backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Poltrapa

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 07/01/2022

Poltrapa

Biệt dược: Poltrapa 325mg/37,5mg

Hoạt chất: Tramadol hydrochloride 37,5mg và paracetamol 325mg 

Dạng bào chế: Viên nén bao phim

Tìm hiểu chung

Thuốc Poltrapa có tác dụng gì?

Thuốc Poltrapa là một thuốc giảm đau kết hợp giữa tramadol và paracetamol được chỉ định để điều trị các triệu chứng đau từ trung bình đến nặng. Thuốc nên được sử dụng giới hạn ở những bệnh nhân đau vừa đến nặng cần phải dùng kết hợp tramadol và paracetamol.

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Thuốc này chỉ dùng theo đơn của bác sĩ.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc Poltrapa cho người lớn là bao nhiêu?

Thông thường, liều khởi đầu khuyến cáo là 2 viên Poltrapa (tương ứng với 75g tramadol và 650mg paracetamol). Có thể dùng liều bổ sung nếu cần thiết nhưng không được quá 8 viên nén mỗi ngày (tương đương 300mg tramadol và 2600mg paracetamol).

Khoảng thời gian giữa 2 lần dùng thuốc không được ít hơn 6 giờ. Với người suy thận vừa (creatinin trên 10ml/phút) khoảng cách liều tăng lên 12 giờ.

Liều dùng cần được điều chỉnh dựa trên cường độ đau và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân. 

Liều dùng thuốc Poltrapa cho trẻ em là bao nhiêu?

Liều dùng thuốc Poltrapa 325mg/37,5mg cho trẻ em: 

  • Với trẻ trên 12 tuổi: dùng liều tương tự người lớn.
  • Với trẻ dưới 12 tuổi: độ an toàn và hiệu quả của thuốc chưa được xác định ở trẻ dưới 12 tuổi. Do đó, không dùng thuốc cho nhóm đối tượng này.

Cách dùng

Bạn nên sử dụng thuốc Poltrapa như thế nào?

Dùng thuốc nguyên viên với nước lọc, không bẻ hoặc nhai viên. Thuốc có thể dùng cùng thức ăn hoặc không.

Dù trong bất kỳ trường hợp nào cũng không dùng thuốc lâu hơn thời gian cần thiết. Nếu phải dùng kéo dài do bản chất và mức độ nghiêm trọng của bệnh thì cần tiến hành theo dõi thường xuyên, cẩn thận để đánh giá mức độ cần thiết của việc duy trì điều trị.

Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Nếu có thắc mắc gì về cách dùng, bạn có thể hỏi lại dược sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Cách dùng thuốc poltrapa

Vì là thuốc phối hợp 2 thành phần nên các triệu chứng quá liều Poltrapa bao gồm những dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc tramadol, paracetamol hoặc cả hai.

  • Triệu chứng quá liều tramadol tương tự như triệu chứng ngộ độc các thuốc giảm đau tác dụng trên hệ thần kinh trung ương khác. Những triệu chứng này bao gồm co đồng tử, nôn, suy tim mạch, rối loạn ý thức dẫn đến hôn mê, co giật và suy hô hấp dẫn đến ngạt thở. 
  • Triệu chứng quá liều paracetamol trong 24 giờ đầu là xanh xao, buồn nôn, nôn, chán ăn và đau bụng. Hoại tử gan có thể xuất hiện sau khi uống quá liều thuốc 12 – 48 giờ. Trong trường hợp nặng, ngộ độc gan và suy gan có thể dẫn đến các vấn đề ở não, hôn mê cũng như tử vong. Ngoài ra, người uống quá liều paracetamol cũng có thể gặp phải các tình trạng như suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp, rối loạn nhịp tim hoặc viêm tụy.

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, hãy ngừng dùng thuốc và gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất. Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Sau đó, hãy đợi đủ khoảng cách liều (6 giờ hoặc 12 giờ) để tiếp tục sử dụng liều tiếp theo. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn có thể gặp phải tác dụng phụ nào khi sử dụng thuốc Poltrapa?

Sự kết hợp của paracetamol và tramadol có thể gây ra một số tác dụng phụ như:

  • Rối loạn tâm thần: nhầm lẫn, thay đổi tâm trạng, rối loạn giấc ngủ (phổ biến), trầm cảm, ảo giác, ác mộng, mất trí nhớ (không phổ biến), phụ thuộc thuốc (hiếm gặp).
  • Rối loạn hệ thần kinh: chóng mặt, buồn ngủ (rất phổ biến), đau đầu, run rẩy (phổ biến), co thắt cơ, dị cảm, ù tai (không phổ biến), mất điều hòa, co giật (hiếm gặp)
  • Rối loạn mắt: nhìn mờ (hiếm gặp)
  • Rối loạn tim mạch: tăng huyết áp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim (không phổ biến).
  • Rối loạn hô hấp, ngực và trung thất: khó thở (không phổ biến).
  • Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn (rất thường gặp), nôn, táo bón, khô miệng, đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy (phổ biến), khó nuốt, phân đen (không phổ biến).
  • Rối loạn toàn thân và tại chỗ dùng: run rẩy, nóng bừng mặt, đau ngực (không phổ biến)
  • Rối loạn thận và tiết niệu: albumin niệu, rối loạn tiểu tiện, khó tiểu, bí tiểu (không phổ biến)
  • Rối loạn da và mô dưới da: đổ mồ hôi, ngứa (phổ biến), phát ban, nổi mề đay (không phổ biến)

tác dụng phụ thuốc poltrapa

Ngoài ra, không thể loại trừ sự xuất hiện của những tác dụng phụ được biến đến có liên quan đến việc dùng tramadol hoặc paracetamol.

Tramadol có thể gây ra các tác dụng không mong muốn:

  • Hạ huyết áp thế đứng, nhịp tim chậm, trụy tim
  • Phản ứng dị ứng với các triệu chứng hô hấp (khó thở, co thắt phế quản, thở khò khè, phù mạch thần kinh) và sốc phản vệ. 
  • Thay đổi cảm giác ngon miệng, yếu vận động và suy hô hấp
  • Thay đổi tâm trạng, thay đổi các hoạt động hàng ngày hay thay đổi khả năng nhận thức và cảm giác
  • Các triệu chứng cai thuốc tương tự như các triệu chứng khi ngừng dùng thuốc opioid như kích động, lo lắng, căng thẳng, mất ngủ, tăng động, run và các vấn đề về tiêu hóa. Ngoài ra, nếu ngừng dùng tramadol đột ngột, bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái hoảng loạn, lo lắng nghiêm trọng, ảo giác, dị cảm, ù tai và gặp các bất thường trên hệ thần kinh trung ương. 

Trong khi đó, các tác dụng phụ do paracetamol gây ra (hiếm gặp) có thể kể đến như:

  • Quá mẫn, phát ban da
  • Rối loạn tạo máu, bao gồm giảm tiểu cầu và giảm bạch cầu hạt
  • Giảm prothrombin máu khi dùng đồng thời với các thuốc tương tự warfarin.

Trên đây không phải danh mục đầy đủ tất cả tác dụng không mong muốn có thể gặp phải. Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.

Thận trọng/ Cảnh báo

Bạn nên lưu ý những gì khi dùng thuốc Poltrapa?

Thuốc chống chỉ định cho các trường hợp:

  • Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc
  • Có tiền sử ngộ độc cấp tính do rượu, thuốc ngủ, thuốc giảm đau trung ương, thuốc nhóm opioid hoặc thuốc hướng thần
  • Bệnh nhân đang sử dụng IMAO hoặc trong vòng 2 tuần sau khi ngưng thuốc
  • Người bị suy gan nặng, suy thận nặng (độ thanh thải creatinin dưới 10ml/ phút)
  • Bệnh nhân động kinh không kiểm soát được
  • Bệnh nhân suy hô hấp nặng.

Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi không được dùng quá liều tối đa mỗi ngày. Để tránh quá liều vô ý, bệnh nhân không nên dùng quá liều khuyến cáo và không dùng đồng thời với bất kỳ thuốc nào có chứa paracetamol hoặc tramadol mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. 

Thận trọng khi dùng Poltrapa cho những đối tượng:

  • Người phụ thuộc opioid 
  • Chấn thương sọ não
  • Dễ bị động kinh
  • Rối loạn đường mật
  • Đang trong tình trạng sốc hoặc tình trạng ảnh hưởng đến sự tỉnh táo mà không rõ nguyên nhân
  • Có những tác nhân ảnh hưởng đến trung tâm hô hấp hoặc chức năng hô hấp
  • Bị tăng áp lực nội sọ.

Tránh sử dụng thuốc Poltrapa trong gây mê mức độ nhẹ cho đến khi có đầy đủ dữ liệu về độ an toàn.

Ngoài ra, thuốc có thể gây buồn ngủ nên cẩn thận khi sử dụng cho người cần lái xe hoặc vận hành máy móc.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Vì có chứa tramadol nên thuốc Poltrapa không được sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú.

Tương tác thuốc

Thuốc Poltrapa 325mg/37,5mg có thể tương tác với những thuốc nào?

Tương tác thuốc poltrapa

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Một số thuốc khi dùng chung với Poltrapa có thể xảy ra tương tác, gồm:

  • Thuốc chủ vận – đối kháng opioid như nalbuphin, beprenorphin, petazocin
  • Enfluran và nitơ oxit khi gây mê toàn thân
  • Thuốc ức chế MAO không chọn lọc
  • THuốc ức chế chọn lọc MAO-A hoặc MAO-B
  • Carbamazepin và các thuốc cảm ứng enzyme khác
  • Thuốc tác dụng trên hệ serotoninergic như các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin và các thuốc nhóm triptan
  • Các dẫn chất opioid khác
  • Thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương khác như thuốc benzodiazepine, barbiturate, thuốc chống lo âu, thuốc ngủ, thuốc kháng histamin, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc hạ huyết áp tác dụng lên hệ thần kinh trung ương, thalidomidebaclofen
  • Thuốc tương tự warfarin
  • Thuốc ức chế CYP3A4 như ketoconazol và erythromycin
  • Thuốc làm giảm ngưỡng động kinh 
  • Thuốc chống nôn, đối kháng thụ thể 5-HT3 trước và sau phẫu thuật
  • Ondasetron

Thuốc này có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn không ảnh hưởng đến việc dùng thuốc.

Đặc biệt, rượu làm tăng tác dụng an thần của các thuốc giảm đau nhóm opioid, từ đó ảnh hưởng đến sự tỉnh táo. Bên cạnh đó, kết hợp với rượu còn làm tăng độc tính cho gan. Do đó, tránh sử dụng các đồ uống có cồn và các thuốc khác chứa alcohol khi đang điều trị bằng thuốc Poltrapa.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc này?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào được đề cập trong phần Thận trọng/ Cảnh báo.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản thuốc Poltrapa như thế nào?

Bảo quản ở nhiệt độ dưới 30°C, tránh ẩm và ánh sáng. Để xa tầm tay trẻ em.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 07/01/2022

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo