backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Đau dạ dày ở trẻ em: Nguyên nhân và cách điều trị tại nhà hiệu quả

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 26/04/2023

    Đau dạ dày ở trẻ em: Nguyên nhân và cách điều trị tại nhà hiệu quả

    Tình trạng đau dạ dày ở trẻ em tưởng chừng hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra đối với trẻ nhỏ và trẻ trong độ tuổi đi học. Tuy nhiên, hầu hết các nguyên nhân gây ra tình trạng này thường không nghiêm trọng đến mức phải nhập viện. Thay vào đó, chế độ ăn uống và đảm bảo vệ sinh thực phẩm đóng một vai trò rất quan trọng khi bạn chăm sóc trẻ bị đau bụng hoặc đau dạ dày.

    Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng đau dạ dày ở trẻ và các hướng xử lý phù hợp khi con gặp các vấn đề liên quan đến tiêu hóa.

    6 nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng đau dạ dày ở trẻ em

    Tình trạng đau dạ dày ở trẻ em có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm nhiễm vi khuẩn, virus hoặc do chế độ ăn uống. Sau đây là những nguyên nhân phổ biến “gây rối” cho đường tiêu hóa của trẻ.

    1. Cúm dạ dày

    Cúm dạ dày còn được gọi là bệnh viêm dạ dày ruột có thể gây ra tình trạng đau dạ dày ở trẻ em. Bệnh thường do virus gây ra, bao gồm những triệu chứng như tiêu chảy, kèm theo nôn mửa và sốt nhẹ. Thông thường, cúm dạ dày có thể tự khỏi trong vòng 3 – 5 ngày mà bạn không cần đưa trẻ đến bệnh viện để được chăm sóc y tế. Tuy nhiên, nếu bé bị đau bụng dữ dội, sốt cao, mất nước… thì bạn nên đưa con đi khám càng sớm càng tốt.

    2. Trào ngược dạ dày thực quản

    đau dạ dày ở trẻ em

    Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng là vấn đề phổ biến nhưng ba mẹ lại ít chú ý đến. Mặc dù tình trạng này cũng khó phát hiện một cách chính xác nhưng nếu thấy trẻ có một số dấu hiệu như nôn mửa, ợ hơi nhiều bạn nên nghĩ đến việc con bị trào ngược dạ dày thực quản. Trường hợp với những trẻ đã lớn, bé  có thể nói với bạn rằng con thường nhận thấy có vị chua trong miệng và bị đau vùng bụng trên thì bạn nên đưa con đi khám nhé!

    Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em có thể phát triển khá nhanh nhưng cũng có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc kháng axit. Đồng thời, ba mẹ không nên cho con ăn những món cay nóng, nhiều dầu mỡ để tránh kích thích gây đau dạ dày ở trẻ em.

    3. Trẻ ăn quá nhiều so với khả năng tiêu hóa

    Trẻ em luôn cần nhiều năng lượng để đáp ứng nhu cầu hoạt động thường xuyên và phát triển về thể chất, trí tuệ. Vì vậy, trẻ thường dễ đói bụng, kéo theo đó là ăn nhanh, ăn quá nhiều trong một bữa nếu ba mẹ không giúp con kiểm soát. Điều này có thể gây bất lợi cho hệ tiêu hóa của bé, gây khó chịu hoặc gây đau dạ dày ở trẻ em.

    4. Chế độ ăn uống không khoa học

    Một chế độ ăn uống không khoa học hoặc không lành mạnh sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hệ tiêu hóa của trẻ. Chẳng hạn như nếu con của bạn uống nhiều nước ngọt có ga, đồ uống thể thao… thì có thể gây khó chịu cho dạ dày. Bên cạnh đó, nếu trẻ nhỏ ăn nhiều món cay nóng, dầu mỡ cũng dễ khiến dạ dày của trẻ bị kích thích gây đau bụng, đầy hơi và khó tiêu.

    5. Đau dạ dày ở trẻ em có thể do căng thẳng

    Sự căng thẳng, lo lắng có thể gây ra tình trạng đau dạ dày ở trẻ em tương tự như đối với người lớn. Vì vậy, nếu trẻ nói với bạn về những cơn dạ dày bất ngờ và không rõ nguyên nhân thì rất có thể là do trẻ đang gặp phải vấn đề nào đó ở trường hoặc trong các mối quan hệ với bạn bè. Trong trường hợp này, ngoài việc chăm sóc sức khỏe của con thì bạn cũng nên tìm hiểu những mối lo lắng khác mà trẻ đang gặp phải để giúp con giải tỏa căng thẳng kịp thời.

    6. Các nguyên nhân khác gây đau dạ dày ở trẻ em

    đau dạ dày ở trẻ em

    Đau bụng hoặc đau dạ dày ở trẻ em có thể liên quan đến nhiều vấn đề khác dù các nguyên nhân này không phổ biến. Trong đó, những tình trạng đáng chú ý thường bao gồm chứng không dung nạp lactose, dị ứng thực phẩm, hội chứng ruột kích thích… Đối với trường hợp này, ba mẹ không nên chủ quan với những cơn đau bụng của con mà hãy đưa trẻ đi khám nếu bạn không xác định rõ nguyên nhân. 

    Cách điều trị đau dạ dày ở trẻ em tại nhà

    Hầu hết các nguyên nhân gây đau bụng, đau dạ dày ở trẻ không mang tính nghiêm trọng và bạn có thể tự chăm sóc con tại nhà bằng cách:

    • Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn.
    • Đặt một chiếc khăn hoặc miếng gạc ấm hay túi chườm ấm lên bụng của con.
    • Nhẹ nhàng xoa bóp bụng của trẻ sẽ giúp giảm đầy hơi, khó tiêu.
    • Thúc đẩy trẻ ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ tốt cho tiêu hóa và uống nhiều nước lọc để tránh mất nước.
    • Nhắc nhở con rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và không cho bé ăn quá nhiều trong một bữa.
    • Nếu muốn cho con dùng thuốc giảm đau, bạn nên hỏi thêm ý kiến của dược sĩ hoặc bác sĩ.
    • Nếu hiện tượng đau bụng hoặc đau dạ dày ở trẻ em diễn ra theo từng cơn và có thể tự hết, bạn nên ghi chú lại những món ăn hàng ngày mà trẻ dung nạp. Điều này có thể giúp bạn xác định loại thực phẩm nào gây ra tình trạng kể trên và tránh cho con ăn là được.

    Khi nào cần đưa trẻ bị đau dạ dày đi khám?

    Ngược lại, nếu cơn đau bụng, đau dạ dày của trẻ là bất thường và kéo dài thì bạn cần đưa trẻ đi khám trong những trường hợp sau đây:

  • Đau bụng dữ dội và kéo dài trên 1 giờ.
  • Đau liên tục và kéo dài trên 2 giờ.
  • Trẻ bị sốt kèm theo nôn mửa.
  • Trẻ đi ngoài có lẫn máu trong phân.
  • Trẻ có dấu hiệu mất nước như: khóc không có nước mắt, khô môi, da xanh xao và lờ đờ.
  • Nếu trẻ đau bụng phía dưới bên phải một cách dữ dội và liên tục thì đó có thể là viêm ruột thừa chứ không phải đau dạ dày ở trẻ em nên bạn cần cho con đi khám để được nhập viện kịp thời. 
  • Bạn có thể quan tâm:

    Trẻ nhỏ thường không hiểu hết các vấn đề về tiêu hóa nên ba mẹ cần quan tâm hơn đến các triệu chứng đau dạ dày ở trẻ em để đưa con đi khám kịp thời. Đối với trẻ dưới 1 tuổi bị đau bụng, bạn không nên tự điều trị tại nhà dưới mọi hình thức. Đồng thời, nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến bệnh thì bạn hãy trao đổi thêm với bác sĩ nhi khoa để luôn chăm sóc sức khỏe của con đúng cách nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 26/04/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo