backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Khi ngủ nằm nghiêng bên nào tốt hơn?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 22/09/2022

Khi ngủ nằm nghiêng bên nào tốt hơn?

Chắc hẳn bạn từng nghe nói tư thế ngủ quyết định đến chất lượng giấc ngủ. Thế nhưng, bạn có biết tư thế ngủ cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Vậy khi ngủ nằm nghiêng bên nào tốt hơn? Bạn nên nằm nghiêng bên trái, bên phải hay nằm ngửa là tốt nhất? 

Nếu bạn thắc mắc nằm nghiêng bên nào tốt, hãy đọc tiếp ngay sau đây để tìm lời giải đáp.

Khi ngủ nằm nghiêng bên nào tốt hơn?

Bạn nên nằm nghiêng bên nào khi ngủ để tăng cường chất lượng giấc ngủ? Thực tế, chất lượng giấc ngủ được quyết định qua nhiều yếu tố, trong đó có tư thế khi ngủ. Vậy khi ngủ nằm nghiêng bên nào là tốt nhất?

Các chuyên gia chăm sóc giấc ngủ cho biết nằm nghiêng bên trái là tư thế ngủ tốt nhất nhờ những lợi ích mà nó mang lại so với các tư thế khác.

Trong khi đó, nằm nghiêng bên phải được cho là tư thế ngủ gây nhiều bất lợi cho sức khỏe. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không nên thường xuyên ngủ nghiêng bên phải để tránh gây áp lực lên mạch máu và các cơ quan trong ổ bung, cản trở hoạt động lưu thông máu qua bánh nhau nuôi dưỡng thai nhi. Người bị trào ngược dạ dày hay viêm tá tràng cũng gặp nhiều bất lợi sức khỏe hơn khi nằm nghiêng bên phải.

Nằm ngửa là tư thế ngủ phổ biến nhưng nó vẫn có nhiều nhược điểm. Đặc biệt, người mắc bệnh hen phế quản hoặc chứng ngáy khi ngủ nên hạn chế nằm ngửa để tránh gây hẹp đường thở và giảm lưu lượng oxy trong máu.

Tại sao bạn nên nằm nghiêng bên trái khi ngủ?

Nằm nghiêng bên trái nghi ngủ được xem là tư thế mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhất. Trong đó có 7 lợi ích nổi bật sau đây:

1. Ngủ nghiêng bên trái giúp cải thiện tiêu hóa

“Thật tệ khi ăn trước khi ngủ vì cơ quan tiêu hóa cần quá trình dài để nghỉ ngơi, nếu nạp năng lượng sẽ làm cơ thể tích mỡ”. Bạn thấy lời khuyên này cũng có vẻ đúng? Thật ra không hoàn toàn như vậy! Sau khi ăn, quá trình tiêu hóa vẫn sẽ tiếp tục dù cho bạn ngủ hay thức. Đó là lý do có nhiều lời khuyên kiểu như: “Nên ăn nhẹ trước khi ngủ”, bởi dạ dày của bạn cần một chút nhiên liệu để tận dụng tối đa quá trình tiêu hóa đó.

Vậy thì làm cách nào để hỗ trợ dạ dày trong thời điểm này? Chính là nằm nghiêng bên trái khi ngủ. Dạ dày nằm phía bên trái và trên tuyến tụy. Nếu bạn nằm nghiêng về bên này, thức ăn sẽ đi vào ruột già dễ dàng hơn. Ngoài ra, enzyme tiêu hóa (tiết ra từ tuyến tụy) cũng được hỗ trợ để thúc đẩy trơn tru quá trình này.

2. Tư thế ngủ về bên trái sẽ giảm áp lực cho tim

nằm nghiêng bên nào tốt cho tim

Khi ngủ nằm nghiêng bên nào tốt? Trái tim phải làm việc không ngừng để duy trì sự sống. Gánh nặng này quá lớn, hơn nữa, nó còn chịu sự tác động của một loạt yếu tố từ chế độ ăn uống đến chất lượng cuộc sống. Chẳng có gì lạ khi bệnh tim là kẻ giết người hàng đầu. Để giảm áp lực cho tim, bạn cần bắt đầu từ những việc đơn giản nhất, chẳng hạn như thay đổi tư thế ngủ.

Vậy nằm nghiêng bên nào tốt cho tim? Động mạch chủ bơm máu từ tim đến phần còn lại của cơ thể, nên nếu bạn nằm nghiêng bên trái, động mạch chủ và trái tim “tốn ít công sức” hơn khi thực hiện nhiệm vụ này.

3. Nằm ngủ nghiêng bên trái giúp giảm đau lưng

Ngủ nên nằm nghiêng bên nào? Các bệnh nhân đau lưng mạn tính thường được khuyên nằm ngửa để cột sống luôn thẳng. Tuy nhiên, tư thế nằm nghiêng bên trái khi ngủ cũng rất có ích trong việc giảm thiểu những cơn đau lưng. Nguyên nhân là ngủ bên trái sẽ giúp cải thiện lưu thông máu, đồng thời giữ cho lưng, cổ, bụng được thẳng.

Tư thế tốt nhất bạn nên nằm là co chân một chút về phía ngực, giữ lưng cong tự nhiên (tránh uốn cong cột sống, co chân quá cao sẽ làm cơn đau tái phát).

4. Nằm nghiêng bên trái sẽ hỗ trợ hệ bạch huyết

Bạch huyết là dịch trong suốt bao bọc các mô của cơ thể, giữ cân bằng chất lỏng và loại bỏ vi khuẩn khỏi các mô. Bạch huyết đảm nhiệm chức năng miễn dịch cho cơ thể nên có thể đào thải chất độc và các chất thải khác. Do đó, tắc nghẽn ở bất cứ đâu trong hệ bạch huyết cũng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Nếu vậy khi ngủ nên nằm nghiêng bên nào tốt? Câu trả lời là ngủ nghiêng bên trái, khi đó hệ thống bạch huyết sẽ được hỗ trợ để lọc chất thải hiệu quả.

5. Ngủ nghiêng bên trái giúp giảm chứng ợ nóng

Ngủ nằm nghiêng bên nào tốt? Tư thế ngủ nghiêng bên trái đặc biệt thích hợp với những người mắc chứng ợ nóng. Ở tư thế này, điểm nối giữa dạ dày và thực quản được giữ cao hơn mức axit dạ dày, từ đó làm giảm lượng axit rò rỉ ra khỏi dạ dày vào thực quản – nguyên nhân gây ra các cơn đau liên quan đến ợ nóng. Nếu bạn nằm ngủ bên phải, điểm nối này nằm thấp hơn, khiến axit trào qua và làm chứng ợ nóng có nguy cơ gia tăng.

6. Tư thế tốt cho phụ nữ mang thai

nằm nghiêng bên nào tốt

Khi ngủ nằm nghiêng bên nào tốt? Cơ thể phụ nữ khi mang thai phải đảm nhiệm nhiệm vụ lưu thông máu cho hai cơ thể – một công việc đòi hỏi lượng máu nhiều hơn người bình thường. Chẳng những vậy, em bé đang phát triển trong bụng mẹ còn gây áp lực lên cột sống và các cơ quan khác.

Vậy bạn nên nằm nghiêng bên nào? Nằm ngủ bên trái giúp lưu thông máu, giảm áp lực từ thai nhi lên cột sống của mẹ, đồng thời bảo vệ gan cũng như các cơ quan khác khỏi bị chèn ép quá nhiều.

7. Nằm nghiêng bên trái giảm chứng ngáy khi ngủ

Nếu bạn đời của bạn thường xuyên ngủ ngáy hoặc bản thân bạn mắc phải chứng này, hãy tập ngủ nghiêng để chứng ngáy không còn quấy rầy hai vợ chồng. Trong giấc ngủ, miệng, cổ họng và lưỡi thư giãn hoàn toàn. Ngủ ngửa là tư thế tệ nhất vì khi đó, các bộ phận này có thể gây tắc nghẽn một phần đường thở – nguyên nhân gây ra chứng ngáy. Song nếu bạn nằm nghiêng bên trái, lưỡi sẽ ở vị trí trung lập để không làm ảnh hưởng đến đường thờ. Nhờ vậy, chứng ngáy được giảm thiểu phần nào.

Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc khi ngủ nằm nghiêng bên nào tốt nhất? Ngủ nghiêng bên trái sẽ đem lại rất nhiều lợi ích sức khỏe. Do đó, bạn hãy tập thói quen ngủ ở tư thế này để khỏe mạnh hơn mỗi ngày nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 22/09/2022

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo