backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Trẻ sơ sinh đi ngoài bao nhiêu lần 1 ngày? Tìm hiểu ngay!

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 30/11/2021

    Trẻ sơ sinh đi ngoài bao nhiêu lần 1 ngày? Tìm hiểu ngay!

    Tần suất đi tiêu, đi tiểu cũng như màu sắc phân của trẻ sơ sinh có thể phản ánh nhiều điều về sức khỏe. Chính vì vậy, việc biết rõ trẻ sơ sinh đi ngoài bao nhiêu lần 1 ngày là bình thường sẽ giúp mẹ có cơ sở đối chiếu và theo dõi sức khỏe của bé. 

    1 ngày trẻ sơ sinh đi ngoài mấy lần sẽ phụ thuộc nhiều vào việc bé bú mẹ hay bú sữa công thức (sữa bột). Nếu bé uống sữa công thức, số lần đi ngoài của trẻ sẽ ít hơn. Theo dõi tiếp những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi để biết chi tiết trẻ sơ sinh đi ngoài bao nhiêu lần 1 ngày là bình thường ở cả trẻ bú mẹ và trẻ uống sữa công thức.

    Trẻ sơ sinh đi ngoài bao nhiêu lần 1 ngày? 

    Trong 24 – 48 giờ đầu tiên sau khi sinh, trẻ sơ sinh sẽ đi ngoài phân su. Thông thường, phân su sẽ có màu xanh đậm hoặc nâu, dạng sệt như hắc ín và không có mùi. 

    Trong những ngày tiếp theo, trẻ sẽ bắt đầu đi ngoài đều đặn hơn. Trong khoảng 6 tuần đầu sau sinh, hầu hết trẻ sơ sinh đi ngoài phân lỏng từ 2 – 5 lần mỗi ngày. Một số bé có thể đi ngoài trong hoặc ngay sau khi bú. 

    Bé bú mẹ 

    Trong 6 tuần đầu sau sinh, bé đi ngoài phân lỏng, màu vàng ít nhất 3 lần mỗi ngày, trung bình là 5 – 6 lần mỗi ngày nhưng cũng có thể lên đến 10 – 12 lần mỗi ngày. Do đó, nếu bạn thắc trẻ sơ sinh đi ngoài nhiều lần trong ngày có sao không thì câu trả lời là “KHÔNG” miễn là bé vẫn khỏe mạnh, ăn ngủ bình thường thì mẹ không cần phải lo.

    Sau thời gian này, tần suất đi ngoài của bé sẽ giảm, mỗi ngày bé có thể đi 1 lần hoặc 2 – 3 ngày bé mới đi 1 lần. Điều này là hoàn toàn bình thường miễn là cân nặng của bé vẫn ổn định và phân vẫn vàng, mềm nhuyễn. 

    Một nghiên cứu năm 2012 thực hiện tại Hà Lan đã phân tích tần suất đi ngoài ở 600 trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi. Kết quả cho thấy trong những tuần đầu tiên, trẻ bú mẹ đi ngoài trung bình 3,65 lần mỗi ngày. Đến 3 tháng tuổi, tần suất đi ngoài trung bình là 1,88 lần mỗi ngày. 

    Bé bú sữa công thức 

    Trong 6 tuần đầu sau sinh, bé bú sữa công thức hoặc sữa bột có thể đi ngoài phân màu nâu nhạt hoặc hơi xanh với tần suất khoảng 1 – 4 lần mỗi ngày. Trẻ uống sữa công thức bị táo bón thường rất thường gặp, do đó, bạn cần chú ý theo dõi phân của trẻ để có biện pháp can thiệp kịp thời. 

    Khi bé bắt đầu tập ăn dặm, tần suất đi ngoài của bé bú mẹ sẽ tăng lên. Còn với trẻ bú sữa công thức hoặc sữa bột, tần suất đi ngoài ở giai đoạn tập ăn dặm là khoảng 1 – 2 lần mỗi ngày. 

    Màu sắc và tính chất phân của trẻ sơ sinh như thế nào là tốt? 

    trẻ sơ sinh đi ngoài bao nhiêu lần 1 ngày

    Màu sắc, hình dáng phân của trẻ sơ sinh trong những tháng đầu sau sinh thường rất đa dạng. Ở lần đi ngoài đầu tiên, bé sẽ đi phân su. Phân su có màu đen hoặc xanh đen, đặc sệt và không có mùi.  

    Sau khoảng 3 ngày, phân của bé sẽ chuyển sang màu nâu đậm, rồi chuyển sang cam, vàng hoặc nâu vàng vào cuối tuần đầu tiên nếu bé bú mẹ. Ngoài ra, phân trẻ sơ sinh bú mẹ cũng có thể có dạng hơi sệt, có hạt lợn cợn và có bọt. 

    Một số trẻ sơ sinh bú mẹ cũng hay gặp phải tình trạng bé đi phân hoa cà hoa cải. Đây là tình trạng trẻ đi ngoài phân vón cục, nhỏ màu vàng trên nền nước xanh. Thỉnh thoảng, phân của bé có thể có dịch nhầy  và nước, thậm chí nước có thể chuyển sang màu xanh rêu, phân có mùi hơi chua và nồng. Tình trạng này cũng không có vấn đề gì, mẹ cũng không cần quá lo nếu bé vẫn bình thường, không sốt, ăn ngon, ngủ ngon…  

    Trẻ đi ngoài phân màu xanh lá nhạt, có bọt cũng thường gặp ở trẻ bú mẹ nếu bé bú sữa đầu nhiều hơn sữa cuối. Nguyên nhân có thể là do khi cho bé bú, bạn đổi bên ngực quá sớm. Ngoài ra, phân có màu xanh lá nhạt cũng có thể là dấu hiệu nhiễm trùng. Nếu bé có bất cứ triệu chứng bất thường nào khác thì nên đưa con đi khám sớm. 

    Trường hợp bé bú sữa công thức, phân của bé có thể có màu nâu vàng, vàng xanh. Bé cũng có thể đi ngoài phân có màu xanh lá đậm nếu sữa công thức có hàm lượng chất sắt cao. Ngoài ra, phân của bé cũng thường đặc sệt hơn và có mùi hơi nặng so với phân của bé bú mẹ. 

    Khi bé bắt đầu tập ăn dặm (khoảng 6 tháng), phân của bé sẽ chuyển sang màu vàng sẫm, rắn và nặng mùi hơn, phân cũng có thể lẫn thức ăn chưa được tiêu hóa hết.  

    Nhìn chung, màu phân của trẻ sơ sinh được xem là bình thường nếu có màu vàng, vàng nâu hoặc vàng xanh, mùi nhẹ, hơi sệt. Còn nếu phân của trẻ có những màu sắc khác lạ sau, bạn sẽ cần đưa trẻ đi khám: 

    • Phân của bé có màu trắng hoặc xám: Đây là dấu hiệu của các bệnh về gan, thường đi kèm vàng da. Ngoài ra, nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh đi ngoài phân trắng còn có thể là nhiễm khuẩn. Nếu bé đi ngoài phân trắng từ 2 lần trở lên thì cần đưa bé đi khám.  
    • Bé đi ngoài ra sợi máu: Trẻ sơ sinh đi ngoài ra máu tươi có thể đến từ tình trạng nứt hậu môn do bé bị táo bón. Còn nếu trẻ sơ sinh đi ngoài ra máu nhầy hoặc bé đi ngoài ra sợi máu thì có thể là do dị ứng, nhiễm khuẩn hoặc các bệnh lý như viêm đại tràng, bệnh Crohn. 
    • Phân có đốm đen: Có thể là do bé bú sữa mẹ lẫn máu do núm vú của bạn bị nứt hoặc chảy máu. Tình trạng này không đáng lo ngại nhưng nếu núm vú của bạn bình thường, bé lại đi ngoài phân đen thì có thể là dấu hiệu của xuất huyết đường tiêu hóa trên. 

    Phân của trẻ sơ sinh như thế nào thì nên đi khám? 

    trẻ sơ sinh đi ngoài bao nhiêu lần 1 ngày

    Bạn nên đưa bé đi khám nếu bé có dấu hiệu: 

    Tiêu chảy 

    Bé đi ngoài phân lỏng như nước hơn 2 ngày, số lần đi ngoài vượt quá mức kể trên hoặc bé đi ngoài nhiều lần đi kèm với các triệu chứng như: 

    • Sốt hơn 38 độ C 
    • Phân có màu đen như hắc ín  
    • Trẻ sơ sinh đi ngoài ra dịch nhầy và máu 
    • Bé có dấu hiệu mất nước như mắt trũng xuống, ít đi tiểu  
    • Bé bỏ bú, hay quấy khóc, khó chịu, nôn ói… 

    Táo bón 

    Bé đi ngoài quá ít, thậm chí 3 – 5 ngày mới đi ngoài 1 lần. Khi đi ngoài thường: 

    • Phân rất lớn, khô cứng khiến bé đi ngoài rất khó khăn, mệt mỏi và hay quấy khóc 
    • Bụng sưng to, trướng bụng, đau tức 
    • Phân có lẫn máu hoặc nếu nứt hậu môn, trẻ có thể đi ngoài ra máu tươi.

    Nếu tình trạng bé đi ngoài ra máu tươi xuất hiện hơn 2 lần, bạn nên đưa bé đi khám.  

    Việc quan sát phân của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể giúp bạn theo dõi và phát hiện sớm nhiều bệnh lý ở trẻ trong những tháng đầu đời. Trong thời gian này, phân của bé sẽ trải qua rất nhiều thay đổi, điều này là hoàn toàn bình thường và là dấu hiệu của sự tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, nếu trẻ có những biểu hiện bất thường hoặc bạn vẫn còn băn khoăn, nghi ngờ, tốt nhất bạn nên đưa bé đi khám. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 30/11/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo