backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

2

Hỏi bác sĩ
Lưu

Kinh nguyệt ra ít nhưng kéo dài có nguy hiểm không và cần làm gì?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 30/08/2021

    Kinh nguyệt ra ít nhưng kéo dài có nguy hiểm không và cần làm gì?

    Bạn đang trải qua một vài kỳ kinh nguyệt ra ít nhưng kéo dài và tình trạng này khiến lo lắng? Bạn băn khoăn không biết sự thất thường này do đâu và bạn cần phải làm gì? Hãy để Hello Bacsi đồng hành cùng bạn giải quyết những băn khoăn này trong bài viết dưới đây nha! 

    Chu kỳ kinh nguyệt là một trong những điểm chỉ quan trọng cho sức khỏe sinh dục và sinh sản của chị em phụ nữ. Việc theo dõi kinh nguyệt hằng tháng sẽ giúp bạn phát hiện kịp thời những kỳ kinh không diễn ra đúng quỹ đạo. Đó có thể là những ngày đèn đỏ kéo dài đầy mệt mỏi nhưng chỉ là những vết kinh nguyệt mờ nhạt. Đâu là nguyên do cho sự thất thường này của kỳ kinh nguyệt hằng tháng? Bạn cần phải làm gì để khắc phục tình trạng này!  

    Thế nào là một kỹ kinh kéo dài?

    Để trả lời cho thắc mắc kỳ kinh nguyệt thế nào thì được xem là kinh nguyệt kéo dài, trước tiên bạn cần biết đâu là một kỳ kinh nguyệt bình thường.

    Kinh nguyệt bình thường

    Kinh nguyệt ở mỗi người là khác nhau. Bạn có thể đánh giá một kỳ kinh bình thường dựa vào quan sát và theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của bản thân. Nhìn chung, ngày đèn đỏ nên kéo dài từ 5-7 ngày và có lượng máu kinh ra khoảng 20-30ml. 

    Kinh nguyệt ra ít nhưng kéo dài 

    Lượng máu và màu sắc của máu kinh là một trong những “chỉ số” dùng để đánh giá và theo dõi sức khỏe sinh sản ở phụ nữ hàng tháng. Nếu như bạn có 1 kỳ kinh dài hơn 8 ngày, đó có thể là dấu hiệu của kỳ kinh kéo dài bất thường. Lượng kinh nguyệt có thể rất nhiều hay rất ít. Đây đều là những biểu hiện của kinh nguyệt không đều. 

    Đối với một số chị em phụ nữ, biểu hiện của kinh nguyệt không đều là thường xuyên có kỳ kinh nguyệt mà máu kinh ra không thấm ướt băng vệ sinh trong nhiều ngày. Điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu liên quan đến nồng độ hormone ở phụ nữ hay cũng có thể nói, đây là tín hiệu của sức khỏe sinh sản phụ nữ đang xảy ra một vài thay đổi. 

    Kinh nguyệt ra ít nhưng kéo dài là do đâu?

    kinh nguyệt ra ít nhưng kéo dài

    Kinh nguyệt ra ít nhưng kéo dài có thể là biểu hiện của một số bệnh lý hay đơn giản là sự thay đổi hormone trong cơ thể do lối sống sinh hoạt hằng ngày bị xáo trộn hoặc các vấn đề sức khỏe như: 

    1. Bệnh tuyến giáp 

    Tuyến giáp hoạt động quá mức trong bệnh cường giáp làm cho cơ thể sản sinh nhiều hormone tuyến giáp hơn và ảnh hưởng đến tim, huyết áp… và thậm chí là chu kỳ kinh nguyệt. Do đó, khi bạn có những kỳ kinh nguyệt ra ít và kéo dài kèm theo mệt mỏi, lo lắng… thì nên đi khám càng sớm càng tốt. 

    2. Tiền mãn kinh

    Kinh nguyệt ra ít nhưng kéo dài và rải rác là dấu hiệu phổ biến ở tuổi tiền mãn kinh do sự mất cân bằng nội tiết đã bắt đầu diễn ra. Nếu bạn đã bước sang tuổi 45 và bắt đầu xuất hiện những kỳ kinh không diễn ra như trước hay mất kinh, đừng quá lo lắng nhưng luôn theo dõi để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường khác mà không phải do mãn kinh. 

    3. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

    PCOS là hội chứng gây mất cân bằng hormon ở nữ giới. Chính sự mất cân bằng hormone này đã khiến cho trứng không thể trưởng thành và rụng trứng. Từ đó, ở những phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang thì dấu hiệu nhận biết đầu tiên là kinh nguyệt không đều với những kỳ kinh quá dài hay quá ngắn, kinh nguyệt ra ít hay rất nhiều. 

    Ngoài ra, bạn có thể nhận ra PCOS với những triệu chứng kèm theo như: 

    • Tăng cân, béo phì 
    • Nhiều lông trên mặt và cơ thể 
    • Nổi mụn.

    4. Tác dụng phụ từ các biện pháp tránh thai 

    kinh nguyệt ra ít nhưng kéo dài

    newsletter banner

    Các phương pháp tránh thai chứa hormone như thuốc uống, miếng dán hay vòng tránh thai đều có thể khiến kinh nguyệt ra ít nhưng kéo dài hay thậm chí là mất kinh. Các biện pháp tránh thai này dựa trên cơ sở ngăn không cho trứng rụng, điều này làm cho trứng không có cơ hội gặp được tinh trùng và thụ tinh. Khi trứng không được giải phóng thì các niêm mạc tử cung cũng sẽ không dày lên và bong tróc, dẫn đến mất kinh hay kinh nguyệt ra ít.

    5. Mang thai 

    Máu báo thai rất dễ bị nhầm lẫn với một kỳ kinh nguyệt ít. Nếu bạn thấy kinh nguyệt ra ít như những đốm máu nhỏ trên quần lót nhưng không kéo dài, chỉ trong vòng 1-2 ngày và đặc biệt là xuất hiện sau khi bạn nhận ra mình bị trễ kinh. Điều này rất có thể là trứng đã thụ tinh và bám vào niêm mạc tử cung gây bong tróc niêm mạc, dẫn đến xuất huyết nhẹ, khiến bạn lầm tưởng là một kỳ kinh nguyệt ra ít. Đây được xem là một trong những dấu hiệu mang thai sớm nhất nhưng lại rất dễ nhầm lẫn.    

    6. Các vấn đề khác 

    Stress

    Căng thẳng quá mức có thể dẫn đến mất cân bằng lượng hormone điều tiết chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ. Stress có thể làm kỳ kinh của bạn trở nên thất thường, mất kinh hay kinh nguyệt ra rất ít nhưng lại kéo dài, rải rác.  

    Thay đổi cân nặng đột ngột 

    Rối loạn ăn uống như chán ăn tâm thần, giảm cân quá mức hay tập thể dục với cường độ cao cũng có thể làm bạn bị mất kinh. Trọng lượng cơ thể và lượng mỡ sẽ có ảnh hưởng lớn đến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. 

    Làm gì khi thấy kinh nguyệt ra ít nhưng kéo dài? 

    • Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt: Bạn có thể sử dụng các phần mềm hay sổ tay theo dõi chu kỳ hàng tháng.
    • Ghi nhận những kỳ kinh nguyệt ra ít nhưng kéo dài: lượng máu, thời gian và màu sắc của kỳ kinh nguyệt bất thường diễn ra thường xuyên sẽ là “manh mối” tốt nhất bạn có thể cung cấp thông tin tốt nhất cho các bác sĩ phụ khoa. 
    • Trả lời cho các câu hỏi trước khi đến gặp bác sĩ phụ khoa: Lần đầu tiên kinh nguyệt của bạn ra ít nhưng kéo dài là khi nào? Điều này có diễn ra thường xuyên không? Bạn có đang mang thai hay sử dụng biện pháp tránh thai nào không? Bạn có các triệu chứng nào khác nhưng chuột rút, đau bụng? Bạn đang dùng thuốc gì?  
    • Thăm khám phụ khoa để biết được điều gì chính xác đang xảy ra với cơ thể bạn. 

    Hiếm khi, kinh nguyệt ra ít nhưng kéo dài là dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm. Nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến khó thụ thai hay vô sinh ở phụ nữ. Do đó, thói quen quan sát và theo dõi kỳ kinh nguyệt hằng tháng là rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe sinh sản của chị em phụ nữ. 

    Hy vọng những thông tin được cung cấp trong bài viết này của Hello Bacsi có thể giúp chị em phụ nữ vượt qua những hoang mang và vững vàng hơn trong việc nâng cao sức khỏe nha!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 30/08/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo