Người bị tiểu đường có nên ăn trái cây không khi đây là nguồn thực phẩm có nhiều đường? Nhiều người cho rằng bệnh nhân tiểu đường không thể ăn trái cây vì chúng quá ngọt hoặc chứa nhiều đường. Tất cả các loại trái cây đều chứa đường tự nhiên, nhưng cũng chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ.
Thực tế, trái cây là loại thực phẩm cần thiết mỗi ngày cho tất cả mọi người. Mặc dù vậy, người mắc bệnh tiểu đường cần có những hiểu biết nhất định khi ăn trái cây để không làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu người bị tiểu đường có nên ăn trái cây và nên ăn loại trái cây gì trong bài viết sau đây nhé!
Ăn trái cây đóng vai trò gì trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường?
Nhiều loại trái cây có chứa một lượng lớn chất xơ, đặc biệt là các loại có thể ăn được cả vỏ lẫn thịt quả. Trái cây và rau quả có sự kết hợp tốt giữa chất xơ hòa tan và không hòa tan, tốt cho đường ruột và sức khỏe nói chung. Bổ sung đủ chất xơ trong chế độ ăn đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường.
Một chế độ ăn nhiều chất xơ có thể làm chậm sự hấp thụ đường trong máu, giúp kiểm soát lượng đường trong máu, mỡ máu và cân nặng. Vì vậy, rất nhiều loại trái cây được đưa vào chế độ ăn uống vì chúng có chứa nhiều chất xơ và nước, góp phần làm giảm nguy cơ béo phì, đau tim và đột quỵ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng béo phì cũng liên quan đến nguy cơ làm tăng khả mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Người bị tiểu đường có nên ăn trái cây không?
Nhiều người lo ngại rằng vì trái cây có chứa đường nên nó có thể làm cho lượng đường trong máu của bạn tăng lên. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các loại trái cây đều có chỉ số đường huyết từ thấp đến trung bình, vì vậy chúng không làm cho lượng đường trong máu của bạn tăng mạnh so với các loại thực phẩm chứa carbohydrate khác như bánh mì trắng hoặc bột nguyên cám.
Vì vậy, để giải đáp cho thắc mắc người bị tiểu đường có nên ăn trái cây không thì câu trả lời là CÓ. Trái cây vẫn là một sự lựa chọn tốt để đưa vào bữa ăn do hàm lượng chất xơ và các chất dinh dưỡng cao. Trái cây cũng có thể đáp ứng khẩu vị hảo ngọt mà không cần đến bánh kẹo hay thực phẩm khác có giá trị dinh dưỡng thấp.
Hầu hết các loại trái cây có nhiều chất dinh dưỡng nhưng lại có ít chất béo và natri (muối). Ngoài ra, trái cây cũng thường chứa các chất dinh dưỡng mà không thể tìm thấy ở những thực phẩm khác. Ví dụ: chuối chứa kali và tryptophan − một axit amin quan trọng; trái cây có mùi như cam, nho có một lượng cao vitamin A và C, là những chất chống oxy hóa mạnh mẽ.
Một số loại trái cây ngọt như xoài cũng có thể đưa vào thực đơn miễn là bạn không dùng quá nhiều. Kích thước khẩu phần ăn rất quan trọng khi xem xét người bị tiểu đường có nên ăn trái cây không và ảnh hưởng lớn nhất của trái cây đối với lượng đường huyết của người bị tiểu đường sau khi ăn.
Những loại trái cây nên ăn và nên tránh
Người bị tiểu đường có nên ăn trái cây không còn tùy thuộc vào loại trái cây mà bạn lựa chọn để ăn. Hiệp hội tiểu đường Mỹ đã tuyên bố rằng bất kỳ trái cây nào cũng là thực phẩm tốt để ăn, miễn là bạn không bị dị ứng với loại trái cây đó. Tuy nhiên, bạn nên xem xét khẩu phần trái cây phù hợp cho một bữa ăn lành mạnh khi mắc bệnh tiểu đường.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại trái cây tươi hoặc đông lạnh sẽ tốt hơn so với trái cây đã qua chế biến, được đóng chai hoặc đóng hộp. Trái cây sấy khô và nước ép trái cây cũng được liệt vào danh sách các loại trái cây chế biến nên hạn chế sử dụng. Những người bị bệnh tiểu đường không nên ăn những thực phẩm chế biến, trái cây chế biến vì chúng sẽ được cơ thể hấp thu nhanh chóng, làm tăng lượng đường trong máu.
Ngoài ra, những người bị bệnh tiểu đường được khuyến cáo nên tránh uống các loại nước ép trái cây hoặc trái cây đóng hộp có thêm đường. Trái cây pha trộn như sinh tố, nước ép cũng có hàm lượng đường cao. Hơn thế nữa, nhiều loại trái cây chế biến còn bị mất hàm lượng một số chất dinh dưỡng như vitamin và chất xơ.
Vậy, người bị tiểu đường có nên ăn trái cây? Tóm lại, người bệnh tiểu đường nên ăn trái cây tươi, salad chưa qua chế biến. Đây là cách hữu hiệu dể bạn thỏa mãn cơn thèm ngọt, kiểm soát được lượng đường trong máu mà vẫn hấp thu được các chất dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt đối với người đang bị tiểu đường.