backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Viêm trung thất

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 19/07/2021

Viêm trung thất

Viêm trung thất là bệnh gì? Nguyên nhân do đâu, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và điều trị như thế nào? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Viêm trung thất là bệnh gì?

Viêm trung thất là tình trạng sưng tấy (viêm) vùng ngực giữa phổi (trung thất). Khu vực này chứa tim, các mạch máu lớn, khí quản, ống thức ăn (thực quản), tuyến ức, các hạch bạch huyết và mô liên kết. Vì vai trò quan trọng của khu vực này, nên tình trạng viêm xảy ra tại đây thường liên quan đến nhiều bệnh nghiêm trọng, có thể gây tử vong. Hầu hết trường hợp viêm trung thất đều phải nhập viện và điều trị trong khoa hồi sức tích cực (ICU).

hình ảnh viêm trung thất

Viêm trung thất thường do nhiễm trùng. Nó có thể xảy ra đột ngột (cấp tính), hoặc có thể phát triển chậm và trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian (mạn tính). Nó thường xảy ra nhất ở những người vừa được nội soi trên hoặc phẫu thuật ngực.

Ngoài viêm trung thất cấp tính khá phổ biến, viêm trung thất mạn tính hiếm gặp hơn, bao gồm  hạch trung thất bị viêm dạng u hạt (granulomatous mediastinitis) hoặc xơ hóa trung thất có thể xảy ra do nhiễm trùng hoặc bị kích ứng trong thời gian dài.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng viêm trung thất

Hầu hết người sẽ trải qua các triệu chứng trong một vài ngày trước khi nhập viện cấp cứu. Đôi khi, người bệnh có đợt bùng phát đột ngột và các triệu chứng chỉ kéo dài trong một vài giờ.

Các triệu chứng thường gặp ở người bị viêm trung thất gồm:

  • Tức ngực, khó thở
  • Sốt, ớn lạnh
  • Viêm màng phổi, đau ở phía sau ngực lan lên cổ hoặc đau vùng liên sườn
  • Thở nông
  • Ho
  • Đau họng
  • Sưng ở cổ
  • Đau khi nuốt
  • Không tỉnh táo

triệu chứng viêm trung thất

Các dấu hiệu của viêm trung thất ở những người đã phẫu thuật gần đây bao gồm:

  • Đau thành ngực
  • Vết thương thoát nước
  • Thành ngực không ổn định

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ và thăm khám ngay lặp tức nếu bạn đã phẫu thuật mở ngực và xuất hiện tình trạng:

  • Tưc ngực
  • Ớn lạnh
  • Tiết dịch từ vết thương
  • Sốt
  • Khó thở

Nếu bạn bị nhiễm trùng phổi hoặc bệnh sarcoidosis và phát triển bất kỳ triệu chứng nào trong số vừa kể trên, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Nguyên nhân

Nguyên nhân viêm trung thất là gì?

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này, được phân chia thành các nhóm như:

Viêm trung thất bắt nguồn từ các cấu trúc bên trong trung thất

  • Thủng thực quản là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này. Lý do dẫn đến thủng thực quản có thể là đặt nội khí quản, nội soi phế quản, phẫu thuật tim, nội soi đường tiêu hóa trên.
  • Chấn thương kín vùng ngực, ổ bụng cũng là một nguyên nhân gây viêm tại đây.
  • Tình trạng viêm có thể lan rộng đến trung thất do nhiễm trùng phổi, viêm tủy xương ở khớp nối xương ức.
  • Bệnh u hạt (bao gồm bệnh lao) trong các hạch bạch huyết ở trung thất.

Viêm trung thất hoại tử lan xuống (descending necrotising mediastinitis)

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là:

Sinh vật gây bệnh

  • Nhiễm trùng nhiều vi khuẩn như Staphylococcus spp., Streptococcus spp., Bacteroides spp., Fusobacterium spp., Peptostreptococcus spp. và Pseudomonas aeruginosa có thể gây ra tình trạng viêm này.
  • S. aureus kháng meticillin (MRSA) có thể liên quan đến tình trạng này khi xảy ra sau phẫu thuật tim. Viêm có khi xuất hiện do bệnh lao hoặc nhiễm nấm.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm trung thất

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm tại khu vực này gồm:

  • Giới tính (nam phổ biến hơn nữ)
  • Độ tuổi (thường xảy ra ở tuổi trung niên)
  • Bệnh thực quản
  • Bệnh đái tháo đường
  • Sử dụng chất gây nghiện
  • Các vấn đề ở đường tiêu hóa trên
  • Nội soi hoặc phẫu thuật ngực gần đây
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu

Bệnh có thể khởi phát âm thầm và người bệnh có thể chỉ cảm thấy không khỏe trong vài ngày trước khi phải nhập viện. Một vài tiền sử y khoa có khả năng dẫn đến tình trạng này gồm:

  • Phẫu thuật tim mạch gần đây
  • Nội soi đường tiêu hóa trên
  • Nội soi phế quản
  • Nhiễm trùng răng miệng hoặc vùng hầu họng
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên
  • Nuốt phải vật thể lạ (như pin cúc áo) hay hóa chất có thể gây thủng thực quản

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán viêm trung thất?

chẩn đoán viêm trung thất

Bác sĩ thường sẽ chẩn đoán dựa trên các triệu chứng nếu bạn có những nguy cơ hoặc thuộc đối tượng dễ bị viêm trung thất, chẳng hạn như vừa trải qua một phẫu thuật liên quan đến ngực/thực quản hay mắc bệnh lao phát triển từ nhiễm vi khuẩn lao.

Khi viêm xảy ra đột ngột, các triệu chứng thường rất nghiêm trọng đến mức bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán ban đầu ở những người không có nguy cơ cao liên quan. Ví dụ, trẻ em đã nuốt phải các chất tẩy rửa, có tính ăn mòn cao.

Để chẩn đoán chính xác bệnh viêm trung thất, bác sĩ sẽ chỉ định bạn đi chụp X-quang ngực, chụp CT ngưc, chụp MRI hay siêu âm.

Khi tình trạng này xảy ra ở một người đã phẫu thuật cắt xương ức, bác sĩ có thể đưa một cây kim qua xương ức vào trong lồng ngực để lấy mẫu dịch và đem đi kiểm tra dưới kính hiển vi (sinh thiết) để xác định có nhiễm trùng hay không.

Những phương pháp điều trị viêm trung thất

Người bệnh có thể nhập viện trong tình trạng nguy kịch nên ban đầu thường sẽ tập trung vào hồi sức, bao gồm bảo vệ đường thở, duy trì cung cấp oxy đầy đủ với liệu pháp oxy bổ sung, đảm bảo thông khí và truyền tĩnh mạch.

Những lựa chọn điều trị cho tình trạng này gồm:

  • Sử dụng thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh phổ rộng được chỉ định đề điều trị nhiễm trùng, bao gồm piperacillin + vancomycin hoặc ceftazidime + vancomycin hoặc vancomycin + quinolone + clindamycin. Bác sĩ có khi phối hợp thêm một kháng sinh nhóm aminoglycoside. Kháng sinh nên được bắt đầu dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch ở liều cao càng sớm càng tốt.
  • Phẫu thuật: Một vài trường hợp, bệnh nhân có thể cần phẫu thuật để loại bỏ khu vực bị viêm nếu các mạch máu, khí quản hoặc thực quản bị tắc nghẽn. Phẫu thuật sẽ giúp dẫn lưu dịch nhiễm trùng ra khỏi lồng ngực, điều trị vết thủng ở thực quản hoặc cả hai.
  • Biến chứng

    Những biến chứng viêm trung thất có thể xảy ra là gì?

    Tình trạng viêm trung thất có thể dẫn đến một số biến chứng như sau:

    Tiên lượng sống

    Tiên lượng sống ở người bệnh viêm trung thất như thế nào?

    Một đánh giá gần đây cho thấy tỷ lệ tử vong chung do tình trạng này là 11,1% (có thể lên tới 50% ở một số nhóm đối tượng). Khi người bệnh có tình trạng hôn mê, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 67%.

    Các nghiên cứu về viêm trung thất hoại tử lan xuống cho thấy tỷ lệ tử vong ở trường hợp này nằm trong khoảng 11,1–34,9%.

    Việc chẩn đoán sớm và chăm sóc tích cực, điều trị kịp thời là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh diễn biến nghiêm trọng và giảm tỷ lệ tử vong.

    Phòng ngừa

    Những biện pháp phòng ngừa viêm trung thất là gì?

    • Để giảm thiểu nguy cơ phát triển tình trạng viêm này sau khi phẫu thuật ở ngực, bạn cần thực hiện các biện pháp vệ sinh sạch sẽ vết thương, không để bị nhiễm trùng.
    • Điều trị tốt bệnh lao, u hạt (sarcoidosis) hoặc các vấn đề sức khỏe khác có thể liên quan đến viêm trung thất có thể giúp phòng ngừa chúng hiệu quả.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 19/07/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo