backup og meta

Hẹp động mạch cảnh

Hẹp động mạch cảnh

Hẹp động mạch cảnh hay còn gọi là bệnh động mạch cảnh là bệnh lý có thể dẫn đến đột quỵ nếu không điều trị. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể hơn về căn bệnh nguy hiểm này nhé!

Tìm hiểu chung

Hẹp động mạch cảnh là bệnh gì?

Hẹp động mạch cảnh là tình trạng xảy ra khi động mạch cảnh, động mạch lớn ở hai bên cổ, bị tắc nghẽn. Mỗi người có 2 động mạch cảnh, mỗi động mạch ở mỗi bên cổ. Đây là những động mạch lớn mang máu từ tim đến não, vùng mặt và đầu cổ.

Bạn có thể bị hẹp động mạch cảnh ở một trong hai động mạch ở cổ hoặc cả hai. Tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian nếu không được điều trị, khiến cho lưu lượng máu đến não bị tắc nghẽn và giảm đi, dẫn đến đột quỵ với các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hẹp động mạch cảnh

triệu chứng hẹp động mạch cảnh

Hầu hết người bị hẹp động mạch cảnh thường không có triệu chứng nào cho đến khi mức độ hẹp của động mạch trở nên nghiêm trọng và dẫn đến đột quỵ. Ở một số người thì có thể xuất hiện triệu chứng của cơn đột quỵ nhẹ hay cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA). Những cơn đột quỵ nhẹ này thường kéo dài ít hơn 10 phút, xảy ra khi một khu vực trên não bị thiếu nguồn cung cấp máu trong một khoảng thời gian ngắn và tự hồi phục nhanh chóng.

Các triệu chứng của cơn đột quỵ nhẹ phụ thuộc vào những động mạch não nào đã bị ảnh hưởng, trong đó các triệu chứng thường thấy bao gồm:

  • Một bên mặt rũ xuống
  • Mất cảm giác ở một bên cơ thể
  • Mất sức mạnh cơ bắp và yếu ở một bên cơ thể
  • Nói lắp hoặc không thể nói chuyện
  • Mất thị lực ở một mắt với cảm giác bóng tối bao phủ tầm nhìn
  • Chóng mặt đột ngột hoặc mất thăng bằng
  • Nhức đầu đột ngột, dữ dội mà không rõ nguyên nhân.

Tuy nhiên, nếu bị hẹp động mạch cảnh không gây đột quỵ, bạn vẫn có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào nêu trên.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Hãy gọi cấp cứu khẩn cấp nếu bất kỳ triệu chứng nào của một cơn đột quỵ vừa mới xuất hiện. Ngay cả khi chúng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn và sau đó bạn cảm thấy ổn, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Bạn có thể đã có một TIA. TIA khiến bạn có nguy cơ bị đột quỵ trong tương lai tăng lên rất nhiều lần.

Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh động mạch cảnh ngay cả khi không có triệu chứng, ví dụ có đồng mắc đái tháo đường, tăng huyết áp hay rối loạn lipid máu. Đồng thời, việc gặp bác sĩ sớm sẽ giúp tăng cơ hội phát hiện bệnh động mạch cảnh và được điều trị trước khi biến cố thực sự xảy ra.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra hẹp động mạch cảnh là gì?

nguyên nhân hẹp động mạch cảnh

Nguyên nhân chính gây ra hẹp động mạch cảnh thường là do sự tích tụ của các lớp chất béo được gọi là các mảng bám. Khi mảng bám chặn dòng máu chảy bình thường qua động mạch cảnh, bạn sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn. Mảng bám tích tụ được gọi là xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch có thể xảy ra trên thành mạch bất cứ vị trí nào. Nếu tại động mạch cảnh, bệnh lý động mạch cảnh xảy ra và biến cố đột quỵ có thể mắc phải bất cứ lúc nào.

Những ai thường mắc phải hẹp động mạch cảnh?

Tỷ lệ hẹp động mạch cảnh trong dân số nói chung được ước tính là cao tới 5%. Theo Hiệp hội Đột quỵ Mỹ, đột quỵ đứng thứ 5 trong danh sách các bệnh lý gây tử vong. Hẹp động mạch cảnh là điều thường xảy ra theo thời gian và khi bạn lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh này cũng như đột quỵ tăng lên.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hẹp động mạch cảnh?

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hẹp động mạch cảnh bao gồm:

  • Tuổi tác
  • Hút thuốc lá
  • Huyết áp cao
  • Cholesterol cao
  • Chế độ ăn với nhiều chất béo bão hòa
  • Kháng insulin
  • Tiểu đường
  • Béo phì
  • Ngưng thở khi ngủ
  • Có lối sống ít hoạt động
  • Gia đình có tiền sử bị chứng xơ vữa động mạch, chứng hẹp động mạch vành hoặc động mạch chủ.

Biến chứng

Hẹp động mạch cảnh có nguy hiểm không?

Bệnh động mạch cảnh gây ra khoảng 10% đến 15% các ca đột quỵ. Đột quỵ là một trường hợp cấp cứu y tế có thể gây tổn thương não, yếu cơ và có thể tử vong.

Bệnh động mạch cảnh có thể dẫn đến đột quỵ thông qua:

  • Giảm lưu lượng máu. Động mạch cảnh có thể bị hẹp do xơ vữa động mạch đến mức không đủ máu đến các bộ phận của não.
  • Vỡ mảng bám. Một mảnh mảng bám có thể vỡ ra và di chuyển đến các động mạch nhỏ hơn trong não. Mảnh mảng bám có thể bị kẹt ở vị trí này. Sự tắc nghẽn do thuyên tắc sẽ cắt nguồn cung cấp máu cho một phần của não.
  • Cục máu đông tắc nghẽn. Một số mảng xơ vữa dễ bị nứt vỡ và hình thành các bề mặt không đều trên thành động mạch. Cơ thể sẽ phản ứng lại như một chấn thương thành mạch, huy động tập trung các tế bào máu giúp thúc đẩy quá trình đông máu đến khu vực này. Kết quả có thể là hình thành một cục máu đông lớn ngăn chặn hoặc làm chậm lưu lượng máu đến não, gây ra đột quỵ.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hẹp động mạch cảnh?

Hẹp động mạch cảnh thường chỉ được chẩn đoán sau khi bạn đã trải qua các triệu chứng đột quỵ. Bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ lưỡng xem có bất kỳ vị trí tắc nghẽn mạch máu ngoài sọ nào hay không, điều này có thể giúp phát hiện ra chứng hẹp động mạch cảnh. Tình trạng này cũng có thể được chẩn đoán sau khi bác sĩ nghe thấy một âm thanh bất thường (âm thổi) khi kiểm tra cổ bằng ống nghe.

Các xét nghiệm khác giúp chẩn đoán vị trí và mức độ tắc nghẽn trong động mạch cảnh bao gồm:

  • Siêu âm để xem máu chảy qua động mạch như thế nào và tìm bất kỳ nơi nào mà động mạch có thể bị tắc hoặc hẹp
  • Chụp cắt lớp vi tính mạch máu (CTA) để xem động mạch cảnh và chi tiết phân nhánh
  • Chụp động mạch não
  • Chụp mạch cộng hưởng từ (MRA).

Trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ sẽ xem xét liệu bạn có mắc bệnh lý này hay không, kích thước và vị trí bị tắc nghẽn. Hẹp động mạch cảnh thường được chia thành ba mức độ: nhẹ, trung bình và nặng.

  • Tắc nghẽn nhẹ là tắc nghẽn dưới 50%, ít hơn một nửa đường kính lòng động mạch tại chỗ
  • Tắc nghẽn vừa phải là từ 50% đến 79%
  • Tắc nghẽn nặng là phần lớn động mạch bị tắc từ 80% đến 99%.

Những phương pháp nào dùng để điều trị hẹp động mạch cảnh?

điều trị hẹp động mạch cảnh

Cách điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ hẹp của động mạch cảnh và các triệu chứng xảy ra. Các phương pháp điều trị có thể chia làm hai nhóm điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật.

Các phương pháp điều trị nội khoa bao gồm:

  • Ngừng hút thuốc, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục
  • Sử dụng aspirin liều thấp (81 hoặc 325 ml hàng ngày) có thể phòng ngừa biến cố thuyên tắc trong các trường hợp hẹp động mach cảnh nhẹ, chưa xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng.

Nếu mức độ hẹp động mạch từ 70-99% và đã xuất hiện các triệu chứng đột quỵ nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện phẫu thuật. Có 2 loại phẫu thuật bao gồm:

  • Cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh (CEA). Đây là phẫu thuật để loại bỏ mảng bám và cục máu đông từ động mạch cảnh. Phẫu thuật nội soi có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ ở những người có triệu chứng và mức độ hẹp từ 70% trở lên.
  • Nong động mạch cảnh bằng cách đặt stent (CAS). Đây là một lựa chọn cho những người không thể phẫu thuật cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh. Bác sĩ sẽ sử dụng một ống rỗng rất nhỏ hoặc ống thông để luồn qua một mạch máu ở bẹn đến các động mạch cảnh. Sau khi đặt ống thông, một quả bóng được bơm căng để mở rộng lòng động mạch và đặt ống đỡ động mạch. Stent là một khung lưới kim loại mỏng được sử dụng để giữ lòng động mạch luôn mở rộng hơn.

Hẹp động mạch cảnh có thể gây nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị nhanh chóng. Tình trạng này có thể gây ra biến cố đột quỵ, dẫn đến tử vong hoặc tàn tật. Điều quan trọng là phải nhận biết sớm các dấu hiệu của đột quỵ và hành động nhanh chóng nếu bạn nhận ra những dấu hiệu này ở chính mình hoặc người khác. Điều trị nhanh chứng hẹp động mạch cảnh có thể cứu sống bệnh nhân. Khi được chỉ định, kết quả phẫu thuật và đặt stent rất tốt. Hầu hết mọi người hồi phục rất nhanh chỉ sau một đêm nằm viện.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa bệnh hẹp động mạch cảnh?

Khi bạn già đi, nguy cơ tiến triển của bệnh hẹp động mạch cảnh sẽ ngày càng tăng lên. Điều bạn có thể làm để ngăn ngừa tình trạng này và biến chứng như đột quỵ là duy trì lối sống lành mạnh càng sớm càng tốt, bao gồm:

  • Dùng khẩu phần ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng với nhiều trái cây, rau và các loại hạt
  • Hạn chế chất béo và muối, ăn ít hoặc không ăn các thực phẩm chế biến sẵn
  • Tập thể dục đều đặn
  • Không hút thuốc lá
  • Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc bỏ thuốc trong toa được kê
  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất. Việc phòng ngừa bệnh lý động mạch cảnh cũng như kiểm soát tốt các nguy cơ tim mạch khác là một trong những cách bảo vệ sức khỏe toàn diện, vừa kéo dài tuổi thọ và vừa nâng cao chất lượng cuộc sống.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ferri, Fred. Ferri’s Netter Patient Advisor. Philadelphia, PA: Saunders / Elsevier, 2012. Bản tải về

Carotid Artery Disease (Carotid Artery Stenosis). https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16845-carotid-artery-disease-carotid-artery-stenosis. Ngày truy cập: 19/06/2023

Carotid artery disease. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/carotid-artery-disease/symptoms-causes/syc-20360519. Ngày truy cập: 19/06/2023

Carotid Artery Stenosis. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK442025/. Ngày truy cập: 19/06/2023

Carotid Artery Stenosis. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/carotid-artery-disease. Ngày truy cập: 19/06/2023

Carotid Stenosis. https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions/c/carotid-stenosis.html. Ngày truy cập: 19/06/2023

Carotid Artery Stenosis. https://www.radiologyinfo.org/en/info/carotidstenosis. Ngày truy cập: 19/06/2023

Carotid Endarterectomy and Stenosis. https://www.aans.org/en/Patients/Neurosurgical-Conditions-and-Treatments/Carotid-Endarterectomy-and-Stenosis. Ngày truy cập: 19/06/2023

Carotid Artery Disease. https://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/patient-information/conditions-treated-a-to-z/carotid-artery-disease. Ngày truy cập: 19/06/2023

Phiên bản hiện tại

26/06/2023

Tác giả: Giang Lê

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Hẹp động mạch thận

Giải đáp thắc mắc người ghép tim sống được bao lâu?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 26/06/2023

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo