backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Những điều bạn cần biết về thuốc giãn cơ

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Phạm Thuỳ Thu Hà · Dược · Nhà thuốc Bảo Anh


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 31/08/2021

    Những điều bạn cần biết về thuốc giãn cơ

    Thuốc giãn cơ (thuốc thư giãn cơ) là loại thuốc điều trị tình trạng co thắt cơ hoặc co cứng cơ. Thuốc được kê đơn nhằm giúp giảm đau và bớt khó chịu cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, cũng có nhóm thuốc giãn cơ không cần kê đơn, bệnh nhân có thể mua tại nhà thuốc để điều trị đau nhức có liên quan đến cơ.

    Co thắt cơ (còn gọi là chuột rút) là tình trang cơ bị co thắt đột ngột, không chủ động. Nguyên nhân có thể là do căng cơ quá nhiều và dẫn đến đau cơ. Co thắt cơ liên quan đến các tình trạng như đau lưng dưới, đau vùng cổ, cứng khớp vai , hội chứng cổ, viêm quanh khớp vai hay đau thắt lưng đau cơ do xơ hóa.

    Mặc khác, co cứng cơ là một dạng co thắt cơ liên tục gây ra căng cơ, có thể gây trở ngại cho việc đi bộ, nói chuyện hay vận động bình thường. Nguyên nhân do tổn thương các bộ phận của não hoặc tủy sống liên quan đến vận động. Các tình trạng có thể gây ra co cứng cơ bao gồm: đau lưng và co cứng cơ các chi trong các bệnh lý não tủy, bệnh đa xơ cứng, bại nãoxơ cứng cột bên teo cơ.

    Co thắt và co cứng cơ được điều trị bằng những nhóm thuốc giãn cơ khác nhau. Cụ thể như thế nào, mời bạn đọc cùng Hello Bacsi tìm hiểu tiếp qua những thông tin dưới đây:

    Các thuốc giãn cơ điều trị co thắt cơ bắp

    Thuốc chống co thắt kê đơn: giãn cơ vân tác động trung ương (SMRs)

    Các thuốc chống co thắt SMRs tác động vào hệ thần kinh trung ương, tạo ra tác dụng an thần hoặc ngăn chặn các dây thần kinh gửi tín hiệu đau lên não. Nhờ đó, cơ được thư giãn và giảm cảm giác đau.

    Bạn chỉ nên sử dụng các thuốc giãn cơ 2 – 3 tuần vì việc sử dụng thuốc lâu dài hơn vẫn chưa biết có đảm bảo an toàn hay không.

    Mặc dù thuốc chống co thắt có thể được dùng để điều trị co thắt cơ, nhưng tác dụng của chúng không cao hơn các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) hoặc acetaminophen (paracetamol) mà còn tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ hơn.

    tác dụng phụ của thuốc giãn cơ

    Các tác dụng phụ phổ biến của thuốc chống co thắt SMRs tác động trung ương bao gồm:

    • Buồn ngủ
    • Chóng mặt
    • Đau đầu
    • Căng thẳng
    • Nước tiểu màu đỏ – tím hoặc màu cam
    • Hạ huyết áp khi đứng

    Bạn nên nói chuyện với bác sĩ về những lợi ích và rủi ro của các loại thuốc này khi dùng điều trị co thắt cơ.

    Nhóm thuốc giãn cơ này gồm có các thuốc: Carisoprodol, chlorzoxazone, cyclobenzaprin, metaxalone, methocarbamol, orphenadrine, tizanidine.

    Một số thuốc chống co thắt như tizanidine có thể được dùng để điều trị chứng co cứng cơ. Tuy nhiên, thuốc chống co cứng không sử dụng để điều trị co thắt cơ.

    Các thuốc không kê đơn

    Điều trị bằng thuốc không kê đơn dành cho những người vừa mới bị co thắt cơ bắp, gây ra bởi các tình trạng như đau lưng dưới cấp tính hoặc nhức đầu căng thẳng. Bạn nên thử phương pháp này trước khi cần đến hai nhóm thuốc giãn cơ kê toa kể trên.

    Lựa chọn điều trị thuốc không cần toa bao gồm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), acetaminophen hoặc kết hợp cả hai. Bác sĩ hoặc dược sĩ có thể giúp bạn lựa chọn một trong các loại này.

    Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs)

    Các thuốc kháng viêm không steroid ngăn chặn cơ thể sản xuất một số chất nhất định gây viêm và đau.

    Các thuốc NSAIDs có ở dạng viên nén, viên nang hoặc hỗn dịch. Chúng cũng có ở dạng viên nhai cho trẻ em. Tác dụng phụ của các loại thuốc này có thể bao gồm đau bụng và chóng mặt.

    Một số loại thuốc kháng viêm không steroid bao gồm:

    • Ibuprofen
    • Naproxen

    Acetaminophen

    Acetaminophen ngăn chặn cơ thể sản xuất ra một số chất gây đau. Acetaminophen có dạng uống viên nén và viên nang phóng thích nhanh, phóng thích chậm; viên nén tan rã dạng uống, viên nhai và các dung dịch uống. Các tác dụng phụ phổ biến của acetaminophen có thể bao gồm buồn nôn và đau bụng.

    Thuốc giãn cơ dùng trong điều trị co cứng cơ

    Thuốc chống co cứng cơ kê đơn

    Thuốc chống co cứng chỉ được sử dụng để điều trị co cứng cơ, không nên sử dụng điều trị co thắt cơ bắp. Những thuốc chống cơ cứng bao gồm:

    • Baclofen được sử dụng để làm giảm co cứng gây ra bởi đa xơ cứng. Cơ chế hoạt động của thuốc chưa được hiểu rõ, nhưng thuốc có thể ngăn chặn các tín hiệu thần kinh từ tủy sống gây ra cơ co cứng. Tác dụng phụ có thể bao gồm buồn ngủ, chóng mặt, suy nhược và mệt mỏi.
    • Dantrolene được sử dụng để điều trị co cứng cơ do tổn thương thần kinh trong chấn thương tủy sống, đột quỵ, bại não hoặc bệnh đa xơ cứng. Nó hoạt động bằng cách tác động trực tiếp lên cơ xương giúp thư giãn cơ bị cứng, giảm đau và giúp bệnh nhân di chuyển dễ dàng hơn. Tác dụng phụ có thể bao gồm buồn ngủ, chóng mặt, choáng và mệt mỏi.
    • Diazepam được sử dụng làm giảm co cứng cơ do viêm, chấn thương. Thuốc hoạt động bằng cách tăng hoạt tính của GABA – một chất dẫn truyền thần kinh giúp ức chế sự co thắt cơ. Diazepam cũng có tác dụng an thần. Tác dụng phụ có thể bao gồm buồn ngủ, mệt mỏi và suy nhược cơ bắp.

    Các thuốc chống co cứng khác

    Bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc khác để điều trị co cứng ngay cả khi trên hướng dẫn sử dụng không có chỉ định này. Các loại thuốc sau đây không thực sự làm giãn cơ, nhưng chúng có thể giúp giảm các triệu chứng của tình trạng co thắt.

    Benzodiazepin

    Benzodiazepinthuốc an thần có thể giúp thư giãn cơ bắp. Thuốc cũng hoạt động bằng cách tăng hoạt tính của GABA tương tự như diazepam kể trên.

    Ví dụ về các benzodiazepin bao gồm:

    Tác dụng phụ của các thuốc benzodiazepin có thể bao gồm buồn ngủ và các vấn đề về cân bằng và trí nhớ. Những loại thuốc này cũng có thể gây quen thuốc, vì vậy cũng cần giảm liều từ từ trước khi ngừng hẳn.

    Clonidine

    Clonidine hoạt động bằng cách ngăn chặn các dây thần kinh gửi tín hiệu đau đến não hoặc tạo ra tác dụng an thần.

    Clonidine không nên sử dụng với các thuốc giãn cơ khác vì sẽ làm tăng nguy cơ mắc tác dụng phụ. Ví dụ như dùng clonidin với tizanidine có thể gây ra huyết áp rất thấp.

    Gabapentin

    Gabapentin là loại thuốc chống co giật thường được sử dụng để làm giảm cơn co cứng cơ. Về cơ chế hoạt động của thuốc này đến nay vẫn chưa được biết rõ.

    Cảnh báo về các loại thuốc giãn cơ kê đơn

    thuốc giãn cơ

    Thuốc giãn cơ như carisoprodol và diazepam có thể gây nghiện thuốc nếu lạm dụng lâu dài. Vì vậy, bạn hãy chắc chắn uống thuốc đúng theo quy định của bác sĩ.

    Thuốc giãn cơ cũng có thể gây ra triệu chứng giống cai nghiện, như co giật hoặc xuất hiện ảo giác. Điều này có thể khắc phục bằng cách giảm liều thuốc từ từ trước khi ngưng hẳn. Bạn không tự ý ngưng thuốc đột ngột, đặc biệt nếu dùng thuốc trong một thời gian dài.

    Ngoài ra, thuốc giãn cơ sẽ ức chế hệ thống thần kinh trung ương, làm cho bạn khó có thể tập trung hoặc giữ tỉnh táo. Trong khi uống thuốc, bạn tránh các hoạt động đòi hỏi sự tỉnh táo hoặc phối hợp như lái xe, trèo cao hoặc sử dụng máy móc hạng nặng.

    Để tránh làm tăng tác dụng phụ, bạn không nên dùng thuốc làm giãn cơ với:

    • Rượu
    • Thuốc giảm đau ức chế thần kinh trung ương như opioid hoặc thuốc hướng thần
    • Thuốc ngủ
    • Các thảo dược bổ sung như men bia St. John

    Hãy nói với bác sĩ nếu bạn: trên 65 tuổi, có một vấn đề sức khỏe tâm thần hoặc rối loạn não, có vấn đề về gan để được tư vấn sử dụng thuốc an toàn.

    Khi nào cần đi khám bác sĩ?

    Thông thường, có thể tự quản lý các triệu chứng co thắt cơ hoặc co cứng cơ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp dưới đây, bạn nên đến gặp bác sĩ:

    • Co cứng lần đầu tiên và không biết nguyên nhân
    • Nhận thấy co cứng cơ ngày càng trầm trọng, xảy ra thường xuyên hơn hoặc làm các hoạt động khó khăn
    • Gặp tình trạng “khớp đóng băng” trong co cứng cơ, làm bệnh nhân rất khó hoặc không thể vận động, gây loét
    • Co thắt cơ nghiêm trọng và thường xuyên
    • Nhận thấy sự biến dạng các bộ phận của cơ thể do co thắt cơ bắp gây ra
    • Gặp tác dụng phụ của thuốc
    • Cảm giác khó chịu hoặc đau tăng lên

    Co thắt cơ nặng, lâu dài không được điều trị có thể dẫn đến co cứng cơ, làm giảm phạm vi chuyển động hoặc làm khớp bị bẻ cong vĩnh viễn. Ngoài ra, co thắt cơ còn có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý tiềm ẩn nào đó.

    Co thắt hoặc co cứng cơ có thể điều trị bằng cách nghỉ ngơi, vật lý trị liệu, thuốc giãn cơ hoặc kết hợp những phương pháp này. Bạn hãy cùng bác sĩ lên kế hoạch điều trị, chăm sóc để giảm đau và giúp bạn di chuyển dễ dàng hơn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Dược sĩ Phạm Thuỳ Thu Hà

    Dược · Nhà thuốc Bảo Anh


    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 31/08/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo