backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Cẩn thận với tác dụng phụ của thuốc giảm đau ibuprofen

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thư Phạm · Ngày cập nhật: 20/05/2021

    Cẩn thận với tác dụng phụ của thuốc giảm đau ibuprofen

    Thuốc giảm đau ibuprofen được dùng khá rộng rãi với nhiều công dụng như hạ sốt, giảm đau, chống viêm. Tuy nhiên, bạn cần phải lưu ý một số vấn đề khi sử dụng để tránh các tác dụng phụ của ibuprofen.

    Ibuprofen là thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Thuốc hoạt động bằng cách ngăn ngừa cơ thể sản xuất các chất tự nhiên gây viêm. Tác dụng này giúp hạ sốt, giảm sưng và đau do các tình trạng như:

    • Nhức đầu
    • Đau răng
    • Đau bụng kinh
    • Đau nhức cơ bắp
    • Đau nhức nhẹ do cảm cúm hoặc cảm lạnh thông thường

    Cũng như bất kỳ loại thuốc nào khác, thuốc giảm đau ibuprofen cũng đi kèm với những tác dụng phụ không mong muốn. Tuy vậy, nhiều người vẫn chủ quan với các tác dụng phụ này. Nguyên nhân có thể là do ibuprofen nằm trong danh mục thuốc không kê đơn nên người bệnh dễ dàng mua và sử dụng mà không cần chỉ định của bác sĩ. 

    Vậy tác dụng phụ của ibuprofen là gì? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu lời giải trong bài viết dưới đây để bạn có thể sử dụng thuốc một cách an toàn nhất. 

    Tác dụng phụ thường gặp của thuốc giảm đau ibuprofen

    Tác dụng phụ ít nghiêm trọng có thể bao gồm:

    • Rối loạn tiêu hóa: dạ dày khó chịu, ợ nóng, tiêu chảy, táo bón
    • Đầy hơi
    • Chóng mặt, nhức đầu, căng thẳng
    • Ngứa da hoặc phát ban
    • Nhìn mờ
    • Ù tai

    Không phải ai cũng gặp các tác dụng phụ của ibuprofen như trên, có thể có tác dụng phụ khác không được đề cập. Đối với trường hợp biểu hiện nhẹ, bạn cũng có cách ngăn ngừa bằng việc sử dụng thuốc với sữa hoặc thức ăn. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

    Tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc giảm đau ibuprofen

    Khó thở do tác dụng phụ của thuốc giảm đau iibuprofen

    Bên cạnh tác dụng phụ phổ biến nêu trên, bạn cũng có nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng khác nếu dùng thuốc giảm đau ibuprofen quá liều hoặc trong một thời gian dài. Các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể kể đến như:

    Đau tim và đột quỵ

    Đối với hầu hết trường hợp, nguy cơ đau tim và đột quỵ là rất hiếm. Tuy nhiên, tỷ lệ rủi ro sẽ tăng lên nếu bạn thuộc các tình trạng sau:

    • Các vấn đề về tim mạch
    • Rối loạn đông máu
    • Tương tác với các loại thuốc đang điều trị khác

    Nếu bạn có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào hoặc đang dùng các loại thuốc khác, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc giảm đau ibuprofen.

    Giảm chức năng thận và tăng huyết áp

    Prostaglandin đóng vai trò trong việc đảm bảo quá trình vận chuyển máu đến thận. Trong khi đó, việc sử dụng thuốc kháng viêm không steroid sẽ gây ức chế quá trinh sản xuất prostaglandin, dẫn đến lượng máu đi đến thận bị giảm sút và hoạt động thận kém hiệu quả. 

    Các triệu chứng của giảm chức năng thận bao gồm:

    • Tăng huyết áp
    • Lượng nước tiểu ít hoặc không có
    • Mất nước 
    • Chóng mặt, buồn nôn
    • Bầm hoặc chảy máu không rõ nguyên nhân

    Người cao tuổi, có bệnh nền về thận, đang dùng thuốc lợi tiểu nếu dùng thuốc ibuprofen liều cao hoặc kéo dài dễ dẫn đến suy thận. Vì vậy, người bệnh thuộc nhóm đối tượng này không nên tự ý dùng thuốc mà hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh các tác dụng phụ của ibuprofen.

    Loét và chảy máu trong dạ dày

    Prostaglandin cũng là một hormon của tế bào niêm mạc dạ dày. Hormon này có tác dụng ức chế tác hại của axit dạ dày đồng thời kích thích bài tiết chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Bên cạnh đó, các tác nhân ức chế bài tiết prostaglandin như thuốc giảm đau ibuprofen có thể gây viêm loét hoặc chảy máu dạ dày. 

    Tuy tác dụng phụ này rất hiếm nhưng vẫn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ gặp phải như:

    Trong trường hợp bạn cảm thấy đầy bụng, buồn nôn, rối loạn tiêu hoá và nghi có dấu hiệu đau dạ dày sau khi dùng thuốc, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức và ngưng dùng ibuprofen.

    Dị ứng

    Tác dụng phụ của ibuprofen có thể xảy ra là phản ứng dị ứng, nhưng trường hợp này cũng rất hiếm. Hãy nhanh chóng gọi cấp cứu nếu bạn có bất cứ dấu hiệu dị ứng như: phát ban, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc họng.

    Suy gan

    Trong trường hợp bạn bị bệnh gan, hãy tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi dùng ibuprofen. Ngừng dùng thuốc giảm đau ibuprofen và liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu bạn bắt đầu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

    • Buồn nôn
    • Đau bụng trên
    • Ngứa 
    • Chán ăn, thiếu năng lượng
    • Nước tiểu đậm màu
    • Vàng da hoặc vàng mắt
    • Các triệu chứng tương tự như cúm

    Thận trọng khi dùng thuốc giảm đau ibuprofen

    thận trọng khi dùng thuốc giảm đau ibuprofen

    Để phát huy tối đa công dụng và giảm đáng kể những tác dụng phụ không mong muốn khi dùng thuốc giảm đau ibuprofen, bệnh nhân cần lưu ý: 

    • Trước khi sử dụng thuốc, bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ các vấn đề sau: Tiền sử dị ứng, tiền sử bệnh và một số loại thuốc đang sử dụng nhằm tránh tương tác với thuốc. 
    • Thuốc gây tác động tới hệ tiêu hóa, do đó trước khi uống thuốc bạn nên ăn no hoặc kết hợp cùng với thuốc bảo vệ dạ dày. 
    • Trong quá trình dùng thuốc nếu thấy cơ thể có phản ứng nghiêm trọng, hãy ngưng dùng thuốc và tới bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt. 
    • Tuyệt đối không dùng thuốc ibuprofen với các loại thuốc khác thuộc nhóm NSAID như aspirin, thuốc chống đông máu, thuốc lợi tiểu và thuốc điều trị huyết áp, tim mạch,…
    • Phụ nữ đang mang thai, cho con bú hoặc người dự định có thai muốn sử dụng thuốc ibuprofen để giảm đau, kháng viêm nên hỏi ý kiến bác sĩ sản khoa. 
    • Thuốc không dùng hết, cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nơi ẩm ướt. Bạn cũng nên đọc kỹ hạn sử dụng, tránh uống thuốc để quá hạn. 

    Trên đây là những thông tin chia sẻ về tác dụng phụ của thuốc giảm đau ibuprofen, hy vọng đã giúp bạn hiểu rõ hơn về loại thuốc này cũng như sử dụng đúng cách và an toàn nhất. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Thư Phạm · Ngày cập nhật: 20/05/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo