backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

3 nhóm thuốc điều trị cường giáp mang lại hiệu quả cao

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 28/12/2021

    3 nhóm thuốc điều trị cường giáp mang lại hiệu quả cao

    Thuốc điều trị cường giáp là thuốc giúp bệnh nhân kiểm soát diễn biến và trị bệnh dứt điểm. Cường giáp là một trong những bệnh lý thường gặp ở tuyến giáp. Có 3 nhóm thuốc điều trị cường giáp phổ biến và có hiệu quả trên hầu hết người mắc bệnh cường giáp.

    Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu về thuốc điều trị cường giáp để có nhiều thông tin hữu ích hơn trong quá trình điều trị!

    Sơ lược về thuốc điều trị cường giáp

    Thuốc điều trị cường giáp thường ít có biến chứng nên điều trị bằng thuốc là phương pháp đầu tiên được bác sĩ ưu tiên chỉ định cho bệnh nhân.

    Mỗi loại thuốc có mức độ tác động khác nhau lên cơ thể người bệnh. Ba loại thuốc điều trị cường giáp chính là thuốc kháng giáp, i ốt phóng xạ và thuốc chẹn beta. Trong đó, thuốc kháng giáp ngăn tuyến giáp hoạt động, i ốt phóng xạ có vai trò phá hủy tuyến giáp, còn thuốc chẹn beta sẽ giúp bệnh nhân giảm nhẹ các triệu chứng cường giáp.

    Theo thống kê, có hơn 90% người mắc bệnh cường giáp khỏi bệnh nhờ 1 trong 3 hoặc cả 3 loại thuốc này. Số còn lại không khỏi bệnh vì nhiều nguyên nhân như phát hiện bệnh quá trễ, bệnh đã có biến chứng như lồi mắt, cơn bão giáp…

    Trong đơn thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng để theo dõi hiệu quả điều trị và các tác dụng phụ đi kèm. Vì thế, bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc bên ngoài để tránh các rủi ro sức khỏe cho mình.

    Thuốc kháng giáp giúp điều trị cường giáp

    mô tả tuyến giáp thuốc điều trị cường giáp

    Loại thuốc này có vai trò ngăn chặn tuyến giáp sản xuất thêm hormone nên cũng có khả năng kiểm soát cường giáp. Thuốc sẽ có những tác dụng đầu tiên sau 1-3 tháng sử dụng liên tục. Sau thời gian này, bác sĩ có thể  giảm dần liều lượng cho đến khi bệnh nhân có thể ngưng thuốc hoàn toàn theo liệu trình.

    Bệnh nhân không nên tự ý ngưng thuốc đột ngột khi thấy bệnh bắt đầu thuyên giảm vì điều này có thể làm tăng nguy cơ bị cơn bão giáp. Đây là một biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng.

    Thuốc kháng giáp thuộc họ thionamide gồm 2 loại thường dùng là propylthiouracil và methimazole. Cả 2 loại này đều có công dụng ngăn chặn tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone giáp T3 và T4. Tuy nhiên, chúng cũng có những bất lợi đáng lưu ý trong quá trình điều trị cường giáp.

    ♠ Propylthiouracil (PTU)

    PTU là lựa chọn hàng đầu để điều trị bệnh cường giáp cho phụ nữ mang thai. Nó có nguy cơ sẩy thai rất thấp, thậm chí là không gây ra nguy cơ này ở một số bà bầu mắc bệnh cường giáp.

    Điều bất lợi là nó chỉ có dạng thuốc viên 50mg. Bệnh nhân cần uống 3 liều bằng nhau theo lịch trình 8 tiếng/lần và phải thực hiện đều đặn thì thuốc mới thể hiện tác dụng điều trị.

    Tùy vào mức độ nghiêm trọng và tuổi tác của người bệnh mà bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng từ 100mg đến 600mg để đạt hiệu quả tốt nhất.

    Methimazole

    Thuốc methimazole có thể uống 1 lần, 2 lần hoặc 3 lần mỗi ngày tùy thuộc vào liều lượng bác sĩ chỉ định trên từng bệnh nhân. Thuốc dạng viên loại 5mg và 10mg. Nó có tác dụng nhanh hơn so với PTU.

    Bác sĩ căn cứ vào tình trạng và tuổi tác của bệnh nhân để chỉ định liều lượng phù hợp. Sau khi thuốc có tác dụng, bác sĩ sẽ theo dõi những diễn biến tiếp theo và có thể cho ngừng hẳn theo liệu trình.

    Về lâu dài, cả PTU và methimazole đều sẽ bảo vệ tuyến giáp để bạn có thể kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, bệnh cường giáp rất dễ tái phát khi bệnh nhân tiến đến giai đoạn giảm liều lượng đang dùng. Cả 2 loại thuốc đều có tác dụng trong khoảng 12 tháng sử dụng liên tục. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân phải uống thuốc không ngừng nghỉ trong 12 đến 18 tháng, thậm chí là cả đời. Trong quá trình đó, bác sĩ sẽ cân nhắc đổi phương pháp điều trị nếu bệnh nhân thường xuyên tái phát cường giáp khi giảm liều lượng hoặc gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng.

    Tác dụng phụ của thuốc kháng giáp

    Thuốc ít có phản ứng phụ. Các phản ứng xảy ra ở tỷ lệ 1-3% số người bệnh. Các triệu chứng thường gặp là phát ban, ngứa ngáy, rụng tóc và sốt. Số ít bệnh nhân khác có thể bị buồn nôn, phù, tức ngực, đau nhức xương khớp và đau đầu sau khi dùng thuốc kháng giáp.

    Số hiếm bệnh nhân cũng có thể bị tổn thương gan hoặc giảm bạch cầu đột ngột. Y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân dẫn đến những tác dụng phụ này. Trong thời gian dùng thuốc, nếu bạn bị sốt, cảm cúm hoặc đau họng thì phải đến gặp bác sĩ ngay.

    Dù rất hiếm gặp nhưng chúng để lại hậu quả rất nặng nề, thậm chí khiến bệnh nhân tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đó là lý do vì sao bệnh nhân dùng thuốc điều trị cường giáp phải tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để kịp thời ngăn chặn những rủi ro sức khỏe do thuốc mang lại.

    Uống i ốt phóng xạ

    thuốc điều trị cường giáp

    I ốt phóng xạ được bào chế thành dạng viên. Bác sĩ có thể cho bạn uống tại nhà nhưng nếu không an tâm, bạn hoàn toàn có thể dùng thuốc tại bệnh viện dưới sự giám sát của bác sĩ hoặc nhân viên y tế.

    Theo cơ chế hoạt động tự nhiên, tuyến giáp hấp thụ i ốt phóng xạ để tổng hợp hormone giáp. Sau khi uống i ốt phóng xạ, thuốc vào máu và tuyến giáp bắt lấy các i ốt này. Thay vì dùng để tổng hợp hormone giáp, phóng xạ từ i ốt sẽ dần hủy hoại tuyến giáp làm nó mất hẳn khả năng sản xuất hormone giáp. Từ đó, người bệnh sẽ hết bị cường giáp.

    Thuốc có tác dụng sau khi uống khoảng 6 tháng. Trong thời gian chờ đợi thuốc phát huy công dụng, người bệnh phải dùng thêm thuốc chẹn beta để giảm nhẹ các triệu chứng cường giáp.

    Khoảng 90% bệnh nhân chỉ cần uống 1 liều i ốt phóng xạ duy nhất là khỏi bệnh. Số còn lại cần uống thêm liều thứ 2. Nếu sau 2 liều thuốc bệnh nhân vẫn còn bị cường giáp thì bác sĩ sẽ cân nhắc phương án phẫu thuật để điều trị bệnh dứt điểm.

    Tác dụng phụ của i ốt phóng xạ

    Sau khi uống thuốc, người bệnh thường bị các vấn đề sau:

    • Miệng luôn cảm thấy vị kim loại. Việc này kéo dài trong vài tuần, bạn có thể thêm đường vào thức ăn để có cảm giác ngon miệng hơn.
    • Buồn nôn, nôn: phản ứng này sẽ hết sau 1-2 ngày dùng thuốc.
    • Viêm tuyến nước bọt: bệnh nhân sẽ bị sưng ở 1 hoặc cả 2 bệnh cằm trong vài tuần. Lúc này, người bệnh chỉ cần uống nước chanh pha ít đường để cảm thấy dễ chịu hơn.

    I ốt phóng xạ hủy hoại tuyến giáp để chữa cường giáp nhưng cũng có nhiều khả năng dẫn đến bệnh suy giáp. Bệnh nhân suy giáp cần dùng thêm levothyroxine suốt đời để khỏe mạnh.

    Lưu ý khi uống i ốt phóng xạ

    • Phụ nữ có thai, muốn có thai trong 6 tháng tới hoặc cho con bú không được uống i ốt phóng xạ.
    • Bạn nên ngủ một mình trong 5 đêm đầu tiên sau khi uống thuốc để chất phóng xạ từ hơi thở không làm ảnh hưởng đến người khác.
    • Tránh tiếp xúc với trẻ em trong vòng 1 tuần đầu sau khi dùng thuốc.
    • Uống nhiều nước và tránh ra khỏi nhà trong 3 ngày đầu sau dùng thuốc. Trong thời gian này, bạn cũng không được dùng chung dụng cụ cá nhân (bàn chải, khăn tắm…) với người khác. Giật bồn cầu 2 lần sau khi đi vệ sinh để nước làm sạch chất phóng xạ trong bồn cầu.
    • Rửa tay thường xuyên và vệ sinh cơ thể đều đặn mỗi ngày.

    Thuốc giảm nhẹ triệu chứng cường giáp

    hình ảnh tuyến giáp sau khi dùng thuốc điều trị cường giáp

    Thuốc giảm nhẹ triệu chứng cường giáp còn được gọi là thuốc chẹn beta. Nó giúp bạn kiểm soát triệu chứng bệnh cho đến khi thuốc điều trị chính phát huy công dụng. Những triệu chứng đó thường là đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, run rẩy và rất nhạy cảm với nhiệt độ bên ngoài.

    Bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc chẹn beta ngay sau khi có kết quả chẩn đoán mắc bệnh cường giáp. Ban đầu, bạn được dùng thuốc ở liều thấp nhất rồi tăng dần cho đến khi cơ thể kiểm soát được các triệu chứng cường giáp.

    Các phản ứng phụ thường xuất hiện khi bạn mới dùng thuốc hoặc tăng liều. Trong khi dùng thuốc, nếu bạn thường xuyên thấy đau đầu, chóng mặt hoặc rối loạn tiêu hóa thì phải báo ngay với bác sĩ để tìm nguyên nhân. Nếu những biểu hiện đó xuất phát từ thuốc chẹn beta thì bạn sẽ được bác sĩ điều chỉnh liều dùng hoặc đổi loại thuốc khác phù hợp hơn.

    Lưu ý khi dùng thuốc chẹn beta

    Thuốc chẹn beta có thể không mang lại hiệu quả cho bệnh nhân lớn tuổi mắc bệnh cường giáp. Nếu bạn đang đồng thời điều trị các bệnh khác như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, huyết áp thấp, bệnh liên quan đến đường hô hấp thì phải thông báo cho bác sĩ trước khi dùng thuốc chẹn beta.

    Đặc biệt với những người bị hen suyễn, thuốc chẹn beta có thể làm tăng mức độ trầm trọng của cơn hen hoặc làm tăng tần suất xảy ra cơn hen. Vì thế, có thể bác sĩ sẽ cân nhắc thật kỹ trước khi kê toa thuốc chẹn beta. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ thay thuốc bằng một phương án khác để giúp bệnh nhân vừa giảm nhẹ triệu chứng cường giáp, vừa không gây quá nhiều tác động xấu đến bệnh hen suyễn.

    Người dùng thuốc chẹn beta nên hạn chế hoặc tuyệt đối không sử dụng nước ép bưởi để không làm ảnh hưởng đến cơ chế hoạt động của thuốc. Ngoài ra, chất chẹn beta trong thuốc cũng có thể khiến cơ thể bạn trở nên quá nhạy cảm với thời tiết, nhiệt độ môi trường. Vì thế, trong thời gian dùng thuốc, bạn cũng nên cố gắng bảo vệ sức khỏe cho da khỏi các vấn đề như phát ban, dị ứng, cháy nắng…

    Cường giáp là bệnh khó điều trị và đòi hỏi thời gian chữa bệnh lâu dài. Tuy nhiên, nếu bạn tuân thủ nghiêm túc mọi hướng dẫn của bác sĩ ở bất kỳ phương pháp điều trị nào thì bệnh sẽ nhanh chóng có những chuyển biến tích cực.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 28/12/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo