backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Men gan cao: Nhận biết sớm để điều trị và phòng ngừa

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 10/05/2021

    Men gan cao: Nhận biết sớm để điều trị và phòng ngừa

    Men gan cao là dấu hiệu cảnh báo nhiều nguyên nhân tiềm ẩn liên quan đến sức khỏe của gan. Việc nhận biết được triệu chứng cụ thể sẽ giúp bạn điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

    Men gan cao có thể là dấu hiệu cho thấy gan của bạn đang hoạt động bất thường. Điều này xảy ra khi các tế bào gan bị tổn thương hoặc bị viêm sẽ giải phóng các enzyme vào máu. Bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra người bệnh men gan cao nếu có các triệu chứng của tình trạng điển hình gây tổn thương gan.

    Các loại men gan tăng cụ thể thường thấy nhất là:

    • Alanine transaminase (ALT)
    • Aspartate transaminase (AST)
    • Phosphatase kiềm (ALP)
    • Gamma-glutamyl transpeptidase (GGT)

    Bạn hãy cùng tìm hiểu về các nguyên nhân gây men gan cao, triệu chứng, cách điều trị của từng tình trạng và phòng ngừa bệnh với thực phẩm giúp hạ men gan nhé!

    Nguyên nhân men gan cao

    Nguyên nhân men gan cao

    Nếu kết quả xét nghiệm máu của người bệnh cho thấy men gan tăng cao, bác sĩ sẽ bắt đầu kiểm tra các nguyên nhân tiềm ẩn có thể xảy ra. Điều này được thực hiện bằng cách chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu cùng với việc hỏi về lối sống và thói quen ăn uống.

    Tình trạng men gan tăng cao thường không gây triệu chứng, các triệu chứng mà người bệnh gặp phải là do các nguyên nhân gây tăng men gan. Dưới đây một số nguyên nhân phổ biến của men gan cao và các triệu chứng điển hình bao gồm:

    1. Bệnh gan nhiễm mỡ

    Bệnh gan nhiễm mỡ xảy ra khi chất béo tích tụ trong gan. Nếu sự tích tụ này là do tiêu thụ rượu, được gọi là bệnh gan nhiễm mỡ do rượu. Khi rượu không phải là yếu tố gây bệnh, sự tích tụ chất béo trong gan được gọi là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Những người mắc hội chứng chuyển hóa có nguy cơ bệnh NAFLD cao hơn.

    Bệnh gan nhiễm mỡ đôi khi có thể gây ra mệt mỏi và đau ở bên phải của bụng, nhưng thường không gây ra triệu chứng. Bác sĩ có thể kiểm tra về tình trạng rối loạn sử dụng rượu hoặc hội chứng chuyển hóa để chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ.

    2. Hội chứng chuyển hóa

    Hội chứng chuyển hóa là tên một nhóm bệnh xảy ra đồng thời và có khả năng dẫn đến bệnh động mạch vành, đột quỵ hoặc tiểu đường tuýp 2. Các triệu chứng của tình trạng này bao gồm:

    • Thừa cân
    • Huyết áp cao
    • Cholesterol cao
    • Đường trong máu cao

    Bác sĩ có thể xem xét các triệu chứng này ở người bệnh để chẩn đoán nguyên nhân gây men gan cao.

    3. Viêm gan

    Viêm gan là tình trạng mắc phải một loại virus dẫn đến viêm gan. Có một số chủng viêm gan khác nhau, có tên là A, B, C, D và E. Tuy nhiên, triệu chứng của tất cả các chủng thường tương tự nhau.

    Các triệu chứng viêm gan thường gặp bao gồm:

  • Sốt
  • Mệt mỏi
  • Ngứa da
  • Buồn nôn
  • Đau bụng
  • Đau khớp
  • Ăn không ngon
  • Vàng mắt và da
  • Đau nhức cơ bắp
  • Nước tiểu sậm màu
  • 4. Rối loạn sử dụng rượu hoặc ma túy

    Việc uống quá nhiều rượu hoặc sử dụng thuốc bất hợp pháp có thể dẫn đến viêm hoặc tổn thương gan. Các triệu chứng của viêm gan do rượu và nhiễm độc cũng tương tự như các chủng viêm gan khác.

    Nếu người bệnh đang gặp phải các triệu chứng rối loạn do sử dụng rượu hoặc ma túy, bác sĩ có thể kiểm tra nồng độ men gan, đồng thời đưa ra các hình thức điều trị và hỗ trợ khác nhau.

    5. Xơ gan

    Xơ gan là một loại tổn thương gan. Người bệnh xơ gan có thể bị sẹo gan vĩnh viễn và khiến gan không thể hoạt động đúng chức năng bình thường. Tình trạng này cuối cùng có thể dẫn đến suy gan.

    Các triệu chứng xơ gan bao gồm mệt mỏi và ngứa da. Nếu người bệnh bị viêm gan hoặc bệnh gan nhiễm mỡ sẽ có nguy cơ cao mắc phải xơ gan. Bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng này thông qua kiểm tra nồng độ men gan của người bệnh.

    Nguyên nhân phổ biến nhất của men gan cao là do bệnh gan nhiễm mỡ. Nghiên cứu cho thấy 25 – 51% người có men gan tăng cao mắc phải tình trạng này. 

    Các yếu tố ít phổ biến khác gây ra men gan cao bao gồm:

    • Bệnh celiac
    • Ung thư gan
    • Bệnh Wilson
    • Viêm gan tự miễn
    • Nhiễm trùng huyết
    • Bạch cầu đơn nhân
    • Viêm đa cơ (polymyositis)
    • Nhiễm virus Epstein-Barr (Một loại mụn rộp)
    • Hemochromatosis (Rối loạn hấp thụ quá nhiều chất sắt)
    • Một số loại thuốc bao gồm một số thuốc giảm đau và thuốc nhóm statin

    Xét nghiệm men gan cao

    Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm máu nhằm kiểm tra nồng độ men gan tăng cao. Người bệnh có thể phát hiện men gan cao thông qua nồng độ AST và ALT tăng, đây là các enzyme mà gan giải phóng khi bị viêm hoặc tổn thương.

    Nếu bác sĩ thấy rằng tình trạng tăng mức AST hoặc ALT, họ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu hơn để xác định nguyên nhân cơ bản cụ thể. Các tỷ lệ của AST so với ALT khác nhau có thể chỉ ra các nguyên nhân cơ bản riêng biệt.

    Cách điều trị men gan cao

    điều trị men gan cao

    Việc điều trị men gan cao sẽ tập trung vào khả năng kiểm soát tình trạng cơ bản gây tăng men gan. Các phương pháp điều trị cho một số nguyên nhân phổ biến làm tăng nồng độ AST hoặc ALT bao gồm:

    1. Bệnh gan nhiễm mỡ

    Đối với trường hợp gan nhiễm mỡ không do rượu, bác sĩ có thể khuyên người bệnh thực hiện thay đổi lối sống để giảm cân, chẳng hạn như:

    • Tập thể dục nhiều hơn
    • Cố gắng đốt cháy nhiều calo hơn mức tiêu thụ
    • Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh
    • Cân nhắc tìm đến chuyên gia dinh dưỡng hoặc huấn luyện viên tập luyện để hỗ trợ xây dựng kế hoạch giảm cân hiệu quả
    • Nếu người bệnh gan nhiễm mỡ do uống rượu, bạn nên gặp bác sĩ để được hỗ trợ lên kế hoạch cụ thể trong việc hạn chế lượng rượu tiêu thụ

    2. Hội chứng chuyển hóa

    Một số phương pháp điều trị hội chứng chuyển hóa bao gồm:

    • Giảm cân
    • Tập thể dục nhiều hơn
    • Giảm mức độ căng thẳng
    • Kiểm soát lượng đường trong máu
    • Có chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh

    Để có thể kiểm soát căng thẳng hiệu quả, bạn có thể thực hiện một số thay đổi lối sống bao gồm: tập thể dục, yoga, viết nhật ký, tránh ôm đồm công việc, nghe nhạc…

    3. Viêm gan

    Phương pháp điều trị viêm gan tùy thuộc vào việc đây là tình trạng cấp tính hay mãn tính. Bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị sau đây cho viêm gan cấp tính:

    • Tránh dùng rượu
    • Bổ sung nhiều nước
    • Nghỉ ngơi tại giường

    Để điều trị viêm gan lâu dài thường bao gồm việc kết hợp sử dụng thuốc kháng virus.

    4. Rối loạn sử dụng rượu hoặc ma túy

    Phương pháp điều trị rối loạn sử dụng rượu hoặc ma túy bao gồm:

    • Thuốc điều trị
    • Nhóm người hỗ trợ
    • Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT)

    Nếu tình trạng rối loạn sử dụng rượu hoặc ma túy gây ảnh hưởng đến các vấn đề về sức khỏe hoặc tác động tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của bạn, bạn nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn hợp lý.

    5. Xơ gan

    Xơ gan là tổn thương gan vĩnh viễn, vì vậy không phải lúc nào cũng có thể điều trị được. Tuy nhiên, việc điều trị có thể tập trung vào các nguyên nhân cơ bản gây tổn thương gan, bao gồm nghiện rượu, viêm gan siêu vi B, C và bệnh gan nhiễm mỡ.

    Các phương pháp điều trị xơ gan bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, giảm cân và giảm tiêu thụ rượu để có thể làm giảm nguy cơ tổn thương gan. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời các tình trạng ảnh hưởng đến gan có thể giúp bạn ngăn ngừa xơ gan.

    Thực phẩm hạ men gan

    thực phẩm hạ men cao

    Bên cạnh việc điều trị y tế, bạn có thể cân nhắc bổ sung thêm một số loại thực phẩm hạ men gan để phòng ngừa nguy cơ bệnh tiến triển nặng:

    • Cà phê: có khả năng ngăn ngừa tích tụ chất béo và collagen trong gan, làm giảm viêm và tăng hàm lượng glutathione (chất chống oxy hóa) trong cơ thể nhằm giảm tổn thương tế bào.

    • Bưởi: là một nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tự nhiên với hai hoạt chất chống oxy hóa được tìm thấy nhiều nhất là naringenin và naringin. Chúng có công dụng bảo vệ gan khỏi tổn thương từ những gốc tự do và giảm viêm.

    • Nho: đặc biệt là nho đỏ và nho tím với nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe, phổ biến nhất là resveratrol giúp giảm viêm, ngăn ngừa tổn thương và tăng hiệu quả của việc chống oxy hóa.

    • Cá béo: chẳng hạn như cá hồi hay cá thu, với thành phần chính là axit béo omega-3 – một loại chất béo lành tính có công dụng giảm viêm hỗ trợ ngăn ngừa chất béo tích tụ, duy trì mức enzyme bình thường và cải thiện tình trạng kháng insulin.

    • Dầu ô liu: là một chất béo lành mạnh giúp mang lại tác động tích cực đến sức khỏe tim cũng như quá trình trao đổi chất. Nghiên cứu cho thấy việc sử dụng dầu ô liu có thể giúp giảm tích lũy chất béo trong gan, cải thiện độ nhạy insulin và cải thiện men gan trong máu.

    • Các loại hạt: có chứa nhiều chất béo, chất xơ và chất dinh dưỡng, bao gồm vitamin E và hoạt chất chống oxy hóa giúp mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, đặc biệt là tim và chức năng gan.

    Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn hiểu hơn về các nguyên nhân gây men gan cao, triệu chứng, cách điều trị của từng tình trạng và các thực phẩm giúp phòng ngừa bệnh tiến triển. Men gan cao thường chỉ là dấu hiệu tạm thời, nồng độ men gan có thể trở lại bình thường một cách nhanh chóng nếu bạn tuân theo đúng kế hoạch điều trị của bác sĩ.

    Hoàng Trí HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 10/05/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo