backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

8 nguyên nhân gây mất ngủ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 28/07/2020

    8 nguyên nhân gây mất ngủ

    Mất ngủ thường xuyên có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và thể chất của bạn. Vậy tại sao chúng ta lại bị mất ngủ? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nguyên nhân cũng như cách khắc phục để nâng cao sức khỏe của bản thân.

    Có gần một nửa dân số trên thế giới không ngủ đủ giấc. Nguyên nhân có thể đến từ môi trường, sinh hoạt, thói quen hoặc do ảnh hưởng của thuốc và bệnh. Sau đây là 8 nguyên nhân phổ biến gây ra chứng mất ngủ và cách khắc phục chúng.

    1. Sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ

    nguyên nhân mất ngủ

    Nội tiết tố melatonin điều hòa giấc ngủ rất nhạy cảm với ánh sáng. Cho nên khi sử bạn sử dụng điện thoại vào buổi tối, bộ não nghĩ rằng ánh sáng nhân tạo từ màn hình điện thoại là ánh sáng ban ngày. Vì vậy, cơ thể sẽ không sản xuất ra melatonin dẫn đến tình trạng mất ngủ.

    Ngoài ra, theo nghiên cứu của Joseph Chandler, tiến sĩ tâm lý tại Đại học Birmingham: “Phương tiện truyền thông xã hội có xu hướng mang lại căng thẳng làm ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ của bạn”, nên việc sử dụng điện thoại để lướt web, đọc báo, xem phim hoặc sử dụng các trang mạng xã hội trước khi ngủ không phải là ý kiến hay.

    Cách khắc phục

    Tắt tất cả các thiết bị kỹ thuật số bao gồm cả điện thoại di động, máy tính và tivi ít nhất một giờ trước khi đi ngủ.

    Tốt nhất, bạn không nên để điện thoại gần giường, vì bạn sẽ có xu hướng muốn kiểm tra điện thoại trước khi đi ngủ hoặc tệ hơn là vào lúc nửa đêm.

    2. Đi ngủ không đúng giờ

    Ngủ vào những thời gian khác nhau sẽ làm rối loạn nhịp sinh học của cơ thể. Điều đó sẽ khiến bạn khó ngủ hơn và gây ra choáng váng vào mỗi sáng thức dậy.

    Cách khắc phục

    Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày có thể giúp thiết lập “đồng hồ sinh học’ chuẩn cho bản thân, vì vậy hãy cố gắng để những thời điểm đó khác nhau không quá 30 đến 40 phút.

    3. Sử dụng cà phê vào mỗi buổi chiều

    Caffeine có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe và giúp tinh thần bạn tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, chất này cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ hoặc khiến bạn căng thẳng và lo âu, đặc biệt khi bạn nhạy cảm với caffeine hay khi dùng quá nhiều.

    Với những người có thói quen sử dụng cà phê thường xuyên sẽ hay có xu hướng sử dụng cà phê vào mỗi buổi chiều. Việc uống cà phê vào thời gian này sẽ làm cho cơ thể hưng phấn và tỉnh táo gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.

    Cách khắc phục

    Hầu hết các caffeine sẽ hoàn toàn đào thải ra khỏi cơ thể sau 7 giờ. Do đó, nên sử dụng cà phê ít nhất là 5 tiếng trước khi đi ngủ và sớm hơn nếu bạn bị nhạy cảm với caffeine.

    4. Uống các loại nước trước khi đi ngủ

    Uống nước trước khi đi ngủ thường rất tốt cho cơ thể. Ngoài ra, một vài loại thức uống có thể giúp bạn thư giãn. Tuy nhiên, có một vấn đề xảy ra là khi bạn uống nước quá nhiều trước trước khi ngủ sẽ dẫn đến việc đi tiểu vào ban đêm, gây gián đoạn giấc ngủ và rất khó để ngủ trở lại.

    Cách khắc phục

    Chỉ nên uống khoảng một ly nước trước khi ngủ nếu bạn là phụ nữ, tối đa hai ly nếu bạn là đàn ông. Điều này không chỉ tốt cho giấc ngủ mà còn cho sức khỏe nói chung. Không nên uống bia, rượu trong vòng 2 tiếng trước khi lên giường.

    5. Giường ngủ

    Giường ngủ không thoải mái là nguyên nhân của sự khó chịu, khiến bạn không thoải mái dẫn đến khó ngủ.

    Hoặc, ngay cả người nằm bên cạnh bạn cũng có thể là nguyên nhân gây ra sự mất ngủ. Họ có thể vô ý làm phiền giấc ngủ của bạn bởi tiếng ngáy hay mỗi khi cựa mình.

    Cách khắc phục

    Thay đổi một chiếc giường khác là phương pháp tối ưu nhất trong trường hợp này. Hãy lựa chọn một chiếc giường êm ái phù hợp và thoải mái với bạn. Nếu người nằm kế bạn chiếm quá nhiều không gian trên giường ngủ, bạn nên xem xét việc thay một chiếc giường lớn hơn.

    6. Phòng ngủ quá nóng hoặc quá sáng

    Một căn phòng mát mẻ sẽ làm giảm nhiệt độ cơ thể một cách tự nhiên khi bạn ngủ. Nếu căn phòng của bạn quá nóng, cơ thể sẽ khó hạ nhiệt gây ra bồn chồn và mất ngủ.

    Tương tự như vậy, căn phòng quá sáng sẽ làm cho cơ thể bạn không thể tiết ra hoặc tiết rất ít nội tiết tố melatonin, khiến bạn tỉnh táo và khó ngủ. Căn phòng càng tối, bộ não của bạn càng dễ đi vào giấc ngủ.

    Cách khắc phục

    Nhiệt độ phòng lý tưởng là từ 25 – 27 độ C. Nhiệt độ quá 27 độ C hoặc dưới 25 độ C sẽ khiến cơ thể bạn khó chịu và trằn trọc cả đêm. Vào mùa hè, khi thời tiết quá nóng, điều hòa hoặc quạt là giải pháp cho bạn.

    Bạn cũng nên sử dụng rèm cửa để che bớt ánh sáng bên ngoài đi vào phòng ngủ, và tốt nhất khi ngủ nên tắt hết tất cả các đèn, kể cả đèn ngủ.

    7. Bạn bị stress

    Nếu bạn có quá nhiều mối quan tâm, suy nghĩ trước khi lên giường, sẽ rất khó để bạn đi vào giấc ngủ.

    Cách khắc phục

    Thư giãn trước khi đi ngủ ngay cả vào những ngày bạn không bị căng thẳng.

    Tắm hoặc đọc một cuốn sách trước khi ngủ là những cách đơn giản nhất để thư giãn. Ngoài ra, thiền cũng có thể làm dịu tâm trí của những người khó ngủ.

    Tưởng tượng khung cảnh khiến cho bạn vui vẻ, thoải mái hoặc hình dung ra những cảnh quan, âm thanh, mùi thơm và hương vị mà bạn muốn thưởng thức trước khi ngủ cũng giúp xoa dịu sự căng thẳng.

    8. Tiếng ngáy của người khác

    nguyên nhân mất ngủ

    Nguyên nhân dẫn đến mất ngủ mà đa số chúng ta không nghĩ tới đó là sự ảnh hưởng của người ngủ chung giường, một trong số đó là tiếng ngáy.

    Tiếng ngáy thường gây khó chịu cho người khác. Tuy nhiên, người ngủ ngáy thường không hề hay biết mình đang “sản sinh” ra âm thanh đó.

    Bạn có thể đã quen với tiếng ngáy đó, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.

    Cách khắc phục

    Khuyên bạn đời của bạn đến gặp bác sĩ. Ngáy to có thể là một dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ do hô hấp tắc nghẽn dẫn đến nghẹt, mỗi lần kéo dài từ vài giây đến vài chục giây, thậm chí có thể đến vài phút gây nguy hiểm cho sức khỏe.

    Ngoài ra, bạn có thể giảm thiểu tiếng ồn của người bên cạnh bằng một số cách như đeo nút bịt tai, nghe nhạc hoặc ngủ trong một phòng riêng biệt.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 28/07/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo