: Tình trạng rối loạn đông máu rất hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, vì vậy sẽ khó khăn để cầm máu sau phẫu thuật.
  • Nhiễm trùng: Đường huyết cao, miễn dịch thấp làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, buộc bệnh nhân cần nằm viện dài ngày và sử dụng kháng sinh nhiều hơn.
  • Vết thương lâu lành: Nguy cơ nhiễm trùng cao, tuần hoàn máu kém sẽ khiến vết thương lâu lành và dễ bị hoại tử. Vì vậy, ổn định đường huyết sẽ rất cần thiết để thúc đẩy vết mổ lành lại.

Lưu ý trong phẫu thuật cho người bệnh tiểu đường

Lưu ý cho bệnh nhân khi quyết định phẫu thuật để có kết quả tốt nhất

Phẫu thuật cho người bệnh tiểu đường là nỗi ám ảnh của nhiều bệnh nhân vì rủi ro sẽ cao hơn người bình thường. Tuy nhiên, nếu biết những điều này, bạn sẽ có ca phẫu thuật an toàn và khả năng phục hồi nhanh chóng. Cụ thể:

  • Kiểm soát chỉ số đường huyết trong ngưỡng bác sĩ yêu cầu
  • Ăn nhiều protein trước và sau phẫu thuật. Các chất đạm sẽ có trong thịt nạc, cá, trứng, đậu các loại, sữa… giúp tăng khả năng chịu đựng trong khi phẫu thuật và hỗ trợ vết thương mau lành
  • Tập thể dục để nâng cao thể chất và góp phần kiểm soát đường huyết
  • Đừng quá lo lắng mà hãy thả lỏng tinh thần, việc căng thẳng sẽ khiến đường huyết dễ bị tăng cao
  • Dừng hút thuốc và uống rượu.

Các bước phẫu thuật cho người bệnh tiểu đường

Trước khi phẫu thuật 

Hãy trao đổi với bác sĩ để đề ra kế hoạch phẫu thuật an toàn nhất cho bạn.

Kiểm soát bệnh tiểu đường của bạn chặt chẽ hơn nữa trong những tuần trước khi phẫu thuật.

Bác sĩ sẽ khám lại lần nữa và trao đổi về những vấn đề sức khỏe bạn đang mắc phải có thể ảnh hưởng đến phẫu thuật như thế nào. Hãy thông báo với bác sĩ những điều sau:

  • Báo cho bác sĩ về bất cứ loại thuốc bạn đang dùng.
  • Nếu bạn dùng metformin, hãy hỏi bác sĩ có nên ngưng dùng nó hay không. Thông thường, bệnh nhân ngưng dùng thuốc 48 giờ trước cho đến 48 giờ sau khi phẫu thuật để làm giảm nguy cơ nhiễm axit lactic.
  • Nếu bạn dùng insulin, hãy hỏi bác sĩ liều lượng nên dùng vào đêm trước phẫu thuật và trong ngày phẫu thuật.

Biến chứng do phẫu thuật cho người bệnh tiểu đường sẽ dễ xảy ra hơn nếu người bệnh đã có các biến chứng bệnh tiểu đường. Vì vậy, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc kiểm soát bệnh tiểu đường và các biến chứng bạn có như bệnh tim mạch, thận, hoặc mắt, hoặc nếu bạn bị mất cảm giác ở bàn chân. Các bác sĩ có thể làm một số xét nghiệm để kiểm tra tình trạng cụ thể của những vấn đề trên.

Trong khi phẫu thuật 

Phẫu thuật cho người bệnh tiểu đường

Hãy trao đổi với bác sĩ về việc duy trì lượng đường trong máu trong quá trình phẫu thuật. Lượng đường trong máu của bạn nên từ 80–150 mg mỗi decilít (mg/dL) trong khi phẫu thuật. Bạn sẽ ít gặp biến chứng khi phẫu thuật và lành bệnh nhanh hơn nếu lượng đường trong máu được kiểm soát trong mức cho phép trong quá trình phẫu thuật.

Các bác sĩ có thể sử dụng insulin và glucose truyền tĩnh mạch để giữ cho đường huyết ổn định trong quá trình phẫu thuật.

Sau khi phẫu thuật 

Sau khi phẫu thuật cho người bệnh tiểu đường, cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên. Thường thì lượng đường trong máu sau khi phẫu thuật rất khó kiểm soát vì:

  • Thay đổi thói quen ăn uống
  • Nôn mửa
  • Bị stress sau phẫu thuật
  • Ít hoạt động hơn bình thường

Thông thường, bạn sẽ mất thời gian dài hơn để hồi phục so với những người không bị bệnh tiểu đường. Có thể bạn cần phải nhập viện nếu bạn phải trải qua phẫu thuật lớn. Người bị tiểu đường thường phải ở lại bệnh viện lâu hơn so với những người không bị tiểu đường.

Trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật cho người bệnh tiểu đường, bạn nên tự theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như sốt, hoặc vết mổ có sưng đỏ, nóng hoặc rỉ mủ ra.

Bên cạnh đó, để phòng tránh biến chứng loét do nằm lâu, hãy thường xuyên xoay trở trên giường và ra khỏi giường để vận động. Vì đôi khi, bạn bị mất cảm giác ở ngón chân hoặc ngón tay do bệnh tiểu đường, bạn sẽ không cảm thấy cảm giác đau đớn do vết loét gây ra.

Tin rằng qua bài viết này, bạn sẽ thôi lo lắng về việc bệnh tiểu đường có mổ được không. Thay vào đó, hãy quan tâm đến những lưu ý khi phẫu thuật cho người bệnh tiểu đường và chuẩn bị thật kỹ nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Bệnh đái tháo đường và phẫu thuật http://bvctchhue.com/2020/09/04/benh-dai-thao-duong-va-phau-thuat-bsckii-duong-vinh-linh/ Ngày truy cập 3/12/2021

Surgery for Diabetes https://asmbs.org/patients/surgery-for-diabetes Ngày truy cập 3/12/2021

Preparing for surgery when you have diabetes https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000702.htm Ngày truy cập 3/12/2021

Management of Diabetes Mellitus in Surgical Patients https://spectrum.diabetesjournals.org/content/15/1/44 Ngày truy cập 3/12/2021

Seballos, RJ. Preventative medicine: principles of screening. In: Carey, WD.Cleveland Clinic: Current Clinical Medicine

Preparing for surgery when you have diabetes. U.S. National Library of Medicine. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/patientinstructions/000702.htm. Ngày truy cập 10/11/2015

Phiên bản hiện tại

03/12/2021

Tác giả: Giang Lê

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

4 sự thật về insulin trong điều trị đái tháo đường không phải ai cũng biết

GIẢI ĐÁP NHỮNG HIỂU LẦM VỀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYPE 2 - Lựa chọn sữa cho người bệnh tiểu đường type 2


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 03/12/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo