backup og meta
Chuyên mục

5

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Trễ kinh 1 tháng có nguy hiểm? 8 nguyên nhân không thể "ngó lơ"

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Trần Cẩm Tú · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

    Trễ kinh 1 tháng có nguy hiểm? 8 nguyên nhân không thể "ngó lơ"

    Trễ kinh 1 tháng có nguy hiểm hay không còn tùy thuộc vào những nguyên nhân sức khỏe gây ra. Bài viết sẽ hé lộ cho bạn 8 nguyên nhân phổ biến gây ra chậm kinh nguyệt. Trong đó, có một số trường hợp nên được thăm khám và điều trị kịp thời như: vấn đề về tuyến giáp, mãn kinh sớm, các bệnh mãn tính…

    Ngoài ra, bài viết này của Hello Bacsi cũng sẽ giải đáp thắc mắc “1 tháng không có kinh nguyệt có sao không”, “1 tháng không có kinh nguyệt phải làm sao? Khi nào nên đi khám?”. Mời bạn tìm hiểu ngay sau đây.

    Chậm kinh là gì?

    chậm kinh 1 tháng có sao không

    Trước khi đi tìm câu trả lời cho băn khoăn “trễ kinh 1 tháng có sao không, có nguy hiểm không?”, hãy cùm tìm hiểu thế nào thì được gọi là trễ kinh.

    Chậm kinh, hay trễ kinh là khi chu kỳ kinh nguyệt của chị em phụ nữ kéo dài hơn bình thường. Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt trung bình sẽ kéo dài từ 28 – 30 ngày, trong đó ngày hành kinh sẽ kéo dài từ 3 – 7 ngày.

    Chậm kinh tức là chu kỳ kéo dài hơn 35 ngày (trễ ít nhất 7 ngày) so với chu kỳ trước đó. Tuy nhiên, trong trường hợp phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt kéo dài từ 35 – 40 ngày ổn định qua từng tháng, thì đây là hiện tượng bình thường, không cần phải lo lắng.

    Tình trạng trễ kinh 1 tháng được xem như dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất cho hiện tượng chậm kinh ở phụ nữ.

    Trễ kinh 1 tháng có nguy hiểm không?

    Phụ nữ bị trễ kinh 1 tháng có nguy hiểm không hay 1 tháng không có kinh nguyệt có sao không? Không có câu trả lời chính xác cho vấn đề này. Trong trường hợp tình trạng trễ kinh 1 tháng hiếm khi diễn ra và không đi kèm với những dấu hiệu bất thường thì đây có thể không phải là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe.

    Tuy nhiên, nếu tình trạng trễ kinh không xảy ra ở những những đối tượng như nữ giới trong thời kỳ dậy thì, mãn kinh hoặc mang thai, đây có thể cảnh báo một vấn đề sức khỏe bạn nên chú ý. Đặc biệt, tình trạng chậm kinh diễn ra thường xuyên và kéo dài cũng có thể liên quan đến một số vấn đề sức khỏe và khả năng sinh sản của nữ giới.

    Nguyên nhân trễ kinh 1 tháng

    Bỗng dưng không có kinh nguyệt 1 tháng là do đâu? 1 tháng không có kinh nguyệt có sao không? Vì sao chậm kinh 1 tháng sau khi quan hệ? Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng chậm kinh 1 tháng, chẳng hạn như:

    1. Mang thai
    2. Căng thẳng
    3. Ăn kiêng và tập thể dục cường độ cao 
    4. Sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố
    5. Buồng trứng đa nang
    6. Vấn đề về tuyến giáp
    7. Mãn kinh sớm
    8. Các bệnh lý khác…

    Để xác định chính xác nguyên nhân bị chậm kinh 1 tháng, bạn nên quan sát dấu hiệu đi kèm với tình trạng chậm kinh. Nếu như tình trạng trễ kinh khiến bạn lo lắng, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện kiểm tra để nhận được chẩn đoán từ bác sĩ.

    1. Nguyên nhân trễ kinh 1 tháng: Mang thai

    chậm kinh 1 tháng do mang thai

    Mang thai là lý do phổ biến cho việc bị trễ kinh 1 tháng, đặc biệt là khi bạn đã quan hệ tình dục không dùng biện pháp tránh thai (bao cao su, thuốc ngừa thai, đặt vòng tránh thai,…).

    Mặc dù trễ kinh thường là dấu hiệu đầu tiên cho thấy phụ nữ có thể mang thai. Song để xác định chính xác, bạn vẫn nên kiểm tra bằng que thử thai hoặc quan sát những biểu hiện có thai khác như:

    Trong trường hợp bạn bị chậm kinh sau khi quan hệ an toàn hoặc khi bạn có sử dụng những biện pháp ngừa thai như: cấy que, đặt vòng, tiêm tránh thai… vẫn có một tỉ lệ rất nhỏ bạn có thể mang thai hoặc mang thai ngoài tử cung. Vì vậy, tốt nhất hãy thử thai và đi khám trong trường hợp này.

    2. Nguyên nhân trễ kinh 1 tháng: Căng thẳng

    Trễ kinh 1 tháng có thể là do một số vấn đề về tâm lý hoặc do căng thẳng kéo dài. Tiến sĩ Kollikonda từ Cleveland Clinic cho biết: “Khi bị căng thẳng, cơ thể sẽ sản sinh ra hormone cortisol. Nội tiết tố này có thể dẫn đến chậm kinh nguyệt. Đặc biệt, nếu căng thẳng liên tục, bạn có thể không có kinh trong một thời gian dài.”

    Những triệu chứng căng thẳng quá mức có thể dẫn đến trễ kinh gồm có:

    • Lo lắng và kích động
    • Tâm trạng thất thường, khó chịu hoặc tức giận
    • Cảm thấy choáng ngợp
    • Cảm thấy cô đơn và cô lập

    Vậy 1 tháng không có kinh nguyệt do căng thẳng phải làm sao? Điều bạn cần để điều hòa kinh nguyệt là giảm mức độ căng thẳng. Một số điều bạn có thể làm như trò chuyện với chuyên gia tâm lý, tập thể dục, ngồi thiền, cải thiện giấc ngủ…

    3. Ăn kiêng và tập thể dục cường độ cao 

    Trong nhiều tình huống, việc trễ kinh 1 tháng có thể là do bạn đang ăn kiêng quá mức hoặc tập thể dục cường độ cao. Lúc này, cơ thể sẽ ngừng sản xuất hormone cần thiết cho quá trình rụng trứng. Hơn nữa, bạn cũng có thể bị chậm kinh nếu:

    • Bị rối loạn ăn uống, chẳng hạn như chán ăn hoặc mắc chứng cuồng ăn.
    • Giảm cân nhanh trong một khoảng thời gian ngắn.
    • Luyện tập thể dục cường độ cao thường xuyên.

    Ngoài ra, tình trạng thừa cân béo phì cũng có thể khiến bạn trễ kinh. Theo chuyên gia, hãy tìm sự hỗ trợ từ chuyên gia dinh dưỡng nếu chỉ số khối cơ thể (BMI) của bạn dưới 18,5 hoặc trên 30.

    4. Chậm kinh 1 tháng do biện pháp tránh thai nội tiết tố

    1 tháng không có kinh nguyệt có sao không

    Nhiều chị em thường thắc mắc dùng thuốc tránh thai 1 tháng không có kinh nguyệt có sao không? Theo các chuyên gia, thuốc tránh thai có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến trễ kinh 1 tháng. Tuy nhiên, điều này không xảy ra với tất cả các loại thuốc tránh thai và không phải là hiện tượng nguy hiểm. Bạn có thể bị chậm kinh nếu sử dụng những biện pháp tránh thai như:

    • Thuốc tránh thai chỉ chứa progestogen (POP)
    • Thuốc tránh thai kết hợp
    • Vòng tránh thai nội tiết (IUS)
    • Cấy que tránh thai
    • Tiêm tránh thai

    Tình trạng này thường không nguy hiểm vì kinh nguyệt sẽ trở lại khi bạn ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai này. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ khi bạn có ý định sử dụng những biện pháp tránh thai nội tiết tố có chứa progestin hoặc kết hợp progestin và estrogen.

    5. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

    Trễ kinh 1 tháng có thể là một trong những triệu chứng của buồng trứng đa nang. Để xác định chính xác việc chậm kinh là do buồng trứng đa nang hay do những nguyên nhân khác, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra. 

    Sau đây là một số triệu chứng thường gặp của buồng trứng đa nang mà bạn có thể tự quan sát:

    • Trễ kinh, kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt rất nhẹ
    • Lông trở nên rậm hơn, đặc biệt là ở vùng ngực, bụng và lưng
    • Da trở nên sẫm màu ở các vùng: sau cổ, nách và dưới ngực
    • Tăng cân, đặc biệt là quanh bụng
    • Xuất hiện mụn trứng cá
    • Da trở nên nhờn hơn
    • Khô âm đạo

    6. Vấn đề về tuyến giáp

    Việc tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc hoạt động kém (suy giáp) có thể dẫn đến trễ kinh 1 tháng. Các vấn đề về tuyến giáp không chỉ khiến kinh nguyệt không đều mà còn có thể khiến phụ nữ mất kinh (vô kinh). Vì thế, đôi khi triệu chứng này của bệnh tuyến giáp bị nhầm lẫn với thời kỳ mãn kinh. Để xác định cụ thể tình trạng bệnh, bạn cần đến bệnh viện kiểm tra.

    7. Mãn kinh sớm

    chậm kinh 1 tháng do mãn kinh sớm

    Trong thời kỳ mãn kinh, kinh nguyệt có thể ít xuất hiện thường xuyên hơn do nồng độ estrogen và quá trình rụng trứng bắt đầu giảm. Sau thời kỳ mãn kinh, kinh nguyệt của nữ giới sẽ dừng lại hoàn toàn.

    Nếu các triệu chứng tiền mãn kinh (bao gồm trễ kinh 1 tháng thường xuyên) bắt đầu trước 40 tuổi, bạn có thể bị tiền mãn kinh sớm. Nếu không được can thiệp điều trị, bệnh lý này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản của nữ giới.

    Bạn có thể quan tâm:

    8. Các bệnh lý khác

    Phụ nữ 1 tháng không có kinh nguyệt có sao không? Câu trả lời lời là “có thể”. Một số vấn đề sức khỏe mãn tính, đặc biệt là bệnh celiactiểu đường, đôi khi liên quan đến kinh nguyệt không đều hoặc trễ kinh 1 tháng. Ngoài ra, một số tình trạng mãn tính có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới, bao gồm:

    • Khối u tuyến yên
    • Bệnh về tuyến thượng thận
    • U nang buồng trứng
    • Rối loạn chức năng gan

    Ngoài ra, tác dụng phụ của một số loại thuốc như: thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc tuyến giáp, thuốc chống co giật, một số loại thuốc hóa trị liệu… cũng có thể dẫn đến chậm kinh, rối loạn kinh nguyệt. Nếu bạn đang điều trị bệnh, hãy thông báo cho bác sĩ điều trị về vấn đề này để được hỗ trợ y tế phù hợp.

    Trễ kinh 1 tháng nên làm gì? Khi nào nên đi khám?

    trễ kinh 1 tháng

    Không ít phụ nữ băn khoăn không biết 1 tháng không có kinh nguyệt phải làm sao. Điều đầu tiên bạn nên làm nếu chậm kinh 1 tháng sau khi quan hệ tình dục là hãy thử thai.

    Trong trường hợp trễ kinh 1 tháng thử que 1 vạch (không mang thai), bạn có thể điều chỉnh một số thói quen và lối sống để điều hòa lại kinh nguyệt:

    • Ăn uống đủ chất, không kiêng khem quá mức
    • Thường xuyên tập thể dục ở cường độ vừa phải
    • Quản lý căng thẳng
    • Ngủ đủ giấc
    • Hạn chế hút thuốc lá, bia rượu
    • Hạn chế chế độ ăn uống quá mặn, nhiều đường và chất tạo ngọt, nhiều dầu mỡ và thực phẩm chế biến sẵn.

    Bạn có thể quan tâm:

    Chậm kinh - Khi nào nên đi khám?

    Nếu bạn trải qua 1 tháng không có kinh nguyệt và lại có thêm những triệu chứng đi kèm khác, bạn nên cẩn trọng và đến bệnh viện kiểm tra. Những tình huống mà bạn nên lưu ý gồm có:
    • Trễ kinh 1 tháng trong 3 kỳ kinh liên tiếp
    • Chảy máu kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày
    • Chảy máu kinh nguyệt nhiều hơn bình thường
    • Đau bụng dữ dội trong kỳ kinh nguyệt
    • Sốt
    • Rụng tóc
    • Đau đầu bất thường
    • Buồn nôn hoặc nôn mửa

    Tóm lại, có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng chậm kinh, kể cả việc trễ kinh 1 tháng ở phụ nữ. Thông thường, chậm kinh không phải vấn đề đáng lo ngại nếu như bạn đang căng thẳng hoặc tăng/ giảm cân quá mức. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những nguyên nhân tiềm ẩn như mất cân bằng nội tiết tố và các vấn đề y tế nghiêm trọng.

    Vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu thấy lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia Cộng đồng sức khỏe phụ nữ của Hello Bacsi để nhận được giải đáp thắc mắc từ đội ngũ chuyên gia và bác sĩ của chúng tôi.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Văn Thu Uyên

    Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


    Tác giả: Trần Cẩm Tú · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo