Mắt cá chân và cẳng chân là những chỗ sưng phổ biến vì tác động của trọng lực đối với chất lỏng trong cơ thể con người. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng sưng cẳng chân và mắt cá chân, như các chấn thương hoặc viêm nhiễm.
Cẳng chân hoặc mắt cá chân bị sưng phù có thể khiến phần dưới của chân trông có vẻ to ra hơn so với bình thường. Nó có thể làm cho bệnh nhân khó khăn khi đi lại. Sưng cẳng chân và mắt cá chân có thể gây đau kèm theo cảm giác da căng và kéo dài ra. Mặc dù tình trạng này không phải lúc nào cũng đáng lo ngại nhưng việc biết được nguyên nhân gây sưng cẳng chân và mắt cá chân sẽ khiến bạn an tâm hơn và có thể phát hiện được vấn đề nghiêm trọng khác.
Nguyên nhân gây sưng cẳng chân và mắt cá chân
Nguyên nhân gây sưng
Nguyên nhân gây sưng phù cẳng chân và mắt cá chân có thể đến từ việc bệnh nhân phải đứng suốt nhiều giờ đồng hồ trong ngày. Ngoài ra, tuổi già cũng khiến cho cơn phù nề dễ xuất hiện hơn. Bên cạnh đó, nếu bạn trải qua một chuyến bay hay chuyến xe dài thì cẳng chân, đầu gối, mắt cá có khả năng bị sưng lên.
Một số tình trạng bệnh lý cũng có thể dẫn đến phù mắt cá chân hoặc cẳng chân. Bao gồm:
- Thừa cân
- Suy tĩnh mạch: vấn đề với van tĩnh mạch ngăn máu chảy ngược trở lại tim
- Mang thai
- Viêm khớp dạng thấp
- Huyết khối ở cẳng chân
- Suy tim
- Suy thận
- Nhiễm trùng ở cẳng chân
- Suy gan
- Phù mạch bạch huyết
- Các lần phẫu thuật trước đây chẳng hạn như phẫu thuật vùng chậu, hông, đầu gối, mắt cá chân hoặc bàn chân.
Việc dùng một số loại thuốc cũng có thể dẫn đến hiện tượng phù cẳng chân và mắt cá chân. Chẳng hạn như:
- Thuốc chống trầm cảm, bao gồm phenelzine (Nardil), nortriptyline (Pamelor) và amitriptyline.
- Thuốc chẹn kênh canxi được sử dụng để điều trị huyết áp cao, bao gồm nifedipine (Adalat CC, Afeditab CR, Procardia), amlodipin (Norvasc) và verapamil (Verelan)
- Thuốc tác động đến hormone như thuốc ngừa thai, estrogen hay testosterone.
- Steroid.
Ngoài ra, sưng phù mắt cá chân và cẳng chân có thể là kết quả của tình trạng viêm do chấn thương cấp tính hoặc mãn tính:
- Bong gân mắt cá chân
- Thoái hóa khớp
- Bệnh gout
- Gãy xương cẳng chân
- Đứt gân Achilles.
Phù nề
Phù là một dạng sưng có thể xảy ra khi chất lỏng dư thừa chảy vào những vùng sau đây của cơ thể:
- Cẳng chân
- Cánh tay
- Bàn tay
- Mắt cá chân
- Bàn chân.
Phù nề nhẹ có thể do mang thai, các triệu chứng tiền kinh nguyệt, hấp thụ quá nhiều muối hoặc ngồi yên một chỗ trong thời gian dài. Tuy nhiên, phù nề đôi khi do tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như:
- Thiazolidinediones (được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường)
- Thuốc trị cao huyết áp
- Steroid
- Thuốc kháng viêm
- Estrogen.
Bên cạnh đó, phù nề có thể là triệu chứng của một vài bệnh nghiêm trọng:
- Bệnh thận hoặc suy thận
- Suy tim sung huyết
- Tĩnh mạch yếu hoặc bị tổn thương
- Hệ bạch huyết không hoạt động đúng cách
Phù nề nhẹ thường sẽ tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu nghiêm trọng bệnh nhân cần phải được điều trị.
Tại sao bạn bị sưng mắt cá chân và cẳng chân khi mang thai?
Sưng mắt cá chân và cẳng chân thường gặp ở mẹ bầu vì các yếu tố như:
- Cơ thể giữ nước
- Chèn ép lên tĩnh mạch do trọng lượng của tử cung tăng lên
- Hormone thay đổi.
Tình trạng phù nề có xu hướng biến mất sau khi sinh em bé. Cho đến lúc đó, bạn hãy thử những gợi ý dưới đây để ngăn ngừa hoặc làm giảm sưng nhé:
- Tránh đứng quá lâu
- Ngồi và giơ cao chân
- Giữ cơ thể càng mát càng tốt
- Đi bơi
- Ngủ nghiêng về phía bên trái
Dù bị sưng bạn vẫn phải uống nhiều nước trong khi mang thai, ít nhất khoảng 10 ly mỗi ngày.
Nếu tình trạng sưng kèm theo bị đau bạn nên đi khám bác sĩ để đảm bảo huyết áp của mình bình thường. Bác sĩ sẽ muốn kiểm tra xem bạn có huyết khối và loại trừ các bệnh khác mà bạn có thể mắc, chẳng hạn như tiền sản giật.
Khi nào bạn nên đi cấp cứu?
Bạn nên đến phòng cấp cứu nếu có sưng chân kèm các triệu chứng liên quan đến tim, bao gồm:
- Đau ngực
- Khó thở
- Chóng mặt
- Rối loạn tâm thần.
Bạn cũng nên đi gặp bác sĩ nếu cảm thấy bất thường hoặc không co duỗi mắt cá chân được như trước đây.
Nếu bạn đang mang thai, hãy nhanh chóng đi cấp cứu ngay lập tức khi biểu hiện các triệu chứng nguy hiểm liên quan đến tiền sản giật hoặc huyết áp cao:
- Đau đầu dữ dội
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Tiểu ít
Điều trị sưng cẳng chân và mắt cá chân
Chăm sóc tại nhà
Để cải thiện tình trạng sưng phù, bạn có thể áp dụng mẹo 4N:
- Nghỉ ngơi: Tránh vận động mắt cá chân hoặc cẳng chân cho đến khi bạn có thể đến gặp bác sĩ hoặc cho đến khi hết sưng.
- Nước đá: Đặt đá lạnh trên vùng bị sưng ngay trong 15–20 phút. Sau đó, lặp lại cứ 3–4 giờ một lần.
- Nén chặt: Quấn băng quanh mắt cá chân hoặc chân, nhưng đừng cản trở lưu thông máu.
- Nâng: Nâng mắt cá chân hoặc cẳng chân của bạn cao hơn tim (hoặc càng cao hơn tim càng tốt). Có thể kê hai chiếc gối để đạt được độ cao hợp lý. Điều này hỗ trợ chất dịch lưu thông đi ra khỏi chân.
Điều trị
Nếu bạn đến khám bệnh, bác sĩ có thể tiến hành một số xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân như:
- Xét nghiệm máu
- Chụp X-quang
- Phân tích nước tiểu
- Điện tâm đồ.
Nếu sưng là do ảnh hưởng của bệnh như suy tim sung huyết, bác sĩ có thể kê đơn thuốc lợi tiểu. Những loại thuốc này tác động đến thận và kích thích chúng giải phóng chất lỏng.
Nếu các dạng bệnh mạn tính như viêm khớp dạng thấp là nguyên nhân chính gây ra vấn đề, việc điều trị là quản lý và ngăn ngừa tình trạng đó.
Sưng do chấn thương có thể cần nắn lại xương, cố định bằng bột hoặc phẫu thuật để sửa chữa vùng bị tổn thương.
Đối với tình trạng sưng gây đau đớn và khó chịu cho bệnh nhân, bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm đau hoặc thuốc chống viêm không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen (Advil) hoặc natri naproxen (Aleve).
Sưng nhẹ từ khi mang thai hay chấn thương nhẹ thường tự biến mất sau khi bạn sinh em bé và nghỉ ngơi đầy đủ.
Sau khi điều trị, bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu như:
- Cơn sưng phù trở nên nghiêm trọng hơn
- Khó thở hoặc tức ngực
- Cảm thấy chóng mặt hoặc bị ngất
- Tình trạng không thuyên giảm sau nhiều ngày.
Các biến chứng có thể xuất hiện
Các biến chứng khi bị sưng cẳng chân hoặc mắt cá chân bao gồm:
- Sưng phù ngày càng trầm trọng
- Tấy đỏ và có cảm giác ấm nóng
- Xuất hiện các cơn đau đột ngột
- Đau ngực kéo dài hơn 1–3 phút
- Chóng mặt hoặc ngất
- Lú lẫn.
Nếu bất kỳ tình trạng nào trong số các trường hợp trên xảy ra, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Biện pháp ngăn ngừa
Kiểm soát tình trạng bệnh của bản thân
Nếu bị bất kỳ căn bệnh nào có thể dẫn đến sưng phù cẳng chân hoặc mắt cá chân, bạn hãy uống thuốc và kiểm soát cẩn thận các triệu chứng của mình. Những người bị suy tim sung huyết hoặc bệnh thận có khả năng cần giới hạn lượng chất lỏng họ uống mỗi ngày.
Cẩn trọng khi luyện tập
Mặc dù bạn không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa chấn thương trong khi hoạt động thể chất, nhưng khởi động kỹ càng sẽ giúp ích rất nhiều. Do đó, hãy đi bộ hoặc chạy bộ nhẹ, thực hiện một vài động tác khởi động trước khi tham gia vào những vận động mạnh.
Giày dép có thể hỗ trợ ngăn ngừa bất kỳ vấn đề nào về dáng đi và ngăn ngừa chấn thương. Bạn nên chọn giày phù hợp với hoạt động hoặc nhu cầu cụ thể. Nếu bạn chạy bộ, hãy mua những đôi thực hiện đúng chức năng đó.
Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống lý tưởng bao gồm không ăn thức ăn nhanh, đồ đóng hộp quá thường xuyên vì chúng có rất nhiều muối khiến cơ thể không đào thải hoàn toàn được.
Nâng cao chân
Nếu bạn phải đứng trong thời gian dài thì khi về nhà hãy thư giãn bằng cách ngâm chân vào nước nóng và nâng cao chân lên để ngăn ngừa sưng phù nhé.
[embed-health-tool-bmi]