backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Nguy cơ bị nghiện opioid khi dùng thuốc giảm đau

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hồng Nhung · Ngày cập nhật: 16/03/2020

    Nguy cơ bị nghiện opioid khi dùng thuốc giảm đau

    Các loại thuốc giảm đau nhóm opioid là giải pháp giúp bạn giảm đau hiệu quả tức thời, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gây nghiện opioid. Liệu bạn có thể ngăn ngừa chứng nghiện này khi phải đối phó với những cơn đau suốt một thời gian dài?

    Các loại thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid bao gồm morphin, codein, fentanyl, tramadol, hydrocodone, heroin… Đây là loại thuốc có hiệu quả giảm đau cao trong điều trị. Những thuốc này được dùng trong nhiều trường hợp chấn thương nặng như gãy xương, bỏng, giảm đau sau phẫu thuật, đặc biệt là cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối để cải thiện chất lượng cuộc sống.

    Thuốc giảm đau nhóm opioid tương đối an toàn khi được sử dụng trong thời gian ngắn theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên nếu sử dụng lâu dài hoặc sai hướng dẫn có thể gây nguy cơ dung nạp thuốc, phụ thuộc thuốc và sau đó là đưa đến nguy cơ nghiện opioid giống như nghiện ma túy. Nghiện opioid là tình trạng có thể gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Dưới đây Hello Bacsi sẽ cung cấp thông tin về cơ chế gây nghiện của thuốc giảm đau opioid và cách sử dụng thuốc an toàn.

    Thực trạng lạm dụng thuốc giảm đau opioid

    Tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau opioid trên toàn thế giới đã trở thành một vấn nạn gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của nhiều người.

    • Châu Âu: Nước Anh là một trong những điểm nóng ghi nhận tới  330.445 trường hợp lạm dụng thuốc giảm đau opioid trong năm 2015. Châu Âu trong năm 2015 – 2018 có tới 81% số ca tử vong do sử dụng thuốc quá liều liên quan đến thuốc giảm đau opioid.

    • Mỹ: Năm 2017 ghi nhận gần 50.000 ca tử vong do dùng opioid quá liều (cao hơn rất nhiều so với tai nạn giao thông). Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh Dịch bệnh Mỹ (CDC), mỗi ngày tại Mỹ có tới 130 người chết vì dùng thuốc opioid quá liều.

    • Việt Nam: Tình trạng tự ý sử dụng thuốc giảm đau nhanh, sử dụng không theo chỉ dẫn của bác sĩ, chưa tuân thủ quy định bảo quản, xử lý thuốc giảm đau opioid đặc biệt là morphin đã trở thành vấn đề đáng báo động, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người.

    Nghiện opioid được xem là một bệnh lý nguy hiểm. Người nghiện opioid không thể cưỡng lại được lý trí và luôn tìm mọi cách để có thể sử dụng thuốc với mục đích có được ảo giác khoái cảm bất chấp các tác hại của thuốc gây ra.

    Việc lạm dụng opioid trong thời gian dài sẽ dẫn tới nghiện opioid với các biểu hiện giống như nghiện ma túy. Người nghiện opioid sẽ trở nên thụ động, lười biếng, không chú ý vệ sinh thân thể và bị rối loạn tâm lý. Thêm vào đó là tình trạng suy giảm sức đề kháng, chán ăn, mất ngủ, sụt cân, co đồng tử và dễ bị tử vong do các bệnh truyền nhiễm.

    Người nghiện opioid có xu hướng sử dụng thuốc giảm đau này thường xuyên hơn và tự ý tăng liều dùng để có được ảo giác khoái cảm. Điều này làm tăng nguy cơ sốc thuốc, có thể gây tử vong.

    Khi ngưng sử dụng thuốc opioid, người bệnh sẽ trải qua các triệu chứng cai thuốc, mất một thời gian rất dài và gặp nhiều khó khăn khi cai thuốc.

    Cơ chế gây nghiện của thuốc giảm đau opioid

    nghiện opioid

    Thuốc giảm đau opioid gồm hai nhóm chính:

    • Nhóm 1: Là nhóm thuốc tổng hợp bao gồm fentanyl, tramadol, hydrocodone, heroin…
    • Nhóm 2: Là nhóm thuốc có nguồn gốc tự nhiên, chiết xuất từ thuốc phiện bao gồm opium, morphin, codein…

    Tình trạng phụ thuộc thuốc giảm đau opioid có thể xảy ra với bất kỳ ai. Các yếu tố như tiền sử bệnh, số lần dùng, thời gian sử dụng thuốc có ảnh hưởng nhất định nhưng rất khó để có thể dự đoán ai dễ bị phụ thuộc và lạm dụng thuốc opioid.

    Bác sĩ định nghĩa nghiện opioid là tình trạng thèm thuốc không thể cưỡng lại được dẫn tới lạm dụng thuốc, liên tục sử dụng thuốc ngoài tầm kiểm soát bất chấp những rủi ro và hậu quả xấu mà nó mang lại.

    Thuốc giảm đau opioid có khả năng kích thích trung tâm hưng phấn của não bộ nên nguy cơ gây nghiện opioid rất cao. Opioid kích hoạt giải phóng chất dẫn truyền hưng phấn trong não bộ có tên endorphin – chất dẫn truyền thần kinh xóa mờ cảm giác đau và tăng cảm giác thoải mái, khiến bạn cảm thấy dễ chịu.

    Khi tác dụng của thuốc không còn, bạn sẽ mong muốn có lại cảm giác dễ chịu trước đó càng sớm càng tốt. Đó là điều thúc đẩy bạn tiếp tục dùng các loại thuốc giảm đau này và dần bị nghiện opioid.

    Những yếu tố làm tăng nguy cơ nghiện opioid

    nghiện opioid

    Việc lạm dụng opioid sẽ khiến cơ thể chậm sản sinh endorphin. Vì vậy, dù dùng cùng một liều opioid nhưng đến một lúc nào đó lượng opioid đó sẽ không thể kích thích cơ thể sản sinh đủ endorphin để tạo ra cảm giác hưng phấn, thoải mái như trước kia nữa. Hiện tượng này gọi là “dung nạp thuốc” hay “nhờn thuốc” (drug tolerance).

    Các bác sĩ hiểu rõ mối nguy hại mà thuốc giảm đau opioid có thể xảy ra nên thường không cho phép bạn tăng liều dùng. Tuy nhiên, nhiều người bị nghiện opioid luôn tin rằng mình cần phải tăng liều dùng và đã tìm mọi cách để có được opioid hoặc heroin, kể cả bằng những cách không hợp pháp. Điều đáng lo ngại là một số loại thuốc đang lưu hành bất hợp pháp như fentanyl (Actiq, Duragesic, Fentora) có chứa các tạp chất hoặc hàm lượng opioid rất cao, nguyên nhân gây nên tỷ lệ lớn tỷ vong do sử dụng heroin.

    Bạn không nên ngưng sử dụng opioid đột ngột vì điều này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt là có thể làm cơn đau dữ dội hơn trước khi dùng. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách giảm dần liều dùng opioid an toàn và hiệu quả.

    Nếu bạn đang sử dụng thuốc giảm đau opioid và bị quen thuốc hay nhờn thuốc thì cần hỏi ý kiến bác sĩ để được hỗ trợ. Bác sĩ có thể giới thiệu và đề xuất các phương pháp giảm đau khác an toàn hơn giúp bạn dễ chịu hơn.

    Các yếu tố làm tăng nguy cơ nghiện opioid bao gồm:

    • Tiền sử: Đã từng bị nghiện, gia đình có người nghiện.

    • Tuổi tác: Người trẻ có nguy cơ cao hơn so với người già.

    • Tiền án tiền sự: Người đã từng phạm tội có nguy cơ cao hơn.

    • Môi trường: Thường xuyên tiếp xúc với người có nguy cơ bị nghiện opioid.

    • Điều kiện kinh tế: Thất nghiệp, người nghèo đói có xu hướng dễ bị nghiện opioid.

    • Tâm lý: Từng bị trầm cảm hoặc lo lắng, stress, có vấn đề về tâm lý, nghiện thuốc lá nặng.

    • Thời gian sử dụng thuốc: Các nhà khoa học chỉ ra rằng dùng thuốc giảm đau opioid trong thời gian dài hơn vài ngày có thể làm tăng nguy cơ sử dụng dẫn đến nghiện opioid.

    • Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ bị nghiện opioid cao hơn nam giới do có xu hướng bị đau mãn tính nhiều hơn, được kê thuốc giảm đau opioid ở liều cao hơn, thời gian sử dụng lâu hơn và dễ trở nên phụ thuộc vào thuốc giảm đau nhanh hơn nam giới.

    • Dùng không đúng chỉ dẫn: Việc dùng thuốc sai quy định và chỉ dẫn là nguyên nhân hàng đầu gây nghiện opioid. Ví dụ nghiền thuốc ra để hít hoặc tiêm làm dẫn truyền thuốc nhanh vào cơ thể đột ngột có thể gây quá liều, nguy hiểm tới tính mạng. Việc sử dụng thuốc liều cao hơn hoặc dùng thường xuyên cũng làm tăng nguy cơ gây nghiện.

    Cách phòng ngừa tình trạng nghiện opioid

    nghiện opioid

    Sau đây là 4 điều bạn nên nhớ để phòng ngừa tình trạng nghiện opioid:

    1. Sử dụng opioid thời gian ngắn theo chỉ dẫn

    Cách dùng opioid an toàn nhất là khi chỉ sử dụng trong vài ngày để kiểm soát cơn đau cấp tính, ví dụ như đau sau phẫu thuật hoặc gãy xương. Nếu bạn phải sử dụng thuốc giảm đau opioid cho cơn đau cấp tính thì cần trao đổi với bác sĩ để được kê thuốc ở liều thấp nhất và dùng trong thời gian ngắn nhất có thể.

    2. Tránh sử dụng opioid nếu bị đau mãn tính

    Nếu bạn đang chung sống với những cơn đau mãn tính thì opioid có thể không phải là lựa chọn an toàn và mang lại hiệu quả lâu dài. Bạn nên tìm đến các cách điều trị ít gây nghiện hơn và các liệu pháp không dùng đến phẫu thuật. Bạn hãy cùng thảo luận với bác sĩ để hướng tới một kế hoạch điều trị giúp bạn có thể tránh sử dụng opioid.

    3. Tuân thủ quy định sử dụng thuốc opioid

    Bạn cần tuân thủ chặt chẽ quy định khi sử dụng, bảo quản thuốc giảm đau opioid được kê đơn để ngăn ngừa nghiện opioid cho người thân trong gia đình và cộng đồng. Bạn cần cất giữ thuốc đúng nơi quy định. Đối với thuốc không dùng đến, cần liên hệ với các dịch vụ thu hồi và xử lý thuốc ở địa phương về thông tin về cách xử lý.

    4. Nâng cao nhận thức sử dụng thuốc opioid

    Bạn cần hiểu tầm quan trọng của việc sử dụng opioid an toàn, tránh gây nghiện để bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng khỏi nguy hại từ việc nghiện opioid.

    Bất kỳ loại thuốc nào, đặc biệt là thuốc giảm đau nhóm opioid, bạn tuyệt đối không nên sử dụng bừa bãi. Nếu bạn tự ý dùng không kiểm soát dẫn đến nghiện opioid sẽ gây hại không chỉ đến sức khỏe của bạn mà còn ảnh hưởng đến người thân và những người xung quanh đấy!

    Hồng Nhung HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hồng Nhung · Ngày cập nhật: 16/03/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo