backup og meta

Milnacipran

Milnacipran

Tên gốc: Milnacipran

Phân nhóm: Thuốc chống trầm cảm/Thuốc trị rối loạn thần kinh-cơ

Tên biệt dược: Ixel

Tác dụng

Tác dụng của thuốc milnacipran là gì?

Milnacipran được sử dụng để điều trị đau gây ra bởi đau xơ cơ ảnh hưởng đến các cơ bắp, gân, dây chằng và các mô hỗ trợ.

Thuốc này là một chất ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI), hoạt động bằng cách giúp khôi phục sự cân bằng của một số chất tự nhiên trong não (chất dẫn truyền thần kinh).

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý khác khi có chỉ định của bác sĩ.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc milnacipran cho người lớn như thế nào?

Liều thông thường cho người lớn bị đau xơ cơ

Liều duy trì: 5 mg uống 2 lần một ngày

Liều tối đa: 100mg uống 2 lần một ngày (200mg uống mỗi ngày)

Định lượng có thể được chuẩn độ theo lịch trình sau đây:

  • Liều khởi đầu vào ngày 1: 12,5mg uống 1 lần
  • Ngày 2 và 3: 12,5mg uống 2 lần mỗi ngày
  • Ngày 4 đến 7: 2mg uống 2 lần một ngày
  • Sau ngày 7: 50mg uống 2 lần một ngày

Liều dùng milnacipran cho trẻ em như thế nào?

Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng milnacipran cho trẻ em.

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc milnacipran như thế nào?

Uống thuốc này cùng hoặc không cùng thức ăn, thường là 2 lần một ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu bạn bị buồn nôn, có thể dùng thuốc này với thức ăn.

Liều dùng dựa trên tình trạng sức khỏe và đáp ứng với điều trị của bạn.

Để giảm nguy cơ mắc tác dụng phụ, bác sĩ có thể bắt đầu cho bạn dùng liều thấp và tăng dần liều. Thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ một cách cẩn thận, không tăng liều hoặc dùng thuốc này thường xuyên hơn so với quy định. Tình trạng của bạn sẽ không cải thiện nhanh hơn và nguy cơ mắc tác dụng phụ nghiêm trọng có thể tăng lên.

Nếu thuốc này đã được sử dụng thường xuyên trong thời gian dài, triệu chứng cai nghiện (như thay đổi tâm trạng, đau đầu, mệt mỏi, thay đổi giấc ngủ và cảm giác ngắn tương tự như điện giật) có thể xảy ra nếu bạn đột ngột ngừng sử dụng thuốc này. Để ngăn ngừa phản ứng cai nghiện, bác sĩ có thể giảm liều của bạn dần dần. Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm chi tiết.

Hãy cho bác sĩ biết nếu tình trạng của bạn không cải thiện hoặc xấu đi.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình sử dụng thuốc, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc milnacipran?

Buồn nôn, nôn mửa, khô miệng, táo bón, chán ăn, chóng mặt, tăng tiết mồ hôi, đau đầu hoặc nóng ran (đỏ bừng) có thể xảy ra khi dùng thuốc. Nếu bất kỳ tác dụng nào trong số này vẫn tồn tại hoặc trầm trọng hơn, hãy báo ngay cho bác sĩ.

Hãy nhớ rằng bác sĩ kê đơn thuốc này bởi vì họ đã đánh giá lợi ích của thuốc cho bạn lớn hơn nguy cơ tác dụng phụ. Nhiều người sử dụng thuốc này không có tác dụng phụ nghiêm trọng.

Thuốc này có thể làm tăng huyết áp của bạn. Vì vậy, bạn nên kiểm tra huyết áp thường xuyên và cho bác sĩ biết nếu kết quả cao.

Hãy cho bác sĩ biết ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ phản ứng phụ nghiêm trọng nào, bao gồm: nhịp tim đập nhanh, thay đổi khả năng tình dục, giảm quan tâm đến giới tính, đi tiểu đau/khó khăn, co giật, vàng mắt/da, nước tiểu sẫm màu, đau bụng/đau dữ dội, phân đen/đẫm máu, ói mửa màu trông giống bã cà phê, dễ bầm tím/chảy máu.

Đi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào, bao gồm: đau mắt/sưng /đỏ, giãn con ngươi, thay đổi thị lực (như nhìn thấy cầu vồng xung quanh đèn vào ban đêm, mờ mắt).

Thuốc này có thể làm tăng serotonin và hiếm khi gây ra tình trạng rất nghiêm trọng – hội chứng/độc tính serotonin. Nguy cơ mắc bệnh này sẽ tăng lên nếu bạn cũng đang dùng các loại thuốc khác làm tăng serotonin, vì vậy hãy nói cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết về tất cả các loại thuốc bạn uống. Đi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn có một số triệu chứng sau: nhịp tim nhanh, ảo giác, mất phối hợp, chóng mặt nặng, buồn nôn/nôn/tiêu chảy nặng, cơ bắp co giật, sốt không rõ nguyên nhân, kích động bất thường/bồn chồn.

Một phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng đối với thuốc này là rất hiếm. Tuy nhiên, nhận trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bao gồm: phát ban, ngứa /sưng (đặc biệt là mặt/lưỡi/cổ họng), chóng mặt nặng, khó thở.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng milnacipran, bạn nên lưu ý những gì?

Trước khi dùng thuốc, bạn nên báo với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu:

  • Bạn dị ứng với bất kì thành phần nào của thuốc
  • Bạn đang hoặc đã từng mắc các bệnh lý: bệnh thận, bệnh gan, sử dụng rượu, tiền sử gia đình hoặc cá nhân mắc bệnh tăng nhãn áp (loại đóng), tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc rối loạn tâm thần (chẳng hạn như rối loạn lưỡng cực/trầm cảm hưng phấn), tiền sử cá nhân hoặc gia đình cố gắng tự tử, các vấn đề về tim (như đau ngực, đau tim, nhịp tim nhanh/bất thường), rối loạn co giật, mất nước cơ thể, loét dạ dày/ruột, mất cân bằng khoáng chất (mức natri thấp trong máu), đau đớn/đi tiểu khó khăn (ví dụ như do tuyến tiền liệt mở rộng).

Thuốc này có thể làm cho bạn chóng mặt. Rượu hoặc cần sa có thể khiến bạn chóng mặt hơn. Không lái xe, sử dụng máy móc hoặc làm bất cứ điều gì cần sự tỉnh táo cho đến khi bạn có thể làm điều đó an toàn. Tránh đồ uống có cồn. Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn đang sử dụng cần sa. Uống rượu cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về gan.

Trước khi phẫu thuật, hãy nói cho bác sĩ hoặc nha sĩ về tất cả các sản phẩm bạn sử dụng (bao gồm thuốc theo toa, thuốc không kê toa và các sản phẩm thảo dược).

Người lớn tuổi có thể có nguy cơ mất cân bằng khoáng chất cao hơn (mức natri thấp trong máu) trong khi sử dụng thuốc này, đặc biệt nếu họ cũng đang dùng thuốc lợi tiểu.

Trong thời gian mang thai, thuốc này chỉ nên được sử dụng khi thật cần thiết. Bạn hãy thảo luận về những rủi ro và lợi ích của thuốc với bác sĩ. Trẻ sinh ra từ mẹ đã sử dụng thuốc này trong 3 tháng cuối của thai kỳ hiếm khi phát triển các triệu chứng cai nghiện như khó thở, co cứng cơ hoặc khóc liên tục. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng này ở trẻ sơ sinh, hãy nói cho bác sĩ ngay lập tức.

Thuốc này đi vào sữa mẹ. Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi cho con bú.

Tương tác thuốc

Thuốc milnacipran có thể tương tác với những thuốc nào?

Thuốc milnacipran có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Những thuốc có thể tương tác với thuốc milnacipran bao gồm: thuốc lợi tiểu như furosemide, thuốc có thể gây chảy máu/bầm tím (chẳng hạn như thuốc làm loãng máu bao gồm warfarin/heparin, thuốc chống kết tập tiểu cầu như clopidogrel).

Dùng thuốc ức chế MAO với thuốc này có thể gây ra một tương tác thuốc nghiêm trọng (có thể gây tử vong). Tránh dùng các thuốc ức chế MAO (isocarboxazid, linezolid, methylene blue, moclobemide, phenelzine, procarbazine, rasagiline, safinamide, selegiline, tranylcypromine) trong khi điều trị bằng thuốc này. Hầu hết các chất ức chế MAO cũng không nên được dùng trong hai tuần trước và ít nhất 5 ngày sau khi điều trị bằng thuốc này. Hãy hỏi bác sĩ khi bắt đầu hoặc ngừng dùng thuốc này.

Kiểm tra cẩn thận nhãn thuốc theo toa và không kê toa vì nhiều loại thuốc có chứa thuốc giảm đau/thuốc hạ sốt (thuốc kháng viêm không steroid – NSAIDs như aspirin, ibuprofen, naproxen) có thể làm tăng nguy cơ chảy máu nếu dùng cùng với thuốc này. Nên tiếp tục dùng aspirin liều thấp nếu bác sĩ kê đơn vì các lý do y tế cụ thể như đau tim hoặc phòng ngừa đột quỵ (thường ở liều 81-325mg mỗi ngày). Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm chi tiết.

Nguy cơ hội chứng/độc tính serotonin tăng lên nếu bạn cũng đang dùng các loại thuốc khác làm tăng serotonin. Ví dụ như chất gây nghiện như MDMA/thuốc lắc, wort St. John, một số thuốc chống trầm cảm nhất định (bao gồm SSRIs như fluoxetine/paroxetine, các thuốc SNRI khác như duloxetine/venlafaxine), tryptophan và một số thuốc khác. Nguy cơ mắc hội chứng/độc tính serotonin có thể cao hơn khi bạn bắt đầu hoặc tăng liều của các loại thuốc này.

Milnacipran rất giống với levomilnacipran. Vì vậy, không sử dụng thuốc có chứa levomilnacipran trong khi sử dụng milnacipran.

Milnacipran có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến milnacipran?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản milnacipran như thế nào?

Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Bạn không nên vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Thay vì vậy, hãy vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Bạn có thể tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

Dạng bào chế

Milnacipran có những dạng và hàm lượng nào?

Milnacipran có ở dạng viên nén.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Milnacipran Dosage. https://drugs.com/dosage/milnacipran.html. Ngày truy cập 11/7/2018

Milnacipran Tablet. https://webmd.com/drugs/2/drug-152223/milnacipran-oral/details Ngày truy cập 11/7/2018

Milnacipran. http://www.mims.com/vietnam/home/gatewaysubscription/?generic=milnacipran. Ngày truy cập 11/7/2018

Phiên bản hiện tại

11/05/2020

Tác giả: Quyên Thảo

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

Vắc-xin HPV

Điều trị đau bàn chân khi chạy bộ hiệu quả


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Quyên Thảo · Ngày cập nhật: 11/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo