backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Đau hạ sườn trái là bệnh gì? Không chỉ là vấn đề tiêu hóa

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 28/03/2023

    Đau hạ sườn trái là bệnh gì? Không chỉ là vấn đề tiêu hóa

    Đau hạ sườn trái là cơn đau chủ yếu ở góc nửa phía dưới bên trái của bụng. Khu vực vùng bụng bên trái có thể mềm khi chạm vào kèm theo cơn đau dữ dội và khiến toàn bộ vùng bụng bị căng cứng. Nguyên nhân gây đau chủ yếu liên quan đến đường tiêu hóa, nhưng cũng có thể liên quan đến các cơ quan khác, chẳng hạn như da, mạch máu, đường tiết niệu hoặc cơ quan sinh sản ở phụ nữ và nam giới. 

    Cơn đau dưới sườn trái có thể khiến bạn khó chịu, ăn không ngon nếu không kịp thời tìm ra nguyên nhân để điều trị. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu đau tức hạ sườn trái là bệnh gì trong bài viết ngay sau đây!

    Đau hạ sườn trái là bệnh gì? Vấn đề hệ tiêu hóa

    đau hạ sườn trái do vấn đề tiêu hóa

    Hầu hết các nguyên nhân gây ra cơn đau hạ sườn trái đều bắt nguồn từ hệ tiêu hóa và đường ruột, bao gồm:

    1. Táo bón

    Táo bón là tình trạng đi cầu ít hơn 3 lần trong một tuần. Khi đi ngoài, phân có thể khô và cứng hơn bình thường, đôi khi gây đau trong lúc đi, thậm chí là gây chảy máu. Nếu táo bón kéo dài, ruột sẽ chứa đầy phân, điều này sẽ gây khó chịu và đau ở bất kỳ vị trí nào trong bụng, bao gồm cả đau hạ sườn trái.

    2. Hội chứng ruột kích thích

    Hội chứng ruột kích thích là một trong những bệnh về tiêu hóa thường gặp. Người mắc phải hội chứng này thường bị co thắt dạ dày, gây đau quặn bụng, đặc biệt là đau hạ sườn trái kèm theo các triệu chứng khác như sình bụng, đầy hơi, ợ chua, tiêu chảy và táo bón.

    3. Viêm ruột

    Bệnh viêm ruột là tình trạng viêm xảy ra ở ruột non do nhiễm phải vi khuẩn hoặc virus từ thực phẩm. Bệnh Crohn và viêm loét đại tràng là các dạng bệnh viêm ruột khá phổ biến. Những tình trạng này làm cho lớp niêm mạc của ruột bị viêm và kích ứng. 

    Triệu chứng thường gặp nhất ở người bệnh là đau bụng và tiêu chảy. Cơn đau có thể xảy ra ở bất kỳ bị trí nào trên bụng tùy thuộc vào vùng bị ảnh hưởng nhưng thường là đau hạ sườn trái, cảm giác đau này có thể liên tục hoặc gián đoạn.

    4. Viêm loét đại tràng

    Viêm loét đại tràng là một bệnh gây loét ở lớp niêm mạc đường tiêu hóa. Bệnh gây tiêu chảy có lẫn chất nhầy, mủ hoặc thậm chí có lẫn máu. Đau bụng thường là ở vị trí đau hạ sườn trái kèm theo cảm giác muốn đi vệ sinh thường xuyên.

    5. Viêm túi thừa

    Viêm túi thừa là tình trạng viêm ở phần cuối của ruột già (đại tràng). Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau hạ sườn trái ở người lớn. Viêm túi thừa có thể đi kèm với sốt và thay đổi thói quen đi tiêu (đi tiêu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường).

    Các vấn đề khác

    Sỏi thận bên trái, ung thư hoặc một số bệnh lý khác cũng có thể là nguyên nhân gây đau hạ sườn trái. Cụ thể như sau:

    1. Sỏi thận bên trái

    Sỏi thận là những viên sỏi cứng hình thành trong thận, ống niệu quản (nơi thoát nước tiểu từ thận hoặc trong bàng quang ra ngoài). Một viên sỏi đi vào ống niệu quản bên trái có thể gây ra cơn đau hạ sườn trái và lan đến háng, hay thậm chí là gây đau tinh hoàn bên trái nếu bạn là nam giới.

    2. Nhiễm trùng thận

    Nhiễm trùng thận là tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu. Bệnh có thể gây ra cơn đau ở bất kỳ vị trí nào dọc theo đường tiết niệu, chẳng hạn như từ thắt lưng, vòng sang hai bên và xuống đến hạ sườn trái. Một số các triệu chứng khác đi kèm như đau khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên và bị sốt.

    3. Thoát vị bẹn bên trái

    Thoát vị bẹn xảy ra khi mô mềm, thường là một phần của màng tế bào lót trong khoang bụng hoặc một phần của ruột bị trồi ra và chui vào túi thoát vị. Bệnh có thể gây đau, đặc biệt là khi ho, cúi xuống hoặc nhấc một vật nặng.

    Thoát vị bẹn trái sẽ gây ra một vết sưng mềm ở bẹn trái. Nó gây đau ở bẹn và vùng bụng, thường là ở bên mà khối thoát vị xuất hiện nhưng nó có thể gây đau trên toàn bộ bụng, bao gồm cả đau tức hạ sườn bên trái.

    4. Bệnh zona

    Bệnh zona (zona thần kinh, giời leo), là một bệnh nhiễm trùng do virus thủy đậu Varicella-zoster gây ra. Vùng da bị ảnh hưởng sẽ xuất hiện cảm giác bỏng rát hoặc ngứa ran hay tê bì hoặc đau sâu, đau nhói. Ngoài mặt thì bụng cũng là nơi bệnh zona ảnh hưởng đến nhiều nhất. Một vùng bụng có thể bị ảnh hưởng và gây đau, chẳng hạn như đau hạ sườn trái. 

    Thậm chí, bệnh nhân có thể cảm thấy đau khi chạm nhẹ vào hay chỉ cần một làn gió thổi qua cũng gây đau. Sau đó, xuất hiện các vết ban đỏ. Sau một vài ngày, nốt ban biến thành các mụn nước chứa đầy dịch. Sau 7 – 10 ngày, mụn nước khô lại và đóng vảy. 

    5. Phình động mạch chủ bụng

    Phình động mạch chủ bụng là tình trạng sưng phồng mạch máu lớn nhất trong cơ thể (động mạch chủ) bên trong ổ bụng. Bệnh thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nhưng đôi khi có thể gây đau. Cảm giác đau thường ở lưng hoặc bên hông nhưng đôi khi có thể gây đau hạ sườn trái, khu vực ở góc phần tư phía dưới bên trái (hoặc bên phải).

    6. Ung thư đại trực tràng

    Đau hạ sườn trái đôi khi là dấu hiệu cảnh báo ung thư. Mặc dù ung thư đại trực tràng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của ruột già (đại tràng), nhưng nó thường ảnh hưởng đến phần cuối cùng nằm ở phía bên trái và gây đau dưới sườn trái. Các triệu chứng khác bao gồm thay đổi về tần suất đi tiêu, giảm cân không rõ nguyên nhân, không thể đi tiêu được hết.

    Đau hạ sườn trái do bệnh phụ khoa

    Một số bệnh lý phụ khoa cũng có thể là nguyên nhân gây đau hạ sườn trái, chẳng hạn như:

    đau hạ sườn trái do bệnh phụ khoa

    1. Đau bụng kinh

    Phụ nữ có thể bị đau hạ sườn trái vào thời điểm trứng rụng, thường là khoảng giữa hai kỳ kinh. Cơn đau bụng kinh có thể rất nghiêm trọng và khiến bạn phải nghỉ ngơi hoàn toàn trong thời gian ngắn.

    Bạn sẽ chỉ cảm nhận được cơn đau ở một bên, có thể ở bên trái hoặc bên phải. Nhiều trường hợp tháng này bạn đau hạ sườn trái nhưng vào tháng tiếp theo khi buồng trứng còn lại sản xuất trứng thì bạn lại bị đau bên phải.

    2. Viêm vùng chậu

    Viêm vùng chậu còn gọi là viêm đường sinh dục trên, xảy ra khi cơ quan sinh sản của phụ nữ bị nhiễm trùng. Đau thường là cơn đau bụng dưới ở cả hai bên nhưng có thể chỉ đau hạ sườn trái. 

    Các triệu chứng khác đi kèm như sốt, ớn lạnh, âm đạo tiết dịch bất thường kèm theo mùi hôi, đau nhiều hơn hoặc bị chảy máu khi quan hệ tình dục, chảy máu bất thường giữa chu kỳ kinh nguyệt và cảm thấy nóng rát khi đi tiểu.

    3. Buồng trứng xoắn

    Xoắn buồng trứng liên quan đến tình trạng một túi chứa đầy chất lỏng (u nang) đã phát triển trên buồng trứng. Một số triệu chứng của xoắn buồng trứng có thể bao gồm đau bụng và đau vùng chậu dữ dội, đột ngột ở một bên hoặc cả 2 bên, kèm theo buồn nôn và nôn. Nếu bạn bị xoắn buồng trứng bên trái, cơn đau hạ sườn trái có thể liên tục hoặc gián đoạn.

    4. Lạc nội mạc tử cung

    Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các mô nội mạc trong lòng tử cung phát triển ra bên ngoài tử cung và lan ra ống dẫn trứng. Bệnh thường gặp ở phụ nữ, có thể gây ra những cơn đau thắt nghiêm trọng. Đôi khi, lạc nội mạc tử cung có thể gây ra đau bụng dưới liên tục, chẳng hạn như đau hạ sườn trái. Cơn đau đôi khi có thể nghiêm trọng hơn ngay trước, trong và một thời gian ngắn sau kỳ kinh.

    5. Thai ngoài tử cung

    Mang thai ngoài tử cung là một tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng. Bạn nên đi khám bác sĩ khẩn cấp nếu nghĩ rằng mình có thể đang mang thai và bị đau hạ sườn trái. Cơn đau do mang thai ngoài tử cung có thể phát triển đột ngột hoặc dần trở nên nghiêm trọng hơn trong vài ngày.

    Các vấn đề nam khoa

    Ở nam giới, bất kỳ cơn đau nào đến từ bên trái của tinh hoàn có thể gây đau hạ sườn trái:

    đau hạ sườn trái ở nam giới

    1. Xoắn tinh hoàn

    Xoắn tinh hoàn là khi tinh hoàn xoắn lại ở đoạn cuối của dây thừng tinh. Xoắn tinh hoàn khiến vùng tinh hoàn bị đau dữ dội và dẫn đến cơn đau hạ sườn trái. Bệnh thường ảnh hưởng đến nam thiếu niên trên 25 tuổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ người đàn ông nào ở mọi độ tuổi.

    2. Viêm tinh hoàn

    Viêm tinh hoàn là tình trạng viêm tinh hoàn hoặc các ống bao quanh nó (mào tinh hoàn). Nguyên nhân thường là do nhiễm trùng. Bên tinh hoàn bị ảnh hưởng sẽ sưng lên, rất đỏ và mềm. Nếu tinh hoàn trái bị viêm, bạn sẽ cảm thấy đau tức hạ sườn bên trái.

    Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

    Đau hạ sườn trái có thể liên quan đến các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Hãy gọi cấp cứu khẩn cấp nếu xuất hiện các triệu chứng sau đây:

    • Ngừng đi tiêu
    • Tiêu chảy mãn tính
    • Phân có máu
    • Nôn ra máu
    • Chảy máu trực tràng
    • Đau dữ dội hoặc cứng bụng
    • Chấn thương vùng bụng
    • Đột ngột đau nhói
    • Bị ung thư
    • Đang mang thai và bị đau bụng hoặc chảy máu âm đạo
    • Sốt cao
    • Giảm cảm giác thèm ăn
    • Giảm cân không rõ nguyên nhân
    • Cảm thấy buồn nôn, choáng váng, ngất xỉu hoặc khó thở
    • Thay đổi thói quen đi tiêu.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 28/03/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo