Thông thường, sau khi trẻ bị nôn bố mẹ sẽ lo sợ con bị đói. Thế nhưng thường sau khi bị nôn, trẻ sẽ khó để có thể ăn bất cứ món gì. Do đó, bố mẹ thường chọn cho bé uống sữa để bổ sung năng lượng và dinh dưỡng. Vậy trẻ bị nôn có nên cho uống sữa không?
Có nhiều cách để bù nước và năng lượng cho trẻ sau khi bị nôn ói. Vậy sau khi trẻ bị nôn ói, việc cho trẻ uống sữa có phải là một cách tốt nhất không? Trẻ vừa nôn xong nên uống gì? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé.
Các nguyên nhân khiến cho trẻ nhỏ bị nôn
Trước khi tìm hiểu trẻ bị nôn có nên cho uống sữa không, Hello Bacsi mời các bố mẹ tìm hiểu rõ nguyên nhân khiến trẻ bị nôn ói. Dưới đây là các nguyên nhân thường gặp:
1. Ăn quá no
So với trẻ bú mẹ, trẻ bú bình thường sẽ bú sữa nhiều hơn và nhanh hơn dẫn đến việc bú quá no so với nhu cầu. Điều này có thể do sữa công thức luôn có sẵn nên bố mẹ thường mất kiểm soát khi cho trẻ uống. Đôi lúc, bố mẹ có thể cho trẻ bú nhiều hơn nhu cầu cần thiết.
Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh từ 4-5 tuần tuổi chỉ có thể uống khoảng 88-118ml sữa trong một lần bú. Bởi vì, dạ dày của trẻ lúc này còn rất nhỏ, do đó, bố mẹ nên chia nhỏ mỗi cữ bú. Việc bú quá nhiều sữa khiến trẻ sẽ bị nôn trớ.
2. Không ợ hơi đúng cách sau khi bú
Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh cần được ợ hơi sau mỗi lần bú. Bởi vì, ngoài sữa ra trẻ cũng có thể nuốt nhiều không khí trong khi đang bú. Việc nuốt nhiều không khí có thể khiến trẻ quấy khóc, đầy hơi và gây nôn trớ.
Để giúp trẻ tránh nuốt quá nhiều không khí, bố mẹ cho trẻ bú bình có dung tích tùy theo nhu cầu, kiểm tra lỗ núm vú không quá lớn, đảm bảo bé ngậm núm vú đúng cách và không để trẻ tiếp tục nuốt nước bọt khi đã bú cạn sữa.
3. Trào ngược dạ dày
Bé có thể bị trào ngược dạ dày (GERD) giống như người lớn. Điều này xảy ra vì dạ dày và ống dẫn thức ăn đang tập làm quen với việc chứa sữa. Tình trạng trào ngược có thể khiến trẻ bị nôn ói và kích ứng cổ họng.
4. Táo bón
Trẻ sơ sinh bị táo bón rất hiếm khi có kèm theo dấu hiệu nôn ói. Hầu hết, trẻ sơ sinh đang trong giai đoạn bú sữa mẹ hoặc sữa công thức đều phải đi tiêu ít nhất một lần/ngày. Tuy nhiên, nếu trẻ không đi tiêu trong ngày thì có thể được xem là táo bón.
Trẻ bị nôn do táo bón thường kèm các dấu hiệu như:
- Đầy hơi
- Bụng to cứng
- Thường quấy khóc và cáu gắt
- Không đi tiêu nhiều hơn 3–4 ngày
- Căng thẳng khi đi tiêu hoặc đi tiêu ra ít phân
- Đi tiêu ra phân nhỏ, khô cứng và sẫm màu
5. Bệnh dạ dày
Nếu trẻ bị nôn ói sau khi bú sữa thì có thể là dấu hiệu của bệnh dạ dày. Trẻ có thể nôn nhiều lần trong ngày. Ngoài nôn ói, trẻ bị bệnh dạ dày có thể xuất hiện thêm các dấu hiệu sau:
6. Dị ứng
Trong một số ít trường hợp, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh nôn ói là do dị ứng với đạm sữa bò. Tuy nhiên, hầu hết trẻ nhỏ sẽ hết dị ứng sữa khi được 5 tuổi. Nếu trẻ bị dị ứng đạm sữa bò thì có thể bị nôn ói và kèm theo các dấu hiệu sau:
- Ho
- Khó thở
- Phát ban
- Tiêu chảy
- Thở khò khè
7. Không dung nạp lactose
Dị ứng với sữa khác với chứng không dung nạp lactose. Tình trạng này thường khiến trẻ bị tiêu chảy hoặc nôn ói sau khi bú sữa công thức. Trong trường hợp khá hiếm, trẻ có thể bị chứng không dung nạp lactose tạm thời sau khi bị đau bụng hoặc viêm dạ dày.
Các dấu hiệu trẻ không dung nạp lactose gồm:
- Táo bón
- Đầy hơi
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Chướng bụng
8. Nguyên nhân khác
Bên cạnh các nguyên nhân trên, trẻ bị nôn ói có thể do các nguyên nhân sau:
- Thời tiết quá nóng bức
- Say tàu xe
- Nhiễm trùng tai
- Dị ứng với thuốc
- Cảm lạnh và cúm
- Bệnh lồng ruột (Intussusception)
- Hội chứng hẹp môn vị (Pyloric stenosis)
- Có quá nhiều galactose tích tụ trong máu (Galactosemia)
Trẻ bị nôn có nên cho uống sữa không?
Sau khi trẻ bị nôn ói, bố mẹ thường rất lo lắng và muốn trẻ bú bù sữa để nạp đủ năng lượng cũng như dưỡng chất cần thiết. Tuy nhiên, trẻ bị nôn có nên cho uống sữa không?
Tùy vào từng nguyên nhân khiến trẻ bị nôn ói mà bố mẹ nên cho trẻ uống sữa hay không. Bởi vì, nếu trẻ đã bú quá no mà bị nôn trớ thì bố mẹ không nên cho trẻ uống thêm sữa. Tuy nhiên, nếu trẻ bị dị ứng đạm sữa hoặc không dung nạp lactose thì cần cho trẻ uống sữa từng chút một để theo dõi biểu hiện.
Còn với những trường hợp khác, sau khi trẻ nôn bố mẹ có thể cho uống sữa để bù nước và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Hơn nữa, sữa cũng là một thức uống bù nước dễ dàng hơn so với các loại thức uống khác. Tuy nhiên, bố mẹ nên cho trẻ bú hoặc uống sữa từng chút một trong nhiều lần, cứ khoảng 5-10 phút uống một lần và cho uống trong 30 phút. Sau khoảng 2-3 giờ, nếu trẻ không ói nữa thì cho bú hoặc uống sữa bình thường.
Khi trẻ nôn ói bố mẹ nên làm gì?
Sau khi tìm hiểu trẻ bị nôn có nên uống sữa không, ngoài vấn đề nôn trớ do no thì bố mẹ cũng cần thực hiện thêm một số điều sau để giúp trẻ mau hồi phục sức khỏe:
1. Theo dõi dấu hiệu mất nước ở trẻ
Khi nôn, cơ thể của trẻ sẽ rất dễ bị mất nước. Do đó, bố mẹ cần theo dõi dấu hiệu mất nước để kịp thời xử trí cho đúng. Trong trường hợp, trẻ bị mất nước nhẹ thì cơ thể sẽ tự hồi phục sau khi được bù nước. Tuy nhiên, nếu trẻ có các dấu hiệu mất nước dưới đây thì cần đi cấp cứu ngay:
- Tiểu ít
- Lừ đừ
- Tay chân lạnh
- Môi khô nhiều, mắt trũng
- Khóc không thấy nước mắt
- Mạch đập nhanh, sốc trụy tim mạch
2. Bù nước bằng đường uống
Sau khi tìm hiểu trẻ bị nôn có cho uống sữa không thì bố mẹ đã biết là trong một số trường hợp nên cho trẻ uống sữa để bù nước. Ngoài ra, với trẻ lớn, bố mẹ cũng có thể cho bé uống oresol theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc uống nước trái cây, nước lọc, các thức uống khác không có ga và cồn.
3. Chế độ dinh dưỡng
- Trẻ còn bú mẹ hoặc bú bình: Cho bé bú từng chút một trong nhiều lần để hạn chế nguy cơ bị nôn ói và theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ.
- Trẻ lớn hơn: Bố mẹ lưu ý không ép trẻ phải ăn liền trong 24 giờ đầu. Thay vào đó, bố mẹ nên khuyến khích trẻ uống nước để bù lượng nước đã mất. Bên cạnh đó, bố mẹ nên cho trẻ ăn những món lỏng như cháo, súp,… và hạn chế các thức ăn nhiều chất béo gây khó tiêu.
Trẻ bị nôn có nên cho uống sữa không? Câu trả lời là tùy vào nguyên nhân mà bố mẹ có thể cho trẻ uống sữa để bù lượng nước mà cơ thể đã mất. Tuy nhiên, nếu tình trạng nôn ói nghiêm trọng hơn và kèm theo các dấu hiệu dưới đây thì bố mẹ nên cho trẻ đi khám sức khỏe ngay:
- Co giật
- Đi tiêu ra máu
- Đau bụng nhiều
- Nôn ói kéo dài hơn 24 giờ
- Trẻ sơ sinh nôn ói nhiều, bú ít hoặc bỏ bú
- Trẻ li bì, lừ đừ hoặc kích thích, quấy khóc bất thường
- Sốt ≥ 38,5 độ C trong 3 ngày hoặc sốt cao > 39 độ C
- Dịch ói có màu bất thường có máu (đỏ hoặc nâu) hoặc màu vàng xanh (dịch mật)
- Dấu hiệu mất nước từ vừa đến nặng như khô môi miệng, khóc không có nước mắt, mắt trũng, tiểu ít hoặc không đi tiểu trong 6-8 giờ đối với trẻ lớn hoặc tã không ướt trong 4-6 giờ đối với trẻ nhỏ.
Như vậy, trẻ bị nôn có nên cho uống sữa không? Tùy vào nguyên nhân mà bố mẹ nên cho trẻ uống sữa để bù lại lượng nước đã mất sau khi ói. Khi cho trẻ uống sữa, bố mẹ nên cho trẻ uống từng chút một trong nhiều lần để quan sát tình hình sức khỏe của bé. Nếu sau khoảng 2-3 giờ, trẻ không ói nữa thì cho uống sữa bình thường.
[embed-health-tool-vaccination-tool]