backup og meta

Bé sợ tiêm: Nên, không nên làm gì? Bí kíp để bé vượt qua nỗi sợ kim tiêm

Bé sợ tiêm: Nên, không nên làm gì? Bí kíp để bé vượt qua nỗi sợ kim tiêm

Chủng ngừa là điều vô cùng quan trọng đối với mọi người, đặc biệt là trẻ em, giúp các bé có thể phòng chống nhiều bệnh nhiễm trùng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, phần lớn trẻ em đều có nỗi sợ kim tiêm. Vậy, cha mẹ nên làm gì để giúp trẻ vượt qua nỗi sợ tiêm chủng?

Những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ giải đáp cho bạn những điều nên và không nên làm để giúp bé không còn sợ tiêm.

Bé sợ tiêm, cha mẹ nên làm gì?

1. Hãy thành thật và giải thích

Nếu trẻ sợ tiêm, bạn nên nói thật với các bé rằng mặc dù việc chủng ngừa có thể gây đau, nhưng nó chỉ diễn ra trong chưa đầy 1 phút. Bên cạnh đó, bạn cũng nên giải thích với trẻ về công dụng của vắc xin. Đối với trẻ nhỏ, hãy cho bé biết rằng vắc xin giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật và giữ cho bé khỏe mạnh. Đối với những đứa trẻ lớn, cha mẹ có thể nói vắc xin giúp xây dựng khả năng miễn dịch để chống lại các bệnh nhiễm trùng có hại. Nếu trẻ đã từng bị té do chơi đùa, hãy so sánh cơn đau vắc xin với cơn đau do vấp ngã và giải thích rằng chủng ngừa ít đau hơn thế.

Ngoài ra, bạn cũng nên báo trước cho bé sợ tiêm về thời điểm cần phải đi chích ngừa, có thể là trước một vài phút hoặc một vài ngày nếu con bạn có xu hướng thích biết trước mọi điều sớm. Tuy nhiên, đừng nên cho trẻ biết trước quá lâu, vì có thể khiến bé lo lắng cả tuần (hoặc hơn thế) và gây căng thẳng cho đến ngày con đi tiêm chủng.

2. Bé sợ tiêm, cha mẹ nên lắng nghe và thấu hiểu

Nếu trẻ sợ tiêm mà cha mẹ nói rằng “Đừng lo lắng” hay “Đó không phải là vấn đề lớn” thì sẽ khiến bé cảm thấy không được thấu hiểu. Điều này khiến sự lo lắng trở nên tồi tệ hơn. Điều bạn nên làm là lắng nghe trẻ nói, đồng cảm với bé. Bạn có thể nói với trẻ rằng “Cha/mẹ biết việc tiêm phòng chả có gì thú vị và đôi khi hơi gây đau. Vì vậy, hôm nay, cha/mẹ đã chuẩn bị mọi thứ để con cảm thấy thoải mái hơn”. Hành động này có thể giúp trẻ cảm nhận được rằng bạn đang lắng nghe và luôn ở đó vì bé. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, điều này khác hoàn toàn với việc nuông chiều và cổ xúy cho việc bé quấy khóc để chống đối việc tiêm chủng. 

3. Giữ bình tĩnh

Một trong những cách để bé không sợ kim tiêm là cha mẹ cần giữ bình tĩnh. Việc phụ huynh lo lắng, bồn chồn sẽ càng khiến các bé sợ tiêm hơn. Nếu cha mẹ tỏ ra bồn chồn hoặc không thoải mái, những cảm giác đó có thể truyền sang trẻ. Việc truyền năng lượng và thái độ tích cực cho con là điều mà bạn nên làm.

4. Bé sợ tiêm, hãy “thực hành” trước bằng trò chơi bác sĩ

Bé sợ tiêm, hãy “thực hành

Nếu trẻ nhỏ mắc hội chứng sợ kim tiêm, cha mẹ có thể cho bé chơi với bộ dụng cụ y tế đồ chơi ở nhà, giúp trẻ làm quen với các vật dụng mà bác sĩ thường dùng. Cha mẹ và trẻ nhỏ có thể chơi trò chơi nhập vai và thay phiên nhau làm bác sĩ và bệnh nhân. Đây là một cách dẫn dắt tốt để giúp bé cảm thấy tự tin hơn khi tiêm vắc xin. Bạn cũng có thể dùng bút bi bấm làm kim tiêm và mô phỏng toàn bộ quy trình tiêm phòng để bé làm quen trước.

5. Sử dụng đường

Nếu trẻ sợ tiêm, một trong những mẹo hữu hiệu giúp bé vượt qua nỗi sợ kim tiêm là sử dụng đường. Cho bé uống một ít nước đường trước khi tiêm hoặc bôi một ít nước đường vào núm vú giả và cho trẻ ngậm cũng là một cách tốt. Nghiên cứu cho thấy, vị ngọt có thể giải phóng các chất hóa học giảm đau tự nhiên trong não ngay trước khi tiêm. Để pha nước đường, hãy đun sôi nước trong 2 phút, sau đó pha 10ml nước với 1 thìa cà phê đường.

Đối với trẻ còn đang bú mẹ, hãy cho trẻ bú sữa mẹ trước khi tiêm. Vị ngọt trong sữa mẹ có thể giúp ích cho trẻ sợ tiêm. 

6. Bé sợ tiêm phải làm sao? Mang theo vật dụng yêu thích của trẻ

Với trẻ sợ tiêm, bạn có thể mang những vật dụng mà bé yêu thích ở nhà đến chỗ tiêm. Đối với trẻ mới biết đi, đó có thể là một con gấu bông để ôm hoặc một cuốn sách ảnh để xem khi đang đi tiêm. Đối với trẻ em trong độ tuổi đi học, đó có thể là điện thoại để chơi trò chơi hoặc xem video.

Bé sợ tiêm nên mang theo vật dụng yêu thích của trẻ

7. Làm cho bé thoải mái

Tạo cho bé cảm giác thoải mái cũng là cách để con hết sợ kim tiêm. Đối với trẻ nhỏ, bạn có thể ôm bé vào lòng trong quá trình tiêm để bé cảm thấy được an ủi. Sự tiếp xúc, vỗ về của cha mẹ và vị trí an toàn, thoải mái có thể thay đổi cách cơ thể xử lý các tín hiệu đau. Đối với trẻ lớn, bạn cũng có thể làm thế nếu bé thích hoặc đơn giản là nắm tay trẻ để bé an tâm hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể “nhắn nhủ” với bác sĩ tiêm phòng trước rằng trẻ sợ đau, sợ kim tiêm nên hãy kiên nhẫn và nhẹ nhàng với bé.

8. Đánh lạc hướng trẻ sợ tiêm

Trẻ sợ tiêm, vậy cần làm sao để hết sợ kim tiêm? Hãy thu hút sự chú ý của trẻ và làm cho bé mất tập trung. Việc cho trẻ xem hoạt hình, chơi trò chơi trên điện thoại thông minh có thể giúp bé thoát khỏi cảm giác lo lắng và đau đớn. Đối với trẻ vừa bắt đầu học đếm, bạn cũng có thể đánh lạc hướng bé bằng cách đếm, chơi trò chơi hoặc hát… Một vài ý tưởng khác bao gồm kể chuyện, đọc sách, hát một bài hát và xem video hài hước, bạn có thể lựa chọn những điều trẻ thích. Ngoài ra, bác sĩ tiêm phòng cũng có thể đánh lạc hướng trẻ bằng các phương pháp riêng, như vừa trò chuyện, chơi đùa với trẻ vừa tiêm vắc xin mà trẻ không hề hay biết. 

9. Hướng dẫn trẻ hít thở sâu

Nếu con bạn sợ tiêm, hãy tập cho trẻ hít vào thật sâu bằng mũi và thở ra bằng miệng từ từ, nhẹ nhàng. Việc hít thở sâu 3-5 lần có thể giúp bé thư giãn hơn, giúp làm chậm nhịp thở của bé và làm cho bé mất tập trung vào việc tiêm chủng.

10. Bí kíp để trẻ không còn sợ tiêm: Áp dụng thủ thuật ho

Thủ thuật ho cũng được chứng minh là làm giảm nhận thức của trẻ về cơn đau khi chủng ngừa thông thường. Nghiên cứu cho thấy, trẻ em từ 4 đến 11 tuổi ho vừa phải một lần trước khi tiêm và một lần trong khi tiêm cảm thấy cơn đau giảm đi trong khi chích.

11. Thử phương pháp “nặn”

Trước khi trẻ được tiêm phòng, hãy để bé siết chặt hai bàn tay vào nhau hoặc bóp chặt một quả bóng tennis. Hãy hướng dẫn trẻ bóp và giữ trong 5 giây, sau đó thả ra, rồi lặp lại động tác này từ 3-5 lần. Điều này giúp bé điều chỉnh nhịp thở và phân tâm. Nếu cách này có hiệu quả, bạn cũng có thể thử nắn/chụp nhẹ và thả các bộ phận khác của cơ thể bé, từ mặt đến chân, để thu hút sự chú ý của bé theo chuyển động của tay bạn, từ đó giúp trẻ quên đi việc chủng ngừa.

12. Cách ly

Nỗi sợ kim tiêm có thể “lây lan’ khá nhanh giữa các bé. Vì vậy, nếu trong phòng tiêm có bé nào đang có dấu hiệu sợ hãi, bạn nên đưa con ra ngoài tránh mặt bé đó để không ảnh hưởng tâm lý con bạn. Những trẻ lo sợ việc tiêm phòng nên được trấn an tâm lý và theo dõi riêng.

13. Bé sợ tiêm nên làm gì? Khen trẻ và chuẩn bị sẵn phần thưởng

Sau khi bé chủng ngừa xong, bạn hãy dành cho trẻ sợ tiêm những lời khen ngợi. Đồng thời, bạn cũng có thể tặng bé một món quà mà trẻ thích như một cuốn truyện tranh hoặc dẫn trẻ đi ăn món bé thích để ăn mừng. Hãy giúp con bạn tạo ra một ký ức tích cực liên quan đến việc chủng ngừa và cho trẻ biết rằng bạn cảm thấy tự hào vì trẻ đã làm được một điều thực sự tốt cho cộng đồng bằng cách giữ an toàn cho bản thân và giúp người khác được an toàn.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Trẻ sợ kim tiêm, phụ huynh nên tránh những gì?

1. Tránh nói dối

Điều tối kỵ là nói dối với trẻ nhỏ. Đối với các bé, cha mẹ là niềm tin và hy vọng. Nếu bạn nói dối rằng việc tiêm vắc xin sẽ không đau, điều này có thể khiến bé buồn và ảnh hưởng đến sự tin tưởng của trẻ dành cho bạn. Vì vậy, hãy nói với trẻ sự thật, rằng chủng ngừa có thể đau, nhưng đau ít và rất nhanh sẽ hết.

2. Không nên dùng từ ngữ đáng sợ

Việc cha mẹ sử dụng những từ ngữ “thô bạo” như “tiêm”, “chích”, “đau”… có thể làm trầm trọng thêm nỗi sợ kim tiêm của trẻ. Thay vào đó, hãy thử những từ trung lập hơn, như “vắc xin”, “chủng ngừa”… Hãy thay đổi cách nói thành tích cực hơn, chẳng hạn như “Chúng ta cùng đến gặp bác sĩ và chủng ngừa để giúp con khỏe mạnh” thay vì “Chúng ta phải đến gặp bác sĩ và tiêm phòng.’

3. Đừng đe dọa, la mắng trẻ

Ngay cả khi trẻ la hét hay quấy khóc, đừng la mắng, chỉ trích hay đe dọa trẻ. Hãy để bé được quyền sợ tiêm phòng và trấn an con rằng bạn luôn luôn ở đó cùng trẻ, mọi chuyện sẽ kết thúc nhanh thôi.

4. Đừng nói lời xin lỗi

Lời xin lỗi được thốt ra khi ai đó làm điều gì sai. Việc chủng ngừa hoàn toàn không sai và việc quan tâm đến sức khỏe của trẻ không có gì là sai trái. Vì vậy, đừng nói lời xin lỗi với bé về việc tiêm phòng, vì nếu không, điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy việc tiêm vắc xin là hành động sai trái.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được những điều nên và không nên làm để giúp bé không còn sợ tiêm.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Helping Your Child Get Over Shot Anxiety https://health.clevelandclinic.org/help-my-child-is-petrified-of-shots/ Ngày truy cập: 12/04/2022

Taking Fear and Pain Out of Needles—for Your Child and You https://www.healthychildren.org/English/safety-prevention/immunizations/Pages/Managing-Your-Childs-Pain-While-Getting-a-Shot.aspx Ngày truy cập: 12/04/2022

7 Tips to Help Your Child Overcome a Fear of Shots https://www.childrenscolorado.org/conditions-and-advice/parenting/parenting-articles/fear-of-shots/#:~:text=Focus%20on%20health%3A%20Remind%20your,lie%20down%20for%20the%20shot Ngày truy cập: 12/04/2022

Help kids overcome a fear of needles https://www.todaysparent.com/kids/kids-health/how-to-help-kids-overcome-the-fear-of-needles/ Ngày truy cập: 12/04/2022

Here’s how parents can ease their kid’s fear of shots. Rule No. 1: Be honest https://www.usatoday.com/story/life/parenting/2019/09/06/how-help-kids-get-over-their-fear-needles-trypanophobia-make-shots-not-hurt/2219841001/ Ngày truy cập: 12/04/2022

9 expert tips to help your child overcome their fear of shots https://www.usatoday.com/story/life/reviewed/2021/11/17/expert-tips-calm-child-afraid-of-shots/8653525002/ Ngày truy cập: 12/04/2022

Phiên bản hiện tại

21/04/2022

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Linh Nguyễn


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 21/04/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo