backup og meta

Cách giảm triệu chứng mãn kinh để bạn đỡ mệt mỏi

Cách giảm triệu chứng mãn kinh để bạn đỡ mệt mỏi

Những triệu chứng mãn kinh thường khiến phụ nữ bị trầm cảm, rối loạn lo âu, bốc hỏa, mệt mỏi, nhức đầu… Làm thế nào để bạn có thể đối phó với những triệu chứng cứ khiến bạn khó chịu mỗi ngày trong thời kỳ mãn kinh đây?

Khoảng một nửa số phụ nữ trong độ tuổi từ 45 và 65 nói rằng việc kiểm soát triệu chứng mãn kinh là rất khó khăn. Ngoài những cơn bốc hỏa, phụ nữ thường bị đổ mồ hôi vào ban đêm, mệt mỏi, ủ rũ và nhức đầu. Những triệu chứng này có thể bắt đầu 2-7 năm trong thời gian chuyển tiếp gọi là tiền mãn kinh, khi quá trình sản xuất hormone estrogen và progesterone bắt đầu giảm.

Bạn hãy cùng tìm hiểu những triệu chứng mãn kinh là gì cùng những cách giúp giảm những triệu chứng để luôn vui khỏe dù bước sang độ tuổi trung niên nhé.

Các triệu chứng mãn kinh khó chịu

Các triệu chứng mãn kinh không chỉ khiến cho phụ nữ dễ bị thay đổi tâm trạng, người luôn cảm thấy nóng bức mà còn gây giảm ham muốn tình dục, ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng.

1. Người luôn cảm thấy nóng bừng

Những thay đổi về nồng độ hormone có thể gây ra các triệu chứng khác nhau. Người ta ước tính khoảng 2/3 phụ nữ sẽ trải qua các triệu chứng như đỏ mặt, nóng bừng và đổ mồ hôi vào ban đêm.

Trong suốt thời gian này, bạn có thể cảm thấy nhiệt độ cơ thể tăng lên. Phần trên cơ thể bị ảnh hưởng nhiều nhất khi làn da ở khu vực này ửng đỏ.

Tình trạng bốc hỏa trong người sẽ diễn ra một hoặc nhiều lần trong ngày. Bạn có thể phải chịu đựng tình trạng này trong suốt 1 năm, thậm chí là vài năm.

2. Đổ nhiều mồ hôi

Triệu chứng mãn kinh cũng có thể khiến bạn đổ nhiều mồ hôi, tim đập nhanh và thường xuyên bị chóng mặt rồi lại cảm thấy lạnh đột ngột.

3. Dễ buồn phiền, rối loạn lo âu

Một số phụ nữ dễ xuất hiện các triệu chứng tâm lý trong thời kỳ mãn kinh như trầm cảm, mệt mỏi, thiếu năng lượng, ủ rũ.

4. Giảm ham muốn tình dục

Do sự sụt giảm nội tiết tố trong cơ thể vào thời kỳ mãn kinh, phụ nữ thường bị khô âm đạo, luôn cảm thấy mệt mỏi và không còn hứng thú với chuyện chăn gối, từ đó giảm ham muốn tình dục.

5. Mệt mỏi vì gặp nhiều biến chứng

Sau khi mãn kinh, chị em phụ nữ có nguy cơ cao mắc một số bệnh lý như bệnh tim mạch, bệnh loãng xương, tiểu són, nhiễm trùng đường tiết niệu, tăng cân, thường xuyên chóng mặt…

Mặc dù những triệu chứng vừa kể trên là dấu hiệu phổ biến nhất khi bạn bước vào giai đoạn mãn kinh nhưng cũng rất khó để xác định chúng xảy ra do thay đổi hormone nội tiết hay do hoàn cảnh sống.

Cách giảm triệu chứng mãn kinh

Để đỡ mệt mỏi khi thời kỳ mãn kinh tới, bạn nên biết cách đối phó với những căng thẳng trong cuộc sống và công việc. Đồng thời, bạn cũng nên để ý đến chế độ ăn uống, giấc ngủ của mình cũng như uống nhiều nước để đỡ tình trạng bốc hỏa.

1. Giảm căng thẳng khi mãn kinh

Stress/căng thẳng là vấn đề thường ngày của những người làm việc công sở. Đáng lo ngại hơn là có khoảng 1/3 trong số đó bị căng thẳng kinh niên.

Bạn có thể giảm căng thẳng bằng các phương pháp thư giãn như yoga, thiền hoặc hít thở sâu. Ví dụ, một bài tập hít thở theo nhịp có thể làm giảm thiểu 50% các cơn nóng bừng, các luồng nóng đột ngột hay xung nghiệt tập trung chủ yếu ở đầu và cổ.

Để giảm căng thẳng, bạn hãy thử tập theo các bước sau:

– Hít vào thật chậm và sâu, sau đó thở ra từ từ đồng thời hóp bụng lại, hãy tiếp tục với khoảng 6-8 nhịp thở trong 1 phút nhé;

– Thực hiện bài tập này hai lần mỗi ngày, mỗi lần 15 phút và mỗi khi cảm thấy cơ thể bị nóng bất thường.

2. Tăng cường giấc ngủ

Yoga, thái cực quyền và thiền định có thể giúp bạn dễ ngủ hơn vào ban đêm. Bài tập nào cũng đều hỗ trợ cho giấc ngủ, tuy nhiên bạn nên chú ý không tập thể dục 3 tiếng trước giờ đi ngủ nhé.

Tốt nhất bạn đừng uống rượu bia trước giờ ngủ bởi rượu bia sẽ khiến bạn dậy muộn đấy. Thay vào đó, bạn có thể uống một cốc sữa ấm để dễ ngủ hơn. Nếu vẫn không ngủ được, hãy ngồi dậy và thử đọc sách đến khi cảm thấy buồn ngủ. Nếu tình trạng khó ngủ vẫn tiếp tục, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về những giải pháp hỗ trợ giấc ngủ.

3. Làm việc ở môi trường thoáng mát

Bạn nên làm việc trong một môi trường mát mẻ hoặc nơi làm việc có nhiệt độ mang lại sự dễ chịu cho bạn. Bạn có thể chọn ngồi gần cửa sổ hoặc sử dụng quạt bàn để giữ mát cho mình. Nếu phải tham dự những cuộc họp, bạn nên chọn ngồi ở vị trí mát nhất trong phòng họp.

4. Uống nhiều nước

Bạn nên uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày để giúp giảm một số triệu chứng khó chịu thời kỳ mãn kinh vì điều này giúp bạn bù đắp lại lượng nước cơ thể mất đi khi bị nóng. Vì vậy, bạn hãy đem theo bình nước  giữ nhiệt đến nơi làm việc để có thể nạp nước mọi lúc mọi nơi.

5. Mặc đồ thoải mái

Thói quen mặc đồ thoáng mát giúp bạn hạn chế đổ mồ hôi. Bạn cũng nên tránh các loại chất liệu len, lụa hoặc vải không thấm mồ hôi vì những chất liệu này mang rất nóng và bí. Thay vào đó, hãy mặc đồ với chất liệu thoáng mát như vải coton chẳng hạn.

6. Ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống lành mạnh luôn có lợi cho cơ thể bạn. Vào giờ ăn trưa, bạn nên ăn nhiều trái cây, rau củ, cá hoặc ngũ cốc. Những thực phẩm này giúp giảm các cơn xung nhiệt và đổ mồ hôi vào ban đêm, trong khi một chế độ ăn nhiều chất béo và đường ngược lại có thể làm các triệu chứng chuyển biến xấu thêm.

Bạn cũng nên hạn chế đồ ăn cay, uống cà phê, trà hay nước ngọt có chứa caffeine trước một bài thuyết trình lớn hay hội họp để tránh cảm giác hồi hộp, mất tập trung.

7. Ngăn rụng tóc

Tóc bạn có thể mỏng và rụng nhanh hơn trong thời kì mãn kinh. Đồng thời, lông có thể mọc ở những nơi ngoài ý muốn như cằm và má. Để giảm rụng tóc, bạn hãy chọn sử dụng các sản phẩm nhuộm tóc không chứa hóa chất, đồng thời tránh ánh nắng mặt trời vì tia UV có thể gây khô tóc.

8. Giảm cân

Khi bạn bị thừa cân, các triệu chứng mãn kinh có thể xuất hiện nhiều và nghiêm trọng hơn.

Nếu bạn đang làm công việc văn phòng ít vận động, hãy dành thời gian tập thể dục mỗi ngày. Ngoài giảm cân, tập thể dục còn giúp bạn giảm stress, cải thiện tâm trạng và có giấc ngủ ngon hơn. Bạn cũng nên bỏ hút thuốc từ bây giờ, bởi nghiện thuốc lá nặng có thể khiến bạn mãn kinh sớm hơn 2 năm so với bình thường đấy.

9. Khám sàng lọc ung thư cổ tử cung

Trong  xét nghiệm tế bào cổ tử cung, bác sĩ sẽ lấy một số tế bào khỏi cổ tử cung của bạn và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Bạn  nên  đi xét nghiệm lần đầu tiên vào lúc 20-21 tuổi và tái khám mỗi 3 năm một lần.

Nếu bạn 30 tuổi trở lên, bạn cũng nên xét nghiệm HPV ít nhất mỗi 5 năm. Xét nghiệm HPV là một xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, áp dụng cho phụ nữ từ 30 tuổi trở lên. Tuy nhiên, xét nghiệm này không cho bạn biết liệu mình có mắc ung thư hay không. Thay vào đó, xét nghiệm HPV sẽ giúp phát hiện virus gây ra bệnh ung thư cổ tử cung.

10. Uống thuốc giảm triệu chứng mãn kinh

Dựa vào các triệu chứng và tiền sử sức khỏe của bạn, bác sĩ có thể kê toa thuốc chứa hoặc không chứa nội tiết tố phù hợp với bạn, giúp bạn đối phó với các triệu chứng mãn kinh.

Cách phòng ngừa những triệu chứng mãn kinh sẽ giúp bạn ngăn chặn được những thay đổi có thể tác động đến bản thân và có cuộc sống vui khỏe hơn. Hãy xua tan đi những sự mệt mỏi để luôn tràn đầy năng lượng và sức sống nhé.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Five Solutions for Menopause Symptoms
https://www.menopause.org/for-women/menopauseflashes/menopause-symptoms-and-treatments/five-solutions-for-menopause-symptoms
Ngày truy cập: 05.08.2020

Menopause
mayoclinic.org/diseases-conditions/menopause/symptoms-causes/syc-20353397
Ngày truy cập: 05.08.2020

Are We There Yet? Navigate Now with Our Guided Menopause Tour
https://www.menopause.org/for-women/menopauseflashes/menopause-symptoms-and-treatments/are-we-there-yet-navigate-now-with-our-guided-menopause-tour
Ngày truy cập: 05.08.2020

Phiên bản hiện tại

05/08/2020

Tác giả: Như Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Hoa Vũ


Bài viết liên quan

Hay bị đau đầu, khó tập trung trước và trong khi hành kinh: Liệu có phải do thiếu máu, thiếu sắt?

Thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ độ tuổi có kinh nguyệt: Những điều bạn cần biết!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Như Quỳnh · Ngày cập nhật: 05/08/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo