backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Đứt gân

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh · Chỉnh hình · Phòng khám DayCare - DayCare Clinic&Spa


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 28/09/2022

Đứt gân

Gân là dải mô liên kết dạng sợi đóng vai trò “cầu nối” giữa cơ và xương, có khả năng chịu đựng lực căng với cường độ lớn. Gân có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau tùy thuộc vào vai trò của cơ. Theo nghiên cứu, gân có thể chịu đựng tác động của lực có cường độ gấp năm lần trọng lượng cơ thể. Mặc dù có khả năng chịu đựng cao, nhưng trong vài trường hợp ít gặp, gân vẫn có nguy cơ rách hoặc thậm chí là đứt bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy đứt gân tay hay đứt gân chân có nguy hiểm không? Cách xử trí là gì? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Đứt gân là gì?

Phần lớn trường hợp, tình trạng tổn thương dẫn đến đứt chủ yếu xảy ra ở bốn vị trí liên kết sau, bao gồm:

  • Gân cơ tứ đầu: nằm ở đùi, phía trên xương bánh chè.
  • Gân Achilles (gân gót): ở vị trí ngay trên gót chân.
  • Gân cơ chóp xoay (rotator cuff): nằm ở vai.
  • Gân cơ nhị đầu: ở bắp tay.
  • Bị đứt gân tay, chân có nguy hiểm không?

    Các chuyên gia đánh giá cao mức độ nghiêm trọng của tình trạng đứt gân, dù ở tay hay chân. Nguyên nhân là do bên cạnh những cơn đau đớn khó tả, người bệnh còn có nguy cơ cao bị tàn tật vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.

    Bị đứt gân tay có nối lại được không?

    Phẫu thuật nối lại gân tay, gân chân bị đứt cần được thực hiện càng sớm càng tốt sau chấn thương. Thường người bị đứt gân tay, chân sẽ được thực hiện nối lại gân đứt gãy trong vòng vài ngày sau chấn thương, điều này giúp hạn chế các biến chứng ảnh hưởng đến phạm vi cử động sau đó.

    Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết

    Những dấu hiệu và triệu chứng đứt gân

    Một người bị đứt gân chân, tay thường có những biểu hiện như:

    • Đau dữ dội.
    • Khu vực có gân bị đứt trở nên bầm tím nhanh chóng và suy yếu rõ rệt.
    • Tay, chân bị đứt gân mất khả năng vận động.
    • Khu vực xung quanh cũng chịu ảnh hưởng di chuyển được.
    • Chân bị đứt gân sẽ mất khả năng chống đỡ trọng lượng cơ thể.
    • Vùng chấn thương biến dạng rõ ràng.

    Ngoài ra, mỗi khu vực cụ thể bị tổn thương gân còn có những dấu hiệu đặc trưng gồm:

  • Gân Achilles: các thao tác co duỗi ngón chân vẫn có thể thực hiện, nhưng người bệnh sẽ không thể nhón chân được nữa khi gân Achilles đứt.
  • Gân cơ chóp xoay: không thể giơ tay sang ngang.
  • Gân cơ nhị đầu: mất khả năng gập khuỷu tay, đồng thời động tác giơ cánh tay sang ngang với lòng bàn tay ngửa cũng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện. Ngoài ra, khu vực gần khuỷu tay có gân bị đứt sưng lên rõ ràng.
  • Dấu hiệu đứt gân cơ nhị đầu

    Nguyên nhân

    Nguyên nhân đứt gân tay, chân là gì?

    Nhìn chung, đứt gân tương đối phổ biến ở những người từ độ tuổi trung niên trở lên. Ở những người trẻ trưởng thành, rách cơ dễ phát sinh hơn so với rách hoặc thậm chí là đứt gân. Tuy vậy, những người mắc bệnh gout hoặc cường cận giáp vẫn có nguy cơ cao gặp phải vấn đề này.

    Thông thường, nguyên nhân gây đứt gân có thể bắt nguồn từ:

    • Chấn thương vật lý: thường do tai nạn hoặc té ngã.
    • Lão hóa: lưu lượng máu nuôi dưỡng tế bào sẽ ngày một giảm theo thời gian, khiến gân bị suy yếu và dễ đứt.
    • Tải trọng lệch tâm: cơ bắp co thắt, căng cứng khi đang bị kéo theo hướng ngược lại, gây gia tăng áp lực lên gân liên quan.
    • Trực tiếp tiêm steroid vào gân: hướng điều trị này đôi khi áp dụng cho tình trạng viêm gân nghiêm trọng.
    • Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh: một số loại kháng sinh, ví dụ như fluoroquinolones, có khả năng làm tăng nguy cơ chấn thương ở gân, đặc biệt là gân Achilles.

    Bên cạnh đó, mỗi loại đứt gân còn có khả năng phát sinh bởi:

    Đứt gân cơ tứ đầu

    Chấn thương đầu gối hoặc chấn thương tại khu vực bên trên xương bánh chè có nguy cơ tổn thương đến gân cơ tứ đầu.

    Đứt gân Achilles

    đứt gân chân tay

    • Vận động quá mức, đặc biệt là những người có tình trạng sức khỏe không tốt.
    • Phản lực quá lớn tác động lên lòng bàn chân khi tiếp đất bằng chân trực diện.
    • Chân lấy đà trước khi chạy căng quá mức.
    • Nhóm máu O (tuy nhiên vẫn còn nhiều tranh cãi đối với giả thiết này).

    Đứt gân cơ chóp xoay

    • Thường xuyên khuân vác vật nặng hoặc nâng vật nặng qua đầu.
    • Động tác dang tay và căng cứng cơ lại nhằm ngăn chặn té ngã (tải trọng lệch tâm).

    Đứt gân cơ nhị đầu

    • Gập cánh tay quá mức.
    • Nâng tạ với trọng lượng quá nặng (thường khoảng 68kg trở lên).
    • Đôi khi tình trạng này có khả năng phát sinh không rõ nguyên nhân.

    Chẩn đoán và điều trị

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán đứt gân?

    Bác sĩ thường chẩn đoán tình trạng sức khỏe này dựa trên kết quả kiểm tra thể chất. Bên cạnh đó, đôi khi xét nghiệm hình ảnh cũng được áp dụng với mục đích xác nhận kết quả chẩn đoán, đồng thời xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng đứt gân.

    Mặt khác, mỗi khu vực chấn thương cũng sẽ được chẩn đoán bằng các phương pháp khác nhau, chẳng hạn như:

    Gân cơ tứ đầu

    Kết quả chụp X-quang sẽ cho thấy liệu vị trí của xương bánh chè ở đầu gối có thấp hơn bình thường hay không. Nếu có, bác sĩ sẽ đề xuất người bệnh tiếp tục chụp MRI nhằm kiểm tra tình trạng chấn thương ở gân cơ tứ đầu là rách hay đứt.

    Gân Achilles

    Xét nghiệm Thompson thường được tiến hành nếu bác sĩ nghi ngờ có vấn đề xảy ra ở gân Achilles. Để tiến hành xét nghiệm, người bệnh cần quỳ trên ghế với bàn chân nằm ngoài mép ghế. Tiếp theo, họ sẽ siết chặt bắp chân người bệnh. Nếu các ngón chân không hướng thẳng xuống sàn khi bắp chân bị siết chặt, gân Achilles có thể đã đứt.

    Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể yêu cầu kiểm tra huyết áp trong trường hợp này. Trước tiên, băng quấn đo huyết áp sẽ được cố định ở bắp chân và bơm lên mức 100mmHg. Sau đó, bác sĩ sẽ điều chỉnh bàn chân của người bệnh theo tư thế nhón chân. Nếu gân Achilles vẫn bình thường, chỉ số huyết áp sẽ tăng lên khoảng 140mmHg. Ngược lại, thông số trên đồng hồ chỉ tăng lên một ít.

    Chẩn đoán đứt gân tay, chân bằng cách đo huyết áp

    Gân cơ chóp xoay

    Nghiệm pháp cánh tay rơi thường áp dụng để chẩn đoán chấn thương gân cơ chóp xoay. Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh dang tay ngang vai và duy trì tư thế trong khoảng thời gian quy định. Người bị đứt gân thường không thể thực hiện động tác này hoặc duy trì tư thế dang tay theo thời gian yêu cầu.

    Gân cơ nhị đầu

    Bác sĩ có thể kiểm tra dấu hiệu “dị dạng popeye” nếu nghi ngờ gân cơ nhị đầu đứt. Tình trạng này xảy ra do khi gân bị đứt hoàn toàn, cơ nhị đầu sẽ co rút lại và gây sưng ở khu vực gần khớp khuỷu.

    Những phương pháp điều trị đứt gân

    Sơ cứu chấn thương

    Để nâng cao hiệu quả điều trị, sơ cứu là điều cần thiết. RICE là phương pháp sơ cứu hiệu quả cho tất cả trường hợp gân gặp vấn đề, bất kể vị trí chấn thương ở tay hay chân. Liệu pháp này bao gồm bốn bước cơ bản như sau:

    • R – Rest: Nghỉ ngơi và thả lỏng khu vực chấn thương hết sức có thể. Hạn chế cử động tay hoặc chân có gân bị đứt, dù chỉ là động tác đơn giản
    • I – Ice: Chườm lạnh lên vị trí thương tổn. Nhiệt độ lạnh từ đá giúp xoa dịu cơn đau đáng kể. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý cho đá lạnh vào túi nhựa hoặc túi chườm chuyên dụng và bọc lại bằng khăn trước khi chườm. Việc để đá tiếp xúc trực tiếp với da trong thời gian dài có nguy cơ khiến tình trạng chấn thương trở nên tệ hơn.
    • C – Compressed: Băng bó khu vực chấn thương nhằm giảm thiểu tình trạng sưng. Tuy nhiên, người bệnh cũng nên lưu ý không băng quá chặt khiến máu khó lưu thông đến vùng bị thương.
    • E – Elevated: Nâng tay hoặc chân bị ảnh hưởng cao hơn tim để giảm thiểu vấn đề sưng tấy.

    Dùng thuốc: dùng thuốc chống viêm và giảm đau để giảm sưng nóng đỏ đau. Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến nghị người bệnh nên giữ yên tư thế duỗi thẳng đầu gối đối với trường hợp đứt gân cơ tứ đầu. Ngược lại, trong trường hợp đứt gân cơ nhị đầu, người bệnh cần giữ tay ngang ngực (khớp khuỷu gấp khúc 90º, có thể dùng băng vải để cố định).

    Điều trị y tế

    Khác với tình trạng rách gân có khả năng tự lành trong vòng 4-8 tuần, gân bị đứt mang tính chất nghiêm trọng hơn và cần được chữa trị bằng phẫu thuật.

    Ngoài ra, sau khi ca mổ thành công, người bệnh vẫn cần nghỉ ngơi và tập vật lý trị liệu theo chỉ định của bác sĩ nhằm lấy lại khả năng vận động như cũ.

    Phòng ngừa

    Những biện pháp nào giúp phòng ngừa đứt gân?

    Bạn có thể chủ động ngăn ngừa tình trạng gân bị tổn thương, bao gồm cả rách và đứt, phát sinh bằng cách:

    • Cân nhắc và thay đổi những thói quen sinh hoạt, làm việc có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của gân.
    • Khởi động kỹ trước khi tập
    • Duy trì cân nặng hợp lý
    • Thực hiện giãn gân cơ sau mỗi buổi tập
    • Hạn chế chấn thương vật lý.
    • Phòng ngừa các bệnh lý có khả năng tác động đến gân.
    • Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định từ bác sĩ.
    • Dành thời gian nghỉ ngơi phù hợp sau tập

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh

    Chỉnh hình · Phòng khám DayCare - DayCare Clinic&Spa


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 28/09/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo