backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Cách cho bé uống thuốc hiệu quả và những lưu ý cần nhớ

Thông tin kiểm chứng bởi: Lan Quan


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 26/07/2022

    Cách cho bé uống thuốc hiệu quả và những lưu ý cần nhớ

    Khi trẻ mắc một số bệnh, phụ huynh thường phải cho bé dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Việc trẻ em có chịu uống thuốc hay không, cha mẹ có biết cách cho bé uống thuốc đúng chuẩn không, rất quan trọng đối với hiệu quả của thuốc và quá trình điều trị của bé.

    Nếu không biết cách cho bé uống thuốc đúng thì rất có thể bé sẽ bị sặc, nôn mửa hoặc nghẹt thở, khiến quá trình điều trị bệnh kéo dài hơn, bệnh dai dẳng hơn, thậm chí là tiến triển nặng hơn. Cách cho bé uống thuốc trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ giúp bạn tối ưu hóa quá trình cho trẻ uống thuốc.

    Tùy vào độ tuổi của trẻ mà có những cách cho bé uống thuốc khác nhau:

    • Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, bạn nên dùng ống tiêm để bơm thuốc vào miệng của trẻ. Bạn cũng có thể thử cho thuốc vào núm vú bình sữa để trẻ ngậm.
    • Đối với trẻ mới biết đi, ngoài những cách cho bé uống thuốc tương tự như với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, bạn còn có thể dùng muỗng để đút thuốc cho bé.
    • Trẻ lớn hơn có thể tự uống thuốc dưới sự hướng dẫn và quan sát của cha mẹ.

    Cách cho bé uống thuốc bằng xi lanh

    cách cho bé uống thuốc bằng xi lanh

    Xi lanh là dụng cụ uống thuốc cho bé được khuyến khích sử dụng. Cách cho bé uống thuốc bằng ống tiêm hay ống xi lanh khá đơn giản, chỉ cần sự khéo léo của cha mẹ và một số lưu ý nhỏ. 

    Để cho bé uống thuốc bằng xi lanh, bạn cần chuẩn bị:

    • Ống xi lanh (ống tiêm không có kim tiêm)
    • Thuốc dạng lỏng
    • Thuốc dạng bột (dạng viên đã nghiền thành bột) và ly nước ấm

    Cách cho bé uống thuốc bằng xi lanh như sau:

    • Bước 1: Rửa tay thật sạch và khử khuẩn xi lanh bằng nước nóng, vẩy ráo. 
    • Bước 2: Đối với thuốc dạng viên nén, phụ huynh cán thành bột mịn vừa đủ số lượng thuốc cho một lần uống. Khi thuốc ở dạng bột, bạn hãy hòa tan thuốc với một ít nước ấm trong ly. Nếu thuốc dạng lỏng, bạn lắc chai thuốc thật đều (trừ khi có quy định khác trên nhãn chai).
    • Bước 3: Dùng xi lanh hút một lượng thuốc với liều lượng vừa đủ như đơn thuốc.
    • Bước 4: Đặt bé ngồi thẳng lưng, có thể cho bé dựa lưng vào lòng bạn, nhưng tuyệt đối không để bé nằm.
    • Bước 5: Đặt ống tiêm giữa phần má trong và đường viền nướu của bé, rồi nhẹ nhàng đẩy xi lanh để bơm một lượng nhỏ thuốc vào bên miệng trẻ. Lưu ý: Không bao giờ bơm thuốc trực tiếp vào cổ họng của trẻ vì điều này có thể khiến bé bị nghẹt thở.
    • Bước 6: Đợi trẻ nuốt hết thuốc rồi bơm tiếp một lượng nhỏ thuốc. Lặp lại đến khi hết thuốc trong xi lanh hoặc đủ liều lượng. 

    Cách cho bé uống thuốc bằng muỗng

    cách cho bé uống thuốc bằng muỗng

    Đối với cách cho bé uống thuốc bằng muỗng/thìa, bạn cũng cần nghiền thuốc viên thành bột rồi đem thuốc dạng bột pha với một ít nước ấm trước khi cho trẻ uống. Đối với thuốc dạng bột thì bạn có thể bỏ qua công đoạn nghiền thuốc. Siro, thuốc dạng lỏng có thể được đổ trực tiếp liều lượng cần dùng ra cốc đong. Như vậy là bạn đã làm xong bước chuẩn bị để cho trẻ uống thuốc rồi đấy! Nhớ rửa tay trước khi chuẩn bị cho bé uống thuốc nhé!

    Sau đây là cách cho bé uống thuốc bằng muỗng mà bạn nên ghi nhớ:

    • Bước 1: Đặt trẻ ngồi thẳng lưng, ngẩng cao đầu, mặt hơi nghiêng.
    • Bước 2: Dùng thìa nhỏ, vừa với miệng bé, múc từng muỗng nước thuốc đưa từ từ vào miệng bé. Nhẹ nhàng đổ thuốc vào phía thành má trong ở bên phía trẻ nghiêng mặt, tuyệt đối không đổ thẳng vào cổ họng của bé để tránh gây sặc hay nghẹt thở. Đợi bé nuốt hết thuốc rồi từ từ lấy muỗng ra. Áp dụng cách cho bé uống thuốc bằng muỗng này, thuốc sẽ chảy từ thành má trong xuống họng của bé. Một cách cho bé uống thuốc bằng muỗng khác là bạn có thể đặt muỗng ở vị trí ⅔ lưỡi, ấn nhẹ muỗng vào lưỡi để bé nuốt thuốc rồi từ từ rút muỗng ra. 
    • Bước 3: Lặp lại cách cho bé uống thuốc bằng muỗng như đã hướng dẫn trên cho đến khi hết thuốc. 

    Đây là cách cho bé uống thuốc đắng bằng muỗng đúng, được các điều dưỡng áp dụng khi cho trẻ dùng thuốc, giúp hạn chế nguy cơ bị sặc hay nghẹt thở. 

    Nhưng lưu ý khi cho trẻ uống thuốc mà cha mẹ cần “nằm lòng’

    cách cho bé uống thuốc

    Khi cho trẻ uống thuốc, bạn không chỉ cần lưu ý những cách cho bé uống thuốc đúng mà còn cần tuyệt đối cẩn thận về liệu lượng và loại thuốc bé dùng. Những lưu ý sau có thể giúp ích cho bạn:

    • Trước khi cho trẻ dùng thuốc, đọc kỹ đơn thuốc của bác sĩ về liều dùng và tần suất uống thuốc cùng hướng dẫn sử dụng của thuốc. Ghi nhớ hoặc đặt báo thức giờ uống thuốc của trẻ để tránh bỏ cữ thuốc.
    • Hãy hỏi bác sĩ kê đơn xem trẻ nên uống thuốc trước hay sau khi ăn.
    • Không bao giờ tự ý cho trẻ dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, vì điều này có thể khiến trẻ bị lờn thuốc hoặc ngộ độc.
    • Không tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc.
    • Không dùng toa thuốc cũ để tự ý mua thuốc cho bé dùng. 
    • Dù con của bạn mắc bệnh tương tự với những trẻ cùng độ tuổi khác, tuyệt đối không tự ý lấy thuốc của trẻ khác để cho con uống.
    • Luôn kiểm tra hạn sử dụng và tình trạng của thuốc trước khi cho bé uống. Một số loại thuốc nếu không được bảo quản đúng cách có thể bị biến chất, bạn không được cho bé uống những thuốc này.
    • Thái độ của cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến việc uống thuốc của trẻ. Hãy giải thích cho bé về tầm quan trọng của thuốc, đồng thời nhẹ nhàng dỗ dành nếu bé không chịu uống thuốc. Tuyệt đối không bóp mũi trẻ hay đè trẻ ra để đổ thuốc. 
    • Nếu bé đang khóc, đang cười hoặc bị co giật, đừng cho bé uống thuốc vì có thể gây nghẹt thở.
    • Để thuốc tránh xa tầm tay và tầm nhìn của trẻ.
    • Nhiều loại thuốc không nên và không thể pha vào sữa, nước ép hoặc thức ăn của trẻ. Vì vậy, hãy hỏi bác sĩ liệu thuốc bé uống có nên pha chung với thực phẩm khác hay không.

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được những cách cho bé uống thuốc đúng, cũng như nắm được một vài lưu ý cần nhớ trong quá trình cho trẻ dùng thuốc.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Thông tin kiểm chứng bởi:

    Lan Quan


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 26/07/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo