Đa số nhiều người sẽ thường có cảm giác không thoải mái khi ở một mình trong một thời gian ngắn hoặc trong một tình huống cụ thể. Tuy nhiên, đối với trường hợp của Monophobia, sự sợ hãi và lo lắng này quá mức kéo dài và gây ra ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến cuộc sống của người mắc.
Vậy Monophobia là gì? Cùng theo dõi bài viết và tìm hiểu Monophobia là gì ở dưới đây.
Monophobia là gì?
Monophobia (fear of being alone) – còn được được gọi là “hội chứng sợ một mình” hoặc “hội chứng sợ cô đơn” hoặc “hội chứng sợ bị bỏ rơi”, còn có tên Tiếng Anh khác là Autophobia, Isolophobia. Đây là một dạng rối loạn lo âu và ám ảnh cưỡng chế liên quan đến nỗi sợ mạnh mẽ và không chủ động khi ở một mình.
Người mắc phải Monophobia thường có cảm giác sợ hãi, lo lắng và cảm thấy không an toàn khi không có sự hiện diện của người khác trong tình huống một mình. Khi phải ở một mình, người mắc phải hội chứng này thường khó giữ được bình tĩnh, mang tâm lý kinh sợ và hoảng loạn hoặc có những rối loạn hành vi không đúng mực.
Monophobia không chỉ đơn giản là sự không thoải mái khi ở một mình, mà còn là một nỗi sợ hãi và lo lắng quá mức đến nỗi mà nó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và chế độ sinh hoạt hàng ngày.
Nguyên nhân dẫn đến Monophobia là gì?
Nguyên nhân dẫn đến Monophobia vô cùng phức tạp và đa dạng, bao gồm ba yếu tố chính là môi trường, sinh học và di truyền. Việc xác định nguyên nhân của hội chứng này khá khó khăn, tuy nhiên nhìn chung những người mắc phải Monophobia thường từng trải qua những sự kiện tiêu cực liên quan đến sự cô độc trong quá khứ. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
1. Yếu tố sinh học: Ảnh hưởng từ rối loạn sức khỏe tâm thần
Một số rối loạn sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh, rối loạn lo âu xã hội, rối loạn stress sau sang chấn PTSD.. có thể đồng mắc hoặc có liên quan đến Monophobia.
2. Yếu tố môi trường
Môi trường chúng ta lớn lên và sinh sống có ảnh hưởng khá lớn đến chúng ta và do đó có thể làm tăng khả năng một cá nhân phát triển những hành vi hoặc niềm tin nhất định.
Sự thiếu an toàn tại môi trường xung quanh
Một môi trường xung quanh không an toàn, ví dụ như sống trong một khu vực có mức độ tội phạm cao hoặc trong một gia đình bạo lực, có thể góp phần vào sự hình thành của Monophobia.
Môi trường gia đình
Môi trường gia đình có thể góp phần ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của hội chứng Monophobia.
Ví dụ, một gia đình có thể quá bảo bọc con cái, không khuyến khích độc lập và tự tin, dẫn đến sự hoang mang và vô định khi con cái phải ở một mình và tự lập.
Sự phụ thuộc mạnh mẽ vào người khác
Một môi trường hoặc mối quan hệ mà người bị ảnh hưởng phụ thuộc quá mức vào người khác có thể góp phần vào sự phát triển của Monophobia.
Người này có thể không tự tin để đối mặt với cuộc sống hàng ngày khi chỉ có một mình.
Sự mất mát quan trọng
Mất mát quan trọng trong cuộc sống như mất đi một người thân yêu, một người bạn thân hoặc một đối tác quan trọng có thể góp phần vào sự phát triển của Monophobia.
Sự cô đơn dài hạn
Khi một người trải qua một khoảng thời gian dài trong sự cô đơn hoặc không có mối quan hệ xã hội đầy đủ, họ có thể mắc hội chứng Monophobia.
Cảm giác cô đơn liên tục và không có sự tương tác có thể tạo ra sự căng thẳng khi ở một mình.
Từng bị xâm phạm
Khi một người trải qua sự xâm phạm cá nhân như xâm hại, quấy rối hoặc bạo lực, có thể phát triển Monophobia.
Khi có một trải nghiệm tiêu cực như vậy, người bị ảnh hưởng có thể sợ hãi và lo lắng khi không có sự an toàn và bảo vệ của người khác ở gần.
Từng trải qua sự chia ly, cô lập
Một người từng trải qua sự chia ly hoặc cô lập, ví dụ như di cư, ly hôn hoặc biệt lập xã hội, có thể trở nên sợ hãi và lo lắng khi không có sự kết nối xã hội.
3. Yếu tố di truyền
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một cá nhân có nhiều khả năng mắc chứng Monophobia hơn nếu họ có những gen liên quan đến lo lắng và dễ bị căng thẳng hơn (ví dụ gen RB FOX1). Điều này góp phần lí giải cho việc người mắc Monophobia thường có cha mẹ hoặc anh chị em ruột cũng mắc hội chứng sợ cô đơn hoặc các rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế khác.
Triệu chứng của Monophobia
Sợ hãi và lo lắng khi ở một mình
Người mắc hội chứng Monophobia có thể cảm thấy sợ hãi và lo lắng mỗi khi phải ở một mình.
Họ có khả năng tự nghĩ về nhiều nguy cơ xảy ra sự cố hoặc mất mát khi không có ai xung quanh để giúp đỡ.
Tránh xa những tình huống ở một mình
Người bị Monophobia thường tránh xa những tình huống mà họ phải đối mặt với sự cô đơn. Ví dụ, họ có thể tránh đi ra khỏi nhà một mình, không thể ngủ một mình hoặc không muốn ở một mình trong các hoạt động hàng ngày.
Rối loạn hoang tưởng
Một số người có thể có những suy nghĩ giả tưởng hoặc tin rằng có nguy hiểm tiềm ẩn khi ở một mình.
Họ có thể tin rằng có người theo dõi, quấy rối hoặc sẽ xảy ra một sự cố nghiêm trọng.
Gia tăng đáng kể cảm giác hoảng loạn
Người bị ảnh hưởng có thể trải qua những cơn hoảng loạn hoặc lo lắng quá mức khi ở một mình.
Cảm giác này có thể đi kèm với nhịp tim nhanh, hồi hộp, khó thở và cảm giác mất kiểm soát.
Phụ thuộc vào người khác
Người mắc hội chứng Monophobia có thể cảm thấy cần phải có một người khác ở bên cạnh để bản thân được thoải mái.
Họ có thể dựa vào người khác để giảm bớt sự lo lắng của mình, đồng thời không tự tin và không đủ khả năng để tự mình giải quyết các tình huống cô đơn.
Rối loạn giấc ngủ
Monophobia cũng có thể gây ra các vấn đề rối loạn giấc ngủ, bao gồm khó ngủ, giấc ngủ không sâu và ác mộng do sợ hãi khi ở một mình.
Triệu chứng thể chất
Tâm lý bất ổn khi ở một mình có thể gây ra cho người mắc hội chứng Monophobia các triệu chứng thể chất như đau đầu, mệt mỏi, cảm giác căng thẳng, đau ngực, khó thở, buồn nôn hoặc tiểu nhiều lần
Cách chẩn đoán chứng Monophobia
Đặt câu hỏi và đánh giá
Chuyên gia tâm lý sẽ tiến hành đưa ra các câu hỏi chi tiết để hiểu về các triệu chứng, cảm xúc và trải nghiệm của bạn.
Đôi khi, bạn có thể được yêu cầu hoàn thành các bảng đánh giá hoặc câu hỏi tự đánh giá để cung cấp thêm thông tin về triệu chứng và tình trạng tâm lý của bạn.
Đánh giá triệu chứng
Bạn sẽ được đánh giá các triệu chứng cụ thể của hội chứng monophobia một cách chuyên nghiệp, bao gồm tần suất, cường độ và thời gian kéo dài của sự sợ hãi và lo lắng khi ở một mình.
Xem xét loại trừ các nguyên nhân khác
Chuyên gia, bác sĩ sẽ loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự, như rối loạn lo âu toàn thể, rối loạn hoảng loạn hoặc rối loạn ám ảnh. Ngoài ra, bạn cũng sẽ được cho chỉ định thực hiện một số xét nghiệm tổng quát để loại trừ các bệnh lý thực thể nghiêm trọng khác.
Tiêu chuẩn chẩn đoán
Các nhà tâm lý học, chuyên gia sẽ so sánh các triệu chứng của bạn với các tiêu chuẩn chẩn đoán được công nhận, chẳng hạn như Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5). Đây là một hệ thống được sử dụng rộng rãi để chẩn đoán các rối loạn tâm thần.
Cách điều trị Monophobia là gì?
Liệu pháp hành vi-nhận thức (CBT)
CBT là một phương pháp điều trị phổ biến cho Monophobia.
Trong CBT, bạn sẽ làm việc với một nhà tâm lý để thay đổi các suy nghĩ và hành vi tiêu cực.
Bạn sẽ học cách nhìn nhận lại tình huống một cách tích cực và thực hiện các hành động mới để vượt qua sợ hãi.
Liệu pháp giải mẫn cảm và tái xử lý chuyển động mắt (EMDR)
EMDR là một phương pháp điều trị tập trung vào xử lý các trạng thái kích động và cảm giác sợ hãi.
EMDR thường được chỉ định cho những người có các trạng thái kích động do ký ức từng bị tổn thương.
Phương pháp này sử dụng các kỹ thuật chuyển đổi như di chuyển mắt hoặc kích thích âm thanh để giúp bạn xử lý và giảm bớt sợ hãi và lo lắng.
Thuốc an thần và thuốc chống lo âu
Trong một số trường hợp nặng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc an thần hoặc thuốc chống lo âu để giảm các triệu chứng lo lắng và sợ hãi.
Tuy nhiên, thuốc chỉ nên được sử dụng dưới sự giám sát và theo chỉ định của bác sĩ bạn nhé!
Tìm hiểu thông tin và tìm kiếm hỗ trợ
Chủ động tìm hiểu thông tin về Monophobia và cách cải thiện tình trạng của bạn thông qua các nguồn tài liệu, sách hoặc tài liệu trực tuyến liên quan đến quản lý tâm lý và cảm xúc bản thân.
Bên cạnh đó, nếu tình trạng của bạn không cải thiện hoặc trở nên nghiêm trọng, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý. Họ có thể đánh giá tình trạng, từ đó cung cấp các phương pháp và kỹ thuật điều trị phù hợp nhất dành cho bạn.
Phương pháp hỗ trợ cải thiện chứng Monophobia tại nhà
Bắt đầu từ những bước tiến nhỏ
Đặt mục tiêu nhỏ và thực hiện những bước tiến nhỏ để giúp bạn vượt qua sự sợ hãi và lo lắng khi ở một mình bằng cách dành một khoảng thời gian ngắn mỗi ngày để ở một mình và từ từ tăng dần thời gian này theo từng tuần.
Điều này giúp bạn dần dần làm quen với cảm giác bình tĩnh và xây dựng sự tự tin bản thân.
Giảm dần sự phụ thuộc
Bước đầu, bạn có thể tạo ra những khoảng thời gian ngắn ở một mình mà không cần ai đó ở bên hỗ trợ. Bạn có thể dùng thời gian này để thực hiện các hoạt động yêu thích như đọc sách, xem phim, học tập,…
Dần dần tăng dần khoảng thời gian này để tăng cường sự tự tin và thoải mái khi ở một mình.
Học cách quản lý căng thẳng
Căng thẳng thần kinh thường là một triệu chứng phổ biến của monophobia.
Do đó, bạn có thể học các kỹ thuật giảm căng thẳng như thực hành hít thở sâu, kỹ thuật thư giãn cơ thể, yoga.
Thực hành chánh niệm bản thân
Kỹ thuật thiền (chánh niệm – mindfulness) có thể giúp bạn trở nên tỉnh táo trong khoảnh khắc hiện tại, từ đó bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc chấp nhận và xử lý những cảm xúc khó khăn một cách hiệu quả.
Học cách quản lý suy nghĩ tiêu cực
Chuyển những suy nghĩ tiêu cực thành suy nghĩ tích cực và viết nhật ký sẽ góp phần giúp bạn chủ động kiểm soát suy nghĩ của mình.
Xây dựng và mở rộng mối quan hệ xã hội
Tìm cách mở rộng mối quan hệ xã hội của bạn bằng cách tham gia vào các hoạt động xã hội, câu lạc bộ hoặc nhóm sở thích chung.
Gặp gỡ và tương tác với những người mới có thể giúp bạn cảm thấy kết nối và hỗ trợ trong quá trình tự cải thiện Monophobia.
Hỗ trợ từ gia đình và bạn bè
Hãy chia sẻ với gia đình và bạn bè về tình trạng của bạn và nhờ họ hỗ trợ trong quá trình điều trị bệnh.
Họ có thể động viên, khích lệ và cùng bạn tạo ra môi trường an toàn để bạn tự tin vượt qua sự sợ hãi đấy!
Chế độ dinh dưỡng hỗ trợ người mắc hội chứng Monophobia
Cân bằng dinh dưỡng
Khi mắc phải hội chứng Monophobia bạn nên lưu ý về chế độ dinh dưỡng trong từng bữa ăn của mình, đảm bảo có một chế độ ăn cân bằng và đa dạng, bao gồm các nhóm thực phẩm chính như rau quả, ngũ cốc, thịt, cá, đậu, sữa và sản phẩm từ sữa.
Giảm tiêu thụ caffein
Caffeine có thể làm gia tăng cảm giác lo lắng và kích thích hệ thần kinh. Hạn chế việc tiêu thụ caffein có thể giúp làm giảm một số triệu chứng Monophobia, đặc biệt là trước khi đi ngủ.
Tránh uống rượu, bia và thuốc lá
Uống thức uống có cồn và hút thuốc lá có thể làm gia tăng lo lắng và tình trạng căng thẳng. Để giảm tác động tiêu cực này, bạn nên hạn chế hoặc tránh tiêu thụ các chất kích thích trong trường hợp mắc phải hội chứng Monophobia hoặc khi tình trạng tinh thần không ổn.
Bổ sung omega-3
Omega-3 là một loại axit béo có lợi cho não bộ và có thể giúp cải thiện tâm trạng. Bạn có thể tìm thấy omega-3 trong các nguồn thực phẩm như cá hồi, cá thu, hạt lanh và hạt hướng dương. Nếu không thích ăn cá, bạn có thể xem xét việc bổ sung omega-3 từ những loại thực phẩm chức năng.
Tăng cường vitamin B
Một số vitamin thuộc nhóm vitamin B có thể giúp cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng. Chúng có thể được tìm thấy trong thực phẩm như thịt, cá, trứng, lúa mì nguyên cám, hạt và quả.
Bổ sung vitamin D
Vitamin D có tác dụng đáng kể đối với sức khỏe tâm lý và gắn liền với cải thiện tâm trạng.
Bổ sung Magie
Magie là một khoáng chất có vai trò quan trọng trong chức năng cơ bắp và thần kinh. Nó có thể giúp giảm căng thẳng và lo lắng.
Uống đủ nước
Đảm bảo bạn luôn uống đủ lượng nước trong ngày (1,5-2 lít nước mỗi ngày). Việc bổ sung đủ nước có thể giúp duy trì tinh thần tốt và giảm một số triệu chứng lo lắng.
Mỗi người mắc hội chứng Monophobia có thể có trạng thái và trải nghiệm khác nhau. Điều quan trọng là hãy lắng nghe cơ thể và tâm trí của bạn, từ đó tìm ra những phương pháp và kỹ thuật phù hợp.
Nếu vẫn còn nghi ngờ bản thân có mắc phải hội chứng Monophobia không hay gặp khó khăn trong việc tự cải thiện tình trạng Monophobia của mình, bạn nên tìm kiếm sự tư vấn từ một chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ tốt nhất nhé.
[embed-health-tool-bmi]