backup og meta

Thuốc trị nhiệt miệng nào nên dùng? Cách chữa nhiệt miệng tại nhà là gì?

Thuốc trị nhiệt miệng nào nên dùng? Cách chữa nhiệt miệng tại nhà là gì?

Nhiệt miệng là một tình trạng phổ biến, hầu như ai cũng từng mắc ít nhất một lần trong đời. Đa số các trường hợp bị nhiệt miệng thường không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, việc dùng một số thuốc trị nhiệt miệng và các biện pháp tại nhà có thể giảm đau và trị viêm do nhiệt miệng hiệu quả. 

Nhiệt miệng là một tình trạng rất phổ biến và thường không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên bị nhiệt miệng, có thể do bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe, hãy đến gặp bác sĩ hoặc nha sĩ ngay. Một số bệnh có ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch như lupus, bệnh Crohn, bệnh celiac hoặc HIV/AIDS có thể làm cho tình trạng nhiệt miệng xảy ra thường xuyên hoặc tái phát. Đối với tình trạng nhiệt miệng bình thường, các biện pháp tại nhà và thuốc trị nhiệt miệng có thể giúp điều trị tình trạng này hiệu quả. Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau của Hello Bacsi.

Mách bạn cách điều trị nhiệt miệng tại nhà

thuốc trị nhiệt miệng

Trước khi đi tìm đáp án cho câu hỏi bị nhiệt miệng uống thuốc gì, chúng ta cùng điểm qua các cách chữa nhiệt miệng tại nhà mà Hello Bacsi đã tổng hợp được dưới đây.

Khi bị nhiệt miệng, việc áp dụng một số phương pháp điều trị tại nhà có thể giúp giảm đau hoặc kích ứng gây ra do đau và tăng tốc độ làm lành vết thương, chẳng hạn như:

  • Thuốc bôi trực tiếp trên vết loét, nước súc miệng và các loại thuốc uống có thể giảm đau hoặc viêm.
  • Ngậm đá lạnh tan dần trong miệng để làm dịu cơn đau.
  • Tránh các loại thực phẩm có tính axit như các loại trái cây họ cam quýt hoặc các loại thực phẩm cay, mặn có thể làm cơn đau tăng lên.
  • Nếu bị thiếu hụt vitamin (bác sĩ có thể kiểm tra vấn đề này), hãy bổ sung vitamin theo toa.
  • Đánh răng nhẹ nhàng và sử dụng bàn chải có lông mềm, đầu bàn chải bo tròn.
  • Sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng không chứa sodium lauryl sulfate.
  • Súc miệng bằng nước muối hoặc baking soda. Trộn 1 muỗng cà phê baking soda vào một nửa chén nước rồi súc miệng.
  • Biện pháp tự nhiên khác bao gồm nước súc miệng goldenseal, súc miệng cam thảo deglycyrrhizinated (DGL) với nước ấm và súc nước muối.
  • Viên ngậm kẽm có thể giúp giảm đau nhanh và mau lành. Không cho trẻ nhỏ ngậm viên này vì chúng có nguy cơ gây hóc, nghẹt thở.
  • Hỗn hợp vitamin C, vitamin B và lysine có thể uống khi tổn thương mới xuất hiện và có thể giúp nhiệt miệng nhanh lành.
  • Trà từ các thảo dược từ cây xô thơm và hoa cúc hòa có thể được sử dụng như nước súc miệng 4–6 lần mỗi ngày.
  • Dùng nước ép cà rốt, nước ép cần tây, dưa đỏ cũng có thể hữu ích.

Lưu ý là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia trước khi sử dụng bất kỳ phương thuốc điều trị tại nhà nào. Nguyên do là bởi nhiều cách không được thử nghiệm một cách khoa học hoặc chưa được chứng minh mang lại hiệu quả.

Các loại thuốc trị nhiệt miệng

thuốc trị nhiệt miệng

Khi bị loét miệng, lở miệng, bạn thường hay thắc mắc nhiệt miệng uống thuốc gì hay thuốc chữa nhiệt miệng là những thuốc nào? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây!

Gel bôi hay thuốc mỡ thường được sử dụng điều trị nhiệt miệng. Các thuốc trị nhiệt miệng giúp giảm đau, giảm viêm và ngăn ngừa nhiễm trùng:

  • Thuốc bôi nhiệt miệng để giảm đau: các thuốc dạng gel như benzocaine (Orajel, Orabase) và lidocain (một chất gây tê) được sử dụng trực tiếp trên chỗ đau, viêm loét để giảm đau hoặc khó chịu. Các miếng dán giúp giảm đau có tác dụng bao phủ và bảo vệ vết loét khi nó đang lành. Bạn có thể hỏi mua những loại thuốc này hay miếng dán tại nhà thuốc Tây.
  • Thuốc bôi chống viêm: các loại thuốc steroid như acetonide triamcinolone hoặc fluocinonide được sử dụng tại chỗ để giảm viêm. Các loại thuốc này thường cần có toa và nên sử dụng đúng theo chỉ định.
  • Các thuốc kháng sinh tại chỗ: các loại thuốc chữa nhiệt miệng này có thể được bác sĩ hoặc nha sĩ kê toa nếu nhiệt miệng có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn với các triệu chứng như nổi mẩn đỏ, đóng vảy, chảy mủ hoặc sốt…

Một số loại nước súc miệng có thể được sử dụng để điều trị chứng đau do nhiệt miệng bao gồm:

  • Diphenhydramine dạng hỗn dịch không cần kê toa và có thể được sử dụng như một loại nước súc miệng vì nó có tác dụng gây tê tại chỗ trên các mô miệng và vết loét. Bạn ngậm dung dịch trong miệng, súc khoảng 30 giây đến 1 phút và nhổ ra. Không nuốt dung dịch này.
  • Các loại nước súc miệng có chứa steroid chống viêm được kê toa giúp giảm viêm tại vết loét.
  • Nước súc miệng kháng sinh chứa tetracycline có thể được kê toa và có hiệu quả giảm đau cũng như mau lành vết loét. Không sử dụng tetracycline nếu bạn đang mang thai, người bị dị ứng với tetracycline hoặc trẻ dưới 16 tuổi. Nên hạn chế sử dụng ở phụ nữ vì lý do an toàn cho thai nhi.

Một số thuốc trị nhiệt miệng dạng uống cũng có thể giúp giảm các triệu chứng nhiệt miệng như:

  • Các thuốc giảm đau không cần toa như ibuprofen (Advil), acetaminophen (Tylenol) hoặc naproxen (Aleve) có thể được sử dụng giảm khó chịu do nhiệt miệng.
  • Viên ngậm kẽm hay vitamin B và C cũng có thể giúp giảm các triệu chứng.

Cần làm gì nếu bị nhiệt miệng tái phát hoặc mãn tính?

thuốc trị nhiệt miệng

Việc bị nhiệt miệng thường xuyên có thể là một dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn hoặc một căn bệnh nào đó mà bạn đang gặp phải. Trong trường hợp này, bạn nên đi khám để được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng hay bị nhiệt miệng còn có thể là do di truyền. Tuy nhiên, một số bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch như bệnh lupus, bệnh Crohn, bệnh Celiac hoặc HIV/AIDS cũng có thể gây ra các vết loét miệng thường xuyên hoặc tái phát. Do đó, bác sĩ có thể đề nghị bạn làm một số xét nghiệm để xác định xem có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào khiến bạn thường xuyên bị lở loét hay không.

Hello Bacsi hy vọng rằng với những thông tin được chia sẻ ở trên, bạn đã có được những thông tin hữu ích xoay quanh các loại thuốc trị nhiệt miệng hay các trị nhiệt miệng tại nhà hiệu quả.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Canker sores (mouth ulcers): What can you do if you have a canker sore?

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK546251/ Ngày truy cập 30/3/2023

Canker Sores (Aphthous Ulcers) in Children

https://www.mountsinai.org/health-library/diseases-conditions/canker-sore  Ngày truy cập 30/3/2023

Canker Sores (for Teens) – Nemours KidsHealth

https://kidshealth.org/en/canker  Ngày truy cập 30/3/2023

Medications cure canker sores. https://www.rxlist.com/canker_sores/article.htm#what_topical_prescription_and_over-the-counter_otc_medications_cure_canker_sores. Ngày truy cập 31/05/2018

Condition canker. https://www.webmd.com/drugs/condition-1973-Canker. Ngày truy cập 31/05/2018

Canker sore

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/canker-sore/diagnosis-treatment/drc-20370620 Truy cập ngày 07/07/2021

Canker sore

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/10945-canker-sores Truy cập ngày 07/07/2021

Everything You Ever Wanted to Know About Canker Sores

https://www.cedars-sinai.org/blog/canker-sores.html Truy cập ngày 07/07/2021

Phiên bản hiện tại

17/04/2023

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Hello Bacsi | Nắm được khía cạnh khoa học của bệnh sâu răng

Nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm? 6 cách chữa loét miệng cho bé


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy

Nha khoa · Nha khoa Cẩm Tú


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 17/04/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo