backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tìm hiểu 3 phương pháp chữa cường giáp bằng Đông y

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 13/12/2021

    Tìm hiểu 3 phương pháp chữa cường giáp bằng Đông y

    Cường giáp là một bệnh nội tiết phổ biến, trong đó tuyến giáp hoạt động quá mức và tạo ra nhiều hormone tuyến giáp hơn mức cơ thể cần. Các triệu chứng cường giáp rất phức tạp và vì tình trạng bệnh khó chữa nên việc điều trị có thể kéo dài và có tỷ lệ tái phát cao. Nhiều người tìm đến các phương pháp chữa cường giáp bằng Đông y, và đã đạt được hiệu quả điều trị ngoài mong đợi.

    Bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ tổng hợp ba phương pháp Đông y phổ biến và hiệu quả nhất được sử dụng để chữa cường giáp.

    I. Nguyên nhân gây ra bệnh cường giáp theo Đông y

    Cường giáp được gọi là “bướu cổ’ trong Đông y. Các triệu chứng chính bao gồm tuyến giáp phình to, thèm ăn quá mức, người trông hốc hác, bồn chồn, hồi hộp, không chịu được nhiệt, tăng tiết mồ hôi, run tay và mắt lồi. Theo quan điểm của Đông y, các yếu tố gây bệnh cường giáp chủ yếu liên quan đến cảm xúc, chế độ ăn uống, thể chất và di truyền. Cụ thể, cường giáp được mô tả là sự kết hợp của 3 tình trạng mất cân bằng khác nhau trong cơ thể. Đó là tình trạng thiếu khí (qi) và âm (yin) hư, can hỏa vượng (nóng gan), và đàm thấp ngưng trệ. Khí và âm thiếu hụt là nguyên nhân cơ bản, trong khi các triệu chứng lại là tình trạng dư thừa (nóng gan và ứ đọng đờm).

    Trong Tây y, can hỏa vượng tương ứng với tình trạng tất cả các chức năng của cơ thể tăng cường hoạt động do sự kích thích liên tục của quá nhiều hormone tuyến giáp. Thiếu hụt khí và âm thể hiện sự suy nhược và mệt mỏi của cơ thể do bị kích thích quá mức kéo dài. Sự ứ đọng đàm là do tuyến giáp phình to. Do đó, việc điều trị phải giải quyết đồng thời cả nguyên nhân và triệu chứng.

    II. Nguyên tắc điều trị của phương pháp chữa cường giáp bằng Đông y

    chữa cường giáp bằng Đông y

    Trường Y học Trung Quốc (SCM) gần đây đã tiến hành một nghiên cứu lâm sàng về phương pháp chữa cường giáp bằng Đông y. Kết quả cho thấy việc dùng thuốc Bắc có hiệu quả trong việc cải thiện các triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cường giáp. Với lợi thế trong việc điều chỉnh hệ thống miễn dịch, tỷ lệ hiệu quả tổng thể của phương pháp điều trị này là 88,7%.

    Chữa cường giáp bằng Đông y sử dụng cách tiếp cận được cá nhân hóa để điều trị bệnh. Nghĩa là, Đông y không cung cấp các loại thuốc hoặc liệu pháp tiêu chuẩn hóa cho bệnh tuyến giáp. Việc điều trị bệnh cường giáp hoàn toàn dựa trên nguyên tắc điều trị nguyên nhân và các triệu chứng nhất định của từng bệnh nhân.

    Các phương pháp điều trị cường giáp trong Đông y có thể bao gồm: 

    • Châm cứu
    • Sử dụng thảo dược
    • Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống

    Áp dụng phương pháp châm cứu và sử dụng thảo mộc có thể là phương pháp điều trị hiệu quả giúp điều chỉnh sự mất cân bằng hormone. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt nhất, cần kết hợp chữa cường giáp bằng Đông y với các phương pháp Tây y như dùng thuốc kháng giáp, i ốt phóng xạ… Hãy trao đổi với bác sĩ chính điều trị cường giáp cho bạn về những loại thuốc Đông y mà bác sĩ y học cổ truyền đã đề xuất với bạn. Điều này sẽ giúp bạn tránh khỏi các tác dụng phụ tiềm ẩn hoặc các phản ứng không mong muốn giữa những loại thuốc bạn dùng.

    III. Tìm hiểu về 3 phương pháp chữa cường giáp bằng Đông y hiệu quả và an toàn

    1. Điều trị cường giáp bằng châm cứu

    chữa cường giáp bằng châm cứu

    Châm cứu mô tả việc đâm những cây kim rất mỏng vào da ở những điểm cụ thể trên cơ thể có liên quan đến các đường dẫn khí (qi). Theo Đông y, khí là một năng lượng sinh lực chảy dọc theo kinh mạch, phải được duy trì mạnh mẽ và chảy tự do. Nếu khí yếu hoặc các kinh mạch bị tắc nghẽn, các cơ quan nhất định sẽ không nhận được sự nuôi dưỡng cần thiết và sẽ dẫn đến bệnh tật. Châm cứu giúp điều trị sự gián đoạn của khí, điều chỉnh chức năng tuyến giáp, đưa cơ thể trở lại trạng thái cân bằng. 

    Một số nghiên cứu cho thấy châm cứu kết hợp với bấm huyệt có hiệu quả trong điều trị chứng mắt lồi, thậm chí còn hiệu quả hơn dùng thuốc. Một phát hiện khác chỉ ra rằng việc kết hợp châm cứu và dùng thuốc điều trị cường giáp có thể không chỉ nâng cao hiệu quả điều trị của thuốc mà còn làm giảm các tác dụng phụ. Hội đồng Châm cứu Vương quốc Anh đã chỉ ra một số lợi ích của châm cứu trong việc điều trị cường giáp:

    • Giảm nồng độ hormone tuyến giáp ở bệnh nhân cường giáp
    • Giảm độ nhạy cảm với cơn đau và căng thẳng, cũng như thúc đẩy sự thư giãn bằng cách tác động lên các khu vực cụ thể của não
    • Tăng giải phóng chất adenosine, làm giảm độ nhạy cảm với cơn đau
    • Cải thiện độ cứng cơ và khả năng vận động của khớp bằng cách tăng lưu thông máu trong các mạch máu nhỏ, giúp phân tán sưng tấy 
    • Giảm viêm bằng cách thúc đẩy giải phóng các yếu tố điều hòa miễn dịch và mạch máu

    Các huyệt được tác động trong quá trình điều trị là: đại chùy, bách hội, hợp cốc, nhân nghinh, phong trì, tâm du, tỳ du, thận du, mệnh môn, quan nguyên, khí hải, âm lăng tuyền, tam âm giao, thái khê, túc tam lý, hành gian và các điểm kích hoạt ashi nằm trên cổ (trước và sau). Việc điều trị được thực hiện trong nhà, ở nhiệt độ phòng, với thời gian 30-45 phút.

    2. Các bài thuốc Đông y chữa cường giáp mà bạn có thể tham khảo 

    Thuốc Đông y chữa triệu chứng can hỏa vượng của cường giáp

    Biểu hiện lâm sàng của tình trạng nóng gan là bồn chồn, khó chịu, tăng cảm giác thèm ăn, hồi hộp, lưỡi đỏ, da vàng và mạch nhanh. Để thải độc và thanh nhiệt gan trong quá trình chữa cường giáp bằng Đông y, có thể dùng thuốc sắc từ dành dành (Zhi Zi Qing Gan Tang), gồm:

    • Chi tử (quả dành dành phơi hoặc sấy khô)
    • Mẫu đơn bì (đan bì)
    • Sài hồ
    • Đương quy
    • Bạch thược
    • Phục linh
    • Xuyên khung
    • Ngưu bàng tử 
    • Cam thảo.

    Bài thuốc Đông y chữa chứng khí âm đều hư

    Bài thuốc Đông y chữa chứng khí âm đều hư

    Khi bị thiếu hụt khí và âm, cơ thể sẽ có các dấu hiệu như mệt mỏi, khó thở, khô mắt, hồi hộp, đổ nhiều mồ hôi, rối loạn giấc ngủ, khô miệng, ho khan ít đờm, tiểu tiện ít, run tay, lưỡi đỏ, mạch nhanh… Bài thuốc chữa tình trạng này gọi là “Nhất quán tiễn” (Yi Guan Jian), giúp bồi bổ khí và âm, giải nhiệt gan và điều hòa tim mạch. Các loại thảo dược bao gồm:

    • 30g sinh địa hoàng (sinh địa)
    • 15g sa sâm
    • 15g mạch môn đông
    • 15g sâm đương quy
    • 15g cẩu kỷ tử
    • 8g xuyên luyện tử

    Khí và đàm ngưng trệ

    Người bị tình trạng khí và đàm ngưng trệ sẽ cảm thấy khó chịu, có cảm giác bị đè nén ở ngực, tuyến giáp phình to, chất lưỡi đỏ, mạch nhanh. Khi người bệnh muốn chữa cường giáp bằng Đông y gặp phải những dấu hiệu này, có thể dùng các công thức thảo dược dưới đây, đều giúp giải đờm, điều hòa lưu thông khí và thanh nhiệt gan:

    • Bột sài hồ có tác dụng bổ gan (Chai Hu Shu Gan Tang):
      • 19g sài hồ
      • 19g trần bì
      • 14g xuyên khung
      • 14g hương phụ
      • 14g bạch thược
      • 5g cam thảo rang/nướng
    • Thuốc sắc từ vỏ cây hậu phác và bán hạ Bắc (Ban Xia Hou Po Tang):
      • 28g bán hạ Bắc
      • 26g sinh khương
      • 21g phục linh
      • 16g hậu phác (vỏ)
      • 10g lá tía tô

    Thuốc viên Đông y chữa gan, thận và tim thiếu âm

    chữa cường giáp bằng Đông y

    Biểu hiện lâm sàng của triệu chứng này là khó chịu, mất ngủ hoặc ngủ không sâu, run, người trông hốc hác, khô miệng và cổ họng, lưỡi đỏ, mạch nhanh. Khi gặp phải các triệu chứng như vậy, hai trong số những phương thuốc Đông y chữa cường giáp là:

    • Thuốc viên Thiên vương bổ tâm đan (Tian Wang Bu Xin Dan):
  • 31g sinh địa hoàng (sinh địa)
  • 4g nhân sâm
  • 4g phục linh
  • 4g viễn chí
  • 8g ngũ vị tử
  • 4g huyền sâm
  • 8g bá tử nhân
  • 4g rễ cát cánh
  • 8g thiên môn đông
  • 4g đan sâm
  • 8g toan táo nhân (nhân của hạt táo chua)
  • 8g đương quy
  • 8g mạch môn đông
    • Thuốc viên Tri bá địa hoàng hoàn (Zhi Bai Di Huang Wan)
      • 28g thục địa hoàng (thục địa)
      • 14g sơn thù du
      • 14g hoài sơn (thân rễ của cây củ mài)
      • 10g mẫu đơn bì (đan bì)
      • 10g thân rễ trạch tả khô
      • 10g phục linh
      • 7g tri mẫu
      • 7g hoàng bá

    Bài thuốc Đông y chữa nóng gan, đàm thấp ngưng trệ và thiếu hụt khí và âm

    bài thuốc Đông y chữa cường giáp

    Khi có cả 3 yếu tố mất cân bằng bên trong cơ thể, người bị cường giáp sẽ có các dấu hiệu như sốt nhẹ, nhịp tim nhanh (90-120 nhịp tim mỗi phút), run lưỡi và ngón tay, tuyến giáp phình to, mắt sưng và lồi một hoặc hai bên, hồi hộp hoặc nhịp tim nhanh, mệt mỏi, sụt cân, bồn chồn, cáu kỉnh, nóng nảy, ác cảm với nhiệt, đổ mồ hôi, đói và tăng cảm giác thèm ăn, tăng huyết áp… Lúc này, một trong những cách chữa cường giáp bằng Đông y là sử dụng công thức thảo dược thực nghiệm dành cho bệnh cường giáp, bao gồm các thành phần:

    • Huyền sâm
    • Tri mẫu
    • Chi tử
    • Hạ khô thảo
    • Miết giáp
    • Xuyên ngưu tất (hoài ngưu tất/cỏ xước)
    • Mẫu lệ
    • Triết bối mẫu
    • Viễn chí 
    • Hoàng kỳ 
    • Phòng phong
    • Cam thảo

    Bệnh nhân cường giáp sẽ nhận thấy sự cải thiện đáng kể trong vòng 1 tháng sau khi điều trị bằng thảo dược. Hầu hết các triệu chứng sẽ giảm hoàn toàn trong vòng 3 đến 6 tháng điều trị. Chứng lồi mắt có thể vẫn tồn tại mặc dù đã điều trị bằng thảo dược. Khi cần thiết, các bài thuốc Đông y có thể điều chỉnh tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân.

    3. Thay đổi chế độ ăn uống

    Để cải thiện sức khỏe và tăng cường hệ thống miễn dịch, các thầy thuốc chữa cường giáp bằng Đông y thường tư vấn bệnh nhân thay đổi một số thói quen nhất định và tuân theo lối sống lành mạnh hơn. Cụ thể, người bệnh nên áp dụng một chế độ ăn ít i ốt. Điều này sẽ làm tăng hiệu quả của việc điều trị. Một số thực phẩm mà người bị cường giáp nên tránh bao gồm:

    • Muối i ốt
    • Hải sản
    • Sản phẩm bơ sữa
    • Tránh ăn nhiều thịt bò hoặc thịt gia cầm
    • Lòng đỏ trứng
    • Các sản phẩm từ đậu nành 
    • Rượu, cà phê
    • Đồ chiên rán, thức ăn cay, nóng và béo (để tránh tạo nhiệt, độ ẩm và đàm)

    Tuy nhiên, bệnh nhân cần hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi chuyển sang chế độ ăn ít i ốt để tránh thiếu hụt khoáng chất vi lượng này.

    Hy vọng những thông tin trong bài viết trên của Hello Bacsi đã cho bạn biết được 3 phương pháp phổ biến thường được áp dụng trong quá trình chữa cường giáp bằng Đông y.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 13/12/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo