Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) là một dạng nghiêm trọng của hội chứng tiền kinh nguyệt. Tình trạng này có thể được cải thiện bằng việc thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc.
Từ 20 – 40% phụ nữ trải qua các triệu chứng tiền kinh nguyệt (PMS) từ mức độ trung bình đến nặng. Khoảng 3 – 8% trong số các triệu chứng này khiến nữ giới không thể sinh hoạt như bình thường. Các chuyên gia gọi chúng là rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD).
Sự khác biệt giữa hội chứng tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) và hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) là các triệu chứng của PMDD rất nghiêm trọng và dễ dàng gây nên tình trạng suy nhược. PMDD bao gồm một tập hợp các triệu chứng về thể chất cũng như tâm lý. Chúng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và đe dọa đến sức khỏe tinh thần của người mắc phải.
Do vậy, PMDD là một tình trạng mạn tính cần điều trị khi xảy ra. Phương pháp điều trị có sẵn bao gồm sửa đổi lối sống và dùng thuốc.
Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) là gì hay pmdd là gì?
Rối loạn khó thở tiền kinh nguyệt (PMDD) là một dạng nghiêm trọng hơn của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). PMS gây đầy hơi, đau đầu và căng tức ngực trước kỳ kinh nguyệt khoảng 1- 2 tuần. Trong khi đó, người bị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt có thể có các triệu chứng PMS cùng với sự cáu kỉnh, lo lắng hoặc trầm cảm. Các triệu chứng này cải thiện trong vòng vài ngày sau khi bắt đầu có kinh, nhưng chúng có thể xuất hiện với mức độ nghiêm trọng gây cản trở cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của bạn.
Dấu hiệu hội chứng tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD)
Các triệu chứng của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) tương tự như rối loạn tiền kinh nguyệt (PMS) nhưng có phần nghiêm trọng hơn ở mức độ.
Những dấu hiệu PMDD thường xuất hiện trong tuần trước khi kỳ kinh diễn ra và biến mất trong vài ngày đầu sau khi chu kỳ “đèn đỏ” bắt đầu.
Khi phải chịu đựng các triệu chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD), phái nữ thường không thể sinh hoạt như mọi khi. Tình trạng này có thể ảnh hưởng sâu đến mức bạn cảm thấy dường như mình đang biến thành một con người khác.
Một số dấu hiệu của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt gồm:
- Đau đầu
- Đau lưng
- Bốc hỏa
- Ngất xỉu
- Mất ngủ
- Mau quên
- Chóng mặt
- Dễ bầm tím
- Mệt mỏi nặng
- Tim đập nhanh
- Thị lực thay đổi
- Gặp vấn đề về hô hấp
- Giảm ham muốn tình dục
- Gặp khó khăn khi tập trung
- Khóc và nhạy cảm hơn bao giờ hết
- Co thắt cơ, tê hoặc ngứa ran ở tứ chi
- Hoang tưởng và các vấn đề với hình ảnh bản thân
- Gặp khó khăn khi phải phối hợp nhiều hành động cùng một lúc
- Đầy bụng, cảm giác thèm ăn tăng lên và đi kèm rối loạn tiêu hóa
- Thay đổi tâm trạng, bao gồm cáu kỉnh, hồi hộp, trầm cảm và lo lắng.
Bên cạnh các triệu chứng điển hình trên, bạn cũng có thể gặp phải những dấu hiệu khác, chẳng hạn như:
- Ứ nước: Tình trạng này sẽ dẫn đến đau vú, giảm sản xuất nước tiểu, sưng tay, chân và mắt cá chân hoặc tăng cân tạm thời.
- Vấn đề về da: Mụn trứng cá, viêm và ngứa…
Hầu hết các triệu chứng trên sẽ dẫn đến trạng thái tâm lý lo lắng.
Nguyên nhân rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD)
Hiện nay, nguyên nhân chính xác của PMDD và PMS vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Có ý kiến cho rằng PMDD bắt nguồn từ phản ứng bất thường của não bộ đối với sự dao động của hormone bình thường ở phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu hụt chất serotonin dẫn truyền thần kinh.
Một số phụ nữ có nhiều nguy cơ gặp phải PMDD nếu từng bị trầm cảm sau sinh, rối loạn tâm trạng hoặc trầm cảm.
Chẩn đoán rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Các triệu chứng của PMDD có thể tương tự như các tình trạng khác, vì vậy bác sĩ sẽ cần phải thực hiện kiểm tra thể chất, tìm hiểu tiền sử bệnh và yêu cầu một số xét nghiệm nhất định để loại trừ các tình trạng khác khi chẩn đoán.
Một biểu đồ cũng được sử dụng trong quá trình chẩn đoán để xác định bất kỳ mối tương quan giữa các triệu chứng và chu kỳ kinh nguyệt.
Hướng dẫn từ Sổ tay chẩn đoán và thống kê phiên bản 5 của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA) (DSM-V) yêu cầu các triệu chứng của PMDD phải có mặt trong tối thiểu hai chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp trước khi đưa ra lời chẩn đoán chính xác.
Ngoài ra, bệnh nhân cần phải có ít nhất 5 dấu hiệu được liệt kê bên trên kèm theo tối thiểu 1 triệu chứng dưới đây:
- Cảm giác buồn bã hoặc vô vọng
- Cảm giác lo lắng hoặc căng thẳng
- Thay đổi tâm trạng, nhạy cảm thất thường
- Cảm giác tức giận hoặc cáu kỉnh.
Biện pháp điều trị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Thuốc
Một nhóm thuốc chống trầm cảm mang tên thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) sẽ được kê toa cho những phụ nữ bị PMDD.
Hơn nữa, thuốc giảm đau không kê đơn có thành phần ibuprofen, naproxen hoặc aspirin sẽ giúp giảm đau ngực, chuột rút hoặc những tình trạng khó chịu khác.
Vào năm 2010, FDA đã phê duyệt cho sử dụng thuốc tránh thai có chứa drospirenone và ethinyl estradiol để điều trị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt. Bạn có thể trò chuyện với bác sĩ để xác định liệu việc dùng thuốc tránh thai có phù hợp với cơ thể bạn hay không và sử dụng chúng như thế nào nhằm cải thiện triệu chứng bệnh.
Phẫu thuật
Khi phương pháp điều trị dựa trên thuốc không đạt được hiệu quả, việc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng có thể được xem xét. Mặc dù cắt bỏ buồng trứng đã được chứng minh là làm giảm các triệu chứng của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt, biện pháp này cũng khiến phụ nữ ngừng rụng trứng và bước vào giai đoạn mãn kinh sớm hơn đi kèm với những triệu chứng liên quan.
Do vậy, chọn phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng là một quyết định quan trọng, cần được cân nhắc chu toàn trước khi thực hiện.
Thực phẩm chức năng
Một số chất bổ sung đã được khuyến nghị để điều trị các triệu chứng tiền kinh nguyệt:
- Magiê oxit
- Chiết xuất Chasteberry (trinh nữ châu Âu)
- Dầu hoa anh thảo
- Canxi, vitamin B6, magiê và vitamin E
Các biện pháp thay thế khác
Các biện pháp thay thế có thể được áp dụng nhằm giảm nhẹ triệu chứng rối loạn tiền kinh nguyệt PMDD bao gồm:
- Yoga
- Châm cứu
- Bấm huyệt
- Kích thích thần kinh
- Giảm lượng đường, muối, caffeine và rượu
- Tăng cường hấp thụ đạm và tinh bột phức
- Hoạt động nhẹ nhàng trước khi chu kỳ kinh nguyệt diễn ra một vài ngày
- Tìm các hoạt động thư giãn giúp giảm căng thẳng, chẳng hạn như đọc sách, xem phim, đi dạo hoặc tắm, trò chuyện với bạn bè, người thân…
Các thông tin khác về rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
- Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt ít phổ biến hơn PMS nhưng các triệu chứng nghiêm trọng hơn
- Các triệu chứng xuất hiện nhiều nhất trong nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt
- Các triệu chứng của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt có thể kéo dài cho đến khi mãn kinh.
Hello Bacsi hy vọng rằng với những thông tin được chia sẻ trong bài, bạn đã hiểu hơn về tình trạng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt để từ đó biết cách quản lý và chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
[embed-health-tool-ovulation]