backup og meta

Ánh sáng xanh là gì và có tác hại đối với trẻ nhỏ ra sao?

Ánh sáng xanh là gì và có tác hại đối với trẻ nhỏ ra sao?

Mỗi ngày, trẻ nhỏ sẽ tiếp xúc với ánh sáng xanh qua ánh mặt trời và các thiết bị điện tử hiện đại. Nhiều ý kiến cho rằng việc để trẻ em tiếp xúc với ánh sáng xanh là không tốt. Vậy tác hại của ánh sáng xanh ảnh hưởng đến trẻ nhỏ như thế nào?

Ánh sáng xanh là loại ánh sáng khi tiếp xúc nhiều có thể gây hại đến sức khỏe và cơ thể của trẻ. Nếu bố mẹ đang quan tâm về ánh sáng xanh là gì và có thể gây hại cho trẻ ra sao thì hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Ánh sáng xanh là gì?

Ánh sáng xanh là một phần của quang phổ ánh sáng khả kiến, trải dài từ đỏ đến tím và mắt người có thể nhìn thấy. Độ rung của ánh sáng xanh trong phạm vi 380 đến 500 nanomet. Loại ánh sáng này có bước sóng ngắn nhất và năng lượng cao nhất.

Ánh sáng mặt trời được xem là nguồn ánh sáng xanh tự nhiên lớn nhất. Và các nguồn ánh sáng xanh nhân tạo bao gồm đèn huỳnh quang, tivi màn hình LED, màn hình máy tính, điện thoại thông minh và màn hình máy tính bảng.

Tác hại của ánh sáng xanh đối với trẻ em

tác hại của ánh sáng xanh
Tác hại của ánh sáng xanh đến mắt như thế nào?

Mặc dù, ánh sáng xanh có thể xuất hiện ở xung quanh chúng ta. Tuy nhiên, nếu trẻ tiếp xúc nhiều thì ánh sáng xanh có thể dẫn đến những tác hại sau:

1. Tác hại của ánh sáng xanh đến mắt

Việc bố mẹ cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều có thể khiến trẻ mỏi mắt. Một nghiên cứu năm 2019 của nhóm tác giả Sukanya Jaiswal và các cộng sự cho biết, khi chúng ta sử dụng máy tính để bàn, máy tính xách tay và các thiết bị điện tử khác, mắt sẽ có xu hướng ít chớp hơn bình thường [1]

Ở trẻ nhỏ cũng vậy, khi dùng các thiết bị điện tử, trẻ sẽ có xu hướng nhìn chằm chằm không chớp mắt vào màn hình. Do đó, đôi mắt của trẻ có thể gặp phải các vấn đề nhạy cảm sau:

2. Gây tổn thương võng mạc

Theo một nghiên cứu năm 2019 trên động vật của nhóm tác giả Pei Chen và các cộng sự, ánh sáng xanh có thể làm hỏng các tế bào ở võng mạc [2]. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất ít các nghiên cứu khoa học nghiên cứu về tác hại của ánh sáng xanh đối với võng mạc của con người. Do đó, các chuyên gia cần nghiên cứu thêm để khẳng định chắc chắn ánh sáng xanh có thể gây hại cho võng mạc.  

3. Tác hại của ánh sáng xanh lên giấc ngủ

tác hại của ánh sáng xanh
Tác hại của ánh sáng xanh lên giấc ngủ như thế nào?

Khi bố mẹ cho trẻ xem tivi hoặc điện thoại quá lâu, nhất là trước khi đi ngủ thì trẻ sẽ khó ngủ hơn. Việc tiếp xúc với ánh sáng xanh có thể ngăn chặn việc sản xuất hormone melatonin thúc đẩy cảm giác buồn ngủ ở trẻ. Điều này có thể khiến trẻ khó ngủ và gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Theo cơ chế tự nhiên, cơ thể chúng ta tạo ra nhiều hormone melatonin vào ban đêm, thường bắt đầu tăng vào buổi tối khi mặt trời lặn và giảm dần vào buổi sáng khi mặt trời mọc.

Đồng tử của trẻ em thường lớn hơn người lớn nên sẽ nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với ánh sáng xanh [3]. Bên cạnh đó, có một nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với ánh sáng xanh vào buổi tối ở trẻ nhỏ có thể ức chế quá trình sản xuất hormone melatonin nhiều gấp đôi so với người lớn, nhất là với những trẻ chưa bước qua tuổi dậy thì [4].

4. Suy giảm hormone leptin

Ngoài những tác hại của ánh sáng xanh ở trên, trẻ nhỏ còn có thể bị suy giảm hormone leptin. Đây là một hormone thông báo cho cơ thể đã no và đủ năng lượng cần thiết để ngừng việc ăn uống lại.

Khi lượng hormone này suy giảm, cơ thể không thể có phát ra tín hiệu ngừng, có thể khiến trẻ ăn nhiều quá mức và liên tục. Nếu tình trạng này kéo dài trong một thời gian dài thì có thể dẫn đến chứng tăng cân béo phì ở trẻ em

5. Tác hại của ánh sáng xanh đối với da

tác hại của ánh sáng xanh
Ánh sáng xanh gây tác hại lên da như thế nào?

Khi bố mẹ cho trẻ nhỏ tiếp xúc với ánh sáng xanh quá mức có thể làm tổn thương da. Điều này có thể làm giảm chất chống oxy hóa và tăng số lượng các gốc tự do trên da dẫn đến ung thư da

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để có thể đưa ra được khẳng định chính xác nhất về mức độ tổn hại của ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử đối với da.

Những lợi ích từ ánh sáng xanh mang đến

Ngoài những tác hại của ánh sáng xanh gây ra cho sức khỏe, trẻ cũng có thể nhận được những lợi ích từ nguồn ánh sáng này. Chẳng hạn:

  • Giúp trẻ tỉnh táo: Ban ngày, bố mẹ cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử có thể giúp trẻ tỉnh táo và tập trung học tập tốt hơn [5].
  • Tăng cường trí nhớ và cải thiện giao tiếp: Khi trẻ tiếp xúc với ánh sáng xanh trong 30 phút mỗi ngày có thể cải thiện trí nhớ và khả năng giao tiếp [6].
  • Cải thiện chứng trầm cảm theo mùa: Liệu pháp ánh sáng xanh cũng là một trong những phương pháp điều trị trầm cảm theo mùa khi kết hợp với thuốc uống [7].
  • Cải thiện tình trạng mụn trứng cá: Liệu pháp ánh sáng xanh có thể tiêu diệt vi khuẩn gây mụn và giảm mụn viêm hiệu quả cho trẻ dậy thì [8]. Tuy nhiên, phương pháp này không thể áp dụng tại nhà và cần được thực hiện dưới sự giám sát của các bác sĩ da liễu nhé.

Lưu ý khi sử dụng các thiết bị điện tử để giảm tác hại của ánh sáng xanh

tác hại của ánh sáng xanh
Cách chăm sóc mắt khi sử dụng các thiết bị điện tử có ánh sáng xanh

Sau khi tìm hiểu những lợi ích và tác hại của ánh sáng xanh đối với trẻ em, bố mẹ cần lưu ý những điều sau khi cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử:

  • Không nên sử dụng thiết bị điện tử vào ban đêm: Để trẻ có thể ngủ ngon giấc, bố mẹ nên tránh cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử vào ban đêm.
  • Thực hiện quy tắc 20/20/20: Cứ khoảng 20 phút dùng thiết bị điện tử, bố mẹ nên nhắc trẻ cho mắt nghỉ ngơi 20 giây và phóng tầm mắt ra xa trong 6m (20 feet). 
  • Luôn giữ ẩm cho mắt: Bố mẹ nên cho trẻ thường xuyên nhỏ nước mắt nhân tạo để giữ ẩm cho đôi mắt. Song song đó, bố mẹ cũng tăng cường thêm độ ẩm trong phòng với máy phun sương tạo độ ẩm để đôi mắt không bị khô khi dùng các thiết bị điện tử quá nhiều.
  • Sử dụng mắt kính chống ánh sáng xanh: Bố mẹ nên nhắc trẻ không nên nheo mắt khi xem màn hình của các thiết bị điện tử. Để tránh gây ảnh hưởng mắt, bố mẹ nên cho trẻ đeo mắt kính chống ánh sáng xanh được kê toa từ bác sĩ chuyên khoa mắt nhé. 
  • Điều chỉnh lượng ánh sáng xanh trên các thiết bị điện tử: Để giảm nguy cơ mỏi mắt và rối loạn giấc ngủ, bố mẹ nên cài đặt màn hình thiết bị điện tử ở chế độ ban đêm với tông màu ấm. Ngoài ra, bố mẹ có thể dùng bộ lọc màn hình chống ánh sáng xanh để che màn hình máy tính khi trẻ sử dụng vào ban đêm. 

Như vậy, bố mẹ đã biết về những lợi ích và tác hại của ánh sáng xanh đối với trẻ em. Để có thể phát huy tốt những lợi ích và giảm thiểu những tác hại, bố mẹ nên lưu ý nên cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử đúng cách và tránh sử dụng vào ban đêm nhé. Bên cạnh đó để đôi mắt của trẻ được khoẻ mạnh; bố mẹ có thể tham khảo thêm 7 cách chăm sóc đôi mắt cho trẻ được đăng trên Hello Bacsi nhé.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Ocular and visual discomfort associated with smartphones, tablets and computers: what we do and do not know
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30663136/
Truy cập ngày 19/07/2024

2. Retinal Neuron Is More Sensitive to Blue Light-Induced Damage than Glia Cell Due to DNA Double-Strand Breaks
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6356720/
Truy cập ngày 19/07/2024

3. Influence of Light at Night on Melatonin Suppression in Children
https://academic.oup.com/jcem/article/99/9/3298/2538381?login=false
Truy cập ngày 19/07/2024

4. Increased Sensitivity of the Circadian System to Light in Early/Mid-Puberty
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26301944/
Truy cập ngày 19/07/2024

5. Blue-Enriched Light Enhances Alertness but Impairs Accurate Performance in Evening Chronotypes Driving in the Morning
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5962740/
Truy cập ngày 19/07/2024

6. Acute exposure to blue wavelength light during memory consolidation improves verbal memory performance
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5602660/
Truy cập ngày 19/07/2024

7. Bright Light Therapy: Seasonal Affective Disorder and Beyond
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6746555/
Truy cập ngày 19/07/2024

8. Light-based therapies in acne treatment
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4439741/
Truy cập ngày 19/07/2024

9. Ánh sáng xanh có gây đau đầu không?
https://bvnguyentriphuong.com.vn/noi-tam-than-kinh/anh-sang-xanh-co-gay-dau-dau-khong
Truy cập ngày 19/07/2024

10. How Blue Light Affects Kids’ Sleep
https://www.sleepfoundation.org/children-and-sleep/how-blue-light-affects-kids-sleep
Truy cập ngày 19/07/2024

11. How blue light affects your eyes, sleep, and health
https://health.ucdavis.edu/blog/cultivating-health/blue-light-effects-on-your-eyes-sleep-and-health/
Truy cập ngày 19/07/2024

Phiên bản hiện tại

31/07/2024

Tác giả: Nguyễn Thụy Ngọc Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Cập nhật bởi: Nguyễn Thụy Ngọc Quỳnh


Bài viết liên quan

5 bí quyết tăng cường hệ tiêu hóa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Nguyễn Thụy Ngọc Quỳnh · Ngày cập nhật: 31/07/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo